Báo Đồng Nai điện tử
En

Thương lắm những chuyến đò

10:11, 18/11/2016

Hơn hai mươi năm gắn bó với phấn trắng bảng đen, bao nhiêu lớp, hàng ngàn học trò đã được tôi đưa trên những con đò tri thức.

Hơn hai mươi năm gắn bó với phấn trắng bảng đen, bao nhiêu lớp, hàng ngàn học trò đã được tôi đưa trên những con đò tri thức. Có em tôi còn nhớ, có em quên và mỗi năm đến ngày nhà giáo, tôi lại nhớ những chuyến đò mình đã miệt mài đưa sang sông.

Nhớ năm nào ở đất miền Tây sông nước, tôi khoác ba lô về với học trò miền đất cuối Cà Mau vào một chiều mưa xối xả. Học trò quê đón tôi lòng đầy ắp niềm vui. Học trò quê nghèo thấy thầy cô về là háo hức vì có biết bao người đến rồi đi, học trò thiếu thầy cô. Những chiều mưa buồn ngồi trên hiên trường nhìn mưa rơi trên xanh rì tán đước nghe lao xao nỗi niềm. Tôi thấy thương học trò của mình quá đỗi. Thương những đôi chân bấm bùn những chiều tan học trời bất chợt mưa. Thương học trò chèo xuồng đến lớp sóng đánh làm ướt hết sách vở, áo quần. Và thương các em ngồi học dưới mái trường làm bằng dừa nước nhìn thấy cả bầu trời mưa đang rơi. Vậy đó, nhưng các em cứ vẫn hăm hở đi tìm con chữ cho tương lai tươi sáng. Lớp học trò trung học đầu tiên ấy giờ nhiều em đã thành danh, nhiều em là đồng nghiệp, tôi giờ gặp lại vẫn “dạ, thưa” như ngày nào chân dính bùn đến lớp…

Tôi đến với học trò một ngôi trường của Biên Hòa vào những năm đầu chín mươi. Thầy giáo quê ngỡ ngàng trước học trò thành phố. Bỡ ngỡ rồi cũng qua đi. Tôi quen dần với trường lớp phố thị, học trò thành phố. Những học trò ngày nào giờ bay khắp mọi phương trời, mỗi lần về lại Biên Hòa cứ đòi bằng được phải gặp thầy. Các em biết cuộc sống mưu sinh, công việc khiến thầy còn rất ít thời gian. Một vài tiếng gặp nhau thôi cũng đủ tình thân thầy trò thêm thắm thiết.   

Mười năm tròn gắn bó với lớp học ban đêm, tôi thương học trò mình vô cùng. Màu áo công nhân trong lớp học là hình ảnh cứ đeo bám mãi trong tôi. Tội nghiệp các em làm sao khi mỗi ngày sau giờ tan ca lại vội vàng đến trường kiếm tìm con chữ. Sau những mệt nhọc nơi xưởng máy, lại nhọc nhằn với những công thức toán, lý, hóa, với những bài thơ, bài văn… Đồng lương công nhân ít ỏi, chẳng thấm vào đâu so với cuộc sống nơi thành phố công nghiệp này mà các em vẫn tằn tiện cho sách vở, bút mực mong có một cuộc sống tương lai tốt đẹp hơn.

Ôi, tôi thương lắm những chuyến đò tôi đưa…

Hòa Hiệp

 

 

Tin xem nhiều