Báo Đồng Nai điện tử
En

Nơi mài giũa những tài năng nghệ thuật

10:11, 18/11/2016

Ngày 20-11, Trường trung cấp văn hóa - nghệ thuật Đồng Nai sẽ tổ chức lễ kỷ niệm 40 năm thành lập trường (1976 -2016).

Ngày 20-11, Trường trung cấp văn hóa - nghệ thuật Đồng Nai sẽ tổ chức lễ kỷ niệm 40 năm thành lập trường (1976 -2016). 40 năm kể từ ngày thành lập và phát triển, Trường nghiệp vụ văn hóa - thông tin Đồng Nai (nay là Trường trung cấp văn hóa - nghệ thuật Đồng Nai) đã phát hiện, mài giũa cũng như tạo điều kiện cho hàng ngàn học viên với nhiều lứa tuổi, thành phần dân tộc theo đuổi con đường nghệ thuật.

Dàn nhạc hòa tấu của Trường trung cấp văn hóa - nghệ thuật Đồng Nai trong một lần biểu diễn.
Dàn nhạc hòa tấu của Trường trung cấp văn hóa - nghệ thuật Đồng Nai trong một lần biểu diễn.

Trong đó, có không ít người thành danh với những danh hiệu cao quý, được khán giả yêu mến.

Ngôi trường với nhiều điều “độc, lạ”

Một thầy - một trò trong phòng học. Đây là điều khác biệt đầu tiên của Trường trung cấp văn hóa - nghệ thuật Đồng Nai so với những trường đại học, cao đẳng, trung cấp khác trong tỉnh. “Bởi với đặc điểm phải trực tiếp “cầm tay chỉ việc” từng động tác múa, lắng nghe mỗi nốt nhạc mà học sinh đánh lên, nghe khoảnh khắc phát âm của mỗi em... nên dù có muốn dạy cùng lúc nhiều học sinh, chúng tôi cũng không làm được” - thầy Nguyễn Ngọc Dũng, Phó hiệu trưởng phụ trách Trường trung cấp văn hóa - nghệ thuật Đồng Nai, chia sẻ về đặc điểm của trường.

Ngoài ra, do mỗi học sinh của trường còn phải học văn hóa bên cạnh học nghệ thuật nên dù hiện chỉ có 257 học sinh với 4 khoa là: âm nhạc dân tộc, âm nhạc phương Tây, thanh nhạc và múa, nghiệp vụ văn hóa, song tất cả 40 cán bộ, giáo viên luôn có mặt suốt ngày đêm tại trường. Phó trưởng khoa Âm nhạc truyền thống Lê Thị Thanh Hương, người đã có 26 năm gắn bó với Trường trung cấp văn hóa - nghệ thuật Đồng Nai, cho hay: “Bộ môn đàn tranh của tôi có 10 học sinh. Tôi sắp xếp mỗi học sinh học một giờ riêng biệt, nhưng giờ giấc phụ thuộc hoàn toàn vào thời khóa biểu học văn hóa của các em. Hễ thời khóa biểu học văn hóa của các em thay đổi là tôi phải đổi lịch dạy ngay. Chắc chẳng có môi trường đào tạo nào mà giờ giảng dạy của giáo viên lại phụ thuộc hoàn toàn vào học sinh như ở đây”.

Cô Lê Thị Thanh Hương, Phó trưởng khoa Âm nhạc truyền thống (trái), hướng dẫn học sinh tập đàn tranh.
Cô Lê Thị Thanh Hương, Phó trưởng khoa Âm nhạc truyền thống (trái), hướng dẫn học sinh tập đàn tranh.

Phần giáo viên đã vất vả mà về phía học sinh có thể nói là gian nan hơn rất nhiều. Em Lâm Thị Ngọc (dân tộc Nùng, theo học lớp đàn T’rưng Khoa Âm nhạc truyền thống), cho biết một ngày 2 buổi sáng, chiều em phải học văn hóa. Đến tối thì lên phòng dạy đàn của Trường trung cấp văn hóa - nghệ thuật Đồng Nai để được cô giảng dạy nghệ thuật. Tính ra một ngày bình quân học sinh ở đây phải dành ra đến trên 12 tiếng để học nhiều môn khác nhau, đó là chưa kể thời gian ôn bài tại nơi ở.

Đặc biệt hơn, học sinh của ngôi trường nghệ thuật này còn phải rời xa vòng tay của gia đình từ rất sớm để hòa nhập vào môi trường sống tập thể ở ký túc xá. Nếu là học sinh vừa hoàn thành chương trình lớp 5 lên lớp 6 thì thời gian học là 6 năm; còn học sinh nào học hết bậc THCS thì cũng phải 4 năm mới ra trường, như trường hợp của Bùi Khánh Trang (22 tuổi, dân tộc Mường, ngụ xã Phú Túc, huyện Định Quán). Để theo đuổi niềm đam mê nghệ thuật âm nhạc dân tộc, từ năm 12 tuổi Khánh Trang đã rời gia đình để theo học Khoa Âm nhạc dân tộc Trường trung cấp văn hóa - nghệ thuật Đồng Nai.

Mong mỏi của thầy và trò

Nhà giáo ưu tú Nguyễn Văn Vy, nguyên Hiệu trường Trường trung cấp văn hóa - nghệ thuật Đồng Nai, chia sẻ: “Đã 40 năm rồi kể từ sau ngày thành lập (1976-2016) với nhiều tên gọi khác nhau, như: Trường nghiệp vụ văn hóa - thông tin Đồng Nai rồi Trường trung học văn hóa - nghệ thuật Đồng Nai và nay là Trường trung cấp văn hóa - nghệ thuật Đồng Nai, trường vẫn chưa được nâng cấp lên hệ đào tạo cao hơn mà vẫn là trung cấp. Đây là điều trăn trở lớn đối với bản thân tôi, bởi với những gì đã làm được trong công tác đào tạo con người phục vụ cho hoạt động nghệ thuật của xã hội, nhà trường hoàn toàn xứng đáng được nâng cấp lên một tầm cao hơn”.

Tiết mục hòa tấu kèn đồng Hắc Long Giang do dàn nhạc kèn của Trường trung cấp văn hóa - nghệ thuật Đồng Nai biểu diễn.
Tiết mục hòa tấu kèn đồng Hắc Long Giang do dàn nhạc kèn của Trường trung cấp văn hóa - nghệ thuật Đồng Nai biểu diễn.

Còn thầy Nguyễn Ngọc Dũng, Phó hiệu trưởng phụ trách Trường trung cấp văn hóa - nghệ thuật Đồng Nai, cho biết thêm, trường chuyển về địa chỉ hiện nay đã 16 năm. Phòng ốc, trang thiết bị dạy và học đã cũ theo năm tháng, song nhà trường vẫn cố gắng bảo quản kỹ để sử dụng nhưng cũng chỉ là chắp vá tạm thời. Cũng vì cơ sở vật chất mà nguyện vọng nâng cấp trường lên hệ cao đẳng vẫn chưa thực hiện được. Đây là điều vượt quá tầm tay của nhà trường và chỉ mong tỉnh sớm tạo điều kiện cho trường nâng cấp cơ sở để đáp ứng được nhu cầu thực tế hiện nay.

Riêng cô Lê Thị Thanh Hương, Phó trưởng khoa Âm nhạc truyền thống Trường trung cấp văn hóa - nghệ thuật Đồng Nai, thì chia sẻ chính vì đặc điểm một thầy dạy một trò nên số tiết dạy rất cao, nhưng quy định hiện nay là mỗi giáo viên không dạy quá 200 giờ/năm. Với số lượng giáo viên hiện nay thì không thể làm đúng theo quy định, vì chắc chắn số giờ dạy sẽ cao hơn rất nhiều. Còn nếu như thuê giáo viên từ nơi khác, mà chủ yếu là từ TP.Hồ Chí Minh xuống thì với mức giá 60 ngàn đồng/giờ dạy, thú thật là chẳng có ai vượt hơn 70km đi và về để nhận số tiền này. Vì vậy giáo viên của trường rất mong sẽ có cơ chế để tháo gỡ khúc mắc này nhằm tạo điều kiện cho giáo viên dạy vượt giờ quy định. Có như vậy, nhà trường mới vừa chủ động được thầy cô giáo giảng dạy, vừa tiết kiệm được chi phí mời giáo viên từ nơi khác đến.

Trường trung cấp văn hóa - nghệ thuật Đồng Nai đã đào tạo ra không ít gương mặt nghệ sĩ nổi tiếng cho nghệ thuật cả nước, trong đó có NSƯT Đồng Thị Quế Anh, Phó giám đốc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Đồng Nai, một đào chính nổi tiếng trong các vở cải lương; nghệ sĩ guitar Cao Hồng Hà; ca sĩ Hoài Nam... Hay mới đây nhất có Bùi Thị Khánh Trang và Lâm Thị Ngọc đoạt huy chương vàng cá nhân tại hội thi Giai điệu tuổi hồng do Bộ GD-ĐT phối hợp Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch tổ chức. Riêng Bùi Thị Khánh Trang sau khi hoàn thành chương trình học tại Trường trung cấp văn hóa - nghệ thuật Đồng Nai đã thi đậu vào Nhạc viện TP.Hồ Chí Minh và sau đó tiếp tục theo học cao học tại đây.

Văn Truyên

 

 

 

 

Tin xem nhiều