Báo Đồng Nai điện tử
En

Lai rai chén rượu giang hồ

05:06, 18/06/2016

Tiểu luận này gồm những bài viết của nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Chiến về nhân vật và các khía cạnh khác trong tác phẩm kiếm hiệp Kim Dung: "Kiếm cung ngang dọc, cuối đời/ Cuộc chơi còn lại đôi lời trúc tơ/ Lai rai chén rượu giang hồ!".

Tiểu luận này gồm những bài viết của nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Chiến về nhân vật và các khía cạnh khác trong tác phẩm kiếm hiệp Kim Dung: “Kiếm cung ngang dọc, cuối đời/ Cuộc chơi còn lại đôi lời trúc tơ/ Lai rai chén rượu giang hồ!”.

54 câu chuyện là 54 góc nhìn thú vị và lạ lẫm với người đọc. Ngay từ bìa sách đã toát lên phong cách võ hiệp, một bình rượu cùng với chiếc nón đã đủ để rong rủi khắp giang hồ.

“Tác phẩm của Kim Dung làm cho người đọc say mê không chỉ ở cốt truyện hấp dẫn, nghệ thuật kể chuyện tài hoa, hoặc ở chỗ đưa người đọc đến với một thế giới rộng lớn bao la và thiên nhiên huyền bí, mà còn ở chỗ nó đặt ra những vấn đề trầm trọng cho tư tưởng”. Có mấy ai, sau khi đọc xong tác phẩm của Kim Dung có thể hiểu hết được những gì ông chuyển tải hay cũng chỉ cảm nhận được “một thế giới rộng lớn bao la và một thiên nhiên huyền bí” mà bỏ qua “những vấn đề trầm trọng cho tư tưởng”.

Trong bài Lai rai chén rượu giang hồ, Huỳnh Ngọc Chiến chỉ ra cho người đọc thấy chỉ bằng một chén rượu mà Kim Dung đã gửi gắm sau đó là cả một tư tưởng sâu sắc. Bởi “chung quanh chén rượu và ngay trong chén rượu có biết bao nhiêu tâm sự của muôn vạn mảnh đời”.

“Khách hảo hán giang hồ phiêu bồng lang bạt mang bản chất hào sảng khoáng đạt một phần là nhờ rượu”. Đó là một Tiêu Phong kiêu dũng, một Hồng Thất Công cương trực, một Lệnh Hồ Xung khoáng đạt, một Đan Thanh hào phóng… Nếu chén rượu Lệnh Hồ Xung lãng mạn thì chén rượu của Tiêu Phong lại rất mực hào hùng. Mỗi nhân vật với mỗi cá tính làm nên bản sắc của mình. Họ say sưa nhậu nhẹt, kết thân rồi lại giao đấu, nếu để ý kỹ người đọc sẽ vỡ òa nhận ra được sau mỗi chén rượu ấy là chân tình. Trước hết cứ đối đãi với nhau như hảo huynh đệ, quý mến nhau vì cốt cách tâm hồn rồi sau đó mới tính đến chuyện ân oán.

Tác giả cũng đã thử nhìn thế giới Kim Dung qua lăng kính triết học truyền thống phương Đông cũng như qua triết học hiện sinh. Ẩn chứa sau những chiêu thức võ thuật là các tư tưởng triết học truyền thống phương Đông dưới một khía cạnh mới mẻ. Như Kiếm pháp vô chiêu của Độc Cô Cầu Bại là bức tranh minh họa sinh động về tư tưởng “Nhất dĩ quán chi” của Khổng Tử… “Đọc tiểu thuyết Kim Dung qua lăng kính triết học phương Đông, ta sẽ còn khám phá ra nhiều điều thú vị khác. Không chỉ có võ thuật, rải rác trong tác phẩm của ông, ta còn gặp nhiều trang tuyệt bút bàn về trà, về hoa, về hội họa, về thơ ca, về cờ…”.

Những tư tưởng của Kim Dung còn dàn trải qua những câu chuyện và nhân vật ông xây dựng, là quy luật bù trừ, là sự phụng hiến trong tình yêu… Mỗi nhân vật đều có số phận và câu chuyện của riêng mình nhưng tựu trung lại vẫn có cái gì chung, nhưng một sợi dây liền mạch. Như tác giả viết trong lời tựa: “Đi vào thế giới Kim Dung bằng những suy niệm chân thành, chúng ta sẽ dễ nhận ra mối “nhất dĩ quá” trong hàng chục bộ sách của ông. Nhưng nhân ra ở mức độ nào, hoặc nhận ra được điều gì, thì điều đó còn tùy thuộc vào cơ duyên của từng người”.

Cũng bởi vì vậy, tiểu luận Lai rai chén rượu giang hồ đến với người đọc như một nhịp cầu. Cùng đọc và chiêm nghiệm để thấy được những phân tích của tác giả về thế giới của Kim Dung không chỉ là hư cấu và giải trí, mà đó là một kho tư tưởng khổng lồ. Giữa dòng đời xuôi ngược như hiện nay cần lắm như tư tưởng như vậy. Mượn lời tác giả trong Lai rai chén rượu giang hồ: “Chén rượu ngày nay đã mang quá nhiều tục sắc. Tửu vị cho dẫu đã được nâng lên thêm mấy bậc nhưng tửu đạo lại bị hạ xuống thấp mấy tầng!”.

Giờ đây, hãy cùng ngồi xuống và lai rai chén rượu giang hồ xem bạn có “cơ duyên” nhận ra được những điều mà tác giả Huỳnh Ngọc Chiến đã nhận ra hay không?

Thùy Trang

 

Tin xem nhiều