Báo Đồng Nai điện tử
En

Nỗ lực trong mùa thưa khán giả

05:06, 18/06/2016

TP.Hồ Chí Minh bắt đầu bước vào mùa mưa, mùa "kỵ" của sân khấu kịch. Thế nhưng 2 sân khấu kịch Trịnh Kim Chi và Hoàng Thái Thanh vừa liên tiếp tung ra 2 vở kịch, xét ở khía cạnh nào đó đều chứng tỏ sự nỗ lực của những nghệ sĩ có tâm với nghề.

Đầu tư lớn cho kịch cổ trang

TP.Hồ Chí Minh bắt đầu bước vào mùa mưa, mùa “kỵ” của sân khấu kịch. Thế nhưng 2 sân khấu kịch Trịnh Kim Chi và Hoàng Thái Thanh vừa liên tiếp tung ra 2 vở kịch, xét ở khía cạnh nào đó đều chứng tỏ sự nỗ lực của những nghệ sĩ có tâm với nghề.

* Đầu tư lớn cho kịch cổ trang

Trên trang facebook Sân khấu kịch Trịnh Kim Chi, trang cá nhân của bà bầu Trịnh Kim Chi và các nghệ sĩ tham gia vở diễn gần đây tràn ngập hình ảnh bắt mắt của các ông hoàng, bà chúa với những phục trang lộng lẫy, áo mão rình rang. Poster vở diễn cũng được thiết kế rất chuyên nghiệp, sang trọng. Đó là nỗ lực của các nghệ sĩ để thu hút sự chú ý của công chúng với vở diễn Kỳ án cung tâm kế (tác giả: Hữu Tiến, đạo diễn: NSƯT Trịnh Kim Chi).

Cảnh trong vở Kỳ án cung tâm kế.  Ảnh: Phạm Thiết Mẫn
Cảnh trong vở Kỳ án cung tâm kế. Ảnh: Phạm Thiết Mẫn

Trịnh Kim Chi đã bỏ ra cả trăm triệu đồng để đầu tư về trang phục, cảnh trí, đạo cụ… Về kịch bản, chị đã trao đổi và chỉnh sửa liên tục hơn 2 tháng trời với Hữu Tiến để tìm ra giải pháp ưng ý nhất. Các nghệ sĩ cũng mất khoảng 1 tháng tập cho vở diễn mang thể loại kịch cổ trang mà hiện nay hiếm có sân khấu nào đầu tư.

Vở là câu chuyện xảy ra trong bối cảnh Hoàng thượng (Hữu Tiến) bị một số quan trong triều nhắc nhở đã đến gần ngày vua phải thực hiện di mệnh của Tiên đế: nếu sau 10 năm trị vì mà vua không có con sẽ phải nhường lại ngôi cho Vương Quang là con của Tố Phi (chỉ là một cung tần, gia thế thấp hèn). Thời hạn chỉ còn 2 năm mà 2 ái thiếp của vua là Hoàng hậu (NSƯT Trịnh Kim Chi) và Hảo Phi (NSƯT Tú Sương) đều không có tin vui. Hảo Phi vốn là em ruột, được Hoàng hậu thương đưa vào cung để chị em cùng hưởng phú quý. Tuy nhiên, vì quyền lực, vì tranh giành sự sủng ái của nhà vua mà giữa họ bắt đầu có rạn nứt.

Giữa lúc triều chính rối ren, bất ngờ Tố Phi lăn ra chết sau khi dùng chén cháo yến mà Hoàng hậu sai cung nữ thân tín mang sang. Một vụ án mà thủ phạm dường như đã được nhắm tới, được chỉ rõ, nhưng liệu có đơn giản là một “kỳ án” như thế?

Là sân khấu mới, còn thiếu thốn nhiều bề, diễn viên kỳ cựu cũng không quá nhiều nên để thu hút khán giả bà bầu Trịnh Kim Chi phải nhờ vào yếu tố mới, lạ, mời các nghệ sĩ từ lĩnh vực khác như: Tú Sương (cải lương), Tấn Nhã, Minh Tiến… (truyền hình, điện ảnh). Vì thế đòi hỏi các diễn viên có nội lực xuất sắc như một số diễn viên kịch kỳ cựu mà các sân khấu khác đang sở hữu quả là điều hơi khó. Tuy nhiên, trong điều kiện của mình, các diễn viên đã nỗ lực hết sức. Kỳ án cung tâm kế là món ăn lạ, một nỗ lực để đi tìm khán giả của sân khấu gần như nằm ở rìa thành phố.

* Rau răm ở lại - thắc thẻo nhân tình…

Ngày 10-6, sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh chính thức công diễn vở kịch Rau răm ở lại, được cảm tác từ truyện ngắn Ơi Cải về đâu! của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư (kịch bản và đạo diễn: Thái Kim Tùng, biên tập: Hoàng Thái Thanh).

Câu chuyện về hành trình đi tìm con Cải xót lòng của ông Năm Nhỏ đã được sân khấu kịch thành phố khai thác 4, 5 năm nay. Để trở thành câu chuyện gần như độc lập với một câu chuyện cũ, cả ê-kíp đã có những ngày lao động sáng tạo nghệ thuật vất vả và cật lực để tìm một hướng đi mới.

Rau răm ở lại vẫn là câu chuyện tìm con hơn chục năm trời trong đau đáu, mòn mỏi của ông Năm Nhỏ (NSƯT Thành Hội). Cải (con riêng của bà Năm) vì làm mất trâu nên bỏ nhà đi biền biệt từ lúc mới 8 tuổi. Bao nhiêu thị phi trút lên đầu ông Năm. Thương đứa con không sinh nhưng có công dưỡng từ nhỏ, lại không chịu được sự chì chiết, đay nghiến của vợ mình và xóm làng, ông Năm lang bạt khắp nơi với tấm bảng các-tông ghi chữ “Cải ơi má chờ” lúc nào cũng thường trực trên ngực với hy vọng mong manh sẽ tìm ra Cải.

NSƯT Thành Hội quá xuất sắc khi vào vai ông Năm Nhỏ. Xem Rau răm ở lại, người ta không chỉ dõi theo hành trình tìm con của ông Năm mà còn khám phá chân tình sau vẻ ngoài xù xì, thô ráp của người đàn ông gàn dở mà thiên hạ hay mỉa mai “Ông Khùng”.

Trong bản dựng mới này, thay đổi lớn nhất là có thêm nhân vật bà Năm (Ái Như). Đây có thể xem như nhân vật khởi nguồn câu chuyện và gây bất ngờ đến phút chót.

Trí Trọng

 

 

 

Tin xem nhiều