Báo Đồng Nai điện tử
En

Bí ẩn ngôi mộ gò Y Lăng (Bài cuối)

09:08, 20/08/2015

Từ tư liệu truyền khẩu của dân gian, của dòng họ Nguyễn Hữu cùng một số ghi chép, nghiên cứu khác, có thể khẳng định sau khi mất Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh đã được chôn cất tại Trấn Biên, vùng đất ông đã góp phần định danh trên bản đồ nước Việt.

Từ tư liệu truyền khẩu của dân gian, của dòng họ Nguyễn Hữu cùng một số ghi chép, nghiên cứu khác, có thể khẳng định sau khi mất Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh đã được chôn cất tại Trấn Biên, vùng đất ông đã góp phần định danh trên bản đồ nước Việt.

Mộ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh tại gò Y Lăng, xã Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa.
Mộ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh tại gò Y Lăng, xã Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa.

Theo các bô lão trong Ban quý tế đình Bình Kính, nơi thờ phụng ông suốt hơn 300 năm qua, mộ của Lễ Thành hầu nằm tại gò Y Lăng của Cù lao Phố (xã Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa). Ông Nguyễn Trung Cang, thành viên Ban quý tế, cho biết tương truyền đây là nơi ông đóng quân khi đến Trấn Biên vào năm 1698. Đình Bình Kính trước đây nằm gần bờ sông, đến năm 1923 do khu vực này bị sạt lở nên đình được dời vào phía trong, tọa lạc ở vị trí hiện tại.

* Sinh vi Tướng, tử vi thần

Người dân vùng Cù lao Phố đến nay vẫn còn lưu truyền chuyện kể liên quan ngôi mộ Đức ông. Chuyện kể rằng, thời đó do giao thông, liên lạc còn khó khăn nên tin Lễ Thành hầu qua đời vẫn chưa được truyền về vùng Trấn Biên. Đêm 15-5-1700 (âm lịch), 3 vị bô lão trong làng đều nằm mơ thấy có một vị thần mặc khôi giáp màu vàng, báo mộng rằng hôm sau Đức ông sẽ về đây và ở lại nơi này, hãy ra đón ở ngã ba sông. Sáng 16-5, cả 3 vị bô lão gặp nhau và biết có chung một giấc mơ, lấy làm lạ nên quyết định cùng nhau đến khu vực ngã ba sông (đoạn cầu Rạch Cát hiện nay) để đón. Quả nhiên, gần trưa hôm ấy đoàn thuyền quân đưa linh cữu của Đức ông Nguyễn Hữu Cảnh từ Rạch Gầm (Tiền Giang) về cập bến tại đây.

“Thực ra, ngọc cốt của Đức ông Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh dù đã yên nghỉ ở Cù Lao Phố hay Quảng Bình, thì đâu đâu cũng là quê hương đất nước Việt Nam. Vả chăng, trước tấm lòng tựa bể cả của Đức ông khi xưa, trộm nghĩ với tâm đức ấy, hẳn khi thác Đức ông cũng muốn hình hài mình phải được trải rộng để ôm ấp suốt dải đất Việt Nam mến yêu… Ở đâu cũng là đất thiêng của Tổ quốc”.

Trích Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh với công cuộc khai sáng miền Nam nước Việt cuối thế kỷ thứ XVII của Như Hiên Nguyễn Ngọc Hiền.

Linh cữu Lễ Thành hầu sau đó được đưa về khu vực gò Y Lăng, nơi trước đây Đức ông đặt đại bản doanh khi đến Trấn Biên vào năm 1698. Hay tin Đức ông qua đời, người dân Trấn Biên và thôn Bình Hoành (tên gọi khu vực này vào thời điểm ấy) tiếc thương đến viếng đông kín cả khúc sông. Cũng theo truyền khẩu, Đức ông sau đó được an táng tại gò Y Lăng, nhìn ra dòng Đồng Nai. Điều này cũng được ông Lương Văn Lựu nhắc đến trong quyển Biên Hòa sử lược toàn biên. Về tư liệu chính thức thì chưa có văn bản nào ghi chép việc này, nên trước đây việc Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh được chôn hay đình cửu tại Trấn Biên vẫn là vấn đề tồn nghi. Tuy nhiên, với những tư liệu ghi chép trong gia phả dòng họ Nguyễn Hữu, lời văn trên tấm bia đá do Nguyễn Hữu Bài dựng tại mộ và những thông tin được lưu truyền, xác nhận của dòng họ Nguyễn Hữu, bước đầu có thể kết luận Lễ Thành hầu đã được an táng tại gò Y Lăng, trên vùng đất Cù lao Phố.[links(right)]

Từ đình Bình Kính, men theo con hẻm nhỏ đối diện với cổng đình, chỉ vài chục mét là đến khu mộ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh. Gò Y Lăng xưa, nơi đã từng ôm người vào lòng đất mẹ nay chỉ còn là khu đất cao, vây xung quanh là khu dân cư. Trải qua mưa nắng thời gian, mộ của ông đã được trùng tu nhiều lần nên phần nào mang kiến trúc mới, xây bằng gạch trát xi măng, quét vôi, nhưng vẫn theo lối “tiền án hậu chẩm”, đôi trụ hai bên mộ là cặp câu đối “Sơ khai biên thổ giới/ Thủy triệu cuộc Nam chân” (Mở mang biên giới đất nước thời sơ khởi/Chấn chỉnh miền Nam tự buổi đầu”).

Tuy nhiên, trên gò Y Lăng ngoài ngôi mộ được cho là của Lễ Thành hầu, gần đó còn một ngôi mộ cổ khác được xây bằng đá ong với nhựa cây ô dước - là loại vật liệu thường được các gia đình quý tộc sử dụng, phổ biến ở thế kỷ XVI-XVII, cũng theo lối “tiền án hậu chẩm”, có 2 đôi trụ đá búp sen, xung quanh có 2 lớp thành cũng bằng đá ong bao bọc vững chắc. Về hình thức kiến trúc và chất liệu, mộ này có nhiều nét tương đồng với mộ Trịnh Hoài Đức ở phường Trung Dũng. Tuy hiện nay đã hoang tàn, đổ sụp nghiêng ngả, nhưng so với ngôi mộ kia thì mộ đá ong này mang dáng vẻ cổ kính và uy nghi bề thế hơn hẳn.

Theo sách Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh với công cuộc khai sáng miền Nam nước Việt cuối thế kỷ XVII của Như Hiên Nguyễn Ngọc Hiền, trong quá trình khảo sát trước đây có một số bô lão cho biết trên gò Y Lăng có 2 ngôi mộ, nhưng không xác định được mộ nào là mộ thật của Lễ Thành hầu, bởi cả hai ngôi mộ đều không có bia. Bên cạnh đó, trước đây để đánh lạc hướng kẻ xấu và tránh bị phá hoại, một số quý tộc, tướng lĩnh thường cho xây mộ giả. Như trường hợp mộ của Thiếu bảo Cần chánh điện Đại học sĩ Trịnh Hoài Đức, các nhà khảo cổ sau này đã phát hiện có đến 4 ngôi mộ giả ở xung quanh.

Cho đến khoảng thập niên 60 thế kỷ trước, chính quyền Ngô Đình Diệm có tiến hành trùng tu một trong 2 ngôi mộ ở gò Y Lăng, nhưng không biết lúc ấy đã lấy căn cứ nào để xác định mộ của Lễ thành hầu để trùng tu. Và đến nay, Như Hiên Nguyễn Ngọc Hiền vẫn xếp ngôi mộ cổ đá ong vào dạng tồn nghi, chưa xác định. Nếu có điều kiện khảo sát bằng khoa học khảo cổ, có lẽ tồn nghi này sẽ được làm sáng tỏ.

* Đời đời tưởng vọng

Sau khi Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh được an táng tại gò Y Lăng, nhân dân thôn Bình Hoành và vùng đất Trấn Biên đã tôn ông thành vị phúc thần bảo hộ. Thôn Bình Hoành được đổi tên thành Bình Kính (Kính là tên gọi khác của Đức ông) để tưởng nhớ. Đình Bình Kính trở thành nơi thờ phụng Đức ông. Nếu xét trên bình diện tổng thể, có thể nói ông là vị nhân thần của cả vùng đất phương Nam, vì không chỉ vùng Trấn Biên mà ở tất cả những nơi ông đã từng đến, như: Tiền Giang, An Giang, Cần Thơ, Sài Gòn và cả ở Phnom Penh, người dân đều tự nguyện lập đền, xây đình thờ phụng, chứng tỏ ông đã đến với dân bằng tấm lòng thành khiêm hòa nhân ái và được dân đáp lại bằng tình cảm kính trọng, tôn sùng.

“Di tích không quan trọng ở điểm phải xây dựng hoành tráng, nguy nga, mà quan trọng ở cái hồn còn lưu giữ được và vun đắp theo thời gian, như thiết kế, kiến trúc, các hiện vật có giá trị về văn hóa, lịch sử tính thiêng của di tích... Đình Bình Kính đáp ứng các tiêu chí đó. Cộng với việc xác định được Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh đã yên nghỉ tại gò Y Lăng, dù hiện nay hài cốt không còn ở nơi này nhưng trải qua 102 năm nằm trong lòng đất Đồng Nai, anh linh Đức ông vẫn mãi tụ kết ở vùng đất thiêng liêng này. Vùng đất Trấn Biên - Đồng Nai tự hào về điều đó” - PGS.TS Huỳnh Văn Tới nhận định.

So với các đình, đền thờ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh ở miền Trung và Nam bộ, đình Bình Kính có nhiều sắc phong thần nhất với 2 sắc phong đời Minh Mạng tam niên (năm 1823), 2 sắc phong đời Thiệu Trị tam niên (năm 1844) và một sắc phong đời Tự Đức tam niên (năm 1850). Theo nhà nghiên cứu Lý Việt Dũng, đây là vị Thượng đẳng thần có nhiều sắc phong nhất ở miền Nam. TS.Phan Viết Dũng, nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, cũng cho biết qua nghiên cứu các sắc thần ở đình, đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh tại Nam bộ và Trung bộ, một số đình có các sắc phong cũng vào các năm Minh Mạng tam niên (1823), Thiệu Trị tam niên (1844) và Tự Đức tam niên (1850), như đình Châu Phú, Lê công từ đường (An Giang), nhưng không đình nào có nhiều và còn lưu giữ đầy đủ các sắc phong như đình Bình Kính. Ngay cả đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh ở Quảng Bình hiện nay đã được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia cũng không còn giữ được sắc phong nào. Đặc biệt, tại đình Bình Kính còn lưu giữ một bộ áo, mũ và giày, tương truyền đó là y phục của Lễ Thành hầu mặc lúc sinh thời, khi trấn giữ vùng Trấn Biên từ năm 1698-1699. Năm 1990, đình Bình Kính đã được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia.

Vào các năm 1998 và 2008, dịp kỷ niệm 300 năm và 310 năm hình thành và phát triển vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai, đền thờ và mộ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh đều được trùng tu, tôn tạo khang trang để người dân khắp nơi về chiêm bái, tỏ lòng tri ân bậc tiền hiền khai cơ. Mới đây, UBND tỉnh có chủ trương trùng tu, tôn tạo khu di tích, mở rộng từ khoảng 4.000m2 như hiện nay lên thành 9.700m2, với các hạng mục, như: phục dựng, tu bổ, di dời và hoàn thiện Nhà chính điện; di dời và xây mới nhà bia; xây dựng cổng tam quan, nhà trưng bày cùng một số công trình phụ phục vụ khách tham quan. Tổng vốn đầu tư dành cho dự án khoảng gần 100 tỷ đồng, phần lớn được vận động theo phương thức xã hội hóa.

Thanh Thúy

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều