Báo Đồng Nai điện tử
En

Người có 3 lễ giỗ (Bài 1)

11:08, 16/08/2015

Theo dòng chảy của lịch sử, đất nước Việt Nam được mở rộng dần từ Bắc xuống Nam. Trong số những bậc tiền hiền khai cơ dải đất phương Nam, phải nhắc đến Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, vị Thượng đẳng phúc thần được cả nhân dân Nam bộ và Trung bộ thờ phụng.

Theo dòng chảy của lịch sử, đất nước Việt Nam được mở rộng dần từ Bắc xuống Nam. Trong số những bậc tiền hiền khai cơ dải đất phương Nam, phải nhắc đến Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, vị Thượng đẳng phúc thần được cả nhân dân Nam bộ và Trung bộ thờ phụng.

Một trang văn bản của gia phả dòng họ Nguyễn Hữu.
Một trang văn bản của gia phả dòng họ Nguyễn Hữu.

Sử sách ghi chép nhiều về thân thế, sự nghiệp cũng như công lao của ông với đất nước, không chỉ là người có công mở cõi phương Nam từ Bình Thuận đến tận các tỉnh Nam bộ ngày nay mà còn là vị danh tướng có tài thao lược, nhưng không dựa vào vũ lực quân sự để giữ vững sự ổn định vùng biên viễn Tổ quốc mà bằng vào tấm lòng chân thành để cảm hóa đối phương. Tuy nhiên, trong lịch sử vẫn còn có sự đứt gãy, chưa có ghi chép chính thống nào về ngày mất cũng như mộ phần của ông. Hiện nay ông có đến… 3 lễ giỗ vào các ngày khác nhau, địa điểm mộ chính thức của ông cũng gây nhiều tranh cãi trong giới nghiên cứu lịch sử.

* Quyển gia phả dòng họ Nguyễn Hữu

Cuối năm 2014, trong một chuyến công tác, chúng tôi có dịp đến viếng đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh ở xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình, được ông Nguyễn Hữu Tiến, hậu duệ và cũng là người đang thờ cúng Đức ông Nguyễn Hữu Cảnh tại đền thờ, cho biết dòng họ Nguyễn Hữu có gia phả được ghi chép từ năm 1858, vào đời vua Tự Đức, hiện vẫn đang được lưu giữ tại đền thờ. Tuy nhiên, theo tín ngưỡng của người Việt Nam, gia phả dòng họ, nhất là những dòng họ lớn, là văn bản rất thiêng liêng, không dễ khai mở. Gia phả dòng họ Nguyễn Hữu cũng vậy, hơn trăm năm qua chưa hề được làm lễ khai mở chính thức.

May mắn sao, trở lại đền thờ lần thứ 2 trong dịp lễ giỗ thứ 315 của Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, chúng tôi đã được chứng kiến sự kiện quan trọng: khai mở gia phả dòng họ Nguyễn Hữu, đồng thời qua đó đã làm sáng tỏ một số tồn nghi về ngày mất và mộ phần của ông.

Theo gia phả của dòng họ Nguyễn Hữu, Đức ông Nguyễn Hữu Cảnh sinh năm 1650 tại phường Chiêu Tín, huyện Phong Lộc, tỉnh Quảng Bình. Dòng họ Nguyễn Hữu ở Quảng Bình có thủy tổ là Tế Văn hầu Nguyễn Trãi - người đã bị tru di tam tộc năm 1422 trong vụ án Lệ Chi viên. 2 trong số 6 người con trai của Nguyễn Trãi đã chạy thoát được trong vụ án oan khuất này, là Hoàng Quốc công Nguyễn Công Duẫn và Sùng Quốc công Nguyễn Anh Vũ. Ông Duẫn có cháu nội là Nguyễn Thị Hằng sau này trở thành Ngọc Huyên hoàng hậu, vợ vua Lê Thánh Tôn. Năm 1609, ông nội của Nguyễn Hữu Cảnh là Triều Văn hầu Nguyễn Triều Văn, Tham tướng nhà Hậu Lê, hậu duệ thuộc dòng ông Duẫn, vì bất mãn chúa Trịnh đã cùng với Đoan quận công Nguyễn Hoàng vào Đàng Trong, định cư ở Quảng Bình. Từ Nguyễn Trãi đến Nguyễn Hữu Cảnh có 9 đời.

* Danh tướng phương Nam

Nguyễn Hữu Cảnh là con thứ 3 của Chiêu Vũ hầu Nguyễn Hữu Dật, từ nhỏ đã theo cha và anh là Hào Lương hầu Nguyễn Hữu Hào lập nhiều chiến công. Ông là danh tướng dưới 3 triều chúa Nguyễn: Nguyễn Phúc Tần, Nguyễn Phúc Trăn và Nguyễn Phúc Chu. Năm 1692, do vua Chiêm Thành là Kế Bà Tranh không chịu giữ bang giao hòa bình, thường xuyên cho quân cướp bóc nhân dân phủ Diên Ninh (vùng Khánh Hòa ngày nay), chúa Nguyễn Phúc Chu cử Cai cơ Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh đem quân dẹp loạn, an dân. Sau chiến công này, phương Nam có thêm vùng đất mới là trấn Thuận Thành (sau đổi là phủ Bình Thuận).

Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh là người có tư tưởng mới mẻ, thoáng đạt, không chỉ đề ra kế sách đưa dân lưu tán ở Ngũ Quảng (Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Quảng Đức tức Thừa Thiên - Huế ngày nay) vào xứ Trấn Biên lập nghiệp, giải quyết được bài toán nguồn nhân lực cho vùng đất mới, mà còn là người có tinh thần hòa hợp dân tộc, tôn giáo. Ở 2 dinh Trấn Biên và Phiên Trấn, với số người Hoa đã định cư trước đó, ông lập ra 2 xã người Hoa là Thanh Hà và Minh Hương, khuyến khích phát triển buôn bán, giao thương và giữ gìn phong tục cố quán, bản sắc dân tộc. Trong chuyến sang Chân Lạp, dọc đường ông thường ghé vào thăm viếng các thôn, xóm người Việt cũng như người Hoa, Khmer, khuyến khích họ làm ăn, mở rộng canh tác và giao thương, giữ tình thân thiện, tối lửa tắt đèn có nhau.

Trước khi Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lược xứ Đồng Nai, chúa Nguyễn Phúc Tần đã chấp thuận cho các tướng sĩ nhà Minh lưu vong là Dương Ngạn Địch được đem quân khai khẩn vùng Mỹ Tho, Trần Thượng Xuyên vào cửa Cần Giờ đến định cư ở xứ Bàn Lân, Đồng Nai. Từ quyết định quan trọng này, phương Nam từ Đồng Nai đến Mỹ Tho bắt đầu phát triển về kinh tế, tuy nhiên về mặt pháp lý thì chúa Nguyễn vẫn chưa xác lập chủ quyền. Vì thế, năm 1698 Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh vâng lệnh chúa Nguyễn Phúc Chu lấy xứ Đồng Nai đặt huyện Phước Long, lập dinh Trấn Biên; lấy xứ Sài Gòn đặt huyện Tân Bình, lập dinh Phiên Trấn; lại đặt phủ Gia Định để thống thuộc 2 dinh Trấn Biên và Phiên Trấn. Với sự thành lập 2 dinh mới nói trên, lãnh thổ chúa Nguyễn lúc ấy có 11 dinh (khu vực hành chính), gồm: Bố Chính, Quảng Bình, Lưu Đồn, Cựu Dinh, Chánh Dinh, Quảng Nam, Phú Yên, Bình Khương, Bình Thuận, Trấn Biên, Phiên Trấn.

Tháng 7-1699, vua Chân Lạp là Nặc Thu cho quân xâm phạm lãnh thổ nước ta, cướp bóc nhân dân. Chúa Nguyễn Phúc Chu cử Chưởng cơ Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh đánh dẹp. Tháng 2-1700, Nguyễn Hữu Cảnh đóng quân ở vùng Tân Châu (An Giang ngày nay), cho nạo vét kênh mương khơi rộng nhánh sông Tiền rẽ qua sông Hậu, vừa thông luồng cho thủy quân di chuyển vừa lấy nước cho dân khai khẩn ruộng đất. Dọc đường, ông chú trọng công tác khuyến nông, sử dụng kế sách “Dĩ binh ư nông, dĩ nông ư binh” (dùng binh làm nông và dùng nông làm binh) rất được lòng dân. Nhờ vậy, uy thế của quân Nguyễn tăng cao, Nặc Thu phải bỏ trốn, sau đó xin hàng vào tháng 4-1700. Nguyễn Hữu Cảnh vào thành Bích Đôi (ở Phnom Penh, thủ đô Campuchia ngày nay), vỗ an dân chúng, phủ dụ Nặc Thu “sớm chiêu dụ lưu dân cho họ làm ăn như cũ, tự hậu chớ nên phản phúc”, sau đó giao lại thành cho Nặc Thu rồi kéo quân về cù lao Sao Mộc (An Giang), người dân sau đó đã đổi tên nơi này thành cù lao Ông Chưởng (Chưởng cơ) để tưởng nhớ ông.

* Giang sơn nhỏ lệ khóc anh hùng

Về ngày mất của ông, theo Gia Định thành thông chí, lúc ấy trong quân phát bệnh dịch, ông cũng nhiễm bệnh. Tết Đoan ngọ mùng 5-5 (âm lịch), ông gượng dậy khao thưởng quân sĩ, bị trúng gió, thổ huyết, bệnh trở nên trầm trọng. Ngày 16-5, quân kéo về đến Sầm Giang (tức Rạch Gầm, Tiền Giang) thì ông mất. Tuy nhiên, theo sách Đại Nam thc lc, mùng 5-5 khi bệnh nặng ông hạ lệnh giong buồm kéo quân về dinh Trấn Biên, nhưng tới Rạch Gầm thì ông trút hơi thở cuối cùng, nhằm ngày 9-5.

PGS.TS Huỳnh Văn Tới cùng ông Nguyễn Hữu Tiến, hậu duệ  Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh nghiên cứu gia phả dòng họ Nguyễn Hữu.
PGS.TS Huỳnh Văn Tới cùng ông Nguyễn Hữu Tiến, hậu duệ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh nghiên cứu gia phả dòng họ Nguyễn Hữu.

Hiện nay, Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh được nhân dân các địa phương tổ chức đến 3 ngày giỗ khác nhau. Người dân từ Tiền Giang đổ xuống đến An Giang cúng giỗ ông ngày 9-5. Đình Bình Kính, nơi thờ Đức ông tại Đồng Nai tổ chức giỗ ngày 16-5, còn tại đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh ở Quảng Bình quê hương ông thì tổ chức giỗ ngày 19-5. Vậy, thực sự Đức ông mất ngày nào?

Bà Như Hiên Nguyễn Ngọc Hiền, nhà nghiên cứu và cũng là hậu duệ của ông, sau nhiều năm lặn lội tìm hiểu, đối chiếu các tư liệu văn bản kết hợp với tư liệu truyền khẩu trong dân gian, trong quyển L Thành hu Nguyn Hu Cnh vi công cuc khai sáng min Nam nước Vit cui thế k XVII, đã đưa ra nhận định: ngày mất của ông là 9-5. Sau khi ông mất, các tướng sĩ y theo lệnh tiếp tục đưa thi hài ông về dinh Trấn Biên, ngày 16-5 thì đến nơi. Xét về tốc độ di chuyển bằng đường thủy thời đó cộng thêm thuyền đang chở thi hài, thời gian 7 ngày để di chuyển từ Tiền Giang về Đồng Nai là phù hợp. Người dân các tỉnh phía Nam chọn ngày ông mất, Đồng Nai chọn ngày thi hài ông được đưa về để làm lễ giỗ.

Nhưng, vì sao Quảng Bình lại chọn ngày 19-5 để làm giỗ Đức ông? Nếu cho rằng linh cữu của ông từ Trấn Biên được tiếp tục đưa về Quảng Bình, thì với điều kiện giao thông đường thủy còn hạn chế ở thời điểm đó trong vòng 3 ngày không thể đến được. Và như vậy, ông đã được chôn ở đâu trong hoàn cảnh ấy? Đây là câu hỏi mà các nhà nghiên cứu đã đặt ra từ lâu mà chưa tìm được lời giải xác thực.

Thanh Thúy

 

 

 

 

Tin xem nhiều