Báo Đồng Nai điện tử
En

Đi tìm phần mộ Lễ Thành hầu (Bài 2)

10:08, 17/08/2015

Về phần mộ thật sự của Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, hàng trăm năm nay giới nghiên cứu lịch sử vẫn xếp vào dạng tồn nghi bởi chưa có cứ liệu khoa học nào nêu rõ vấn đề này.

Về phần mộ thật sự của Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, hàng trăm năm nay giới nghiên cứu lịch sử vẫn xếp vào dạng tồn nghi bởi chưa có cứ liệu khoa học nào nêu rõ vấn đề này. Tại hội thảo khoa học về thân thế sự nghiệp Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh tổ chức ở An Giang năm 1993, nơi chôn cất Lễ Thành hầu được xếp là một trong những tồn nghi rất cần được giải mã.[links(right)]

Hầu hết các ghi chép sau này đều cho rằng linh cữu của ông khi chuyển từ Rạch Gầm về đã đình cữu ở Trấn Biên, sau đó đưa về vùng Thác Ro quê hương ông (huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình). Đình cữu, có nghĩa là linh cữu chỉ dừng lại ở Trấn Biên, nhưng cho đến trước năm 1995, ngôi mộ của ông ở Quảng Bình vẫn chưa được tìm thấy, trong khi ở gò Y Lăng gần đình Bình Kính (xã Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa) vẫn còn ngôi mộ cổ được các bô lão trong vùng khẳng định là nơi chôn cất ông từ năm 1700. Ngay cả Như Hiên Nguyễn Ngọc Hiền khi tái bản quyển Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh với công cuộc khai sáng miền Nam nước Việt cuối thế kỷ thứ XVII vào năm 1995 cũng chưa giải mã được vấn đề này.

* Trấn Biên lưu dấu anh hùng

Ngoài ra, trong quá trình khảo cứu, bà Như Hiên Nguyễn Ngọc Hiền được biết ở vùng Rạch Gầm nơi ông mất có một ngôi mộ cổ được người dân trong vùng cho là mộ của ông. Mộ xây dựng bằng đá ong với hợp chất nhựa cây, có la thành bao bọc, kiểu cách rất uy nghi theo lối “tiền án hậu chẩm”, đúng với quy cách lăng mộ đại thần thời xưa, nhưng hàng chữ trên bia đã nhẵn lì bởi thời gian nên không còn đọc được văn tự. Người dân vùng Rạch Gầm cho rằng khi Lễ Thành hầu tắt hơi, quan quân đã dừng thuyền mai táng ông tại đây, đến đời Gia Long thứ 5 (năm 1806) mới di linh về Cù lao Phố. Đây là chi tiết truyền khẩu trong dân gian, nhưng phân tích kỹ thì giả thiết này không hợp lý, vì xét ra do ông mất dọc đường nên cũng có thể chôn tại chỗ hoặc chôn trên đường đi như ở Trấn Biên, nhưng nếu 106 năm sau mới di linh thì phải đưa về bản quán mới phải lẽ, không thể chỉ đưa về Cù lao Phố. Từ đó, suy đoán có thể đây chỉ là mộ vọng, như trường hợp ngôi mộ Lễ Thành hầu ở Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam mà bà Như Hiên Nguyễn Ngọc Hiền đã làm rõ.

Ông Nguyễn Hữu Tiến (bìa trái), hậu duệ dòng họ Nguyễn Hữu giới thiệu tấm mộ bia Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh sau khi cải táng từ Đồng Nai về.
Ông Nguyễn Hữu Tiến (bìa trái), hậu duệ dòng họ Nguyễn Hữu giới thiệu tấm mộ bia Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh sau khi cải táng từ Đồng Nai về.

 Mới đây, khi khai mở gia phả dòng họ Nguyễn Hữu tại đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh (xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình), ông Nguyễn Hữu Tiến, hậu duệ và hiện là người thờ phụng Đức ông, cung cấp chi tiết hết sức quan trọng: linh cữu Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh sau khi đưa từ Tiền Giang về đã được chôn cất tại gò Y Lăng (TP.Biên Hòa). Đời Gia Long sơ niên (năm 1802), tức 102 năm sau khi ông mất, một hậu duệ dòng họ Nguyễn Hữu là Ngũ Đức hầu Nguyễn Hữu Quỳnh đã vào Đồng Nai cải táng Đức ông về vùng Thác Ro. Ngày cải táng về Quảng Bình là 19-5, nên dòng họ Nguyễn Hữu đã lấy ngày này làm ngày giỗ ông. Đó là lý do vì sao Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh có đến 3 ngày giỗ khác nhau.

Theo nhận định của Như Hiên Nguyễn Ngọc Hiền, ở Nam bộ và Nam Trung bộ, Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh là vị thần được nhân dân lập đình, đền, miếu thờ phụng nhiều nhất. Không chỉ người Việt, mà người Hoa và Campuchia cũng thờ phụng ông.

Thống kê cho thấy, hiện có khoảng 14 cơ sở thờ tự Đức ông Nguyễn Hữu Cảnh ở 6 tỉnh, thành, gồm: Nhà thờ Nguyễn Hữu Cảnh (Quảng Bình), đình Bình Kính (Đồng Nai), chùa Minh Hương (TP.Hồ Chí Minh, do người Hoa lập), đình Thới An (Cần Thơ), đình Bình Mỹ, đình Mỹ Đức, đền Châu Phú, dinh Phủ Thờ, từ miếu Cồn Tiên, đền Vĩnh Ngươn, đền thờ Cù lao Ông Chưởng, đền thờ Cù lao Ông Vôi, đền thờ Chương Đùng (An Giang), và đặc biệt là ngôi miếu cổ ở Phnôm Pênh do dân Campuchia lập để thờ ông. Ngoài ra, còn có đình Trà Mút (Rạch Gầm, Tiền Giang) được Như Hiên Nguyễn Ngọc Hiền nhận định là thờ ông, nhưng chưa có cứ liệu chính xác. Mới đây, bác sĩ Nguyễn Văn Phúc, một nhà nghiên cứu lịch sử - văn hóa Đồng Nai nhận định rằng đình thần Trị An (huyện Vĩnh Cửu) có thể là thờ Nguyễn Hữu Cảnh, tuy nhiên chưa có cứ liệu chính xác.

Về điểm này, gia phả dòng họ Nguyễn Hữu do ông Nguyễn Hữu Thạch ghi chép từ đời Tự Đức (năm 1858), trang 12 viết: “Lịch đại thành triết công thần đặc trấn khai phủ phụ quốc Thượng tướng quân Thần cơ quan đô thống thiểu truyền Lễ Tài hầu (một phong hiệu khác của Nguyễn Hữu Cảnh) tặng phong Vĩnh An hầu Nguyễn Hữu Thành, húy Cảnh, thụy viết Cương trực phủ quân, kỵ (giỗ) ngày 19 tháng 5, từ đường tại bổn phường địa phận, mộ táng tại Thác Ro xứ”.

Từ căn cứ trên, suy đoán cho thấy việc ông được chôn tại Trấn Biên là phù hợp. Vì ông mất đột ngột, việc khâm liệm thi hài trên đường đi ắt không có điều kiện thuận lợi để bảo quản, sau 7 ngày di chuyển đến Trấn Biên đã bắt đầu bị phân hủy. Thời điểm ông mất đang vào mùa nóng nhất trong năm, nếu tiếp tục chuyển thi hài về Quảng Bình thêm nhiều tuần lễ nữa sẽ rất khó khăn, nên an táng tại Trấn Biên là giải pháp tốt nhất. Bên cạnh đó, trước lúc mất chính ông đã dặn dò thuyền quay về Trấn Biên, bởi dù đây không phải là nơi chôn nhau cắt rún nhưng Trấn Biên là vùng đất được ông dành nhiều tình cảm sâu nặng.

Ông Nguyễn Hữu Tiến cho biết dòng họ Nguyễn Hữu trước sau đều được chôn cất tại quê hương theo nguyện vọng, riêng ông Nguyễn Hữu Cảnh vì mất đột ngột phải an táng nơi xa, trong dòng họ luôn đau đáu ước nguyện đưa ông về bản quán. Nhưng sau này do chiến tranh giữa nhà Nguyễn và Tây Sơn xảy ra liên miên, chúa Nguyễn thất thế phải bôn tẩu nhiều nơi, nên phải đến lúc Gia Long lên ngôi dòng họ Nguyễn Hữu mới có cơ hội cải táng.

* Câu chuyện về ngôi mộ ở Thác Ro

Theo lưu truyền của dòng họ, khi Ngũ Đức hầu Nguyễn Hữu Quỳnh cải táng mộ Nguyễn Hữu Cảnh đã đi thuyền bằng đường biển từ Trấn Biên về Quảng Bình, sau đó di chuyển tiếp bằng ngựa đến khu vực Thác Ro (xã Trường Thủy, huyện Lệ Thủy), là địa điểm có phong thủy rất đẹp được mô tả như sau: “Thượng An Mã/ hạ đùng đùng/ trung trung nhất huyệt” (phía trên là núi An Mã, phía dưới là phá Hạc Hải, chính giữa là phần mộ). Mộ ông đắp bằng đất, trên trải sỏi, xung quanh có thành bằng đá, trước mộ có bia đá do ông Nguyễn Hữu Quỳnh dựng. Năm Bảo Đại thứ 5 (năm 1930), quan Thái phó đại học sĩ, Cơ mật Viện trưởng đại thần là Nguyễn Hữu Bài, một hậu duệ dòng Hào Lương hầu Nguyễn Hữu Hào, đã cho dựng lại bia mộ của Nguyễn Hữu Cảnh và Nguyễn Hữu Dật. Từ Huế, bia được đưa bằng xe lửa đến ga Mỹ Trạch, sau đó vận chuyển tiếp bằng xe ngựa đến Thác Ro.

Mộ Nguyễn Hữu Cảnh tại Quảng Bình sau khi được cải táng, trùng tu và tôn tạo
Mộ Nguyễn Hữu Cảnh tại Quảng Bình sau khi được cải táng, trùng tu và tôn tạo

Ông Nguyễn Hữu Miễn (81 tuổi) cho biết lúc còn nhỏ đã nhiều lần theo cha là Nguyễn Hữu Chương đi tảo mộ Đức ông Nguyễn Hữu Cảnh, nhưng trong 2 thời kỳ kháng chiến chống Pháp và Mỹ, khu vực Thác Ro là vùng tranh chấp rất ác liệt, bom đạn tàn phá nặng nề nên mộ phần sau đó bị thất lạc. Sau nhiều lần tìm kiếm, ngày 19-5-1995 (âm lịch), đúng vào ngày giỗ thứ 295 của Lễ Thành hầu, ông Nguyễn Hữu Tiến đã tìm thấy mộ phần của Đức ông tại vùng Thác Ro, y như theo lời kể.

Ông Tiến cho biết thêm, mấy hôm sau cố GS. Trần Quốc Vượng hay tin đã tìm vào khảo sát. Nhìn cảnh quan khu vực mộ, GS. Trần Quốc Vượng cho biết mộ có địa thế “Tả thanh long, hữu bạch hổ, chi huyền thủy”. Tấm bia mộ bằng đá xanh đặt úp mặt vào mộ, chạm khắc dòng chữ “Vĩnh An hầu (một tước phong khác của ông) Nguyễn Hữu Cảnh chi mộ” rất sắc xảo. Dòng bên phải bia ghi “Nguyễn triều sơ thác Nam tung Khai quốc công thần thượng cấp” (Người mở mang phía Nam, Thượng đẳng khai quốc công thần của triều Nguyễn). Dòng bên trái ghi “Gia Long sơ niên, Quý hương nhân kỳ huyền tôn thi Hưng Nghĩa đạo Cai đội Ngũ Đức hầu Nguyễn Hữu Quỳnh” (Năm Gia Long thứ nhất, người cháu ở quý hương, Cai đội đạo Hưng Nghĩa, Ngũ Đức hầu Nguyễn Hữu Quỳnh lập bia mộ). Mặt sau bia ghi “Bảo Đại ngũ niên thất nguyệt thập lục nhật. Hậu duệ Cơ mật viện Viện trưởng đại thần Thái tử Thái phó Võ hiển đại học sĩ Phước Môn bá Nguyễn Hữu Bài, huệ tử Hữu Giải, nữ Thị Dương, cung xướng thụ bia cẩn chỉ” (Ngày 16-7 năm Bảo Đại thứ 5, hậu duệ là Viện trưởng Viện Cơ mật đại thần, Thái tử Thái phó đại học sĩ Phước Môn bá Nguyễn Hữu Bài cùng con là Hữu Giải và Thị Dương cung kính ghi lại, dựng bia).

Thanh Thúy

Tin xem nhiều