Báo Đồng Nai điện tử
En

Hát then - đàn tính ở Thanh Sơn

09:06, 25/06/2015

Đầu năm 1989, gần 50 hộ dân tộc Tày từ tỉnh Cao Bằng đến định cư và xây dựng kinh tế tại xã Thanh Sơn, huyện Định Quán. Trong hành trang đến vùng đất mới của đồng bào dân tộc Tày không thể thiếu cây đàn tính cùng những làn điệu then truyền thống.

Đầu năm 1989, gần 50 hộ dân tộc Tày từ tỉnh Cao Bằng đến định cư và xây dựng kinh tế tại xã Thanh Sơn, huyện Định Quán. Trong hành trang đến vùng đất mới của đồng bào dân tộc Tày không thể thiếu cây đàn tính cùng những làn điệu then truyền thống.

Các thành viên trong Đội hát then ấp 8 (xã Thanh Sơn, huyện Định Quán) đang biểu diễn tiết mục  hát then - đàn tính Việt Bắc nhớ Bác Hồ.
Các thành viên trong Đội hát then ấp 8 (xã Thanh Sơn, huyện Định Quán) đang biểu diễn tiết mục hát then - đàn tính Việt Bắc nhớ Bác Hồ.

Tại đây, cùng với sự phát triển từng ngày về kinh tế, những điệu hát then cùng tiếng đàn tính đã cắm rễ và hòa vào dòng chảy văn hóa của các dân tộc anh em trong tỉnh. Đặc biệt, bà con dân tộc Tày nơi đây (sống chủ yếu tập trung tại ấp 8 của xã) còn thành lập Đội hát then với 10 thành viên để cùng nhau đàn ca sinh hoạt, truyền thụ cho lớp con cháu và tham gia vào những cuộc thi văn nghệ.

* Nét văn hóa của đồng bào

Là loại hình văn hóa dân gian, được nhân dân sáng tạo, phát huy và trao truyền nên hát then - đàn tính đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của đồng bào dân tộc Tày. Theo bà Lý Thị Mày (61 tuổi), người cao tuổi nhất trong Đội hát then ấp 8, thì hát then được bà con nơi đây sử dụng trong tiệc cưới, tiệc vui thì hát để chúc phúc, đối đáp giao duyên; khi gia đình có chuyện buồn, điệu then, tiếng đàn tính cất lên để thể hiện sự đồng cảm, chia sẻ khó khăn cùng gia chủ...

Theo Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch, hát then là một loại hình văn hóa dân gian tổng hợp, gồm: ca, nhạc, múa và diễn trò. Từ “then” tiếng Tày có nghĩa là “thiên”, tức chỉ trời. Đa phần các nhà nghiên cứu đều cho rằng hát then có xuất xứ từ tỉnh Cao Bằng. Hát then xuất hiện trong hầu hết các hoạt động sinh hoạt tín ngưỡng, văn hóa của người Tày.

Để đáp ứng với nhu cầu của đời sống xã hội, người dân nơi đây đã đặt thêm nhiều lời mới cho các bài then, như: Hái hoa, Lập xuân (hát mừng trong dịp lễ tết của đồng bào), Cày bừa (hát trong dịp xuống đồng, lúc lao động sản xuất), Cai nghiện (lời khuyên nhủ mọi người tránh xa thuốc phiện, ma túy)… Đặc biệt, hiện bà con dân tộc Tày còn truyền dạy cho nhau những bài then được viết lời mới phổ từ thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, như: Trăng soi đường Bác, Pác Bó làng Sen, Suối Lênin, Việt Bắc nhớ Bác Hồ…

“Chúng tôi yêu mến Cụ Hồ lắm nên mỗi khi cất lên những bài then này, bà con đều gửi gắm tình cảm cùng sự biết ơn của mình đối với sự hy sinh to lớn của Bác dành cho đất nước” - bà Dương Thị Hảo (51 tuổi, người dân tộc Tày, thành viên Đội hát then ấp 8), cho hay.

* Trăn trở cùng hát then - đàn tính

Tuy được cộng đồng ra sức phát huy và trao truyền nhưng cũng giống như những loại hình văn hóa truyền thống khác, hát then - đàn tính đang đứng trước nguy cơ mai một và thất truyền. Theo bà Trần Thị Linh Nhâm, Phó giám đốc Trung tâm Văn hóa - thể thao huyện Định Quán, đồng bào dân tộc Tày sinh sống trong huyện khá đông, nhưng số lượng người biết hát then - đàn tính rất ít, chỉ khoảng 20 người và tập trung nhiều ở ấp 8, xã Thanh Sơn và xã Phú Tân.

Bà Trần Thị Linh Nhâm, Phó giám đốc Trung tâm Văn hóa - thể thao huyện Định Quán, cho biết: “Để giúp bà con dân tộc Tày bảo tồn, phát huy nét văn hóa truyền thống hát then - đàn tính, hàng năm chúng tôi đều khuyến khích đồng bào tham gia vào các hội thi, hội diễn văn nghệ. Ngoài ra, chúng tôi còn hỗ trợ mua sắm nhạc cụ từ các tỉnh phía Bắc về cho bà con. Tuy nhiên, việc bà con đề nghị Trung tâm Văn hóa - thể thao huyện Định Quán tổ chức các lớp học để truyền dạy hát then - đàn tính vượt quá khả năng của đơn vị. Do đó, chúng tôi rất mong nhận được sự hỗ trợ của tỉnh về kinh phí, nghệ nhân để việc truyền dạy hát then - đàn tính sớm được triển khai thực hiện”.

Ngoài việc khó tìm ra đối tượng để trao truyền nét văn hóa truyền thống thì việc chế tạo nhạc cụ (cây đàn tính) cũng đang gặp nhiều khó khăn. Ông Chu Thanh Tuyển (58 tuổi, dân tộc Tày) người duy nhất còn biết làm đàn tính tại xã Thanh Sơn, cho hay: “Cây đàn tính cuối cùng mà tôi từng làm cách đây đã gần 4 năm. Từ đó đến nay tôi không thể làm thêm cây đàn nào nữa vì không có nguyên liệu phù hợp và đạt yêu cầu cần thiết để chế tác”.

“Bà con rất mong nhận được sự hỗ trợ về kinh phí cho cộng đồng dân tộc Tày trong xã tổ chức một lớp tập luyện hát then - đàn tính để nét văn hóa truyền thống này được bảo tồn, phát huy và trao truyền đến với các thế hệ trẻ” - bà Lý Thị Mày, đại diện 10 thành viên trong Đội hát then ấp 8 mong mỏi.

Văn Truyên

 

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều