Báo Đồng Nai điện tử
En

Nghề dệt thổ cẩm gặp khó

09:06, 25/06/2015

Với khung dệt cùng sự cần mẫn, khéo léo, đồng bào dân tộc Mạ tại ấp 4, xã Tà Lài, huyện Tân Phú đã tạo nên những tấm thổ cẩm đẹp mắt. Có thời kỳ, mặt hàng này thu hút rất đông khách du lịch tìm mua làm quà lưu niệm mỗi khi có dịp đến thăm Vườn quốc gia Cát Tiên.

Với khung dệt cùng sự cần mẫn, khéo léo, đồng bào dân tộc Mạ tại ấp 4, xã Tà Lài, huyện Tân Phú đã tạo nên những tấm thổ cẩm đẹp mắt. Có thời kỳ, mặt hàng này thu hút rất đông khách du lịch tìm mua làm quà lưu niệm mỗi khi có dịp đến thăm Vườn quốc gia Cát Tiên.

Bà Ka Rẹt đã gắn bó với nghề dệt thổ cẩm 38 năm đang dệt thổ cẩm.  Ảnh: S. Thao
Bà Ka Rẹt đã gắn bó với nghề dệt thổ cẩm 38 năm đang dệt thổ cẩm. Ảnh: S. Thao

Tuy nhiên, thời gian gần đây do nhiều nguyên nhân khác nhau mà sản phẩm thổ cẩm làm ra tiêu thụ rất chậm, dẫn đến số người làm công việc này cũng giảm dần.

* Gặp khó

Bà Ka Rẹt (50 tuổi), người đã gắn bó với nghề dệt thổ cẩm 38 năm, nói: “Từ năm 2005-2010, khách du lịch mỗi khi đến thăm Vườn quốc gia Cát Tiên đều ghé vào tận nhà để xem chúng tôi dệt thổ cẩm rồi tìm mua những sản phẩm này làm quà lưu niệm. Tuy nhiên, mấy năm trở lại đây cảnh xem dệt thổ cẩm và mua bán này không còn”.

Do đầu ra khó khăn dẫn đến thu nhập từ nghề dệt thổ cẩm không đáng kể, nên số người còn gắn bó với nghề rất ít. Những ai còn gắn bó, muốn giữ gìn nghề truyền thống của dân tộc mình thì phải tự tìm đầu ra cho sản phẩm. Không tiêu thụ được sản phẩm tại địa phương, nên mỗi khi dệt ra sản phẩm là người dệt bảo quản đợi đến tháng 12 hàng năm bắt xe khách đến xã Đăk Nhau (huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước) và 2 huyện Đạ Huoai, Đạ Tẻh (tỉnh Lâm Đồng) là nơi có đông bào dân tộc sinh sống để chào bán sản phẩm.

* Cần đầu ra

Nhằm góp phần giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa, kinh tế của nghề dệt thổ cẩm, năm 2007 UBND tỉnh đã phê duyệt đề án khôi phục và phát triển nghề dệt thổ cẩm của người Mạ ở xã Tà Lài. Trong đó, đề án sẽ hỗ trợ xây dựng nhà xưởng, vốn để mua nguyên liệu, máy móc thiết bị, đào tạo nghề, xây dựng thị trường ổn định... Tổng số vốn đầu tư của đề án trong giai đoạn 2007-2009 là 874 triệu đồng. Tuy nhiên, đến nay đã qua 7 năm mà đề án này vẫn chưa được thực hiện như mục tiêu mong muốn, nhất là khâu tiêu thụ sản phẩm.

Bà Phạm Thị Vinh, Phó chủ tịch UBND xã Tà Lài, nói: “Khi việc tự tiêu thụ sản phẩm của đồng bào gặp khó, UBND xã đã thực hiện rất nhiều cách để giúp đỡ bà con. Trong đó, UBND xã đã đặt tại Vườn quốc gia Cát Tiên một gian hàng giới thiệu và bán sản phẩm dệt thổ cẩm. Tuy nhiên, sau một thời gian 2 gian hàng này bị hư hỏng, toàn bộ hàng hóa được mang về Nhà văn hóa Tà Lài bày bán. Nhưng do vị trí của nhà văn hóa nằm ở khu vực ít người qua lại nên gian hàng trưng bày nơi đây chỉ hoạt động được một thời gian ngắn rồi phải ngưng lại và bà con lại phải tự tìm cách tiêu thụ”. 

Sông Thao

 

 
Tin xem nhiều