Báo Đồng Nai điện tử
En

Đồng Nai thương tiếc người đi...

11:06, 24/06/2015

Rạng sáng 24-6, một tin buồn không chỉ với giới âm nhạc mà cả với tất cả những ai yêu quý nền văn hóa của nước nhà: GS.TS Trần Văn Khê, cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam qua đời tại Bệnh viện nhân dân Gia Định (TP.Hồ Chí Minh). Ông mất khi chỉ còn đúng một tháng nữa là đến ngày mừng thọ 94 tuổi.

Rạng sáng 24-6, một tin buồn không chỉ với giới âm nhạc mà cả với tất cả những ai yêu quý nền văn hóa của nước nhà: GS.TS Trần Văn Khê, cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam qua đời tại Bệnh viện nhân dân Gia Định (TP.Hồ Chí Minh). Ông mất khi chỉ còn đúng một tháng nữa là đến ngày mừng thọ 94 tuổi.

 GS.TS Trần Văn Khê phát biểu tham luận tại hội thảo
GS.TS Trần Văn Khê phát biểu tham luận tại hội thảo Định hướng đầu tư phát triển Khu liên hợp văn hóa - du lịch Bửu Long, ngày 15-11-2007.

1. Trong hơn 50 năm sống, nghiên cứu và giảng dạy ở nước ngoài, GS.TS Trần Văn Khê đã tham dự 210 hội nghị quốc tế về âm nhạc ở 67 quốc gia, khoảng 20 liên hoan quốc tế về âm nhạc để giới thiệu những nét đặc sắc của âm nhạc truyền thống Việt Nam. Ông còn viết nhiều bài báo, tham luận về âm nhạc truyền thống Việt Nam đăng trên nhiều tập chí quốc tế, trong đó có tạp chí của UNESCO, được dịch ra 14 thứ tiếng. Là con người mang tầm vóc quốc tế, nhưng khi Đồng Nai, cụ thể là Tổng công ty công nghiệp thực phẩm Đồng Nai tổ chức hội thảo Định hướng đầu tư phát trin Khu liên hp văn hóa - du lch Bu Long vào ngày 15-11-2007, GS.TS Trần Văn Khê đã nhiệt tình tham dự, trao đổi và có tham luận phát biểu rất tâm huyết, công phu. GS.TS Trần Văn Khê tự nhận: “Tôi chỉ là một nhà nghiên cứu và giáo dục về âm nhạc, nhưng vì thấy việc đem âm nhạc vào du lịch cũng là một vấn đề quan trọng, nên tùy người và tùy công việc, tôi có những góp ý khác nhau”.

Với tầm nhìn của nhà văn hóa đã từng đi đó đây khắp thế giới, GS.TS Trần Văn Khê rất tán thành ý tưởng của GS. Trần Văn Giàu và nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng: Bửu Long là vùng đất thiêng, đất văn hóa, nên cần được phát triển tiềm năng du lịch theo hướng văn hóa. Ông cho rằng, muốn phục vụ một du khách cho toàn diện thì phải “đi theo” du khách đó từ nước của họ đến nước của ta. Như vậy, âm nhạc dân tộc phải được dùng trên máy bay, tại phi trường, trong xe taxi, khách sạn, nhà hàng và những tụ điểm nghệ thuật một cách chọn lọc, phù hợp.

Ông kể, năm 1963 ông bay từ Paris tới New Delhi với Hàng không Ấn Độ (Air India). Trên máy bay, nữ tiếp viên viên người Ấn mặc áo sari truyền thống chắp tay chào khách theo phong cách Ấn Độ, gần cửa sổ máy bay có vẽ hình cô vũ nữ múa theo điệu Bharata Natyam (múa cổ điển miền Nam Ấn Độ). Hai chi tiết đó làm cho ông cảm giác đã đến Ấn Độ dù máy bay còn ở phi trường Orly (Paris). Đang sung sướng thưởng thức một không gian đầy yếu tố Ấn Độ, bỗng dưng loa phóng thanh phát lên bài nhạc Pháp thời trang của tài tử Tino Rossi. Tất cả cảm giác say sưa được đến Ấn Độ của ông tiêu tan tức khắc.

GS.TS Trần Văn Khê cũng góp ý, các nhà hàng, khách sạn hiện nay thường sử dụng một nữ nhạc công đánh đàn piano hoặc violon, trong khi du khách, nhất là khách từ phương Tây, thường muốn khám phá những chuyện mới lạ nhưng loại nhạc đó lại quá quen thuộc với họ. Trong khi đó, ở những nhà hàng, khách sạn có bố trí nhạc công đờn tranh, hay đờn bầu, thể nào cũng có một vài du khách đến nhìn cây đàn, có khi hỏi một vài câu về nhạc khí và âm nhạc Việt Nam. “Có thể còn những điểm khác chúng tôi chưa đề cập đến, có những đề nghị không phù hợp với thị hiếu của quần chúng, nhưng nếu vì mục đích lợi nhuận mà bôi bác bản sắc văn hóa dân tộc thì tôi hoàn toàn không đồng ý” - GS.TS Trần Văn Khê nhấn mạnh như thế trong tham luận.

2. Một dịp khác, cũng rất giản dị, ngày 4-12-2011, GS.TS Trần Văn Khê đến nói chuyện, giao lưu với học sinh Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh. Ông tâm tình: “Tôi cho rằng không có buổi nói chuyện nào là không quan trọng, nhất là nói chuyện với các em học sinh, bởi vì tương lai đất nước là nằm trong tay các em. Tôi lớn tuổi rồi, không làm được gì to tát, chỉ mong góp phần hướng các em đến cái gì hay, đẹp, đúng đắn”. 

Không nhắc nhiều đến âm nhạc - sở trường nghiên cứu cả đời, mà ông chỉ khuyên nhủ học sinh: hãy hướng đến “thành nhân” trước khi “thành đạt”. Ông kể, thuở còn nhỏ ông mồ côi từ rất sớm. Mẹ mất lúc mới 9 tuổi, mấy tháng sau thì cha cũng mất, nhưng may mắn ông cùng với 2 người em (trong đó có “Quái kiệt” Trần Văn Trạch, một ca sĩ nổi tiếng) được người cô thứ ba là Trần Ngọc Viện (tức cô Ba Viện, người sáng lập gánh cải lương Đồng Nữ ban) đem về nuôi nấng. Cô Ba Viện rất thương anh em ông, cho đi học chữ, võ, học đàn. Nhưng cô cũng là người giáo dục rất nghiêm khắc, từ chuyện bảo ban các cháu phải biết tự lực, sống phải có trách nhiệm với mọi người xung quanh và với những việc mình làm, cho đến rèn giũa nết ăn, nết ở, nết học hành. Đặc biệt, cô luôn nhắc “làm người, phàm làm bất cứ chuyện gì cũng phải tận lực”. Nhờ vậy, dù mồ côi nhưng anh em ông vẫn giữ nếp nhà, sau này đều thành đạt.

GS.TS Trần Văn Khê giao lưu với học sinh Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh ngày 4-12-2011. Ảnh: Thanh Thúy
GS.TS Trần Văn Khê giao lưu với học sinh Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh ngày 4-12-2011. Ảnh: Thanh Thúy

Ông chân tình nói với học sinh và các vị phụ huynh: “Làm người, luôn phải tìm tòi, học hỏi bởi những gì mình biết không nghĩa lý gì so với những điều chưa biết. Nhưng trước khi rèn tài, cần phải rèn luyện đức, lễ để “thành nhân”, thì con người mới trở nên toàn diện. Các bậc phụ huynh ngày nay dạy con cũng đừng nên chỉ chú trọng đến kiến thức, cần dạy cho con biết “nhân, nghĩa, lễ, trí, tín” để làm người”.

3. Nói đến GS.TS Trần Văn Khê, mọi người ngưỡng mộ không phải vì ông là người đánh đàn giỏi nhất, hay là người tinh thông về âm nhạc dân tộc nhất, mà kính trọng vì ông là người dành cả cuộc đời để giữ gìn và truyền bá những giá trị bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam đến thế giới, thổi hồn văn hóa Việt, âm nhạc Việt vào đời sống hiện đại. Giá trị văn hóa lớn của ông không hẳn có được từ những ngôi trường đại học danh tiếng, mà được hun đúc từ cái nôi truyền thống gia đình, từ ý thức tự hào là dân tộc Việt. Ở tuổi 94, ông ra đi là thuận lẽ trời, nhưng có những con người mà sự sinh - tử không còn mang ý nghĩa mất - còn thông thường, bởi những giá trị sống mà họ để lại cho hậu thế rất lớn lao. GS.TS Trần Văn Khê là một trong những con người như thế...

GS.TS Trần Văn Khê sinh ngày 24-7-1921 tại quận Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho (nay là Tiền Giang) trong một gia đình có truyền thống về âm nhạc. Năm 1958, ông là người Việt Nam đầu tiên đỗ tiến sĩ Khoa Âm nhạc học Đại học Văn Khoa Paris, Viện Âm nhạc học, với đề tài luận án về âm nhạc truyền thống Việt Nam. Trong hơn nửa thế kỷ sống và nghiên cứu, giảng dạy âm nhạc dân tộc ở nước ngoài, ông luôn tìm cách quảng bá âm nhạc Việt Nam nói riêng, văn hóa Việt Nam nói chung ra thế giới.

GS.TS Trần Văn Khê từng là Giám đốc nghiên cứu Trung tâm Quốc gia nghiên cứu khoa học của Pháp; thành viên Hội đồng quốc tế Âm nhạc của UNESCO; 10 năm liền là Chủ tịch Ban tuyển chọn quốc tế của Diễn đàn âm nhạc Châu Á; Viện sĩ thông tấn Viện hàn lâm khoa học, văn chương và nghệ thuật châu Âu. Ông cũng đoạt rất nhiều giải thưởng quốc tế về âm nhạc.

Huỳnh Tới - Thanh Thúy

 

 

 

Tin xem nhiều