Báo Đồng Nai điện tử
En

Tháng 5, về quê Bác...

10:05, 20/05/2005

Đến hẹn lại lên, lễ hội làng Sen năm nay được tổ chức tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An từ ngày 17-5 đến ngày 21-5-2005.

Quang cảnh lễ kỷ niệm.

Đến hẹn lại lên, lễ hội làng Sen năm nay được tổ chức tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An từ ngày 17-5 đến ngày 21-5-2005 . Đồng Nai là một trong số 12 tỉnh thành trong cả nước được mời tham dự với hai hoạt động chính: Triển lãm hình ảnh, hiện vật về Bác Hồ và giới thiệu bản sắc văn hóa địa phương; liên hoan nghệ thuật truyền thống. Cộng tác viên báo Đồng Nai đi theo Đoàn và gửi về bài ghi nhận sau đây.  

Chúng tôi đặt chân đến thành phố Vinh và choáng ngợp ngay trong không khí lễ hội. Từ ngày 30-4-2005 đến hết tháng 5-2005, xứ Nghệ cùng lúc diễn ra nhiều hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội lớn: Lễ công bố năm du lịch Nghệ An, kỷ niệm 975 năm danh xưng Nghệ An, kỷ niệm 115 năm ngày sinh Hồ Chủ tịch, lễ hội làng Sen, Hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao... Không chỉ Vinh mà các thị xã, thị trấn lân cận đâu đâu cũng rực rỡ cờ hoa. Thành phố Vinh trong những năm kháng chiến chống Mỹ bị bom đạn tàn phá gần như chỉ còn là đống gạch vụn nay đã ra dáng một đô thị tầm cỡ. Dọc theo những con đường lớn trong thành phố, san sát các công trình văn hóa, nhà hàng, khách sạn, các siêu thị sầm uất. Âm vang trên sóng phát thanh là hòa điệu dân ca ví dặm càng làm đậm đà thêm bản sắc văn hóa của người dân xứ Nghệ. Khách sạn Thanh Bình - "đại bản doanh" của đoàn Đồng Nai nằm trên đại lộ Quang Trung, một trong các tuyến phố chính của thành phố Vinh. Từ đây đến bảo tàng tỉnh Nghệ An chỉ chưa đầy 1km. Nhà bảo tàng tỉnh Nghệ An đã dành 100m2 làm khu triển lãm chung của các tỉnh, thành tham dự lễ hội làng Sen. Đến ngày 15-5, các gian hàng của 12 địa phương cơ bản đã hoàn tất. Gian trưng bày của tỉnh Đồng Nai do Nhà bảo tàng Đồng Nai thực hiện có diện tích 12m2, được thiết kế khá ấn tượng với nhiều hiện vật, một cây nêu cao 5m và bức chân dung  Hồ Chủ tịch gồm 240 tấm ảnh nhỏ của Bác được ghép lại. 11 gian hàng của các tỉnh bạn cũng mỗi nơi một vẻ, điều cố gắng làm nổi bật nét văn hóa đặc trưng của địa phương mình.

Tối 15-5-2005, quảng trường Hồ Chí Minh rộng hơn 11 hécta đã đón trên 2 vạn khán giả đến dự khai mạc "Tuần lễ văn hóa" và lễ hội làng Sen. Sau phần khai mạc là chương trình nghệ thuật với chủ đề "Bác Hồ và bản sắc văn hóa các dân tộc Việt Nam" do NSND Lê Tiến Thọ làm tổng đạo diễn, gồm 2 chương với 500 diễn viên tham gia, kéo dài gần 60 phút. Tiếp đó, tối 17- 5, tại sân bảo tàng tỉnh đã khai mạc liên hoan nghệ thuật truyền thống với sự tham gia của 12 đoàn nghệ thuật. Sau diễn văn chào mừng của Thứ trưởng Bộ VH-TT Trần Chiến Thắng là màn trình diễn ngoạn mục của 115 chiếc đèn trời cùng vô số quả coòng ngũ sắc của đồng bào dân tộc Thái tung xuống khán giả. Sự ra mắt của 12 đoàn nghệ thuật gồm các tỉnh: Nghệ An, Cao Bằng, Bắc Giang, Cần Thơ, Đồng Nai, Đaklak... trong trang phục rực rỡ sắc màu đã được người dân xứ Nghệ đón chào nồng nhiệt bằng những tràng pháo tay kéo dài không dứt.

Ngày 18-5, đoàn Đồng Nai đã đi thăm khu di tích Kim Liên bao gồm: mộ bà Hoàng Thị Loan thân sinh Hồ Chủ tịch; làng Hoàng Trù - quê ngoại và làng Kim Liên (làng Sen) quê nội của Bác. Đang mùa lễ hội nên hàng vạn người dân từ nhiều vùng đất nước cũng đến đây để tham quan, bày tỏ tình yêu đối với Hồ Chủ tịch và quê hương của Người. Đoàn nghệ thuật quần chúng tỉnh Đồng Nai có nhiều nghệ nhân cao tuổi, trong đó vợ chồng già làng Nguyễn Văn Nỗi đã ngoài 70 nhưng vẫn rất hăm hở, nhiệt tình. Các ông bà đã vượt qua hơn 240 bậc đá lên tận mộ bà Hoàng Thị Loan nằm lưng chừng núi Động Tranh, cao 100m so với mực nước biển để thắp nhang tưởng niệm bà.

Buổi chiều cùng ngày, chúng tôi đi tham quan Cửa Lò - bãi biển nổi tiếng của tỉnh Nghệ An. Khu vực bãi tắm dài hàng km gần như được phủ kín bằng những nhà nghỉ, lều quán san sát. Hầu hết thành viên trong đoàn đều ào xuống tắm, hăng hái nhất là các nghệ nhân Châu Ro vốn chẳng mấy khi được xuống biển.

Tối 18-5, tại quảng trường Hồ Chí Minh tiếp tục diễn ra mít tinh trọng thể kỷ niệm 115 năm ngày sinh của Bác. Dự lễ có Tổng bí thư Nông Đức Mạnh và nhiều vị lãnh đạo TW và tỉnh Nghệ An. Chương trình sân khấu hóa do NSND Phạm Thị  Thành làm tổng đạo diễn với nhiều màn hát múa sinh động diễn ra trên nền nhạc trữ tình ngay dưới chân bức tượng Hồ Chủ tịch cao 18m bằng đá granit Bình Định. Đây là tác phẩm do nhà điêu khắc Đỗ Như Cẩn và Trường đại học mỹ thuật TP. HCM thực hiện được khánh thành vào ngày 19-5-2003 nhân kỷ niệm 113 năm ngày sinh của Bác. Lễ mít tinh kết thúc bằng màn bắn pháo hoa lộng lẫy kéo dài 10 phút. Kế bên quảng trường Hồ Chí Minh là khu hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao nhộn nhịp suốt đêm ngày. Ở đây có sự góp mặt của 150 doanh nghiệp trong nước với hơn 500 gian hàng giới thiệu sản phẩm. Tỉnh Đồng Nai mang đến hội chợ nhiều mặt hàng nổi tiếng như đường Biên Hòa, bánh kẹo Bibica, gạch ngói Đồng Nai, thực phẩm, nước giải khát Interfood...

Tối 19- 5, Ban tổ chức lễ hội làng Sen phối hợp với nhà văn hóa huyện Nam Đàn tổ chức đêm giao lưu văn nghệ của 4 đoàn nghệ thuật đến từ các tỉnh Bắc Giang, Cần Thơ, Đồng Nai và đoàn chủ nhà Nghệ An. Chương trình của đoàn Đồng Nai gồm 3 tiết mục: Lễ hội Sayangra  (cúng thần lúa), hát, múa tập thể. Nhà văn hóa Nam Đàn đông chật khán giả, đêm giao lưu kéo dài đến tận 11 giờ đêm.

Chương trình biểu diễn nghệ thuật của đoàn Đồng Nai gồm 8 tiết mục ca múa nhạc và biểu diễn thời trang diễn ra tối 20-5-2005 tại nhà bảo tàng Nghệ An là hoạt động cuối cùng của đoàn Đồng Nai trên quê Bác. Chiều 20-5-2005 , chương trình bế mạc "Lễ hội làng sen" tổ chức tại nhà văn hóa lao động, với nhiều màn giã bạn đặc sắc, khép lại tuần lễ văn hóa sôi động, ngập tràn ấn tượng đẹp... Lễ hội làng sen năm 2005 thật sự là cơ hội tuyệt vời cho người dân xứ Nghệ được giao lưu, tiếp nhận nét đẹp văn hóa đến từ nhiều miền đất nước. Đây cũng là dịp để nhân dân cả nước bày tỏ lòng biết ơn sâu nặng và lòng tôn kính vô hạn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị cha già của dân tộc. Với riêng đồng bào Chơro tỉnh Đồng Nai, quê hương xứ Nghệ đẹp đẽ, giàu truyền thống cách mạng mãi mãi để lại ấn tượng tốt đẹp, đúng như hai câu thơ xưa của Hồ Chủ tịch khi Người về thăm quê hương:

"Quê hương nghĩa nặng tình cao

50 năm ấy biết bao nhiêu tình".

Hoàng Ngọc Điệp ( fax từ Nghệ An )

 

Tin xem nhiều