Báo Đồng Nai điện tử
En

Bác Hồ qua những hồi ức đầy cảm động của văn nghệ sĩ nước ngoài

09:05, 17/05/2005

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Bác Hồ kính yêu đã để lại cho mọi người nói chung và giới văn nghệ sĩ nói riêng những dấu ấn khó phai mờ.

Nhân dân thủ đô Vác-xa-va nhiệt liệt hoan nghênh Hồ Chủ tịch sang thăm nước Cộng hòa nhân dân Ba Lan (1957)

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Bác Hồ kính yêu đã để lại cho mọi người nói chung và giới văn nghệ sĩ nói riêng những dấu ấn khó phai mờ. Bất kỳ người đó là ai, thuộc dân tộc nào, chính kiến ra sao... nhưng mỗi khi được tiếp xúc với Chủ tịch Hồ Chí Minh, đều cảm nhận được ở Người một tư chất của một nhà lãnh đạo cách mạng thiên tài, một chiến sĩ đấu tranh không mệt mỏi của phong trào cộng sản quốc tế, một nhà văn hóa lớn giàu lòng nhân ái... Nhân kỷ niệm 115 năm ngày sinh của Bác, người viết bài này xin được tập hợp một số tư liệu nói lên những tình cảm đặc biệt của giới văn nghệ sĩ nước ngoài đối với Bác Hồ của chúng ta để giúp mọi người, nhất là giới trẻ có thêm một dịp để suy ngẫm về những điều mà chúng ta đang học tập, noi gương Bác Hồ vĩ đại.

Nữ nhà văn Liên Xô (cũ) I.Lép-sen-cô vốn rất yêu quý đất nước và con người Việt Nam . Trong những năm tháng khói lửa của cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược, nữ nhà văn này đã nhiều lần sang thăm Việt Nam . Lần nào chị cũng có những bài viết hết sức sâu sắc và cảm động về đất nước, con người Việt Nam anh hùng. Về Bác Hồ kính yêu, nữ nhà văn đã từng tâm sự rằng: "Tôi chưa thấy một người nào mà sau khi gặp đồng chí Hồ Chí Minh, dù chỉ một lần, người đó lại không thốt lên khi nhớ đến cuộc gặp gỡ: "Thật là một con người tuyệt vời!". Người đã từng là một nhà báo, Người có một cặp mắt tinh tường và ngòi bút sắc sảo... Tên tuổi của Người sẽ khắc sâu trong tâm khảm chúng ta...".

30 năm bôn ba ở nước ngoài để đi tìm con đường cứu nước, cứu dân, dấu chân của Người in khắp trên mọi vùng đất của châu Á, châu Phi, châu Mỹ la - tinh. Năm 1928, Người đến đất nước Thái Lan để hoạt động cách mạng. Sức chịu đựng gian khổ bền bỉ và đạo đức cao cả, cũng như tầm nhìn xa thấy rộng của Người đã để lại cho đồng bào ta ở Thái Lan và cả nhân dân Thái Lan lòng cảm phục vô biên. Bỏ công nghiên cứu  về  thời  gian hoạt động của Người trên  đất  Thái  Lan,  nữ nhà văn, nhà báo Thái Lan Cù-lập Sai-pơ-ra-đích đã viết: "Nhắc đến tên Chủ tịch Hồ Chí Minh, tôi lại nghĩ đến đạo đức cao cả của vị lãnh tụ mà tôi đã từng được nghiên cứu phần nào về sự kiện lúc Người đang tạm náu mình trên đất nước tôi... Tôi nghĩ rằng người Thái chúng ta cũng sẽ thấm thía tình hữu ái của Người nếu biết rằng Người đã nhắc nhở Việt kiều ở Thái Lan phải tôn trọng phong tục tập quán của người Thái và tuân theo luật pháp của Thái Lan".

Vin-li Xan-bao, một nhà báo đồng thời là người lâu năm làm công tác Đoàn của nước Cộng hòa dân chủ Đức (cũ), là người đã được trung ương Đoàn thanh niên lao động Hồ Chí Minh (Đoàn TNCSHCM) trao cho phần thưởng cao quý: Huy chương "Vì thế hệ trẻ" có ngôi sao đỏ và chân dung Bác Hồ kính mến. Đặc biệt, ông đã được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sung sướng, xúc động, ông đã bày tỏ tình cảm chân thành của mình đối với Người qua những trang hồi ký. Ông khẳng định: "Được gặp Bắc Hồ là một dịp may hiếm có trong đời tôi. Đó cũng là một phần thưởng cao quý đối với một người công dân nước Cộng hòa dân chủ Đức muốn hiến toàn bộ trái tim mình cho phong trào ủng hộ sự nghiệp cao đẹp của nhân dân Việt Nam ". "Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Ái Quốc, Hồ Chí Minh... những tên gọi khác nhau của một tâm hồn gang thép, một tâm hồn Việt Nam tuyệt đẹp"; "Bác là tượng trưng cho dân tộc Việt Nam, một dân tộc rất giàu tình cảm yêu thương mà cũng vô cùng bất khuất".

Nhà  văn,  nhà báo người Ba Lan M.Giu-láp-xki là người đã từng được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh vào năm 1946 tại Paris khi Người sang Pháp để đàm phán hòa bình. Hình ảnh, tác phong và sự hiểu biết sâu rộng của Người đã lập tức thu hút sự chú ý của ông. Ông tâm sự: "Ảnh của Bác được in hầu hết trên các báo xuất bản ở Pháp, nên khi Người bước vào phòng họp, tôi nhận  ra ngay. Chỉ có một điều, trong thực tế Người trông khác hẳn: vẫn cái dáng gầy, nhỏ nhắn với chòm râu thưa và bộ quân phục nhã nhặn, nhưng không một chiếc ảnh nào thu được cái ánh sáng long lanh của đôi mắt và lột tả nổi cái đẹp cân đối tuyệt vời của cả cái thân hình đó". Mùa thu năm 1954, M.Giu-láp-xki lại được gặp Người tại Hà Nội. Trong ký ức ông, "Bác vẫn giản dị, gần gũi hệt như tám năm về trước...". Ông thực sự kinh ngạc khi trong buổi tiếp xúc với các nhà báo nước ngoài, Bác ra hiệu cho đồng chí phiên dịch không cần thiết dịch... "Nghe phóng viên báo Sự thật nói, Bác trả lời bằng tiếng Nga. Sau đó Người nói chuyện bằng tiếng Ý với phóng viên tạp chí Unita, bằng tiếng Anh với phóng viên báo Công nhân. Có lẽ đọc được sự ngạc nhiên của chúng tôi, Bác cười vui vẻ: Các nhà báo nước ngoài - Người nói bằng tiếng Pháp - thường hay kể những chuyện phóng đại về tôi. Nhưng cũng có những chuyện đúng...". Người nói rằng, ở Anh, Pháp, Đức, Mỹ hay Trung Quốc..., Người đều được công nhân các nước đó dạy cho Người tiếng nước họ và Người đã học rất chăm chú...

Còn nhà thơ, nhà nghiên cứu văn học Trung Quốc Quách Mạt Nhược lại ca ngợi Người ở khía cạnh khác: Hồ Chủ tịch - con người của thơ ca. Ông nói về Người với tập Nhật ký trong tù... Ông cho rằng: "Nếu đặt vào giữa tập thơ Đường, Tống, có lẽ cũng khó nhận ra (...). Tất cả 100 bài thơ 2700 chữ, tựu trung chỉ có một chữ "Thép"... Bài nào cũng có thép, câu nào cũng có thép. Vì sao như thế? Bởi vì người làm thơ đã có tinh thần thép bất khuất, có tinh thần xung phong nơi hiểm trận. Đó chính là tinh thần thơ ca của giai cấp vô sản hiện đại", "...chúng ta cảm ơn pho sử bằng thơ của Hồ Chủ tịch đã giữ lại cho chúng ta một  số nét về bộ mặt của thời cũ, đáng để cho chúng ta hồi tưởng...". "Thật là một con người tuyệt vời!" - với Bác kính yêu, dù rất khiêm tốn, chúng ta vẫn luôn có quyền tự hào như vậy!

Nguyễn Thị Thọ

(Trường CĐSP Huế)

 

Tin xem nhiều