Báo Đồng Nai điện tử
En

Phẫu thuật lấy viên sỏi 'khủng' phát triển trong bàng quang hơn 20 năm

05:08, 23/08/2021

(ĐN)- Ngày 23-8, thông tin từ Bệnh viện quốc tế Hoàn Mỹ Đồng Nai cho hay, bệnh viện vừa mổ thành công cho bệnh nhân nam có viên sỏi ở bàng quang nặng hơn 300g. Điều đáng nói, viên sỏi này đã được phát hiện nằm trong bàng quang của bệnh nhân từ hơn 20 năm nay.

(ĐN)- Ngày 23-8, thông tin từ Bệnh viện quốc tế Hoàn Mỹ Đồng Nai cho hay, bệnh viện vừa mổ thành công cho bệnh nhân nam có viên sỏi ở bàng quang nặng hơn 300g. Điều đáng nói, viên sỏi này đã được phát hiện nằm trong bàng quang của bệnh nhân từ hơn 20 năm nay.

Bác sĩ tái khám cho bệnh nhân sau mổ. Ảnh: Bích Nhàn
Bác sĩ tái khám cho bệnh nhân sau mổ.

Trước đó, ngày 13-8, ông N.V.C. (sinh 1957, ngụ xã Phước Thái, huyện Long Thành) đã nhập viện trong tình trạng nhiễm khuẩn đường tiết niệu, đau tức bụng dưới và tiểu buốt. Sau khi thăm khám và thực hiện các chỉ định cận lâm sàng như: siêu âm, chụp CT, các bác sĩ phát hiện một viên sỏi rất lớn trong bàng quang của ông C. Do kích thước viên sỏi quá lớn (đường kính khoảng 9cm, nặng hơn 300g), nên các bác sĩ buộc phải tiến hành mổ hở để lấy viên sỏi ra ngoài.

Sau khi được phẫu thuật, bệnh nhân đã tỉnh táo, ăn uống được, đã tập tiểu bình thường và có thể xuất viện trong vài ngày tới.

Bác sĩ Bùi Khắc Thái, khoa Ngoại niệu, Bệnh viện quốc tế Hoàn Mỹ Đồng Nai cho biết, sỏi bàng quang quá lớn có thể gây ra một số biến chứng nặng cho người bệnh như: viêm bàng quang (cấp hoặc mãn tính), nhiễm trùng tiểu, suy thận, thậm chí ung thư bàng quang.

Viên sỏi bàng quang đã nằm và phát triển trong bụng ông C. hơn 20 năm . Ảnh: Bích Nhàn
Viên sỏi bàng quang đã nằm và phát triển trong bụng ông C. hơn 20 năm

Đối với sỏi đường tiết niệu được phát hiện sớm khi kích thước còn nhỏ chưa gây biến chứng thì có thể điều trị bằng các phương pháp như: điều trị nội khoa, can thiệp bằng các phương pháp hiện đại ít xâm lấn như tán sỏi ngoài cơ thể, tán sỏi nội soi bằng lazer, nội soi tán sỏi qua da, giúp bệnh nhân bớt đau và bình phục nhanh hơn.

Vì vậy, khi có các triệu chứng như tiểu buốt, tiểu ngắt quãng, tiểu máu, đau tức vùng bụng dưới… người bệnh cần đến bệnh viện để khám và được tư vấn phương pháp điều trị.

Theo ông C., từ năm 1998, ông C đã phát hiện viên sỏi ở bàng quang khi đi khám bệnh nhưng do không có dấu hiệu gì nên chủ quan không vào bệnh viện khám và điều trị. Thời gian gần đây, ông C có thể sờ thấy khi ngồi xuống, khiến bệnh nhân gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt. Hơn nữa, tình trạng nhiễm trùng tiểu tái đi tái lại nhiều lần, nên bệnh nhân mới quyết định điều trị.

Tin, ảnh: Bích Nhàn

Tin xem nhiều