Báo Đồng Nai điện tử
En

Việt Nam đạt kết quả toàn diện cả về kinh tế và y tế sau hơn 1 năm chống dịch Covid-19

04:03, 17/03/2021

(ĐN)- Ngày 17-3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá kết quả công tác phòng, chống dịch Covid-19 thời gian qua và bàn giải pháp trong thời gian tới...

 

(ĐN) - Ngày 17-3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá kết quả công tác phòng, chống dịch Covid-19 thời gian qua, bàn giải pháp lớn để phòng, chống dịch hiệu quả thời gian tới. Tại điểm cầu Đồng Nai, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng chủ trì hội nghị.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị (
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị (Ảnh: TTXVN)

Theo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, tính đến sáng 17-3, Việt Nam ghi nhận 2.560 trường hợp mắc Covid-19, trong đó có 2.115 trường hợp đã bình phục, 35 trường hợp tử vong, còn lại đang được điều trị. Sau 1 tuần triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19, cả nước có hơn 20 ngàn người ở 12 tỉnh, thành phố trong cả nước đã được tiêm vaccine. Bộ Y tế đang tiếp tục đàm phán với các công ty sản xuất vaccine để đa dạng hóa nguồn cung vaccine.

Tình hình dịch bệnh trong cả nước cơ bản được kiểm soát nhưng nguy cơ dịch bệnh xâm nhập luôn hiện hữu. Do đó, ngoài triển khai tiêm vaccine, Bộ Y tế khuyến cáo người dân vẫn phải tiếp tục thực hiện nghiêm quy định 5K trong phòng dịch.

Kết luận tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Việt Nam đã nhận diện chính xác mức độ nguy hiểm của dịch bệnh, sớm kích hoạt hệ thống phòng dịch quốc gia, đưa ra những giải pháp phù hợp với diễn biến của dịch bệnh. Những phương châm, thông điệp của Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 quốc gia rõ ràng, có hệ thống, đã phát động được công cuộc: “Mỗi gia đình là một pháo đài, mỗi người dân là một chiến sĩ, chống dịch như chống giặc. Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người” không để mầm bệnh lan rộng, kéo dài.

Cũng theo Thủ tướng, Việt Nam đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt, linh hoạt, kịp thời cả về kinh tế và y tế. Những chủ trương mới mà thế giới chưa vận dụng đã được Việt Nam triển khai như: cách ly tập trung, truy vết thần tốc, khoanh vùng nhanh, phong tỏa hẹp, phương châm 4 tại chỗ, xét nghiệm diện rộng khi cần thiết. Cả hệ thống chính trị vào cuộc với biện pháp mạnh mẽ, đã ngăn chặn được cuộc khủng hoảng từ y tế sang kinh tế.

Việt Nam đã mở cửa đón công dân, bảo hộ công dân, đẩy mạnh ngoại giao y tế, đạt kết quả toàn diện cả về kinh tế và y tế, cơ bản bảo vệ an toàn sức khỏe cho người dân; đảm bảo việc làm cho người lao động trong các doanh nghiệp. Qua đó, khẳng định vai trò to lớn của Ban chỉ đạo quốc gia, ban chỉ đạo các cấp, chính quyền địa phương, đội ngũ y, bác sĩ, quân đội, công an... Nhiều lãnh đạo địa phương lăn lộn chỉ đạo quyết liệt phòng dịch, kể cả trưng dụng cán bộ y tế, lãnh đạo đã về hưu để tham gia phòng dịch.

Thủ tướng đánh giá cao nỗ lực và đóng góp của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, các cá nhân, tập thể, địa phương trong công tác phòng dịch Covid-19 hơn 1 năm qua. Trong cơn khó khăn, người dân trong cả nước đã cùng nhau đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, cùng nhau vượt qua thách thức, tạo sức mạnh tổng hợp của dân tộc, củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, quản lý của Nhà nước và bản chất tốt đẹp của chế độ ta.

Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Đồng Nai đang lắng nghe Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại đầu cầu Hà Nội.
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Đồng Nai đang lắng nghe Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại đầu cầu Hà Nội.

Xác định cuộc chiến chống Covid-19 vẫn chưa kết thúc và còn rất nhiều việc phải làm, Thủ tướng đề nghị tất cả mọi người dân không được lơ là, chủ quan. Mặc dù đã có vaccine thì vaccine không phải là tất cả. Nếu lơ là, chủ quan, dịch bệnh sẽ bùng phát bất cứ lúc nào.

Thủ tướng đề nghị tất cả các cấp, các ngành quyết tâm tiếp tục thực hiện thành công mục tiêu kép để bảo vệ sức khỏe cho người dân và phát triển kinh tế trong trạng thái bình thường mới. Khi khó khăn phải bình tĩnh, kiên quyết. Khi an toàn không được lơ là, mất cảnh giác.

Các Bộ, cơ quan ngang bộ, các địa phương cần tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch bệnh; tiếp tục chỉ đạo phát triển kinh tế và các hoạt động an sinh xã hội song song với phòng chống dịch bệnh. Có những giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ứng phó với Covid-19, nhất là các lĩnh vực vận tải, du lịch, dịch vụ.

UBND các tỉnh, thành phố cần chủ động các phương án phòng chống dịch tùy từng cấp độ với phương châm 4 tại chỗ. Phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế rà soát, chuẩn bị sẵn sàng các kịch bản, quán triệt phương châm truy vết thần tốc, khoanh vùng nhanh, phong tỏa hẹp, xét nghiệm rộng, thực hiện cách ly tập trung ngay với những đối tượng có nguy cơ, không để dịch bệnh lây lan rộng ra cộng đồng. Quản lý chặt chẽ người nhập cảnh; thường xuyên kiểm tra phòng chống dịch ở các cơ sở cách ly tập trung, khách sạn, nhà nghỉ thực hiện cách ly. Tất cả người dân cần thực hiện nghiêm quy định 5K, hạn chế tối đa tập trung đông người.

Bộ Y tế có trách nhiệm chỉ đạo toàn ngành tập trung khẩn trương tiêm phòng Covid-19 đảm bảo an toàn, hướng tới tiêm chủng toàn dân, xem xét, tiếp cận các nguồn vaccine khác nhau, đánh giá kỹ mức độ an toàn vaccine, tiếp tục nghiên cứu sản xuất vaccine trong nước để đưa vào sử dụng. Đồng thời, phối hợp với các địa phương rà soát, phòng chống tham nhũng, nhất là trong việc mua sắm thiết bị y tế; tiếp tục đào tạo, tập huấn, diễn tập cho nhân viên y tế toàn quốc thuần thục, nhanh chóng; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong khám, chữa bệnh.

Hạnh Dung

Tin xem nhiều