Báo Đồng Nai điện tử
En

Đầu tư cho kết nối hạ tầng vùng Đông Nam bộ là đầu tư cho sự phát triển chung của cả nước

04:11, 22/11/2020

(ĐN)- Ngày 22-11, tại TP.Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) diễn ra hội thảo "Thúc đẩy kết nối hạ tầng giao thông vùng Đông Nam bộ".

 

(ĐN) - Ngày 22-11, tại TP.Vũng Tàu, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phối hợp với Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, Viện nghiên cứu Phát triển TP.HCM, Báo Tuổi trẻ tổ chức hội thảo “Thúc đẩy kết nối hạ tầng giao thông vùng Đông Nam bộ”.

Ban Tổ chức trao tập tài liệu tổng hợp các đóng góp, hiến kế của các chuyên gia, bạn đọc, cùng công trình nghiên cứu của Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM về vấn đề kết nối hạ tầng giao thông vùng Đông Nam bộ...  đến lãnh đạo Bộ GT-VT.
Ban Tổ chức trao tập tài liệu tổng hợp các đóng góp, hiến kế của các chuyên gia, bạn đọc, cùng công trình nghiên cứu của Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM về vấn đề kết nối hạ tầng giao thông vùng Đông Nam bộ... đến lãnh đạo Bộ GT-VT.

Hội thảo thu hút hơn 150 đại biểu gồm lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, Bộ GT-VT, Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố trong vùng liên kết Đông Nam bộ, câc chuyên gia, doanh nghiệp…

Theo các đại biểu tham dự hội thảo, Đông Nam bộ là vùng kinh tế động lực quan trọng của cả nước và là “cửa ngõ” kinh tế của Việt Nam ra thế giới. Các tỉnh vùng Đông Nam bộ có đóng góp lớn trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp, kim ngạch xuất khẩu và ngân sách cả nước. Cụ thể, vùng Đông Nam bộ hiện đóng góp 38% GDP của cả nước; 48% kim ngạch xuất khẩu; gần 41% ngân sách nhà nước và chiếm gần 47% số dự án đầu tư, hơn 43% nguồn vốn FDI của cả nước…

Tuy nhiên, thời gian qua, sự phát triển của vùng chưa tương xứng tiềm năng, lợi thế. Trong đó, một trong những nguyên nhân là do điểm nghẽn hạ tầng giao thông. Hiện nay, dù là vùng kinh tế phát triển nhất của cả nước nhưng cơ sở hạ tầng giao thông của vùng Đông Nam bộ lại chưa được quy hoạch đồng bộ, chưa theo kịp tốc độ phát triển kinh tế, đô thị hóa; hệ thống giao thông liên tỉnh, liên vùng phát triển chậm; chưa có cơ chế huy động vốn cho toàn vùng.

Từ thực trạng trên, tại hội thảo, các địa biểu đã nhấn mạnh tầm quan trọng trong việc thúc đẩy thực hiện các dự án giao thông kết nối vùng, nhất là các dự án đã được Chính phủ phê duyệt như: đường Vành đai 3, Vành đai 4, đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, Phan Thiết - Dầu Giây, Càng hàng không quốc tế Long Thành…

Siêu dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành là “đòn bẩy” thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong ảnh: Phối cảnh Cảng hàng không quốc tế Long Thành trong tương lai. Ảnh: T.L
Siêu dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành là “đòn bẩy” thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đồng Nai. Trong ảnh: Phối cảnh Cảng hàng không quốc tế Long Thành trong tương lai. Ảnh: T.L

Để thúc đẩy kết nối hạ tầng giao thông vùng Đông Nam bộ, các chuyên gia đã đưa ra những định hướng cần thực hiện trong thời gian tới như: tuyên truyền và nâng cao nhận thực về lợi ích mang lại của việc nối kết hạ tầng trong vùng; xây dựng và cập nhật, chia sẻ dữ liệu chung cho toàn vùng; nghiên cứu và nhanh chóng thành lập Quỹ đầu tư phát triển hạ tầng cho toàn vùng; chú trọng đầu tư hạ tầng giao thông kết nối…

Các đại biểu cũng kiến nghị với Chính phủ để thúc đẩy kết nối hạ tầng giao thông cho vùng Đông Nam bộ như: xem xét tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách để lại cho địa phương; tăng phân bổ đầu tư cho địa phương từ nguồn ngân sách phải nộp về trung ương đối với các địa phương: TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu; tạo nền tảng cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh…

Phát biểu ý kiến tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ GT-VT Lê Anh Tuấn cho rằng, vùng Đông Nam bộ có đóng góp rất lớn vào tăng trưởng kinh tế của đất nước, là khu vực nhiều tiềm năng. Do đó, phải xác định đầu tư cho kết nối hạ tầng vùng Đông Nam bộ là đầu tư cho sự phát triển chung của cả nước chứ không phải là đầu tư riêng cho vùng. Đây chính là “phương thuốc” để đầu tư mang lại hiệu quả cao nhất, tăng sự cạnh tranh cho kinh tế Việt Nam.

Tin, ảnh: Phạm Tùng

Tin xem nhiều