Báo Đồng Nai điện tử
En

Định hình lại phân khúc du lịch Đồng Nai

07:03, 27/03/2023

Du lịch là một trong 4 nhiệm vụ đột phá được đề ra tại Nghị quyết Đại hội XI của Đảng bộ tỉnh. Thế nhưng, sau hơn 1 năm triển khai, thực hiện Nghị quyết 04-NQ/TU của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch thành ngành kinh tế quan trọng, du lịch Đồng Nai vẫn chưa tạo được sự đột phá, chưa có sản phẩm nổi bật, tạo điểm nhấn cho du lịch địa phương.

Du lịch là một trong 4 nhiệm vụ đột phá được đề ra tại Nghị quyết Đại hội XI của Đảng bộ tỉnh. Thế nhưng, sau hơn 1 năm triển khai, thực hiện Nghị quyết 04-NQ/TU của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch thành ngành kinh tế quan trọng, du lịch Đồng Nai vẫn chưa tạo được sự đột phá, chưa có sản phẩm nổi bật, tạo điểm nhấn cho du lịch địa phương.

Hồ Trị An, điểm du lịch đang thu hút du khách
Hồ Trị An, điểm du lịch đang thu hút du khách. Ảnh: T.MỘC

Để ngành công nghiệp không khói phát triển xứng tầm với tiềm năng, Đồng Nai đang định hình lại phân khúc thị trường du lịch để hướng tới xây dựng những sản phẩm xứng tầm, phát huy được lợi thế, tạo sự bứt phá cho ngành Du lịch.

Lợi thế phát triển du lịch đẳng cấp

Đồng Nai hiện có 4 đơn vị chủ rừng đặc dụng và rừng phòng hộ đã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương cho phát triển du lịch sinh thái rừng và dự án du lịch đường sông với những lợi thế tạo ra sản phẩm đặc trưng của địa phương, hình thành sản phẩm du lịch liên kết với các tỉnh, thành vùng Đông Nam bộ. Đây là cơ hội để Đồng Nai thu hút đầu tư, phát huy tối đa thế mạnh về du lịch với các sản phẩm du lịch quy mô lớn, đẳng cấp quốc tế.

Mới đây, một trong 4 đơn vị chủ rừng là Ban quản lý rừng phòng hộ Tân Phú (H.Định Quán) đã được UBND tỉnh phê duyệt đề án Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí giai đoạn 2021-2030 của Ban Quản lý rừng phòng hộ Tân Phú (H.Định Quán). Đề án xác định 8 tuyến du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng giải trí. Mỗi tuyến du lịch được kết nối các điểm dừng chân khác nhau như: Bàu nước sôi - Thác Mai, Bàu nước sôi - Hang Dơi - Thác Reo - Thác Mai; Bàu nước sôi - Ven sông…

Phó giám đốc Sở NN-PTNT Lê Văn Gọi cho biết, Đồng Nai hiện còn 3 đơn vị chủ rừng là Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai (Khu bảo tồn, H.Vĩnh Cửu), Ban Quản lý rừng phòng hộ Long Thành (H.Long Thành), núi Chứa Chan (H.Xuân Lộc) đang thực hiện các thủ tục xây dựng Phương án Quản lý rừng bền vững và Đề án Quy hoạch phát triển du lịch để thúc đẩy mời gọi các nhà đầu tư. Tuy nhiên, do vướng quy định nên các đề án, phương án quản lý và phát triển du lịch sinh thái rừng tại các đơn vị đến nay vẫn chưa thể hoàn tất.

Ông Nguyễn Hoàng Hảo, Giám đốc Khu bảo tồn cho biết: “Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí của Khu bảo tồn đã trải qua nhiều lần xin góp ý, họp Hội đồng thẩm định và chỉnh sửa, trình thẩm định nhưng đến nay vẫn chưa được thẩm định và phê duyệt nên không thể triển khai các dự án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng giải trí. Trong đó, có xây dựng 2 dự án trọng điểm, gồm: khu nuôi động vật bán hoang dã (safari) và công viên thể thao hàng không Đồng Nai”.

Cũng theo ông Hảo, thời gian qua, Khu bảo tồn đã chủ động mời gọi các nhà đầu tư chuyên về du lịch sinh thái khảo sát, nghiên cứu xây dựng ý tưởng và mong muốn được hợp tác đầu tư khai thác và phát triển các loại hình du lịch tại Khu bảo tồn. Tuy nhiên, do đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí chưa được thẩm định, phê duyệt do vậy nhà đầu tư không thể xây dựng các dự án đầu tư du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trình các cấp phê duyệt.

Phát huy tiềm năng du lịch từng địa phương

Bên cạnh những lợi thế có thể quy hoạch, phát triển du lịch theo hướng đẳng cấp, Đồng Nai vẫn còn những tiềm năng du lịch khác như: du lịch nông nghiệp nông thôn, sinh thái vườn, du lịch văn hóa - tâm linh… Đặc biệt, những năm gần đây, nhiều mô hình du lịch sinh thái vườn, nông nghiệp nông thôn phát triển khá mạnh, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Tuy nhiên, những tiềm năng trên vẫn còn ở phân khúc bình dân, tự phát, chưa có sự chuyên nghiệp, bài bản và chưa thể hiện được bản sắc riêng của từng sản phẩm.

Du khách đạp xe khám phá rừng Mã Đà (H.Vĩnh Cửu)
Du khách đạp xe khám phá rừng Mã Đà (H.Vĩnh Cửu). Ảnh: T.MỘC

Bà Dương Thị Ngọc Phương, Giám đốc resort Cát Tiên Jungle Lodge (H.Tân Phú) cho hay: “Sau hơn 10 năm đầu tư vào lĩnh vực du lịch tại Đồng Nai, tôi thấy tỉnh nên ưu tiên chọn nhà đầu tư đủ tầm để đầu tư các dự án lớn, đáp ứng nhu cầu du lịch cao cấp theo tiêu chuẩn quốc tế như: du lịch hội nghị, nghỉ dưỡng, golf... Đối với các khu, điểm du lịch có thế mạnh khai thác, phát triển du lịch sinh thái quy mô nhỏ của nông dân, tỉnh cần hỗ trợ người dân hoàn tất các thủ tục để người dân mạnh dạn làm du lịch”.

Theo một số doanh nghiệp du lịch, Đồng Nai nên tập trung phát triển du lịch ở các vùng có thế mạnh là các huyện: Tân Phú, Định Quán, Cẩm Mỹ, TP.Long Khánh. Bên cạnh đó, Đồng Nai cần có sự thay đổi để quảng bá, phát triển du lịch. Đặc biệt, xã Nam Cát Tiên (H.Tân Phú) có nhiều lợi thế phát triển du lịch, thời điểm trước dịch Covid-19, Vườn quốc gia Cát Tiên đón rất ít khách mặc dù tiềm năng thu hút rất lớn. Để phát triển những mô hình du lịch mới, hấp dẫn, tỉnh cần quan tâm phát triển hạ tầng du lịch để thu hút du khách và nhà đầu tư.

Phát biểu tại Hội nghị giao ban du lịch mới đây, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh nhấn mạnh, Đồng Nai đang có hệ thống hạ tầng cơ sở du lịch khá tốt, với các sản phẩm du lịch như: Sơn Tiên, Suối Mơ, Vườn quốc gia Cát Tiên… Tuy nhiên, ngành du lịch Đồng Nai đang đi vào phân khúc bình dân, mức thấp. Do đó, tỉnh cần tính toán lại những quy hoạch bảo đảm ưu tiên phát triển du lịch ở từng địa phương cho phù hợp với tiềm năng để thúc đẩy phát triển kinh tế.

Thủy Mộc


Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy NGUYỄN HỒNG LĨNH:

Mạnh dạn tạo đột phá cho du lịch Đồng Nai

 Trong lĩnh vực du lịch, Đồng Nai cần khai thác các lợi thế từ những tiềm năng một cách bài bản. Đặc biệt đối với một số dự án lớn, có thể tạo cơ hội đột phá cho ngành Du lịch, cần giải quyết nhanh những hồ sơ thủ tục, mời gọi đầu tư để sớm hoàn thành đưa vào khai thác. Cụ thể như dự án: Safari, Khu Núi Cúi, Núi Chứa Chan… cần đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hồ sơ, đồng thời làm tốt công tác bảo tồn và phát huy những giá trị do rừng mang lại.

Hiện nay, một số tỉnh vùng Đông Nam bộ rất muốn triển khai xây dựng khu safari. Do đó, nếu địa phương nào triển khai dự án nhanh, sớm hoàn thành dự án và đưa vào khai thác trước thì sẽ tạo được đột phá trong phát triển du lịch để phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời, khai thác các tiềm năng, thế mạnh của địa phương.

Phó giám đốc Sở TN-MT TRẦN THẾ VINH:

Nguy cơ mất an ninh từ du lịch tự phát

 Vừa qua, có một số điểm du lịch tự phát, liên quan đến xây dựng trên đất nông nghiệp, gây nguy cơ mất an ninh trật tự địa phương, nhất là tuyến du lịch đường thủy. Do đó, thời gian tới, các cơ quan chức năng của tỉnh, địa phương cần rà soát, tổng hợp các cơ sở để các ngành thanh tra, kiểm tra, có hướng xử lý, hướng dẫn người dân. Bên cạnh đó, việc phát triển du lịch trên đất nông nghiệp hiện Luật Đất đai chưa đề cập vấn đề này nên Sở NN-PTNT nên có ý kiến đóng góp để bổ sung trong Luật Đất đai sửa đổi đang tiến hành lấy ý kiến người dân, các sở, ngành, địa phương.

Ngọc Liên (ghi)


 

Tin xem nhiều