Theo phản ảnh của Cảng vụ Hàng không miền Nam (TP.HCM), thời gian qua, các vi phạm liên quan đến an toàn bay trên địa bàn Đồng Nai và một số địa phương lân cận gây ảnh hưởng đến an toàn cho các chuyến bay lên, xuống sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) vẫn xảy ra.
Theo phản ảnh của Cảng vụ Hàng không miền Nam (TP.HCM), thời gian qua, các vi phạm liên quan đến an toàn bay trên địa bàn Đồng Nai và một số địa phương lân cận gây ảnh hưởng đến an toàn cho các chuyến bay lên, xuống sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) vẫn xảy ra.
Khu vực cầu Đồng Nai nhìn từ tàu bay khi sắp hạ cánh tại sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: Quốc Bảo |
Chủ yếu là các vi phạm: chiếu đèn laser vào buồng lái máy bay, thả vật thể bay (flycam), thả bóng bay, thả diều, chiếu đèn công suất cao… xâm phạm vùng cấm bay.
* Tiềm ẩn nhiều yếu tố mất an toàn
Sau một thời gian đình trệ do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, hiện nay các đường bay trong và ngoài nước đến sân bay Tân Sơn Nhất đã và đang được triển khai hoạt động trở lại với tần suất ngày càng cao. Tuy nhiên, một vấn đề mà các ngành chức năng liên quan đặc biệt quan tâm đó là công tác đảm bảo an toàn cho các chuyến bay lên, xuống tại sân bay Tân Sơn Nhất.
Theo thống kê của cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (gọi tắt là Cảng HKQT Tân Sơn Nhất), trong những ngày đầu tháng 6-2022, đơn vị liên tục nhận được thông báo từ các tổ lái phản ảnh các trường hợp vi phạm đến an toàn bay trên địa bàn Đồng Nai và một số địa phương lân cận. Các trường hợp vi phạm này có chiều hướng tăng cao. Đặc biệt, trong khoảng 6 ngày đầu tháng 6-2022, các tổ bay đã phát hiện 3 trường hợp vật thể bay và 2 trường hợp chiếu đèn laser ảnh hưởng đến an toàn bay.
Điều 7 Nghị định số 32/2016-NĐ/CP ngày 6-5-2016 của Chính phủ quy định về quản lý độ cao chướng ngại vật hàng không và các trận địa quản lý, bảo vệ vùng trời Việt Nam quy định, những chướng ngại vật sau đây phải được cảnh báo hàng không: có độ cao vượt lên khỏi các bề mặt giới hạn chướng ngại vật của sân bay; nằm trong phạm vi vùng trời lân cận của sân bay, có độ cao từ 45m trở lên so với mức cao sân bay; nằm ngoài phạm vi vùng trời phụ cận có độ cao từ 45m trở lên so với mặt đất tự nhiên... |
Cụ thể, khoảng 14 giờ ngày 5-6, Cảng HKQT Tân Sơn Nhất nhận được thông tin chuyến bay VN 1384 SGN-DLI cất cánh lúc 13 giờ 57, qua hệ thống radar tổ lái phát hiện ở độ cao khoảng 457m có vật thể bay nghi là tàu bay điều khiển từ xa.
Tương tự, trong ngày 5-6, tổ lái chuyến bay QH1143 VDH-SGN lúc chuẩn bị hạ cánh (cách sân bay khoảng 13 dặm) thì phát hiện tia laser chiếu vào buồng lái hướng 2-3 giờ. Cũng trong tối 5-6, tổ lái chuyến bay VJ261 VDH-SGN hạ cánh lúc 20 giờ 41, khi cách sân bay khoảng 25 dặm phát hiện tia laser chiếu vào buồng lái hướng 11 giờ (khu vực H.Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai).
Theo Cảng HKQT Tân Sơn Nhất, các trường hợp tàu bay bị chiếu đèn laser vào buồng lái làm cho phi công, tổ bay bị chóa mắt, mất kiểm soát hoặc va chạm với flycam gây nguy cơ mất an toàn cho tàu bay, xảy ra tai nạn, ảnh hưởng đến an toàn tính mạng, tài sản của người dân, uy tín của ngành hàng không.
Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, Đồng Nai là một trong những địa phương có vị trí thuộc vùng lân cận, tiếp giáp với Cảng HKQT Tân Sơn Nhất. Hầu hết các chuyến bay từ trong nước và quốc tế khi cất và hạ cánh vào khu vực sân bay Tân Sơn Nhất đều bay qua địa phận Đồng Nai.
Thông thường, khi máy bay bay qua địa phận của các huyện: Cẩm Mỹ, Long Thành, Trảng Bom và TP.Biên Hòa sẽ ở độ cao từ 4,5 ngàn m giảm dần xuống khoảng dưới 500m (tại khu vực xã Long Hưng, TP.Biên Hòa và khu vực cầu Đồng Nai) để vào trục đường hạ, cất cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất. Chính vì vậy, các hành vi như: thả diều, chiếu đèn laser, thả vật thể bay, chiếu đèn công suất lớn ở những khu vực này sẽ trực tiếp gây nguy hiểm đến an ninh, an toàn của máy bay.
Thống kê từ đầu năm 2021 đến tháng 6-2022, đã xảy ra 58 vụ vi phạm hoạt động an toàn bay (năm 2021 xảy ra 32 vụ và 6 tháng đầu năm 2022 xảy ra 26 vụ); trong đó, hơn 30 vụ chiếu đèn laser, 10 vụ thả vật thể bay, 4 vụ thả bóng bay, 2 vụ thả diều, chiếu đèn công suất cao... Trước đó, vào các năm 2017 và 2018, mỗi năm cũng có 6 lần máy bay bị chiếu đèn laser vào buồng lái, gây ảnh hưởng trực tiếp đến việc kiểm soát máy bay của phi công và tổ lái.
* Kiểm soát chặt các hoạt động gây ảnh hưởng đến an toàn bay
Trước tình trạng nêu trên, mới đây Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng đã ký ban hành văn bản gửi các cơ quan, ban, ngành và các địa phương trong tỉnh nhằm tăng cường công tác đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động bay tại khu vực Cảng HKQT Tân Sơn Nhất.
Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Công an tỉnh tiếp tục triển khai, quán triệt cho công an các đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về đảm bảo an ninh, an toàn hàng không. Bên cạnh đó, lực lượng công an tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an toàn hàng không đến các tầng lớp nhân dân để biết, chấp hành theo quy định. Lực lượng công an các đơn vị, địa phương phải chủ động phòng ngừa, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm về đảm bảo an toàn bay trên địa phận Đồng Nai.
Công an các huyện, thành phố thường xuyên phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức lập danh sách các cơ sở, đơn vị, doanh nghiệp có sử dụng thiết bị bay không người lái, sử dụng đèn chiếu laser, đèn công suất lớn, lưu ý các khu vực phức tạp thường xảy ra các vi phạm uy hiếp an ninh, an toàn hàng không để có biện pháp phòng ngừa nghiệp vụ và phối hợp quản lý chặt chẽ.
Trong Công văn số 1550/CHKQTTSN ngày 9-6, gửi UBND tỉnh, Giám đốc Cảng HKQT Tân Sơn Nhất ĐẶNG NGỌC CƯƠNG kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng liên quan tổ chức kiểm tra và có biện pháp xử lý các tổ chức, cá nhân sử dụng đèn laser chiếu vào máy bay hoặc sử dụng máy bay không người lái, flycam và các phương tiện bay vi phạm khu vực cấm bay. |
Phó giám đốc Sở VH-TTDL Nguyễn Hồng Ân cho biết, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, lãnh đạo Sở đã yêu cầu các huyện, thành phố (đặc biệt là các huyện: Cẩm Mỹ, Long Thành, Trảng Bom và TP.Biên Hòa) thực hiện các giải pháp đảm bảo an toàn bay đi và đến sân bay Tân Sơn Nhất. Tổ chức kiểm tra, yêu cầu các tổ chức, cá nhân có các hoạt động, sự kiện biểu diễn nghệ thuật ngoài trời, các quán cà phê, các điểm vui chơi giải trí… không sử dụng các loại đèn chiếu laser hoặc đèn chiếu khác có công suất lớn chiếu thẳng lên trời gây ảnh hưởng đến an toàn bay, chỉ sử dụng đèn chiếu ở tầm ngang (không phóng lên trời), không thả vật thể bay, không thả diều ở độ cao trên 300m, sử dụng flycam phải theo quy định.
Ngoài ra, Sở VH-TTDL cũng đề nghị, khi có các tổ chức, cá nhân tổ chức các hoạt động sự kiện biểu diễn ngoài trời, các điểm vui chơi, giải trí… phải thông báo cho Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh để theo dõi quản lý theo quy định nhằm đảm bảo an ninh trật tự. Đối với các đơn vị trực thuộc trong ký kết hợp đồng đối với các tổ chức, cá nhân biểu diễn nghệ thuật, khi tổ chức các sự kiện ngoài trời cần yêu cầu các đơn vị không sử dụng flycam ở độ cao trên 300m; không sử dụng đèn chiếu laser chiếu thẳng lên trời và không thả diều, thả bóng bay ở độ cao trên 300m.
Là một trong những địa phương có đường bay đi qua với độ cao khoảng 500m ở khu vực xã Long Hưng, cầu Đồng Nai, UBND TP.Biên Hòa cũng đã chỉ đạo các đơn vị như: công an, ban chỉ huy quân sự, chính quyền các phường, xã tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về đảm bảo an toàn hoạt động bay cho người dân. Trong đó tập trung tại các khu vực là địa bàn nằm tiệm cận trong vùng phễu bay, đường cất, hạ cánh đi và đến của sân bay Tân Sơn Nhất. Đối với các cơ quan chức năng phải chủ động phòng ngừa, không để xảy ra các hành vi gây ảnh hưởng đến an toàn hoạt động của tàu bay trên địa bàn TP.Biên Hòa.
Để thực hiện hiệu quả vấn đề này, thành phố đã, đang và sẽ thiết lập cơ chế trao đổi thông tin thông suốt, hiệu quả giữa các cơ quan chức năng của thành phố với Cảng vụ Hàng không miền Nam và Cảng HKQT Tân Sơn Nhất nhằm xử lý kịp thời các sự việc, hiện tượng xảy ra đảm bảo an toàn cho hoạt động bay.
Trần Danh