Dù mới bước vào mùa mưa, nhưng những ngày qua, nhiều nơi ở TP.Biên Hòa đã ngập nặng, gây ùn tắc giao thông nghiêm trọng. Trong khi đó, việc nâng cấp, sửa chữa hệ thống chống ngập, tiêu thoát nước tại một số "điểm nóng" chưa được như kỳ vọng...
Dù mới bước vào giai đoạn đầu mùa mưa năm 2022 nhưng những ngày qua, nhiều khu vực tại TP.Biên Hòa ngập nặng, gây ùn tắc giao thông nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến lưu thông. Trong khi đó, việc nâng cấp, sửa chữa hệ thống chống ngập, tiêu thoát nước tại một số “điểm nóng” chưa được như kỳ vọng khiến tình trạng ngập càng tái diễn nặng nề hơn.
Đồ họa thể hiện thông tin các điểm ngập nặng trên địa bàn TP.Biên Hòa. Đồ họa: DƯƠNG NGỌC |
Các cơ quan chức năng cảnh báo tình hình thời tiết ngày càng diễn biến phức tạp và bất lợi, nguy cơ ngập lụt tại các đô thị càng tăng lên.
* Nhiều “điểm nóng” ngập nước
TP.Biên Hòa có nhiều khu vực là “điểm nóng” ngập nước mỗi khi thành phố bước vào mùa mưa bão. Khu vực ngã ba Trảng Dài (giao giữa đường Bùi Trọng Nghĩa với đường Đồng Khởi) là một ví dụ. Mỗi khi có mưa lớn kéo dài, nơi đây lại ngập nặng do nước không thoát kịp khiến các phương tiện lưu thông qua đây bị ùn tắc nghiêm trọng. Tình hình giao thông trở nên phức tạp hơn khi vào giờ cao điểm, công nhân tan ca, học sinh tan học làm cho tuyến đường Đồng Khởi kẹt xe nghiêm trọng hơn.
Tại hội nghị sơ kết công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông quý I-2022 vừa qua, Giám đốc Sở GT-VT, Phó trưởng ban thường trực Ban An toàn giao thông tỉnh Lê Quang Bình yêu cầu tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân không xả rác trên mặt đường, tại chân các dải phân cách, các vị trí hố ga thu nước, lưới chắn rác… Lực lượng công an các phường, xã thường xuyên theo dõi, có biện pháp xử lý nghiêm đối với các trường hợp đổ rác không đúng nơi quy định, gây mất an toàn giao thông, gây ngập úng. |
Ông Đào Ngọc Duẫn (ngụ P.Tân Phong, TP.Biên Hòa) cho hay, hơn 20 năm sinh sống gần khu vực này nên ông thấy rõ hệ quả của tình trạng ngập úng. Dù mới đây, hệ thống thoát nước đã được sửa chữa nhưng vẫn không thể giải quyết được vấn đề này. Ngập nước năm sau nặng nề hơn năm trước gây ra rất nhiều phiền toái, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.
Theo ông Duẫn, ngã ba Trảng Dài cách khu vực suối Săn Máu chỉ khoảng 50m, mưa lớn nước từ P.Trảng Dài chảy ra cuồn cuộn tạo nên những vòng xoáy nước. Người dân lưu thông qua đây không cẩn thận có thể bị nước cuốn trôi xuống suối. Không ít lần người dân liều mình chạy xe máy qua điểm ngập bị dòng nước đẩy ngã, xe máy bị cuốn đi. Nhà cửa, hàng quán khu vực này cũng bị nước tràn vào nhà khiến cho nhiều gia đình thêm vất vả.
“Đây là vùng trũng, nước từ các khu dân cư tràn xuống, không theo đường thoát nước mà chảy ngay trên mặt đường. Với lượng nước lớn như vậy thì các cống thu nước cũng không chứa hết nên hễ mưa là ngập. Điều này không chỉ khiến giao thông ách tắc, đi lại mất an toàn, nhà dân bị ngập mà còn khiến đường sá nhanh xuống cấp” - ông Duẫn bức xúc nói.
Khu vực cầu Bà Lúa (P.Long Bình Tân, TP.Biên Hòa) sau cơn mưa lớn, nước dâng cao nhấn chìm cả cây cầu dân sinh. Đồ họa thể hiện thông tin các điểm ngập nặng trên địa bàn TP.Biên Hòa. Ảnh. Đồ họa: THANH HẢI |
Tương tự, khu vực vòng xoay Cổng 11 (giao giữa 2 phường Long Bình và Phước Tân) cũng là một trong những điểm ngập nặng của TP.Biên Hòa suốt nhiều năm qua. Mới đây, sau cơn mưa lớn vào chiều tối 29-4, nước dâng cao gần 1m. Xe cộ hầu như không thể lưu thông, làn xe ô tô ùn tắc hàng giờ đồng hồ mới được khắc phục dù lực lượng cảnh sát giao thông cũng như người dân ra sức điều tiết và phân luồng.
Người dân sinh sống tại đây cho hay, cứ mỗi lần mưa lớn, nước từ thượng nguồn đổ xuống khiến suối Cầu Quan giữa khu dân cư không thoát nước kịp, tràn ra cả mặt đường Bùi Văn Hòa. Dòng nước chảy xiết không ít lần đã cuốn trôi cả người và xe khi lưu thông qua đây. Mỗi lần như thế, người dân tại đây chỉ biết ngồi chờ nước rút hoặc nhờ lực lượng cứu hộ khiêng xe, dẫn người qua điểm ngập.
Bà Vương Thị Trinh (ngụ P.Phước Tân, TP.Biên Hòa) cho hay, mưa to và kéo dài trên 1 giờ thì khu vực này ngập sâu 50-70cm là chuyện bình thường. Thậm chí, trước chợ tạm ở Cổng 11 có nơi ngập trên 1m, nước không thể rút ngay khiến việc buôn bán và đi lại ảnh hưởng nặng nề. Thời gian qua, TP.Biên Hòa tiến hành cải tạo, nâng cấp hệ thống thoát nước khu vực Cổng 11. Tuy nhiên, đến nay ngập vẫn hoàn ngập, đường lại biến thành sông sau mỗi trận mưa lớn.
Bà Trinh cho biết thêm, trước đây khu vực này mật độ dân cư ít, có các bãi đất trống, suối nhỏ để tiêu thoát nước. Nhưng những năm qua, các hộ dân sinh sống xung quanh khu vực này đã xây dựng các công trình, lấn chiếm gần hết dòng chảy. Chưa kể một phần do lượng rác thải sinh hoạt khu chợ tạm vứt tràn lan, bịt kín hết nắp thoát nước nên mỗi khi có mưa trở thành vật cản, hạn chế việc thoát nước.
* Mưa lớn nhấn chìm cầu dân sinh
Tuy mới trải qua vài cơn mưa đầu mùa nhưng đường sá nhiều nơi ở TP.Biên Hòa có chỗ ngập sâu gây nên tình trạng ùn tắc giao thông và phương tiện chết máy hàng loạt như: khu vực ngã ba Phát Triển (quốc lộ 1, đoạn qua các phường Tân Biên và Tân Hòa), công viên 30-4, đường Nguyễn Ái Quốc (đoạn qua giáo xứ Bắc Hải, đoạn thuộc P.Hố Nai)… Ngoài ra, tại các cây cầu nối các khu dân cư chạy dọc các con suối lớn, nước từ thượng nguồn đổ về cũng gây ngập nghiêm trọng.
Trên đường Nguyễn Ái Quốc, đoạn qua P.Hố Nai (TP.Biên Hòa), khu vực công viên 30-4 là một trong những điểm ngập nặng, kéo dài nhiều năm qua. Ảnh: T.HẢI |
Tại khu vực cây cầu dân sinh bắc qua suối Bà Lúa (P.Long Bình Tân, TP.Biên Hòa) bị nhấn chìm trong biển nước trong các cơn mưa vừa qua đã thực sự khiến người dân trong khu vực lo lắng. Cầu bắc qua suối không rộng, lại còn nằm ở chỗ thấp nên nước dâng qua khỏi thành cầu tạo thành những vùng xoáy nước vô cùng nguy hiểm.
Người dân phản ảnh, cầu Bà Lúa nằm ở khu dân cư đông đúc nên mỗi ngày có hàng trăm lượt người và phương tiện qua lại. Người dân trong khu vực đều biết nguy hiểm nên không dám qua lại khu vực này khi nước ngập. Tuy nhiên, một số người vẫn vô tư đi qua và hậu quả là xảy ra các vụ nước cuốn người trôi mất tích. Do đó, người dân mong muốn các cơ quan chức năng sớm làm cầu mới, sớm triển khai dự án chống ngập để bảo đảm an toàn cho học sinh và người dân đi lại mỗi khi bước vào mùa mưa.
Chủ tịch UBND P.Long Bình Tân Đoàn Văn Đoàn chia sẻ, về vấn đề này, chính quyền nhận được nhiều phản ánh, kiến nghị của người dân cũng như kịp thời báo cáo với TP.Biên Hòa với mong muốn xử lý dứt điểm. Mỗi lần mưa lớn xảy ra trên địa bàn, chính quyền đều yêu cầu cán bộ phường rào chắn cầu, không cho người dân, học sinh đi qua.
Trong khi đó, khu vực suối Săn Máu đoạn qua các phường: Tân Biên, Hố Nai và Trảng Dài được xem là “rốn lũ” mỗi khi có mưa lớn. Tại khu vực cầu dân sinh Lộc Lâm (nối 2 phường Hố Nai và Trảng Dài) cũng thường xuyên bị ngập nước sau mỗi cơn mưa lớn, gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân dù đã có biển cảnh báo, có lan can thành cầu.
Theo Phòng Quản lý đô thị TP.Biên Hòa, trước đây cầu Lộc Lâm bị xuống cấp nên khi mưa lớn, nước chảy xiết đã khiến lan can và mặt cầu bị hư hỏng. Tháng 8-2021, mưa lớn kéo dài, nước từ thượng nguồn đổ về ồ ạt, trong khi cầu Lộc Lâm có lòng cầu quá hẹp, lại bị cây cối ngáng ngang gây tắc dòng chảy. Nước ngập lớn đã cuốn trôi toàn bộ lan can và hàng rào an toàn 2 đầu cầu Lộc Lâm. Đến cuối năm 2011, cầu Lộc Lâm được trải thảm lại mặt cầu, làm mới lan can hai bên suối.
Trưởng phòng Quản lý đô thị TP.Biên Hòa Trương Vĩnh Hiệp cho hay, hiện tại lan can cầu Lộc Lâm tương đối thấp nên Phòng đã làm việc với P.Trảng Dài nâng lên cao hơn cũng như làm gác chắn nhằm đảm bảo an toàn cho người dân qua lại. Trước mùa mưa bão, Phòng đều lên kế hoach và tiến hành nạo vét, khơi thông dòng chảy tại các cống thoát nước, suối trên địa bàn.
“Ngoài ra, còn phối hợp với các địa phương, đơn vị kiểm tra, khảo sát tất cả các cây cầu dân sinh tại các phường, xã. Trường hợp cầu hư hỏng, xuống cấp, nếu thuộc địa phương thì sửa chữa, trường hợp thuộc thành phố quản lý, đơn vị sẽ tham mưu UBND TP.Biên Hòa lên phương án giải quyết, khắc phục” - ông Hiệp nói.
Thanh Hải