Báo Đồng Nai điện tử
En

Quy hoạch quá nhiều dự án đất ở?

07:05, 05/05/2022

Trong quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030, Đồng Nai sẽ có gần 30,2 ngàn ha đất ở, diện tích trên có thể đáp ứng cho hơn 10 triệu người dân...

Trong quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030, Đồng Nai sẽ có gần 30,2 ngàn ha đất ở, diện tích trên có thể đáp ứng cho hơn 10 triệu người dân. Nhiều người dân băn khoăn khi quy hoạch quá nhiều đất ở mà không thu hút được người dân đến sinh sống sẽ lãng phí đất đai.

Dự án Aqua City ở xã Long Hưng (TP.Biên Hòa) sau khi chuyển nhượng qua Tập đoàn Novaland mới được xây dựng. Ảnh: Uyển Nhi
Dự án Aqua City ở xã Long Hưng (TP.Biên Hòa) sau khi chuyển nhượng qua Tập đoàn Novaland mới được xây dựng. Ảnh: Uyển Nhi

Theo UBND tỉnh, đến năm 2020, Đồng Nai có hơn 19,2 ngàn ha đất ở, tập trung ở TP.Biên Hòa và các huyện: Trảng Bom, Nhơn Trạch, Xuân Lộc, Long Thành. Giai đoạn 2021-2030, Đồng Nai đã quy hoạch tăng thêm hơn 10,9 ngàn ha đất ở và chủ yếu là để triển khai các dự án khu dân cư (KDC), khu đô thị.

* Đón đầu các dự án giao thông

Dự kiến trong 2-5 năm tới, nhiều “siêu” dự án hạ tầng giao thông tại Đồng Nai sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác như: đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, Bến Lức - Long Thành, Dầu Giây - Liên Khương; Đường vành đai 3, 4; Cảng hàng không quốc tế Long Thành… Vì thế, Đồng Nai trở thành nơi được nhiều nhà đầu tư trong nước, nước ngoài chú ý và muốn đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, công nghiệp, thương mại dịch vụ, logistics, du lịch. Tỉnh đã quy hoạch sẵn quỹ đất cho các lĩnh vực trên để mời gọi doanh nghiệp (DN) đầu tư, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. 4 lĩnh vực được tỉnh quy hoạch nhiều đất đai để thực hiện các dự án là: hạ tầng giao thông, bất động sản, công nghiệp, thương mại dịch vụ.

Chủ tịch UBND TP.Long Khánh Đỗ Chánh Quang cho hay: “TP.Long Khánh quy hoạch đến năm 2030, có hơn 2 ngàn ha đất ở, tăng gần 900ha so với hiện nay. Phương án quy hoạch sử dụng đất đã được thành phố tính toán đầy đủ quỹ đất các khu dân cư, khu nhà ở xã hội; đồng thời, cân đối điều hòa mục đích sử dụng đất cho các ngành, lĩnh vực. Đất ở đô thị và đất ở nông thôn được cân nhắc cho từng vùng, từng điểm, phù hợp với điều kiện đặc thù từng khu vực và mục tiêu đô thị hóa của thành phố”.

2 địa phương quy hoạch tăng nhiều dự án đất ở nhất tỉnh là Long Thành và Nhơn Trạch. Cụ thể, đến năm 2030, H.Long Thành tăng thêm 2.360ha và H.Nhơn Trạch tăng thêm 2.050ha.

* Nỗi lo hình thành khu dân cư bỏ hoang

Hiện nay, trên địa bàn Đồng Nai có không ít KDC hoàn thành hạ tầng kỹ thuật và chuyển nhượng lại cho khách hàng từ nhiều năm trước, nhưng người mua chủ yếu là đầu tư không có nhu cầu ở nên hình thành các KDC bỏ hoang. Trong đó, có những KDC nằm ở những vị trí đắc địa thuộc địa bàn các huyện: Nhơn Trạch, Long Thành, Trảng Bom. Dù rằng, trong những năm qua, việc quy hoạch, đấu giá, cho thuê các khu đất triển khai các dự án KDC đem lại nguồn thu lớn cho tỉnh, song các KDC không thu hút được người dân đến sinh sống sẽ không phát triển được kinh tế. Đơn cử như H.Nhơn Trạch đã phải lùi lại thời gian lên thành phố vì còn một số tiêu chí chưa đạt, trong những tiêu chí chưa đạt có dân số.

Theo ông Nguyễn Phong An, Phó chánh văn phòng UBND tỉnh, có những địa phương trên địa bàn tỉnh quy hoạch rất nhiều đất ở có thể đáp ứng cho vài triệu người dân. Khi triển khai những dự án KDC, địa phương cần phải tính toán, có phương án để sau khi đầu tư xong hạ tầng kỹ thuật thu hút được người dân đến ở thì mới phát triển kinh tế.

Đất đai thuộc các dự án KDC ở Đồng Nai được rất nhiều người dân ở ngoài tỉnh chú ý và muốn mua đầu tư, “lướt sóng”. Do đó, nhiều dự án vừa khởi công xây dựng đã rao bán, khách hàng đặt mua bằng hình thức đặt chỗ sản phẩm hình thành trong tương lai, hợp đồng góp vốn nườm nượp nhưng trong số đó người có nhu cầu ở thật rất ít, rất dễ hình thành các KDC bỏ hoang trong tương lai.

Chủ tịch UBND H.Nhơn Trạch Nguyễn Thị Giang Hương cho biết: “Các KDC trên địa bàn huyện khi hoàn thành hạ tầng kỹ thuật đều được người dân mua hết. Trong đó, người thì mua đầu tư, người mua ở nhưng thấy dịch vụ đi kèm thiếu nên chưa đến ở, dẫn đến hình thành những KDC không người sinh sống, ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Vì vậy, huyện đang cố gắng kết nối giao thông thuận tiện và mời gọi các DN đầu tư vào lĩnh vực thương mại dịch vụ, giáo dục, y tế để thu hút người dân đến sinh sống”.

Lâu nay, các DN đầu tư vào thương mại dịch vụ, trường học, y tế… đều chọn những khu vực dân cư đã ở đông đúc. Do đó, các địa phương không có giải pháp để phát triển đồng bộ về giao thông kết nối, KDC và các dịch vụ đi kèm thì rất khó thu hút người dân đến sinh sống.  

Uyển Nhi

 

 

Tin xem nhiều