Báo Đồng Nai điện tử
En

Tiết kiệm nguồn lực, tăng hiệu quả đầu tư

03:04, 29/04/2022

Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là một trong những chủ trương lớn đã được tỉnh quán triệt thực hiện, qua đó đã tiết kiệm được nguồn lực khá lớn cho ngân sách. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều nguồn lực cần có những giải pháp mạnh hơn nữa để tránh lãng phí.

Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là một trong những chủ trương lớn đã được tỉnh quán triệt thực hiện từ tỉnh đến cơ sở, qua đó đã tiết kiệm được nguồn lực khá lớn cho ngân sách. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều nguồn lực cần có những giải pháp mạnh hơn nữa để tránh lãng phí cả trước mắt lẫn lâu dài, trong đó giải pháp xác định trách nhiệm của người đứng đầu là rất cần thiết và quan trọng.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh tham quan một doanh nghiệp sản xuất kết cấu thép với giá trị kinh tế cao. Ảnh:  CÔNG NGHĨA
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh tham quan một doanh nghiệp sản xuất kết cấu thép với giá trị kinh tế cao. Ảnh: CÔNG NGHĨA

Giám đốc Sở KH-ĐT Hồ Văn Hà cho rằng: “Tiết kiệm thì có thể đo đếm được bằng con số cụ thể, nhưng lãng phí thì không dễ. Chẳng hạn, với đầu tư các dự án, nếu đạt được tiến độ đề ra sẽ không xảy ra tình trạng “đội” chi phí, dự án được đưa vào sử dụng càng sớm thì càng phát huy hiệu quả lan tỏa với phát triển kinh tế - xã hội”.

* Lợi hàng ngàn tỷ đồng nhờ tiết kiệm

Giai đoạn 2016-2021, Đồng Nai đã ban hành và thực hiện chương trình Thực hành tiết kiệm, phòng chống lãng phí. Kế hoạch này đã được triển khai từ tỉnh đến cơ sở, qua đó góp phần quan trọng vào kết quả thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội hằng năm. Một trong những việc làm cụ thể nhất là, hằng năm trong xây dựng dự toán, Sở Tài chính đều tham mưu cho UBND tỉnh tiết kiệm 10% chi thường xuyên, số tiền tiết kiệm này được dùng vào chi cho khoản lương và các khoản khác có tính chất lương nhằm nâng cao thu nhập, phúc lợi cho người lao động.

Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh QUẢN MINH CƯỜNG:

Tránh lãng phí và sai phạm quản lý sử dụng đất đai

Lãng phí trong sử dụng đất đai là lãng phí lớn nhất, vì đất đai có giá trị cao nhất. Phải sử dụng quỹ đất ít nhất nhưng mang lại hiệu quả cao nhất có thể. Quá trình thu hút đầu tư phải đi theo hướng áp dụng công nghệ cao một cách có chọn lọc, ưu tiên lĩnh vực kinh tế mũi nhọn, kinh tế tri thức, kinh tế số.

Hiệu trưởng một trường THPT tại TP.Biên Hòa cho biết, lương giáo viên chi theo quy định, còn các khoản chi thường xuyên được khoán theo định mức, chứ không phải muốn chi bao nhiêu là có bấy nhiêu. Từ khoản được khoán chi hằng năm cho các hoạt động, trong năm học nhà trường phải thực hiện tiết kiệm triệt để từng khoản như: tiết kiệm điện, nước sinh hoạt, văn phòng phẩm… Hay khi thiếu giáo viên, thay vì hợp đồng thêm giáo viên, nhà trường bố trí giáo viên tăng tiết, từ đó tiết kiệm được một khoản tiền kha khá. Tích tiểu thành đại, số tiền có được từ tiết kiệm trong nhiều khoản, vào dịp Tết, trường tính toán công khai thưởng cho giáo viên như một khoản phúc lợi để động viên, đồng thời làm lan tỏa tinh thần thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Phó giám đốc Sở Tài chính Trương Thị Hương Bình cho biết, số tiền tiết kiệm được từ hoạt động chi thường xuyên là rất lớn, trên 2.550 tỷ đồng, trong đó cấp tỉnh tiết kiệm được trên 1.353 tỷ đồng, cấp huyện là 1.197 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Sở Tài chính quyết liệt rà soát lại và thực hiện cắt giảm thu hồi kinh phí không thực hiện, không giải ngân… của các đơn vị cấp tỉnh theo tinh thần nghị quyết của Chính phủ hằng năm là gần 2.750 tỷ đồng. Sở Tài chính cũng đã tiến hành rà soát, sắp xếp lại việc sử dụng xe công tại các sở, ngành của tỉnh một cách hợp lý, đúng định mức, an toàn, giảm chi phí sửa chữa, qua đó tiết kiệm chi cho ngân sách. Từ năm 2016 đến nay, đã thanh lý 103 xe cũ, mua mới 53 xe, đồng thời chuyển 18 xe từ những đơn vị thừa sang những đơn vị thiếu xe.

* Quyết liệt sắp xếp tinh gọn bộ máy

Thực hiện Nghị quyết 18 và 19 của Trung ương về tinh giản biên chế và sắp xếp tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động, đến nay tỉnh cắt giảm được 234 biên chế công chức (chiếm 6,58%), đồng thời cắt giảm 3.111 biên chế viên chức. Tỉnh cũng đã hỗ trợ và giải quyết nghỉ chế độ cho 81 trường hợp công chức, viên chức theo Nghị định 113/2018 của Chính phủ. Việc tinh giản biên chế công chức, viên chức được tiến hành từng bước và hợp lý, đảm bảo quyền lợi cho công chức, viên chức và nhà nước. Qua công tác này đã giúp cho Nhà nước giảm được một khoản chi đáng kể từ ngân sách.

Đối với sắp xếp tinh gọn bộ máy các đơn vị công lập, lãnh đạo Sở Nội vụ cho biết, đây là công tác rất quan trọng nhằm đạt được mục tiêu giảm 10% đơn vị sự nghiệp công lập của tỉnh. Sở Nội vụ đã tham mưu từng bước cho UBND tỉnh thực hiện rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy của 21 cơ quan chuyên môn, cơ quan trực thuộc UBND tỉnh theo khung biên chế thành lập số phòng và số lượng cán bộ cấp phó theo quy định, từ đó giảm quy mô số lượng đơn vị trung gian. Đối với cấp tỉnh, sau sắp xếp đã giảm được 44 phòng chuyên môn thuộc các sở, giảm 23 phòng chuyên môn thuộc các chi cục, ban trực thuộc Sở. Tổng số lượng cấp phó phòng đã giảm 109 người. Đối với các phòng, ban thuộc cấp huyện, tuy số lượng vẫn giữ nguyên nhưng đã giảm được 1 đơn vị cấp xã và 30 đơn vị ấp, khu phố.

Theo đánh giá của Sở Nội vụ, đơn vị chịu trách nhiệm tham mưu cho UBND tỉnh tiến hành tinh giản biên chế và sắp xếp tinh gọn bộ máy, các đơn vị sau khi tinh giản biên chế, cũng như tinh gọn bộ máy cơ bản đã đạt được mục tiêu là tinh gọn hơn và hoạt động hiệu quả hơn trước. Phần lớn các đơn vị sau khi được sắp xếp tinh gọn bộ máy đều đảm bảo hoạt động tốt hơn, không tạo ra sự biến động nào gây khó khăn cho hoạt động của đơn vị. Các cán bộ, công chức từ đơn vị diện phải sắp xếp sáp nhập vào đơn vị khác đều được làm tốt công tác tư tưởng, các quyền lợi theo quy định.

* Quy rõ trách nhiệm khi lãng phí nguồn lực

Đồng Nai có quy mô kinh tế lớn của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước, vì vậy việc tiết kiệm các nguồn lực, tránh xảy ra lãng phí có ý nghĩa rất lớn. Tuy nhiên, hiện nay việc lãng phí các nguồn lực vẫn chưa được khắc phục một cách triệt để, gây lãng phí lớn cho ngân sách nhà nước hằng năm. Một trong những lãng phí rõ nhất là việc chậm triển khai các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, chưa khai thác hết các quỹ đất công, tài sản công. Nhiều dự án dù đã có trong quy hoạch nhưng nhiều năm không thực hiện, người dân có đất tại các dự án này chậm được di dời đền bù tái định cư để sớm ổn định cuộc sống. Có những doanh nghiệp được giao đất nhưng nhiều năm án binh bất động không triển khai, trong khi nhiều đơn vị mới có năng lực tài chính muốn thực hiện lại không có đất.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh (thứ 2 từ trái sang) tham quan Công ty CP Công nghệ thực phẩm Lương Gia tại Khu công nghiệp Long Khánh (TP.Long Khánh)
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh (thứ 2 từ trái sang) tham quan Công ty CP Công nghệ thực phẩm Lương Gia tại Khu công nghiệp Long Khánh (TP.Long Khánh). Ảnh: CÔNG NGHĨA

Giám đốc Sở KH-ĐT Hồ Văn Hà cho biết, mỗi năm Sở chịu trách nhiệm tham mưu cho UBND tỉnh phân bổ khoảng 8 ngàn tỷ đồng vốn đầu tư công, trong đó 70% là giao thông, phần còn lại là các dự án khác như: y tế, giáo dục… Các dự án xây lắp thì hầu như không tăng giá vì là hợp đồng trọn gói, khi chậm giải phóng mặt bằng sẽ dẫn đến chậm tiến độ. Việc chậm giải phóng mặt bằng cũng đồng nghĩa với việc đội chi phí cho cả dự án, Nhà nước phải chi thêm nhiều tiền hơn.

Chẳng hạn, có dự án chi phí giải phóng mặt bằng là 100 tỷ đồng, nhưng chậm thực hiện, kéo dài sang năm thứ 2 lại “đội” thêm 20%, vì giá đất đền bù mỗi năm một khác. Thậm chí, có những dự án đã kéo dài nhiều năm, dẫn đến phải điều chỉnh kế hoạch sử dụng vốn lên rất cao, tới 50%. Việc chậm trễ còn làm giảm sức tác động của dự án sau khi được đầu tư. Đơn cử như các dự án giao thông, nếu đảm bảo đúng tiến độ hoàn thành theo cam kết sẽ giảm được kẹt xe, kích thích được sự phát triển của hai bên đường, tăng tính kết nối. “Hiện có nhiều dự án chậm tiến độ nhưng việc quy trách nhiệm lại chưa rõ ràng, do đó phải có chế tài cụ thể mới giảm được tình trạng chậm trễ, gây thiệt hại cho nhà nước” - ông Hà chia sẻ.

Theo nhận định của lãnh đạo Sở GT-VT, chưa khi nào trên địa bàn tỉnh lại có nhiều dự án hạ tầng lớn như hiện nay. Đặc biệt là dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, các tuyến đường cao tốc lớn liên kết Đồng Nai với nhiều địa phương, cảng biển mở ra nhiều cơ hội cho Đồng Nai. Nếu thời gian tới không giải được vấn đề mặt bằng phục vụ các dự án thì còn lãng phí lớn nguồn lực. Các dự án phải đảm bảo giải phóng mặt bằng nhanh, không để một dự án lại có nhiều giá đền bù khác nhau vì lỗi chậm trễ giải phóng mặt bằng. Muốn làm được điều đó, theo Giám đốc Sở GT-VT Lê Quang Bình, phải quy hoạch nhanh các khu tái định cư, bố trí nhanh cho dân vào nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ, kèm theo là chuyển đổi nghề nghiệp, tạo việc làm và sinh kế.

Đặng Công


Phó chủ tịch UBND tỉnh VÕ TẤN ĐỨC:

Rà soát lại các nguồn lực, không để lãng phí

UBND tỉnh vừa chỉ đạo các sở, ngành, địa phương khẩn trương rà soát lại các nguồn lực đất đai, đặc biệt là nguồn lực đất công, các dự án đã được giao đất tại địa phương. Sau khi rà soát, tỉnh sẽ có phương án sử dụng cụ thể, sớm đưa nguồn lực đất công vào phát huy hiệu quả, trở thành nguồn lực đầu tư quan trọng. Với các dự án đã được giao đất, dù đã được gia hạn nhiều lần, tỉnh sẽ cương quyết thu hồi để kêu gọi nhà đầu tư mới. Những nhà đầu tư mới phải thực sự có khả năng tài chính mạnh, kinh nghiệm trong triển khai các dự án theo quy hoạch để tránh lặp lại tình trạng được giao đất nhưng lại “treo” chờ thời.

Phó giám đốc Sở KH-ĐT VÕ HOÀNG PHƯƠNG:

Sẽ siết chặt hơn nữa đầu tư công

Đồng Nai đang có nhiều dự án đầu tư công được triển khai, nhất là những dự án về hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị. Để tránh tình trạng dự án thực hiện kéo dài, Sở KH-ĐT đã tham mưu cho UBND tỉnh tiếp tục siết chặt hơn nữa quá trình triển khai đầu tư công, từ khâu chuẩn bị dự án như: thuê tư vấn thiết kế, đấu thầu chọn đơn vị thi công, giải phóng mặt bằng. Những khâu quan trọng này nếu được làm tốt ngay từ đầu sẽ hạn chế tối đa chậm tiến độ, dẫn tới “đội vốn”.

Sở cũng tham mưu UBND tỉnh thực hiện cắt và chuyển vốn sang dự án khác, địa phương khác có tốc độ giải ngân nhanh hơn. Với những nhà thầu chậm tiến độ ngay cả khi đã bàn giao đủ mặt bằng sạch sẽ không được xem xét tham gia đấu thầu các dự án của tỉnh sau này.         

Thành Nam (ghi)


 

Tin xem nhiều