Báo Đồng Nai điện tử
En

Đầu tư giao thông để mở đường phát triển

08:02, 18/02/2022

Quốc gia nào cũng vậy, để phát triển kinh tế thì phải đầu tư hạ tầng giao thông. Càng phát triển hệ thống hạ tầng giao thông đa dạng, đẹp đẽ, thuận tiện, tính kết nối cao và mất ít thời gian di chuyển từ vùng này sang vùng khác thì kinh tế càng tăng trưởng nhanh và "sức hút" của quốc gia, địa phương đó càng mạnh.

Quốc gia nào cũng vậy, để phát triển kinh tế thì phải đầu tư hạ tầng giao thông. Càng phát triển hệ thống hạ tầng giao thông đa dạng, đẹp đẽ, thuận tiện, tính kết nối cao và mất ít thời gian di chuyển từ vùng này sang vùng khác thì kinh tế càng tăng trưởng nhanh và “sức hút” của quốc gia, địa phương đó càng mạnh. Đồng Nai hiện được đánh giá là một trong những địa phương đang nắm giữ “thời cơ vàng” trong phát triển hạ tầng giao thông và thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội.

Điểm qua những dự án lớn của quốc gia, vùng, tỉnh có tính lan tỏa đã và đang thực hiện tại Đồng Nai, có thể thấy dự án đáng chú ý nhất vẫn là cảng hàng không quốc tế Long Thành cùng các đoạn, tuyến đường cao tốc như: Dầu Giây - Phan Thiết, Dầu Giây - Tân Phú, Tân Phú - Bảo Lộc, Bến Lức - Long Thành, Biên Hòa - Vũng Tàu, cầu Cát Lái, đường vành đai 3...

Bên cạnh đó, còn có các dự án được tỉnh quy hoạch và đang ráo riết thực hiện các bước thủ tục cần thiết để sớm triển khai như các tuyến đường tỉnh có kết nối với sân bay Long Thành.

Trong 2 năm qua, tỉnh đã triển khai hàng loạt dự án hạ tầng giao thông lớn như: cầu Vàm Cái Sứt, hương lộ 2 (giai đoạn 1), đường Sông Nhạn - Dầu Giây, hương lộ 10, đường ven sông Đồng Nai (đoạn từ cầu Hóa An đến giáp ranh H.Vĩnh Cửu)...

Tỉnh cũng phối hợp với các địa phương lân cận để triển khai những dự án giao thông kết nối vùng như: cầu Bạch Đằng 2 (nối với tỉnh Bình Dương), cầu Phước An (nối với tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), cầu Mỏ Vẹt (nối với tỉnh Lâm Đồng)...

Thực tế, để triển khai hàng loạt dự án lớn, nhỏ trên địa bàn cùng lúc và dự án nào cũng mang tính cần thiết, cấp bách, tỉnh Đồng Nai đứng trước những áp lực khá lớn và khối lượng công việc “khổng lồ”. Tất cả các công việc đều phải tiến hành “cuốn chiếu”, từ khâu lập quy hoạch, thực hiện các thủ tục thiết kế, tìm nguồn vốn, lựa chọn nhà đầu tư, lựa chọn đơn vị thi công, giải quyết các thủ tục đất đai, giải phóng mặt bằng... Và việc tìm kiếm nguồn lực đầu tư cũng không dễ dàng trong bối cảnh ngân sách có hạn, nguồn đầu tư công hạn hẹp và chỉ có thể chi tiêu cho dự án đặc thù. Mặc dù vậy, cả Chính phủ lẫn Đồng Nai đều vẫn đang quyết tâm để thực hiện tất cả các dự án giao thông cần thiết một cách ráo riết nhằm tạo nền tảng cho sự phát triển đột phá của tỉnh trong tương lai, nhất là khi sân bay Long Thành đi vào hoạt động vào năm 2025.

Điều cần nhất, bức thiết nhất hiện nay vẫn là xây dựng cơ chế để huy động các nguồn lực xã hội đầu tư cho hạ tầng giao thông, để các thành phần kinh tế mạnh dạn rót vốn vào các dự án hạ tầng, hài hòa lợi ích cho cả Nhà nước, doanh nghiệp lẫn người dân. Thêm vào đó, hệ thống thủ tục pháp luật về đất đai, bồi thường giải tỏa cũng cần được thay đổi, chỉnh sửa, cập nhật cho phù hợp với thực tế cuộc sống, minh bạch, rõ ràng, tạo thêm thuận lợi trong thu hút nguồn lực xã hội tham gia thực hiện các dự án.

Vi Lâm

Tin xem nhiều