Năm 2016, Chính phủ phát đi thông điệp mạnh mẽ "hãy biến Việt Nam thành một quốc gia khởi nghiệp" với mong muốn sẽ có thật nhiều cá nhân, tổ chức, người trẻ… đầu tư vào khởi nghiệp sản xuất, kinh doanh trên nhiều lĩnh vực.
Năm 2016, Chính phủ phát đi thông điệp mạnh mẽ “hãy biến Việt Nam thành một quốc gia khởi nghiệp” với mong muốn sẽ có thật nhiều cá nhân, tổ chức, người trẻ… đầu tư vào khởi nghiệp sản xuất, kinh doanh trên nhiều lĩnh vực. Chính phủ chấp nhận đầu tư nguồn lực, chính sách, cơ chế hỗ trợ cho khởi nghiệp để đây không chỉ là phong trào “sớm nở tối tàn”, mà sẽ trở thành một định hướng lâu dài cho đất nước khi bước vào hội nhập sâu.
Về bản chất, cụm từ khởi nghiệp đến nay vẫn được hiểu nôm na là “khởi sự kinh doanh”, dù ý tưởng khởi nghiệp đó được bắt đầu ở lĩnh vực kinh doanh nào. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại, khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang “phủ sóng” khắp mọi lĩnh vực trong đời sống và đặc biệt được ứng dụng nhiều trong sản xuất, kinh doanh thì để khởi nghiệp thành công, không thể bỏ qua vai trò của công nghệ và các giải pháp đổi mới sáng tạo.
Ở góc độ môi trường để khởi nghiệp, các doanh nghiệp (DN) non trẻ ngày nay có nhiều cơ hội thuận lợi hơn hẳn so với các thế hệ doanh nhân đi trước. Đó là môi trường rộng lớn, kiến thức và kinh nghiệm được chia sẻ “miễn phí” nhiều hơn, các câu chuyện kinh doanh thành công nhiều hơn, cơ hội kết nối với các nguồn lực trong và ngoài nước đa dạng hơn, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ phong phú hơn… Tuy nhiên, sức ép cũng không hề nhỏ. Các DN khởi nghiệp ngày nay phải cạnh tranh gắt gao với những người đi trước vì bất cứ ngành nghề nào cũng đã có những DN thành công và chiếm lĩnh thị phần. Lợi thế về tiếp cận công nghệ có thể biến thành thách thức nếu người khởi nghiệp không đủ nguồn lực để ứng dụng, chưa kể công nghệ thay đổi liên tục cũng là một áp lực lớn hơn.
Vậy cho nên, việc xác định đúng cả lợi thế lẫn những bất lợi của mình có vai trò khá lớn trong khởi nghiệp, xét cả góc độ DN lẫn Nhà nước. Trong đó, xây dựng được một hệ sinh thái tốt cho việc ươm mầm các ý tưởng khởi nghiệp là rất quan trọng. Đó là hệ thống chính sách khuyến khích khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, các kênh cấp vốn giá rẻ, xây dựng mạng lưới nhà đầu tư cho khởi nghiệp, kết nối tiêu thụ hàng hóa - dịch vụ, cung cấp tri thức và thông tin hỗ trợ cho các DN mới… Và trên hết, từng bước cải thiện cơ chế chính sách để xây dựng một môi trường kinh doanh minh bạch chính là điều mà DN khởi nghiệp mong muốn nhất.
Ở góc độ địa phương, Đồng Nai là một trong những nơi rất quan tâm đến phong trào khởi nghiệp. Tỉnh đã quan tâm, tập trung phát triển, liên kết các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, đặc biệt là các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh, các DN lớn… Từ đó, hình thành các DN khởi nghiệp mạnh từ khu vực tư nhân, hình thành các khu hỗ trợ kỹ thuật cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Đồng thời, tạo nền tảng liên kết, kết nối mới, đưa hệ sinh thái khởi nghiệp tỉnh Đồng Nai phát triển cùng với mạng lưới hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia. Đây chính là những định hướng được kỳ vọng sẽ góp sức xây dựng một môi trường khởi nghiệp lành mạnh và năng động cho các DN khởi nghiệp Đồng Nai, giúp họ từng bước “ươm mầm, nuôi lớn” các ý tưởng khởi sự kinh doanh trên nhiều lĩnh vực.
Vi Lâm