Báo Đồng Nai điện tử
En

Không lơ là, chủ quan trong phòng, chống thiên tai

04:06, 07/06/2021

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2021, Phó thủ tướng Lê Văn Thành, Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai nhấn mạnh, từ trung ương đến địa phương tuyệt đối không được chủ quan,...

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2021, Phó thủ tướng Lê Văn Thành, Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Chủ tịch Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai, tìm kiếm cứu nạn đã nhấn mạnh, từ trung ương đến địa phương tuyệt đối không được chủ quan, cần xây dựng kế hoạch vừa phòng chống dịch Covid -19, vừa ứng phó với thiên tai với quyết tâm cao để hạn chế thấp nhất thiệt hại của thiên tai trong năm 2021.

Người dân ở xã Bắc Sơn (H.Trảng Bom) đưa tài sản và người về nơi an toàn trong đợt ngập vào tháng 9-2019. Ảnh: HẢI QUÂN
Người dân ở xã Bắc Sơn (H.Trảng Bom) đưa tài sản và người về nơi an toàn trong đợt ngập vào tháng 9-2019. Ảnh: HẢI QUÂN

Những năm gần đây, do tác động của biến đổi khí hậu, tình hình thiên tai diễn ra vô cùng khắc nghiệt, mang nhiều yếu tố dị thường. Do đó cần hệ thống giải pháp căn cơ và lâu dài cho công tác phòng, chống thiên tai. Trong đó, lấy sự an toàn của người dân làm thước đo hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai.

* Thiên tai ngày càng khốc liệt

Năm 2020 là một năm của dịch bệnh và thiên tai cực đoan, nhiều kỷ lục về bão, mưa, lũ, dông, sét kèm mưa đá... Toàn quốc đã xảy ra 16/22 loại hình thiên tai, trong đó có 14 cơn bão, 1 đợt áp thấp nhiệt đới; 120 trận lũ quét, sạt lở đất; 90 trận động đất; 265 trận dông, lốc sét; hạn hán, xâm mặn nghiêm trọng, sạt lở bờ sông, bờ biển, sụt lún đê biển... Cụ thể, thiếu hụt nước và xâm nhập mặn xảy ra sớm, nghiêm trọng và khốc liệt hơn năm hạn mặn kỷ lục 2016 ở đồng bằng sông Cửu Long; bão chồng bão, lũ chồng lũ trong tháng 10 và tháng 11-2020 tại các tỉnh miền Trung. Trong đó bão số 9 (Molave) là một trong 2 cơn bão có cường độ mạnh nhất trong 20 năm trở lại đây; mưa lớn kéo dài gây ra lũ quét, sạt lở đất nghiêm trọng ở miền Trung, gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản. Thiên tai làm 357 người chết và mất tích; trên 3,4 ngàn căn nhà bị sập với tổng thiệt hại gần 40 ngàn tỷ đồng.

Phó thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh, các bộ, ngành, địa phương cần triệt để thực hiện phương châm “4 tại chỗ” để có thể hạn chế thiệt hại do thiên tai ở mức thấp nhất. Trong đó, chú trọng củng cố, kiện toàn lực lượng làm công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai từ Trung ương đến cơ sở; đồng thời phát triển khoa học công nghệ và thúc đẩy hợp tác quốc tế về phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai.

Ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai, Phó trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai đánh giá, năm 2020 trong bối cảnh xảy ra đại dịch Covid-19, thiên tai diễn ra dồn dập và đặc biệt khốc liệt, mang nhiều yếu tố dị thường, vượt mức lịch sử trên nhiều vùng miền cả nước. Đây cũng là tình hình chung của thế giới vì trong năm 2020, trên thế giới xảy ra gần 500 đợt thiên tai ở quy mô quốc gia và khu vực; số lượng bão hoạt động trên Đại Tây Dương trong năm vượt mức kỷ lục với 30 cơn; mưa, lũ, lũ quét, sạt lở đất xảy ra nghiêm trọng ở nhiều quốc gia như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc... Thiên tai đã làm 8,2 ngàn người chết, mất tích, tổng thiệt về kinh tế trên 210 tỷ USD và tác động đến mọi mặt của đời sống, kinh tế - xã hội của nhiều quốc gia, khu vực.

Từ đầu năm 2021 đến nay, cả nước đã xảy ra 53 trận động đất nhẹ, 105 trận mưa đá, dông lốc, 5 đợt không khí lạnh, gió mùa đông, 11 trận mưa lớn, lũ cục bộ, trong đó 2 trận lũ ống, lũ quét và 21 vụ sạt lở bờ sông. Tính đến hết tháng 5-2021, thiên tai đã làm 21 người chết, 29 người bị thương, trên 4,3 ngàn căn nhà bị sập đổ, hư hỏng; gây thiệt hại trên 32 ngàn ha lúa, hoa màu... Ước tính giá trị thiệt hại về kinh tế khoảng 119 tỷ đồng.

Vườn sầu riêng và nhiều cây trồng lâu năm trên địa bàn H.Cẩm Mỹ bị gãy đổ do đợt mưa kèm lốc xoáy xảy ra gần đây
Vườn sầu riêng và nhiều cây trồng lâu năm trên địa bàn H.Cẩm Mỹ bị gãy đổ do đợt mưa kèm lốc xoáy xảy ra gần đây. Ảnh: ĐINH TÀI

Dự báo về thiên tai từ nay đến cuối năm, GS-TS Trần Hồng Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ TN-MT) dự báo, năm nay thời tiết tiếp tục diễn biến phức tạp, bất thường, khó lường và có chiều hướng cực đoan hơn. Mùa mưa bão năm nay dự báo sẽ đến sớm, đầu mùa từ tháng 6 đầu tháng 8 tập trung tại khu vực phía Bắc và giữa biển Đông, khu Bắc bộ và Bắc Trung bộ nhiều khả năng sẽ bị ảnh hưởng. Từ tháng 9, bão sẽ hoạt động nhiều hơn khu vực Trung bộ và Nam Trung bộ kéo dài xuống phía Nam. Cả nước sẽ có từ 12-14 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực biển Đông, trong đó ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền từ 5-7 cơn. Cần đề phòng các cơn bão mạnh, có hướng di chuyển phức tạp trong năm 2021. Mùa khô 2020-2021, xâm nhập mặn vùng đồng bằng sông Cửu Long ở mức cao hơn trung bình nhiều năm. Các hệ thống sông tiếp tục dự báo diễn biến phức tạp, nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất trên các sông, suối nhỏ vùng thượng lưu các sông; ngập úng tại các thành phố và các khu đô thị...

Cũng theo GS-TS Trần Hồng Thái, thời gian qua, Bộ TN-MT đã chỉ đạo Tổng cục Khí tượng thủy văn đẩy mạnh các nghiên cứu ứng dụng dự báo quỹ đạo và cường độ bão phục vụ trong công tác nghiệp vụ. Mở rộng hợp tác quốc tế để tranh thủ sự hợp tác về khoa học, công nghệ và nhân lực cao trong bài toán dự báo bão, áp thấp nhiệt đới.

* Chống thiên tai trong tình hình mới

Năm 2020, toàn thế giới trong đó có Việt Nam phòng chống thiên tai trong tình hình mới hết sức khó khăn là vừa phòng chống thiên tai vừa ứng phó với đại dịch Covid-19.

Đồ họa thể hiện một số dự án phòng, chống sạt lở, tiêu thoát lũ có kinh phí đầu tư lớn đang được triển khai trên địa bàn tỉnh - Nguồn: Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn tỉnh. Thông tin: Bình Nguyên - Đồ họa: Hải Quân
Đồ họa thể hiện một số dự án phòng, chống sạt lở, tiêu thoát lũ có kinh phí đầu tư lớn đang được triển khai trên địa bàn tỉnh - Nguồn: Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn tỉnh. Thông tin: Bình Nguyên - Đồ họa: Hải Quân

Đại diện Bộ LĐ-TBXH nhận xét, Việt Nam là một trong 10 nước trên thế giới bị ảnh hưởng nặng nhất do thiên tai và biến đổi khí hậu. Trong phòng chống thiên tai, Việt Nam còn thiếu nhiều thứ từ nguồn lực, nhân lực, năng lực tổ chức triển khai phòng chống... Với phương châm chiến lược cảnh báo sớm, đẩy mạnh thông tin tuyên truyền để người dân chủ động phòng ngừa; tăng cường công tác cứu hộ, cứu nạn và công tác khắc phục hậu quả thiên tai hết sức kịp thời, Việt Nam đã thực hiện rất tốt công tác phòng chống và khắc phục hậu quả thiên tai trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và còn nhiều điều kiện khó khăn như hiện nay. Trong đó, việc cảnh báo sớm, đẩy mạnh thông tin tuyên để người dân có thể chủ động trong công tác phòng chống cần được đặc biệt quan tâm.

Ông Kamal Malhotra, Điều phối viên thường trú của LHQ tại Việt Nam cho biết, ngay trong đầu năm 2021, Việt Nam đã trải qua đợt hạn hán và xâm nhập mặn nghiêm trọng nhất ở đồng bằng sông Cửu Long trong hơn 1 thập kỷ qua. Sau đó tháng 10 và 11, các tỉnh miền Trung chịu nhiều tác động của thời tiết bao gồm lốc xoáy, lũ lụt nghiêm trọng, sạt lở đất...nghiêm trọng. Thiệt hại về người và của của Việt Nam là những con số rất lớn. Tất cả điều này xảy ra khi Việt Nam không ngừng thực hiện các biện pháp kịp thời, hiệu quả để giảm sự lây lan của đại dịch Covid-19. Những sự kiện thiên tai gần đây làm nổi bật rủi ro liên quan đến biến đổi khí hậu kết hợp với những sự kiện liên quan đến sức khỏe khác như dịch Covid-19 có thể làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến thành tựu phát triển chung của Việt Nam. Những mối nguy này cũng làm gia tăng sự tổn thương và chênh lệch hiện có giữa các cộng đồng dân tộc thiểu số, các gia đình nghèo cũng như trẻ em, người già và người khuyết tật. Tác động của thiên tai gần đây, kết hợp với dịch Covid-19 đã cho thấy rằng các gia đình và các cộng đồng dễ bị tổn thương có khả năng bị tác động cao hơn và phục hồi chậm hơn. Nếu không được giải quyết kịp thời, những mối nguy này có thể gây ra tác động lâu dài và dẫn đến bất bình đẳng hiện có và có thể ảnh hưởng đến cả các thế hệ tương lai. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, việc nâng cao khả năng chuẩn bị sẵn sàng và tăng cường năng lực cải thiện công tác lập kế hoạch ở cấp tỉnh và địa phương sẽ là chìa khóa cho sự thành công của Việt Nam trong phòng, chống thiên tai.

Ông Kamal Malhotra, Điều phối viên thường trú của LHQ tại Việt Nam khẳng định: “Các cơ quan của LHQ luôn cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực thiên tai và rủi ro liên quan đến biến đổi khí hậu hết sức phức tạp và đa chiều này”.

Bình Nguyên

Tin xem nhiều