Báo Đồng Nai điện tử
En

Định hướng phát triển du lịch đường sông

11:06, 04/06/2021

Phát triển du lịch, nhất là du lịch xanh, du lịch sinh thái được Đồng Nai xác định là một trong những lĩnh vực đột phá để phát triển kinh tế - xã hội...

Phát triển du lịch, nhất là du lịch xanh, du lịch sinh thái được Đồng Nai xác định là một trong những lĩnh vực đột phá để phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới. Điều này cũng mở ra cơ hội phát triển đối với lĩnh vực vận tải hành khách bằng đường thủy.

Khách du lịch tham gia một tuyến du lịch đường sông trên địa bàn H.Nhơn Trạch. (hình tư liệu)
Khách du lịch tham gia một tuyến du lịch đường sông trên địa bàn H.Nhơn Trạch. (hình tư liệu)

[links()]* Rà soát, bổ sung thêm các bến thủy du lịch

Với tiềm năng về cảnh quan và rừng, Đồng Nai hiện có rất nhiều lợi thế trong việc phát triển mô hình du lịch sinh thái, du lịch xanh, trong đó có các tuyến du lịch đường sông. Tuy nhiên, để có thể khai thác tiềm năng này trở thành động lực phát triển, đòi hỏi phải có sự đầu tư bài bản, đồng bộ, trong đó có việc đầu tư các bến thủy phục vụ du lịch đường thủy.

Trên thực tế, trong tổng số 29 bến thủy hành khách đang hoạt động trên địa bàn tỉnh, hiện chỉ có 2 bến khách du lịch, đều thuộc địa bàn H.Vĩnh Cửu. Do đó, việc quy hoạch để đầu tư xây dựng thêm các bến khách du lịch là yêu cầu cấp thiết, nhất là tại các địa phương có tiềm năng phát triển du lịch đường thủy lớn như các huyện: Tân Phú, Vĩnh Cửu, Nhơn Trạch và TP.Biên Hòa.

Trong giai đoạn 2021-2025, Sở GT-VT đề xuất mở thêm 2 tuyến du lịch đường thủy gồm: tuyến du lịch số 1 từ bến tàu Nguyễn Văn Trị (hoặc bến tàu khu vực P.An Bình) đến cù lao Ba Xê và ngược lại; tuyến du lịch số 2 từ bến tàu Nguyễn Văn Trị (hoặc bến tàu khu vực P.An Bình) đến làng bưởi Tân Triều, H.Vĩnh Cửu.

Đại diện Sở VH-TTDL cho biết, UBND tỉnh đã giao cho các địa phương có tiềm năng phát triển du lịch đường sông thực hiện rà soát, đề xuất UBND tỉnh đầu tư các bến khách du lịch. Về phía Sở VH-TTDL, qua khảo sát cũng cho thấy, một số địa phương hiện có nhu cầu lớn trong đầu tư các bến khách du lịch để khai thác tiềm năng du lịch đường sông.

Cụ thể, đối với H.Tân Phú, qua tiếp cận một số doanh nghiệp trên địa bàn, các doanh nghiệp rất mong muốn có thêm quy hoạch bến khách du lịch trên địa bàn huyện, nhất là khu vực Vườn quốc gia Cát Tiên. Tương tự, đối với H.Nhơn Trạch, địa phương này cũng đã đề xuất phát triển du lịch khu vực rừng Sác. Do đó, theo Sở VH-TTDL, H.Nhơn Trạch cũng cần thực hiện rà soát lại khu vực này để bổ sung các bến khách du lịch, nhất là bến dành cho tàu cao tốc.

Đối với TP.Biên Hòa và H.Vĩnh Cửu, hiện nay đã xác định được một số vị trí phát triển bến tàu phục vụ phát triển du lịch.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng cho rằng, các địa phương cần thực hiện rà soát, bổ sung các bến khách du lịch để phục vụ phát triển du lịch đường sông để cập nhật vào quy hoạch phát triển bến khách du lịch giai đoạn 2021-2025. “Những bến cần thiết, phục vụ có hiệu quả cho phát triển du lịch thì cần bổ sung. Các địa phương sau khi thực hiện rà soát thì có văn bản kiến nghị bổ sung gửi Sở GT-VT để cập nhật vào quy hoạch” - Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng nhấn mạnh.

* Lập danh mục đầu tư các bến từ nguồn vốn đầu tư công

Cùng với việc đề nghị các địa phương rà soát, bổ sung thêm các bến khách du lịch, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng cũng đề nghị các địa phương lập danh mục các bến khách du lịch trên địa bàn cần đầu tư từ nguồn vốn đầu tư công gửi Sở KH-ĐT để đưa vào danh mục các dự án đầu tư công. “UBND tỉnh cũng có chủ trương thực hiện đầu tư công đối với các bến khách du lịch nhằm thu hút các nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực phát triển du lịch đường sông” - Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng nói.

Thực tế những năm qua, việc phát triển các bến khách du lịch chủ yếu thực hiện theo hình thức kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư. Dù huy động được nguồn lực xã hội, nhưng để các doanh nghiệp thực hiện đầu tư các bến khách du lịch cũng tồn tại nhiều hạn chế. Hạn chế lớn nhất trong đó là việc lãng phí tiềm năng phát triển du lịch đường sông. Bởi khi doanh nghiệp thực hiện đầu tư các bến khách du lịch, các bến này thường chỉ phục vụ cho nhu cầu riêng lẻ của nhà đầu tư.

Chính vì vậy, việc xem xét, chọn lựa một số bến khách du lịch trọng điểm để thực hiện đầu tư từ nguồn vốn đầu tư công là “cú hích” cần thiết để thúc đẩy phát triển du lịch đường sông. Từ đó, kéo theo sự phát triển của lĩnh vực vận tải hành khách đường thủy để khai thác hết những tiềm năng, lợi thế sẵn có.

Quỳnh Nhi

Tin xem nhiều