Báo Đồng Nai điện tử
En

Chủ động phòng, chống thiên tai

04:06, 07/06/2021

Tại Đồng Nai, ngay từ đầu năm 2021, tỉnh đã chủ động trong công tác dự báo và xây dựng kế hoạch, phương án phòng, chống, ứng phó kịp thời với các tình huống thiên tai.

Đồng Nai luôn chú trọng thực hiện công tác phòng, chống thiên tai. Theo đó, ngay từ đầu năm 2021, tỉnh đã chủ động trong công tác dự báo cũng như xây dựng kế hoạch, phương án phòng, chống, ứng phó kịp thời với các tình huống thiên tai.

Vườn sầu riêng và nhiều cây trồng lâu năm trên địa bàn H.Cẩm Mỹ bị gãy đổ do đợt mưa kèm lốc xoáy xảy ra gần đây
Vườn sầu riêng và nhiều cây trồng lâu năm trên địa bàn H.Cẩm Mỹ bị gãy đổ do đợt mưa kèm lốc xoáy xảy ra gần đây

Trong đó, nội dung được chú trọng là nâng cao năng lực điều hành, chỉ huy, thực hiện các biện pháp phòng, chống, ứng phó thiên tai ngay tại cơ sở.

* Sớm khắc phục hậu quả thiên tai

Những năm gần đây, thiên tai xảy ra trên địa bàn Đồng Nai ngày càng phức tạp. Riêng trong năm 2020, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở đất, mưa lớn kèm theo dông, lốc, sét... Theo đó toàn tỉnh xảy ra 2 vụ chết người, 1 vụ do nước cuốn trôi, 1 vụ do sét đánh. Toàn tỉnh có 68 căn nhà và nhà kho bị tốc mái, 629 hộ dân bị ngập; 77 lồng nuôi cá trên sông La Ngà bị thiệt hại; hàng trăm ha cây ăn trái, cây công nghiệp bị gãy đổ; nhiều khu vực bị ngập lụt gây ách tắc giao thông. Tổng thiệt hại về tài sản khoảng 30 tỷ đồng. Năm 2019, tình hình thiên tai xảy ra nặng nề hơn với 5 người chết, bị thương 2 người, 110 căn nhà bị tốc mái, hơn 1 ngàn hộ dân phải di dời khỏi vùng ngập lụt, thiệt hại về tài sản khoảng 633 tỷ đồng.

Khi xảy ra thiên tai, các địa phương đã chủ động triển khai ngay các phương án phòng chống; nhanh chóng huy động lực lượng, phương tiện, vật tư tại chỗ hỗ trợ người dân ứng phó với ngập lụt, lốc xoáy... Các địa phương cũng đã thực hiện rất kịp thời công tác cứu trợ, hỗ trợ; sớm khắc phục hậu quả, hỗ trợ người dân khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống.

* “Phòng” là chính

Với phương châm “phòng” là chính, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch phòng, chống thiên tai ngay từ đầu năm. Trong đó, công tác tuyên truyền được đặc biệt quan tâm với nhiều nội dung: vận động người dân tham gia nộp Quỹ Phòng, chống thiên tai; bảo vệ nguồn nước, môi trường; không lấn chiếm, trồng cây và đổ rác thải xuống kênh mương, sông suối gây cản trở dòng chảy...

Ông Vũ Quốc Việt, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt, bảo vệ thực vật và thủy lợi, Chánh văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn tỉnh cho biết, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã đánh giá, rút kinh nghiệm về công tác chỉ đạo, điều hành phòng, chống ứng phó thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Trên cơ sở đó, Ban chỉ huy tiếp tục rà soát, cập nhật bổ sung kế hoạch, phương án phòng, chống thiên tai trong năm 2021. Trong đó, xác định những vùng trọng điểm có nguy cơ xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, hạn hán, xâm nhập mặn và các đối tượng dễ bị tổn thương để đưa vào phương án ứng phó phù hợp với tình hình thực tế tại từng địa bàn. Các ngành chức năng, địa phương rà soát lực lượng, phương tiện, vật tư, kinh phí để thực hiện có hiệu quả phương châm “4 tại chỗ” nhằm đảm bảo an toàn về người và tài sản khi có thiên tai xảy ra.         

Đồng Nai đang triển khai nhiều dự án phòng, chống sạt lở, tiêu thoát lũ như: Gia cố sạt lở bờ sông Đồng Nai đoạn ấp 8, xã Nam Cát Tiên (H.Tân Phú) giai đoạn 1 với kinh phí 101 tỷ đồng. Chống ngập úng khu vực suối Cải với tổng kinh phí 554,6 tỷ đồng và dự án kênh tiêu thoát lũ xã Bình Lộc (TP.Long Khánh) với kinh phí khoảng 56 tỷ đồng. H.Long Thành có 2 dự án hệ thống thoát nước khu vực suối Nước Trong với kinh phí gần 585 tỷ đồng; nạo vét và gia cố bờ kè suối Quán Thủ với kinh phí 45 tỷ đồng. Kè sông Vàm Mương - Lòng Tàu đoạn qua khu vực ấp 2, xã Phước Khánh (H.Nhơn Trạch) với kinh phí trên 35 tỷ đồng. Xây dựng bản đồ ngập lụt vùng hạ du hồ Đa Tôn (H.Tân Phú) và hồ Sông Mây (H.Trảng Bom) với tổng kinh phí 6,5 tỷ đồng. Gia cố bờ sông Đồng Nai đoạn từ cầu Rạch Cát đến cầu Ghềnh phía cù lao Phố (P.Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa), tổng kinh phí 243 tỷ đồng. Sửa chữa, mua sắm trang thiết bị phòng họp trực tuyến phục vụ công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh với tổng kinh phí 2,5 tỷ đồng.

Lê Quyên

Tin xem nhiều