Báo Đồng Nai điện tử
En

Vực dậy sản xuất cuối năm để tăng trưởng

04:10, 23/10/2020

Bước vào những tháng cuối năm 2020, các doanh nghiệp (DN) tại Đồng Nai đang nỗ lực tập trung sản xuất, kinh doanh để thực hiện mục tiêu tăng trưởng của mình...

Bước vào những tháng cuối năm 2020, các doanh nghiệp (DN) đang nỗ lực tập trung sản xuất, kinh doanh để thực hiện mục tiêu tăng trưởng của mình. Năm nay do gặp nhiều khó khăn dưới tác động của dịch Covid-19, nhiều DN đã phải thay đổi chiến lược, mục tiêu sản xuất.

Biểu đồ thể hiện cơ cấu một số mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Đồng Nai trong 9 tháng của năm 2020. (Thông tin: Văn Gia - Đồ họa: Hải Quân)
Biểu đồ thể hiện cơ cấu một số mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Đồng Nai trong 9 tháng của năm 2020. (Thông tin: Văn Gia - Đồ họa: Hải Quân)

Theo đánh giá của cơ quan chức năng và khảo sát từ các DN, quý III vừa qua, tình hình sản xuất đã tốt dần lên và sang những tháng cuối năm động lực cho sản xuất, kinh doanh sẽ mạnh mẽ hơn. Cộng đồng DN cũng kỳ vọng vào sự hồi phục mạnh hơn của xuất khẩu trong các tháng cuối năm.

* Sản xuất công nghiệp tăng trưởng trở lại

Theo Cục Thống kê Đồng Nai, mặc dù dịch bệnh Covid-19 tái bùng phát lần 2 trong tháng 7, tuy nhiên với nỗ lực vừa chống dịch vừa phát triển kinh  tế nên sản xuất công nghiệp quý III-2020 tăng khá so với quý II và tăng so với cùng kỳ năm 2019.

Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp quý III-2020 tăng 7,66% so với cùng kỳ năm 2019 (quý I tăng 5,04%; quý II tăng 3,68%). Tính chung, chỉ số sản xuất công nghiệp 9 tháng của năm 2020 tăng 5,51% so với cùng kỳ. Trong đó, ngành Công nghiệp khai thác mỏ tăng 6,25%; ngành Công nghiệp chế biến tăng 5,99%; ngành Sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước giảm 1,26%; ngành Cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước tăng 8,47%. Ngành Sản xuất chế biến thực phẩm tăng 5,22% do các DN ngành Chế biến thực phẩm, sản xuất chế biến thức ăn gia súc vẫn ký được hợp đồng và nhu cầu tiêu thụ sản phẩm khá ổn định nên ít bị ảnh hưởng.

Một trong những điểm đáng chú ý là trong 9 tháng qua, ngành Dệt tăng trưởng 2,93%, đây là ngành chịu ảnh hưởng nặng bởi dịch Covid-19, tuy nhiên đến tháng 9-2020, tình hình sản xuất, kinh doanh của ngành này đã khá hơn do có hợp đồng trở lại. Ngành Sản xuất trang phục cũng tăng 3,22% do một số DN đã cho công nhân đi làm lại, ký được hợp đồng mới. Ngành Sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 8,92% - ngành này vẫn giữ được tăng trưởng khá bởi các DN có hợp đồng sản xuất từ trước, một số nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) nhập hàng trở lại sau thời kỳ dịch Covid bùng phát.

Tình hình sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh 9 tháng của năm 2020 chịu ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19 nên tăng trưởng thấp hơn so với mọi năm. Tuy nhiên, trong 9 tháng, có 21/27 ngành có chỉ số tăng, trong đó 11 ngành có mức tăng trưởng từ 5% trở lên. Qua đây cho thấy tình hình sản xuất, kinh doanh ngành Công nghiệp những tháng cuối năm có nhiều dấu hiệu tích cực hơn.

Một dấu hiệu nữa cho thấy nền kinh tế phục hồi trở lại là nhu cầu tiêu thụ điện cho sản xuất tăng cao, từ
7,7-13,7%. Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), nhu cầu điện cho tiêu dùng và sản xuất công nghiệp trong tháng 9 bắt đầu tăng mạnh. Sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống đạt 21,32 tỷ kWh, tăng 8,17% so với tháng 9 năm ngoái. Sản lượng điện sản xuất bình quân đạt 710,7 triệu kWh/ngày, trong đó sản lượng ngày lớn nhất đạt 778,75 triệu kWh, công suất phụ tải lớn nhất đạt 37.835MW. Trên địa bàn tỉnh, ngành Điện lực cũng đã và đang đầu tư một số máy biến áp mới tại các trạm để phục vụ cho nhu cầu sản xuất ở các Khu công nghiệp (KCN) Lộc An - Bình Sơn, KCN Dầu Giây, KCN Định Quán…

Cùng với đó, tình hình thu hút vốn đầu tư và cho thuê đất vẫn khả quan tại các KCN. Đến nay, các DN đầu tư hạ tầng đã cho thuê đất đạt 54,94ha (đạt 91% kế hoạch năm). Đánh giá của Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh cho thấy, vốn mở rộng các dự án có vốn đầu tư nước ngoài và vốn đầu tư trong nước có xu hướng tăng, chứng tỏ hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN tương đối ổn định, chất lượng hạ tầng của các KCN đáp ứng, đảm bảo và nâng cao.

Cũng nhờ sản xuất sớm ổn định mà DN nộp thuế tương đối tốt. 9 tháng, ngành Thuế thu ngân sách được 29.200 tỷ đồng (đạt 82% so với dự toán được giao đầu năm). Ông Nguyễn Văn Công, Cục trưởng Cục Thuế Đồng Nai nhận định nhiều DN mặc dù nằm trong diện giảm, giãn nộp thuế nhưng hàng hóa vẫn bán được nên đã kê khai và chủ động nộp thuế đúng theo luật định. Điều đó dẫn đến thu ngân sách 9 tháng qua của Đồng Nai đạt khá, nằm trong tốp đầu của ngành Thuế cả nước.

* Xuất khẩu: chờ “bứt phá”

Hoạt động xuất khẩu ở Đồng Nai cũng đang trên đường hồi phục mạnh mẽ, đặc biệt là kể từ khi Hiệp định Thương mại tự do song phương Việt Nam - EU có hiệu lực. Trong quý III-2020, kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 80,07 tỷ USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước và tăng 34% so với quý II-2020, tăng 26,6% so với quý I-2020.

Sản phẩm từ cao su là một trong những mặt hàng có thế mạnh xuất khẩu của Đồng Nai
Sản phẩm từ cao su là một trong những mặt hàng có thế mạnh xuất khẩu của Đồng Nai. Ảnh:V. Gia

Báo cáo của Bộ Công thương cho thấy sự phục hồi này tập trung ở nhóm các mặt hàng công nghiệp chế biến, với kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này 9 tháng qua đã tăng 4,7% so với cùng kỳ năm 2019, chiếm tỉ trọng 84,6% tổng kim ngạch xuất khẩu. Đáng chú ý, khu vực kinh tế trong nước tiếp tục là động lực cho sự tăng trưởng của hoạt động xuất khẩu cả nước khi kim ngạch xuất khẩu 9 tháng qua của khu vực này đạt tới 71,4 tỷ USD, tăng 19,5%, chiếm 35,4% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 131 tỷ USD, giảm 2,8%, chiếm 64,6%.

Theo Bộ Công thương, do nhu cầu tiêu thụ những tháng cuối năm tăng nên xuất khẩu vào các thị trường Mỹ, EU và các thị trường khác cũng sẽ có mức tăng trưởng hơn so với đầu năm. Căn cứ bối cảnh tình hình hiện nay, dự kiến xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam cả năm 2020 sẽ có thể đạt mức tăng từ 3-4%. Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, Bộ sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện và thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu. Tăng khai thác, tiếp cận các thị trường trọng điểm, duy trì và mở rộng, không để giảm thị phần, mất thị trường xuất khẩu, nhất là đối với các mặt hàng xuất khẩu chủ lực.

Cũng như cả nước, càng về cuối năm, triển vọng xuất khẩu của Đồng Nai đang tốt lên. Trong tháng 9, kim ngạch xuất khẩu đạt gần 1,7 tỷ USD, tăng 5,24% so với tháng 8, xuất siêu đạt thặng dư 437 triệu USD. Dự ước tháng 10, kim ngạch xuất khẩu sẽ đạt gần 1,86 tỷ USD, tiếp tục cao hơn tháng 9. Một số mặt hàng xuất khẩu chính của Đồng Nai có mức tăng trưởng khá cao là cà phê, cao su, sản phẩm gỗ, hạt tiêu, máy tính sản phẩm điện tử và linh kiện, máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng. Đồng Nai có 4 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu vượt 1 tỷ USD.

Về phía các DN cũng rất kỳ vọng vào mùa xuất khẩu cuối năm để có thể hoàn thành kế hoạch sản xuất của mình. Khảo sát của Tổng cục Thống kê về xu hướng kinh doanh của các DN ngành Công nghiệp chế biến, chế tạo cho thấy DN lạc quan về tình hình sản xuất, kinh doanh trong quý IV-2020 với 81% DN đánh giá sẽ ổn định và tốt hơn.

Ông Nguyễn Hữu Hiểu, Chủ tịch Hiệp hội DN Đồng Nai,  Tổng giám đốc Tổng công ty Công nghiệp thực phẩm Đồng Nai (Dofico) cho biết mảng xuất khẩu của Dofico những tháng qua gặp khó khăn do việc bàn giao đơn hàng chậm, ảnh hưởng của dịch bệnh. Tình hình đang tốt dần lên và trong những tháng cuối năm sẽ tập trung vừa sản xuất vừa thúc đẩy xuất khẩu để hoàn thành kế hoạch năm. Cùng với cộng đồng DN trong tỉnh, Dofico tin tưởng vào tốc độ tăng trưởng lớn hơn trong những tháng cuối năm. Theo đó, DN này luôn cố gắng để đạt được 3 mục tiêu lớn là đảm bảo kế hoạch kinh doanh đặt ra, bảo tồn vốn nhà nước và nộp ngân sách hằng năm, qua đó nâng cao đời sống cho người lao động ngày càng tốt hơn.

Văn Gia

Tin xem nhiều