Báo Đồng Nai điện tử
En

Chủ động "nâng chất" để an toàn trong thương mại quốc tế

04:10, 23/10/2020

Khi tham gia vào các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam có nhiều lợi thế khi xuất khẩu, các DN cần chuẩn bị các yếu tố để có thể hợp tác trực tiếp, sòng phẳng với DN nước ngoài, đồng thời tránh được rủi ro phát sinh.

Khi tham gia vào các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam có nhiều lợi thế khi xuất khẩu, các DN cần chuẩn bị các yếu tố để có thể hợp tác trực tiếp, sòng phẳng với DN nước ngoài, đồng thời tránh được rủi ro phát sinh.

Tham gia xuất, nhập khẩu quốc tế, doanh nghiệp cần chủ động để hạn chế rủi ro .Trong ảnh: Bốc dỡ hàng hóa xuất nhập khẩu tại cảng Gò Dầu (H.Long Thành). Ảnh: Vương Thế
Tham gia xuất, nhập khẩu quốc tế, doanh nghiệp cần chủ động để hạn chế rủi ro .Trong ảnh: Bốc dỡ hàng hóa xuất nhập khẩu tại cảng Gò Dầu (H.Long Thành). Ảnh: Vương Thế

Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, bản thân DN phải luôn nỗ lực để cập nhật thông tin, nâng chuẩn để đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của thị trường xuất khẩu.

* Nhiều DN chưa sẵn sàng đối diện thách thức

Với 97% số DN có quy mô nhỏ và vừa thì cộng đồng DN Việt vẫn còn khá yếu thế so với khối DN có vốn đầu tư nước ngoài trên thị trường xuất khẩu. Theo ông Nguyễn Tiến Chương, Chủ tịch Hội Xuất nhập khẩu Đồng Nai, 70% số hội viên là các DN có vốn đầu tư nước ngoài, chính vì vậy họ có nhiều kinh nghiệm trong làm ăn, buôn bán, am hiểu các quy định, thông lệ quốc tế. Còn lại, khó khăn của DN Việt vẫn là thiếu thông tin, thiếu “đầu mối” và chưa thực sự sẵn sàng để giải quyết các tranh chấp khi có sự cố xảy ra. “Do vậy, cùng với sự hỗ trợ từ Nhà nước, của Hội Xuất nhập khẩu địa phương, điều quan trọng là DN phải nâng chất mình. Làm ăn chuyên nghiệp là giải pháp hóa giải những thách thức từ các bức tường phòng vệ thương mại” - ông Chương nhận xét.

Trong thực tế, 5 năm gần đây Việt Nam đã phải đối mặt với hơn 90 vụ kiện, điều tra thương mại, tập trung tại các thị trường xuất khẩu chủ lực như: Hoa Kỳ, Australia, Canada, Liên minh châu Âu (EU), Ấn Độ với các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn là: thép, dệt may, thủy hải sản, gỗ… Số vụ việc Việt Nam chủ động khởi xướng điều tra phòng vệ thương mại với hàng hóa nhập khẩu lại chưa tới 20, một chênh lệch “không hề nhẹ” cho thấy sự yếu thế của chúng ta. Và dù có nhiều thuận lợi song các FTA mà Việt Nam đã tham gia ký kết không hoàn toàn là “màu hồng”.

Tương tự, chủ một DN ngành Gỗ xuất khẩu trong Khu công nghiệp Biên Hòa 1 cho rằng, làm ăn với các đối tác nước ngoài, nhất là những nước phát triển cần phải rất cẩn trọng trong việc ký kết hợp đồng. Bởi họ là những đơn vị có hàng chục năm kinh nghiệm trong thị trường quốc tế, nếu không có đủ sự tỉnh táo, các DN Việt dễ bị gài bẫy, dẫn đến thiệt hại về kinh tế và khó có thể có đủ tự tin để tiếp tục cuộc chơi một cách sòng phẳng.

* Đầu tư vào con người

Để có thể tận dụng được những lợi thế thương mại từ các FTA mà Việt Nam tham gia thì chất lượng sản phẩm thôi là chưa đủ. Việc chuẩn bị nguồn nhân lực là rất cần thiết, đặc biệt là nhân sự có trình độ, đẳng cấp quốc tế.  Đa số DN Việt Nam là nhỏ và vừa nên đây là khâu yếu cần phải được cải thiện, nhất là nhân sự làm trong lĩnh vực xuất khẩu.

Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam Nguyễn Văn Thân cho rằng, đây là thực trạng đang diễn ra trong hầu hết các DN ở mọi ngành. Năng suất lao động thấp, DN khó tuyển được nhân sự đáp ứng đầy đủ tiêu chí đầu vào, trong khi chính DN cũng thờ ơ với việc đào tạo, tập huấn, nâng cao tay nghề người lao động, vì lo ngại đào tạo xong, nhân sự lại đầu quân vào DN khác.

Nhận thức là vậy, song để thay đổi ngay không phải là dễ. Mặc dù triển vọng sản xuất, kinh doanh trước mắt rất tốt song theo bà Trịnh Thị Uyên Phương, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thương mại Phương Sinh, DN vẫn chưa đủ tự tin để trực tiếp xuất khẩu hàng hóa với thương hiệu riêng của mình ra thế giới mà vẫn đang gia công cho các đối tác. Nguyên nhân là DN vẫn còn thiếu thông tin về thị trường, thiếu nhân lực để có thể đảm trách các công việc giao thương với đối tác nước ngoài. Vì thế, việc gia công sản phẩm là lựa chọn mang tính an toàn trong giai đoạn này. Tuy nhiên về lâu dài, theo bà Phương, việc này cũng phải thay đổi để DN tự tin hơn.

Về phía cơ quan quản lý nhà nước, mới đây, Bộ Công thương đã ban hành Quyết định số 1347/QĐ-BCT triển khai một số hoạt động nhằm hỗ trợ, nâng cao năng lực phòng vệ thương mại. Theo đó, tập trung đào tạo phòng vệ thương mại cho ngành sản xuất trong nước, đặc biệt là các hiệp hội và cộng đồng DN, cung cấp thông tin diễn ra hằng ngày, hoàn thiện thể chế pháp luật về phòng vệ thương mại một cách hiệu quả cũng như tăng cường năng lực thực thi phòng vệ thương mại của Việt Nam…

Chủ tịch Hội Xuất nhập khẩu Đồng Nai Nguyễn Tiến Chương cho biết thêm, trước mắt, các DN tham gia vào thị trường quốc tế có thể liên hệ trực tiếp hiệp hội để có thể được giải đáp những thắc mắc. “Hội có bộ phận tư vấn về pháp luật, trong đó nhiều luật sư lĩnh vực thương mại quốc tế. Hội sẵn sàng hỗ trợ DN, hội viên trong soạn thảo hợp đồng quốc tế, kể cả những tranh chấp xảy ra nếu có. Việc tham gia vào hàng loạt FTA và xuất khẩu ra thế giới thì đó là điều không thể tránh khỏi” - ông Chương khẳng định.

Vương Thế

Tin xem nhiều