Báo Đồng Nai điện tử
En

World Cup ở Việt Nam: Thảm họa... bình loạn!

10:06, 23/06/2014

Chẳng biết có phải vì dư âm cảm xúc của ngày 21-6 hay không mà trong phần bình luận sau trận đấu giữa Bỉ và Nga sáng qua, chuyên gia, cựu danh thủ Đặng Gia Mẫn - một trí thức (thầy giáo dạy toán) hiếm hoi trong giới "quần đùi áo số", bất ngờ "huỵch tẹt" cho cả làng ngay trên sóng truyền hình quốc gia, bức thư ngỏ gửi các bình luận viên bóng đá (BLV BĐ) VTV.

Chẳng biết có phải vì dư âm cảm xúc của ngày 21-6 hay không mà trong phần bình luận sau trận đấu giữa Bỉ và Nga sáng qua, chuyên gia, cựu danh thủ Đặng Gia Mẫn - một trí thức (thầy giáo dạy toán) hiếm hoi trong giới “quần đùi áo số”, bất ngờ “huỵch tẹt” cho cả làng ngay trên sóng truyền hình quốc gia, bức thư ngỏ gửi các bình luận viên bóng đá (BLV BĐ) VTV.  “Cảm ơn các bạn đã thức khuya dậy sớm cùng chúng tôi trong mùa World Cup này. Chỉ xin các bạn một điều sau: Hãy...nói những gì cần nói, tức những gì người xem cần nghe: Quả bóng từ chân ai đến chân ai và một vài thông tin thật cần thiết về các cầu thủ đang có bóng trong chân. Ngoài ra xin các bạn nhường không gian âm thanh sôi động của trận đấu cho người xem, để người xem nghĩ ngợi và phán đoán. Nhiều bạn BLV nói như kẻ “khát” nói, cung cấp thông tin tít mù, bình luận nhăng cuội liên tù tì, gây căng thẳng và khó chịu cho người xem. Nói thật trong mùa World Cup này... câu nói của các BLV BĐ được người xem chờ đợi nhất là: “Xin chào và hẹn gặp lại!”. Tội nghiệp anh MC, quá bất ngờ đến không trở tay kịp trước chi tiết không có trong kịch bản, chỉ thiếu điều bụm miệng vị khách mời bỗng trở chứng nói ra điều không nên nói.

Tác giả bức “tâm thư” trên là nhà văn Nguyễn Quang Lập và các fan BĐ đều biết ông muốn nói tới BLV nào. Anh này nổi tiếng và được “hâm mộ” đến nỗi trên mạng có hẳn một facebook “Hội những người phát cuồng vì...TBC” chuyên tập hợp, sưu tầm những lời bình luận bất hủ có một không hai của anh. Ví như: “Không vàooooooooo, thủ môn Dương Hồng Sơn có pha ngả người bắt bóng như những... phím đàn piano, 1 loại nhạc cụ mà người ta... hay chơi vào dịp Giáng sinh (!), “SVĐ hôm nay không còn một chỗ... kín”... Hay những thông tin bên lề chẳng ăn nhập gì đến BĐ: “Trọng tài điều khiển trận đấu hôm nay là người có nhóm máu O. Theo thống kê trên sân hôm nay có 7 cầu thủ có nhóm máu O, 8 cầu thủ nhóm máu A, 4 cầu thủ nhóm máu B và 4 cầu thủ nhóm máu AB. Điều trùng hợp thú vị là cả 2 vị trọng tài biên đều có nhóm máu B...”.  Anh MC còn có biệt tài biến những điều thật đơn giản trở nên rối rắm, thay vì chỉ cần dùng một câu khẳng định thì anh phải “chơi” phủ định của phủ định cho nó “trình” và có tư duy rất độc, ví như tên cầu thủ Kingston được anh liên tưởng ngay đến... một loại USB đang bán rất chạy ở Hà Nội (!?)

“Nổi tiếng” và được “yêu mến” đến như vậy nhưng sóng truyền hình quốc gia vẫn khăng khăng dùng anh (có lẽ vì cả nước không tìm đâu ra một BLV như vậy?), y như cái cách mà VTV nhất quyết bảo thủ đọc “G” là “gờ”, trong khi không xài “rờ”, “sờ”, “mờ”, “nờ”... Việc nhà văn Nguyễn Quang Lập phải lên tiếng và đến chính một BLV khách mời “ruột” đưa ra ngay trên sóng nhà đài cho thấy bình luận BĐ trên truyền hình đã trở thành vấn đề bức xúc. Bởi giờ đây, người VN phải trả tiền để xem World Cup, trình độ thưởng thức, thông tin của khán giả cũng “giàu” lên rất nhiều; đòi hỏi các BLV BĐ truyền hình cũng phải nâng tầm trình độ. Điều khán giả cần ở BLV là khả năng “đọc” trận đấu, phân tích, nhận định về những thay đổi chiến thuật, con người chứ không phải là hối hả, đọc lấy đọc để (vì sợ không kịp) cho kỳ hết những thông tin tư liệu được tải trên mạng, để phô kiến thức hiểu biết của mình.

Vẫn biết, truyền hình là nghề “làm dâu trăm họ”, với BĐ thì ai cũng có thể là BLV, nhưng chính vì thế mà càng không được... bình loạn. Có điều mùa World Cup này chỉ có một nhà đài duy nhất độc quyền nên khán giả trên toàn cõi lãnh thổ Việt đành phải thưởng thức độc một khẩu vị. Không thích BLV nào thì nhà văn Nguyễn Quang Lập có thể xem đỡ 32 cô gái chân dài và các nghệ sĩ của VTV “tám” về World Cup, hoặc tắt béng volume đi. Ai ép coi mà “ngỏ” với chẳng “mở”.

Minh Chung

 

Tin xem nhiều