Báo Đồng Nai điện tử
En

Biến đổi khí hậu: Nghị viện châu Âu ủng hộ các mục tiêu của Hiệp định Paris

10:06, 14/06/2017

Bất chấp việc Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu, ngày 14-6, Nghị viện châu Âu (EP) đã nhất trí về việc hạn chế phát thải khí nhà kính đối với các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU).

Bất chấp việc Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu, ngày 14-6, Nghị viện châu Âu (EP) đã nhất trí về việc hạn chế phát thải khí nhà kính đối với các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU). Bước đi này được EP đưa ra với hy vọng các quốc gia thành viên có thể chia sẻ gánh nặng của EU trong việc thực thi các mục tiêu của thỏa thuận chống biến đổi khí hậu trên.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker phát biểu tại phiên họp của Nghị viện châu Âu ở Strasbourg ngày 14-6. Nguồn: EPA
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker phát biểu tại phiên họp của Nghị viện châu Âu ở Strasbourg ngày 14-6. Nguồn: EPA

Với 534 phiếu thuận và 88 phiếu chống, các nghị sĩ EP đã ủng hộ một dự luật, trong đó ràng buộc các mục tiêu quốc gia về cắt giảm khí thải nhà kính trong các lĩnh vực như vận tải, nông nghiệp, xử lý rác thải, để đạt được mục tiêu tổng thể của EU là cắt giảm ít nhất 40% lượng khí thải nhà kính vào năm 2030 so với mức phát thải năm 1990. Đây vốn là mục tiêu bắt buộc được áp dụng cho toàn bộ EU, nhưng lại không ràng buộc đối với chính phủ của từng nước thành viên.

Phát biểu tại nghị viện, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker nhận định việc Mỹ "quay lưng" với thỏa thuận chống biến đổi khí hậu sẽ thúc đẩy "phần còn lại của thế giới đoàn kết hơn" trong cuộc chiến chống sự nóng lên của Trái Đất. Trong khi đó, ông Gerben-Jan Gerbrandy, một thành viên của EP, nhấn mạnh cuộc bỏ phiếu này đã phát đi một tín hiệu rõ ràng đến Tổng thống Trump về quyết tâm của châu Âu đối với việc thực hiện những cam kết trong khuôn khổ của Hiệp định Paris.

Trước khi diễn ra cuộc bỏ phiếu trên, các chính khách EU đã tái khẳng định sự thất vọng trước quyết định rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris của Tổng thống Trump, đồng thời tuyên bố sẽ không đàm phán lại Hiệp định Paris theo lời kêu gọi của nhà lãnh đạo Mỹ.

Dự luật trên vẫn cần nhận được sự phê chuẩn của chính phủ các nước EU trước khi trở thành luật và tiến trình này có thể sẽ phải mất tới 2 năm.

Động thái trên của EP đã thể hiện quyết tâm của EU trong việc thực hiện Hiệp định Paris bất chấp việc Tổng thống Trump quyết định rút Mỹ khỏi thỏa thuận toàn cầu chống biến đổi khí hậu này.

Nguy cơ các vụ lũ lụt toàn cầu sẽ tăng gấp đôi vào năm 2050

Trong bối cảnh liên tiếp xảy ra các thảm họa về lũ lụt do mực nước biển ngày càng dâng cao những năm gần đây, các chuyên gia cảnh báo nếu hiện tượng Trái Đất tiếp tục nóng lên với tốc độ như hiện nay, các vụ lũ lụt trên toàn cầu sẽ tăng gấp đôi vào năm 2050, khiến nhiều quốc gia và thành phố đặc biệt là ở ven biển biến mất khỏi bản đồ thế giới.

(Theo Reuters)

Tin xem nhiều