Báo Đồng Nai điện tử
En

Khủng hoảng vùng Vịnh có nguy cơ bùng phát thành chiến tranh

10:06, 14/06/2017

Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel vừa đưa ra lời cảnh báo cuộc khủng hoảng ngoại giao hiện nay tại vùng Vịnh có thể dẫn tới chiến tranh.

Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel vừa đưa ra lời cảnh báo cuộc khủng hoảng ngoại giao hiện nay tại vùng Vịnh có thể dẫn tới chiến tranh. 
Hàng hóa được bày bán tại chợ ở Doha, Qatar ngày 10/6. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Hàng hóa được bày bán tại chợ ở Doha, Qatar ngày 10/6. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Theo trang wsws.org, phát biểu với tờ Frankfurter Allgemeine Sonntagszeitung về tình hình căng thẳng hiện nay trong mối quan hệ giữa các nước vùng Vịnh, Ngoại trưởng Sigmar Gabriel cho rằng nguy cơ hiện hữu là cuộc xung đột ngoại giao hiện nay đang có xu hướng dẫn đến chiến tranh. 

Tuy nhiên, sau các cuộc gặp song phương với người đồng cấp Saudi Arabia và Qatar cũng như những cuộc điện đàm với những người đồng cấp Iran và Kuwait, ông Gabriel nhận định rằng có những “cơ hội tốt” để tìm được một giải pháp. 

Thực tế những phát biểu của Ngoại trưởng Đức đã làm sáng tỏ cuộc xung đột địa chính trị đang bùng phát rất nhanh tại vùng Vịnh.

Về bản chất, phát biểu của ông Gabriel về nguy cơ nổ ra chiến tranh không hề liên quan gì đến sự can dự của Đức với tư cách người bảo vệ hòa bình, nhưng thực tế đó lại là một phần trong chiến lược của Berlin nhằm mở rộng lợi ích của Đức tại khu vực vốn đang phụ thuộc vào Mỹ. 

Phát biểu của Ngoại trưởng Gabriel đưa ra 2 ngày sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố ủng hộ hoàn toàn các biện pháp của Riyad, bao gồm cả biện pháp cắt đứt ngoại giao, trục xuất trong vòng 15 ngày tất cả các công dân Qatar khỏi lãnh thổ Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất và Bahrain, đóng cửa không phận của các nước này đối với các máy bay của Qatar và liệt 59 cá nhân và tổ chức từ thiện có liên hệ với Qatar vào danh sách các phần tử khủng bố chịu sự giám sát . 

Tổng thống Trump nhấn mạnh rằng những quyết định này là rất “nghiêm khắc nhưng cần thiết” và Qatar “đáng phải chịu.”

Những bình luận này cho thấy những bất đồng trong nội bộ chính quyền Mỹ về chính sách của Washington, bởi lẽ chỉ một giờ trước khi Donald Trump đưa ra bình luận thì Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã kêu gọi giảm leo thang cuộc khủng hoảng này. 

Sở dĩ Tillerson phát biểu như trên là do lo sợ căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ tại khu vực này đang chỉ huy các cuộc chiến tại Syria, Iraq và Afghanistan, có thể bị đe dọa do việc cô lập Qatar. 

Saudi Arabia đã cảm thấy được “khuyến khích” hành động chống lại Qatar sau chuyến thăm lần đầu tiên của ông Trump đến Riyad cách đây 3 tuần. 

Trong chuyến thăm này, Tổng thống Trump cho rằng Iran là nguồn gốc chính của chủ nghĩa khủng bố tại khu vực đồng thời hối thúc các quốc gia dòng Sunni hình thành một liên minh nhằm chống lại ảnh hưởng của Teheran. 

Saudi Arabia có những hành động vừa qua là nhằm tìm cách tăng cường sự thống trị của Riyadh tại khu vực vùng Vịnh thông qua việc đòi hỏi chính quyền Qatar từ bỏ chính sách đối ngoại độc lập, mối quan hệ kinh tế và ngoại giao với Iran cũng như từ bỏ việc ủng hộ các nhóm chính trị tại khu vực như Hamas và Anh em Hồi giáo. 

Gabriel và tầng lớp lãnh đạo Đức ngày càng phản đối chính sách này của Mỹ. Đầu tuần trước, trong một cuộc trả lời phỏng vấn tờ kinh tế Handelsblatt, Ngoại trưởng Đức thẳng thắn đổ trách nhiệm cho Washington khi chỉ trích việc “áp đặt quan điểm của Trump” đối với các mối quan hệ giữa các quốc gia vùng Vịnh. 

Thủ tướng Đức Angela Merkel, người bất đồng sâu sắc với ông Trump về vấn đề chi tiêu quốc phòng và thương mại tại hội nghị thượng đỉnh NATO và G7 vừa qua, đã “tấn công” chính sách vùng Vịnh của Washington khi kêu gọi các quốc gia vùng Vịnh, bao gồm cả Iran và Thổ Nhĩ Kỳ, hãy cùng nhau hợp tác để giải quyết mâu thuẫn hiện nay. 

Cả bà Merkel và ông Gabriel đều quyết tâm bảo vệ việc mở rộng cách tiếp cận của Đức vào khu vực Trung Đông, vốn đang là những thị trường tối quan trọng đối với hàng hóa xuất khẩu của Đức. 

Năm 2016, các doanh nghiệp Đức đã xuất khẩu tổng số hàng hóa trị giá 47 tỷ euro sang các nước Bắc Phi, Trung và Cận Đông. Berlin đã kịch liệt phản đối những gì mà chính quyền Trump làm khiến căng thẳng với Iran gia tăng, đặc biệt là lời đe dọa từ bỏ thỏa thuận hạt nhân 2015 với Teheran. 

Các nhà lãnh đạo Đức đánh giá rằng Iran chính là khu vực tiềm năng cho việc mở rộng hoạt động của các doanh nghiệp Đức. Lý do về lợi ích kinh tế cũng quan trọng song bên cạnh đó còn liên quan đến chính sách cường quốc của Đức trong những năm qua, nhất là chính sách đối ngoại hiếu chiến hơn. 

Những xung đột đang tồn tại giữa các cường quốc thế giới chủ chốt đang làm gia tăng gay gắt những căng thẳng giữa các cường quốc khu vực có liên quan. 

Được cổ vũ bởi sự ủng hộ của Trump, liên minh do Saudi Arabia dẫn đầu đã đưa ra một danh sách những yêu cầu đòi hỏi Doha phải tôn trọng để đổi lại việc khôi phục quan hệ ngoại giao. 

Những đòi hỏi này bao gồm Doha phải hạn chế sự tuyên truyền của mạng Al Jazeera mà Riyad và các nước đồng minh cáo buộc ủng hộ các lực lượng đối lập chính trị như Anh em Hồi giáo, cũng như cam kết không cung cấp tài chính cho các tổ chức chính trị mà Saudi Arabia đánh giá là cực đoan. 

Trong xung đột ngoại giao hiện nay, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran ủng hộ Qatar. Ngày 11/6, Teheran đã thông báo Hạm đội 47, bao gồm một tàu khu trục và một tàu hậu cần, sẽ neo đậu tại Oman để hoàn thành nhiệm vụ tuần tra tuyến đường hàng hải giữa vùng Sừng châu Phi và Bán đảo Arập.

Tóm lại, trách nhiệm hàng đầu đối với cuộc khủng hoảng hiện nay tại vùng Vịnh thuộc về Washington, bởi lẽ chính sáng kiến vô trách nhiệm của siêu cường Mỹ nhằm củng cố vai trò kiểm soát của Washington đối với khu vực Trung Đông giàu có về năng lượng không chỉ làm gia tăng căng thẳng với các cường quốc cạnh tranh với Mỹ mà còn làm trầm trọng thêm những chia rẽ của khu vực. 

Mưu toan của Mỹ trong việc huy động, lôi kéo “trục Sunni” nhằm gạt Iran và các đồng minh của Teheran ra khỏi “cuộc chơi” có nguy cơ không chỉ gây ra “một cuộc tắm máu” tại khu vực và làm gia tăng tình trạng bạo lực phe cánh vốn đã cướp đi sinh mạng của hàng triệu người, mà còn cho thấy cuộc đấu “một chọi một” giữa các cường quốc chủ chốt trong một cuộc chiến không mong muốn nhằm mục tiêu làm bá chủ về kinh tế và địa chiến lược - điều này là khá nguy hiểm vì có thể làm bùng phát một cuộc chiến tranh toàn cầu. 
(TTXVN/VIETNAM+)

 

Tin xem nhiều