Báo Đồng Nai điện tử
En

Tôi tin người lính ở thời nào cũng luôn giữ được ý chí kiên cường

10:12, 21/12/2018

Hơn 20 năm gắn bó với Quân đội nhân dân Việt Nam, Thượng tá Phạm Văn Cán, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân đã có rất nhiều đóng góp cho Tổ quốc. Ông là một trong những người đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam lái xe tăng đặc chủng vào chiến trường Nam bộ hỗ trợ trong những trận đánh ác liệt để giải phóng miền Nam.

Hơn 20 năm gắn bó với Quân đội nhân dân Việt Nam, Thượng tá Phạm Văn Cán, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân đã có rất nhiều đóng góp cho Tổ quốc. Ông là một trong những người đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam lái xe tăng đặc chủng vào chiến trường Nam bộ hỗ trợ trong những trận đánh ác liệt để giải phóng miền Nam.

Năm 1971, khi đang là sinh viên năm 3 ngành chế tạo máy của Trường đại học bách khoa Hà Nội, ông Cán đã xếp lại việc học, xung phong lên đường nhập ngũ và vào chiến trường Nam bộ. Cũng như bao nhiêu người lính trẻ thời ấy, trong ông hừng hực khí thế và mong muốn sẵn sàng cống hiến, hy sinh để góp phần giành lại độc lập cho dân tộc.

* Tham gia hơn 50 trận đánh

 Điều gì đã thôi thúc ông khi đang là sinh viên đại học năm 3 lại xin dừng việc học và xung phong đi bộ đội để vào chiến trường miền Nam - nơi đang diễn ra cuộc chiến ác liệt?

- Lúc ấy, tôi cũng như nhiều sinh viên khác ở Hà Nội luôn mang trong lòng hy vọng có thể góp một phần công sức cho Tổ quốc để sớm giành lại hòa bình và độc lập cho dân tộc. Thời điểm đó, cuộc chiến tranh chống Mỹ đang đến hồi ác liệt, rất nhiều đồng bào, chiến sĩ đã hy sinh để bảo vệ Tổ quốc và trước khi trở về với đất mẹ họ vẫn luôn một lòng tin tưởng nước nhà sẽ sớm được độc lập. Trong khí thế ấy tôi nghĩ việc học có thể dừng lại, đợi khi hòa bình lập lại có thể học tiếp cũng không muộn. Điều thôi thúc tôi nhất trong lúc đó là xin nhập ngũ, trở thành người lính ra tiền tuyến để bảo vệ đất nước. Mong muốn của tôi là được vào Nam để cùng các chiến sĩ và đồng bào chiến đấu.

 Sau khi tham gia quân đội thì năm nào ông chính thức vào chiến trường miền Nam?

- Tôi nhập ngũ và được chuyển về đơn vị xe tăng thuộc Bộ Tư lệnh Tăng thiết giáp, đến tháng 7-1972, tôi lên đường vào Nam chiến đấu. Đơn vị của tôi là đoàn xe tăng đầu tiên vượt Trường Sơn vào chiến trường Nam bộ. Để đưa được xe tăng vào Nam bộ rất khó khăn, toàn bộ phải đi đường rừng, đi đến đâu có công binh mở đường đến đó. Khi vào đến tỉnh Quảng Bình, đơn vị phải băng qua Lào và từ Trung Lào xuống Hạ Lào, qua ngã ba Đông Dương sang Campuchia và về đóng quân ở những khu rừng ven biên giới của Việt Nam.

Quãng đường mà đơn vị tôi hành quân và mang theo xe tăng hầu hết phải băng rừng, có những thời điểm địch dùng máy bay “quần” suốt cả ngày đêm  nên một ngày chỉ di chuyển được khoảng 10km.  Hành quân suốt trong rừng nhiều ngày liền, thiếu lương thực, thuốc men nên nhiều chiến sĩ bị sốt rét nhưng tất cả đều cố gắng để tháng 1-1973, tham gia trận đánh Bù Bông - Quảng Đức (nay thuộc tỉnh Đắk Nông). Đây là trận đánh để mở hành lang đường tiếp tế từ Bắc vào Nam. Trận đánh này với thế trận xe tăng hùng hậu gây rất nhiều bất ngờ khiến quân địch trở tay không kịp, chúng ta đã giành được chiến thắng vang dội, làm địch bớt hung hăng, ngạo mạn, đồng thời tăng thêm ý chí, niềm tin tất thắng cho quân và dân ta.

 Trải qua hơn 50 trận đánh ác liệt với kẻ thù, vậy trận đánh nào để lại ấn tượng lớn nhất trong ông?

- Tôi đã từng tham gia hơn 50 trận đánh lớn nhỏ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ ở chiến trường Nam bộ. Nhưng trận đánh làm tôi nhớ nhất là trận đánh Chơn Thành (nay thuộc tỉnh Bình Phước) vào cuối tháng 3-1975. Trận đánh này rất ác liệt vì địch dồn lực lượng về để phản công, quyết giữ bằng được Chơn Thành, khiến chiến sĩ của ta hy sinh rất nhiều.

Cuối năm 1975, ông Phạm Văn Cán được công nhận là Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân khi vừa tròn 25 tuổi. Sau đó, ông về công tác tại Lữ đoàn Tăng thiết giáp Quân khu 7 và tiếp tục tham gia chiến dịch bảo vệ biên giới Tây Nam. Đến năm 1986, ông được phân công về làm Trung đoàn phó kỹ thuật Trung đoàn 26 đóng quân tại Đồng Nai và đến năm 1993 thì về nghỉ hưu, sống tại phường Quyết Thắng (TP.Biên Hòa).

Trong trận đánh đó, xe tăng là chủ lực nên nếu xe tăng không vào được thì bộ binh cũng không tiến lên được. Trận đó, tôi được phân công lái xe vào cứu, kéo các xe tăng, pháo bị hư hỏng ra ngoài để sửa chữa kịp thời nhằm tiếp ứng cho trận đánh. Vì thực lực 2 bên ngang nhau nên trận đánh kéo dài, cả ta và địch đều tiêu hao lực lượng rất lớn, nhưng cuối cùng quân ta vẫn làm chủ chiến trường. Trong trận này tôi bị thương nặng. Sau trận đánh, tôi được tặng Huân chương Chiến công hạng nhì.

* Trong tôi vẫn là nhiệt huyết người lính

 Nhiều năm gắn bó với con đường binh nghiệp, có điều gì khiến ông còn trăn trở trong lòng không?

- Thời điểm tôi còn công tác trong quân đội, lực lượng của chúng ta còn rất nhiều thiếu thốn. Cũng vì vậy mà tôi có những mong ước như muốn cùng các anh em chiến sĩ xây dựng một đơn vị bề thế, tự sản xuất được những thiết bị quân sự thay thế thiết bị cũ. Vì khi ấy kinh phí có hạn nên muốn đầu tư nghiên cứu làm ra những thiết bị mới cho xe tăng rất khó khăn, đôi khti lực bất tòng tâm.

Sau khi miền Nam giải phóng, đất nước thống nhất, tôi đã học tiếp chương trình ở đại học bách khoa. Vốn là một người lính lại học khoa chế tạo máy nên mong muốn của tôi khi ấy là được nghiên cứu và chế tạo ra những thiết bị quân sự để thay thế thiết bị cũ, hạn chế mua từ nước ngoài. Nhưng rất tiếc sức người có hạn và tôi cũng chưa thực hiện được hết tâm nguyện thì đã lớn tuổi, phải nghỉ hưu.

 Trong mắt ông,  hình ảnh những người lính trẻ hiện nay như thế nào? Những thử thách của thời bình có khắc nghiệt như thời chiến?

- Theo quan sát của riêng tôi, các chiến sĩ trẻ hiện nay có trình độ và vẫn giữ được nhiệt huyết của người lính, đó là điều đáng mừng. Điều gì thiếu sót cũng có thể học, nhưng người lính ở bất cứ thời nào cũng cần giữ được lòng dũng cảm, tinh thần dân tộc và sẵn sàng hy sinh để bảo vệ đất nước khi Tổ quốc cần. Được đào tạo bài bản nên hiện nay quân đội ta đã sản xuất được nhiều loại thiết bị, vũ khí hiện đại trang bị cho các đơn vị, từ đó xây dựng các đơn vị quân đội ngày càng hiện đại và tinh nhuệ để bảo vệ Tổ quốc ngày một tốt hơn.

 Nhưng nhiều người cũng nghi ngại, với một xã hội nhiều đổi thay như hiện tại, cám dỗ cũng nhiều hơn, theo ông lớp trẻ hiện nay có còn giữ được nhiệt huyết với Tổ quốc như thế hệ của ông ngày xưa?

- Tôi nhận thấy thế hệ trẻ ngày nay năng động hơn thời của chúng tôi. Các bạn trẻ may mắn được sống trong thời hòa bình, không phải chịu những đau khổ và mất mát do chiến tranh. Nhưng không phải vì vậy mà lòng yêu nước của họ giảm hơn so với thế hệ trẻ của chúng tôi ngày xưa.

Tôi nghĩ khi đất nước cần, những bạn trẻ bây giờ cũng sẵn sàng cống hiến vì Tổ quốc theo nhiều cách khác nhau. Đất nước Việt Nam phát triển được như hôm nay cũng có công lớn của lớp trẻ. Các bạn trẻ đã rất chịu khó học hỏi những kiến thức hiện đại trên thế giới để đưa về áp dụng tại Việt Nam giúp cho kinh tế, xã hội ngày càng được nâng lên có thể sánh ngang hàng với nhiều quốc gia khác trong khu vực và trên thế giới.

 Với tư cách người đi trước, ông có những kỳ vọng hay nhắn nhủ gì với lớp chiến sĩ trẻ hiện nay?

- Thực lòng, tôi rất tin tưởng vào các chiến sĩ trẻ hiện nay. Những chiến sĩ trẻ đã luôn giữ và phát huy được truyền thống của anh bộ đội Cụ Hồ “đi dân nhớ, ở dân thương”. Họ cũng là những người được đào tạo và học hành đến nơi đến chốn và trong thời đại công nghệ phát triển có điều kiện tiếp cận và học hỏi nhiều kiến thức về quân sự hiện đại để ứng dụng trong công việc.

Tuy nhiên, tôi và những lớp người lính đi trước cũng muốn nhắn nhủ, kỳ vọng với những người lính trẻ hôm nay và mai sau là hãy cố gắng rèn luyện tinh thần, bản lĩnh trên mọi mặt và ý chí chiến đấu vững vàng. Đồng thời, trong hoàn cảnh nào cũng phải vững niềm tin, cùng chung sức, chung lòng xây dựng quân đội vững mạnh để bảo vệ Tổ quốc lâu dài.

 Xin cảm ơn ông!

Hương Giang (thực hiện)

Tin xem nhiều