Báo Đồng Nai điện tử
En

Chuyện thoát nghèo ở Thiện Tân

09:10, 22/10/2018

Để được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, xã Thiện Tân (huyện Vĩnh Cửu) đã từng rất "đau đầu" trong việc phấn đấu giảm hàng chục hộ nghèo còn sót lại trên địa bàn xã. Thế nhưng nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nghị lực vươn lên thoát nghèo của các hộ dân, Thiên Tân nay đã hết hộ nghèo.

Để được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, xã Thiện Tân (huyện Vĩnh Cửu) đã từng rất “đau đầu” trong việc phấn đấu giảm hàng chục hộ nghèo còn sót lại trên địa bàn xã. Thế nhưng nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nghị lực vươn lên thoát nghèo của các hộ dân, Thiên Tân nay đã hết hộ nghèo.

Nông dân Lê Trọng Kim (bìa phải, ngụ ấp Vàm, xã Thiện Tân) luôn tích cực hỗ trợ các hộ nghèo trong ấp, xã về hỗ trợ vốn làm ăn,  kỹ thuật trồng trọt, cày đất thiếu...
Nông dân Lê Trọng Kim (bìa phải, ngụ ấp Vàm, xã Thiện Tân) luôn tích cực hỗ trợ các hộ nghèo trong ấp, xã về hỗ trợ vốn làm ăn, kỹ thuật trồng trọt, cày đất thiếu...

Ông Đặng Văn Kim (ngụ tổ 6, ấp 6-7, xã Thiện Tân), một trong những hộ thoát nghèo kể, vào thời điểm trước năm 2014, gia đình ông thuộc diện hộ nghèo “lâu năm”, loay hoay mãi cũng không thoát khỏi cảnh thiếu trước, hụt sau. 

* Nỗ lực thoát nghèo

Hồi đó, ở xã Thiện Tân ai cũng biết về gia cảnh nghèo khó của ông Kim. Cha mẹ ông Kim nghèo lại mất sớm nên mấy anh em ông tự bươn chải kiếm sống. Năm 1995, ông lấy vợ rồi sống chung ở căn nhà tình thương của địa phương xây tặng cho mẹ vợ là bà Huỳnh Thị Tỏ. Cuộc sống càng khó khăn hơn khi vợ chồng ông lần lượt sinh 4 người con, bà Tỏ tuy tuổi cao vẫn phải đi làm thuê để phụ nuôi cháu.

Lê Thị Tuyết Hạnh, Phó chủ tịch UBND xã Thiện Tân cho biết để xóa các hộ nghèo trên địa bàn xã, ngoài việc chung tay hỗ trợ, tạo “cần câu” cho các hộ nghèo làm ăn, sinh sống còn phải kể đến công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục nhằm thay đổi nhận thức, khát vọng thoát nghèo của các hộ nghèo. Làm sao để các hộ nghèo thật sự tự giác, tự nguyện với tinh thần quyết tâm rất lớn để thoát cảnh nghèo khó hiện tại là điều địa phương đặc biệt lưu tâm.

Gia đình bà Tỏ được địa phương hỗ trợ 2 con bò sinh sản cùng vốn vay, từ đó ông Kim sắm chiếc xuồng đi bán vé số trên sông Đồng Nai (khu vực ấp Vàm, xã Thiện Tân). Sau 1 năm nuôi bò, thấy bò hạ giá mà địa phương không còn đồng cỏ để chăn thả, ông Kim đành bán bò nhằm hoàn vốn cho dự án và dùng phần còn dư đóng học phí cho người con đầu học cao đẳng sư phạm. Không muốn cái nghèo cứ vậy kéo dài mãi khi các con lớn khôn, ông Kim quyết định bán chiếc xuồng, không bán vé số nữa mà đi làm thợ hồ.

Thấy vậy, chính quyền địa phương đã giới thiệu ông Kim vay tiền ngân hàng để mua sắm dụng cụ làm nghề xây dựng, đồng thời vận động một mạnh thường quân trong ấp 6-7 cho mượn tiền mua chiếc xe ba gác cũ để ông Kim chở thuê vật liệu xây dựng. “Được xã, ấp và mạnh thường quân hết lòng giúp đỡ, tạo điều kiện mọi mặt, vợ chồng tôi có động lực làm ngày, làm đêm nên thoát được cảnh nghèo vào cuối năm 2015. Nay tôi không những trả dứt điểm tiền vay xóa nghèo mà còn xây sửa lại nhà, nuôi con học hành đàng hoàng” - ông Kim thổ lộ.

Cái cảnh nghèo của bà góa Hồ Thị Sơn (ấp 6-7, xã Thiện Tân) khá đặc biệt, 3 người con của bà do bỏ học từ sớm nên không có việc làm ổn định dẫn đến cả nhà luôn trong cảnh khó khăn. Do đó, Ban điều hành ấp 6-7 chọn giải pháp hỗ trợ vốn và gà giống để cho bà Sơn ở nhà chăn nuôi, còn các con của bà được các đoàn thể của xã giới thiệu vào làm công nhân tại các công ty gần nhà. Chưa đầy 1 năm, hộ của bà Sơn thoát được nghèo. Để hộ của bà thoát nghèo bền vững, cán bộ ấp, đoàn thể xã thường xuyên gặp gỡ, động viên để các con của bà Sơn bám vững chỗ làm.

Hộ ông Nguyễn Văn Giàu (ấp Ông Hường) nghèo vì không có đất ở và đất sản xuất, lại già yếu. Do đó, Ban điều hành ấp Ông Hường giới thiệu chỗ trọ mới giá rẻ, mua tặng ông bảo hiểm y tế, giới thiệu cho ông Giàu làm những công việc phù hợp với tuổi tác để có thu nhập nhằm giảm gánh nặng tiền thuê chỗ trọ và chi phí sinh hoạt cho con gái út đang ở cùng ông. “Thoát được cảnh nghèo là niềm tự hào, nghị lực nhiều năm của 2 cha con tôi vì không còn mang tiếng hộ nghèo” - ông Giàu bày tỏ.

* Chung tay hỗ trợ các hộ nghèo

Năm 2014, trước khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, toàn xã Thiện Tân có 36 hộ nghèo (trong đó có 6 hộ thuộc diện nghèo B - diện trợ cấp xã hội) và hơn 50 hộ cận nghèo. Để giảm nghèo được 30/36 hộ nghèo của xã trong 2 năm 2015-2016 và không để hộ cận nghèo tái nghèo trở lại, chính quyền xã,  ấp và các hội đoàn thể tiến hành khảo sát, điều tra, họp dân lấy ý kiến, nắm bắt tâm tư, hoàn cảnh từng hộ nghèo... nhằm triển khai các giải pháp thoát nghèo phù hợp với từng đối tượng.

Ông Nguyễn Hữu Thọ, cán bộ phụ trách thương binh - xã hội và giảm nghèo xã Thiện Tân cho biết trong đoàn khảo sát hộ nghèo tại các ấp đều có lãnh đạo chính quyền xã tham gia. Nắm bắt ngay từ đầu tâm tư, nguyện vọng và cách thức giảm nghèo của từng hộ dân nên lãnh đạo xã có sự điều chỉnh, bổ sung, chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp. Riêng hộ nghèo thì được quan tâm sâu sát, động viên, khuyến khích phát huy tốt nguồn vốn vay, kỹ thuật, sức lao động của từng cá nhân. Ngoài nguồn vốn từ chính sách giảm nghèo của Nhà nước, hộ nghèo còn được các hộ có điều kiện kinh tế trong ấp, xã giúp đỡ thêm vốn khi chuyển đổi nghề nghiệp, tạo việc làm có thu nhập ổn định.

Bên cạnh đó, các hộ nghèo cũng hiểu được ý nghĩa của việc xây dựng nông thôn mới nên cũng không ngừng nỗ lực vươn lên thoát nghèo từ sự hỗ trợ, tiếp sức của chính quyền địa phương.

Ông Nguyễn Văn Long (ấp Vàm, thoát nghèo vào năm 2016)  bộc bạch chẳng ai sinh ra muốn mình là con nhà nghèo. Vì cha mẹ của ông con đông, nhà ít ruộng đất, bản thân ông nghỉ học sớm, sức khỏe yếu nên vướng phải cảnh nghèo. Khi được ấp, xã khích lệ, hỗ trợ để thoát nghèo, ông và các thành viên trong gia đình chịu khó lao động, chi tiêu tiết kiệm, mới có dư dả. Nay đời sống đã ổn định hơn, thoát cảnh nghèo khó nên gia đình ông Long ai ai cũng phấn khởi.

Sau mọi nỗ lực từ chính quyền địa phương cùng những hộ nghèo, đến cuối năm 2014, xã Thiện Tân đã giảm được 16/36 hộ nghèo và đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2015. Đến năm 2016, địa phương đã xóa hẳn các hộ nghèo.

Đoàn Phú

Tin xem nhiều