Báo Đồng Nai điện tử
En

Gặp gỡ chủ vườn bưởi Tân Triều nổi tiếng

09:10, 18/10/2018

Khi nói về bưởi Tân Triều, ai cũng biết đến Khu du lịch sinh thái Làng bưởi Tân Triều (xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu) nhưng ít người biết đến chủ vườn bưởi Huỳnh Đức Huệ (thường gọi Năm Huệ, 73 tuổi) đã trải qua một hành trình dài hơi và thầm lặng như thế nào mới xây dựng thành công mô hình du lịch sinh thái từ vườn bưởi.

Khi nói về bưởi Tân Triều, ai cũng biết đến Khu du lịch sinh thái Làng bưởi Tân Triều (xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu) nhưng ít người biết đến chủ vườn bưởi Huỳnh Đức Huệ (thường gọi Năm Huệ, 73 tuổi) đã trải qua một hành trình dài hơi và thầm lặng như thế nào mới xây dựng thành công mô hình du lịch sinh thái từ vườn bưởi.

Ông Huỳnh Đức Huệ bên những bình rượu bưởi mang tên ông.
Ông Huỳnh Đức Huệ bên những bình rượu bưởi mang tên ông.

Gần 20 năm nay, ông Năm Huệ rời TP.Biên Hòa với nhà cửa, cơ nghiệp làm ăn để về lại quê nhà ở cù lao Tân Triều (xã Tân Bình) làm vườn bưởi, mở khu du lịch sinh thái.  Ông là đời thứ 6 trong dòng họ sinh sống tại vùng đất cù lao Tân Triều nên muốn tạo một dấu ấn trên mảnh đất của ông cha để lại.

* Lội ngược dòng

Năm 1983, do cuộc sống làm nông ở vùng quê Tân Triều quá vất vả, ông Năm Huệ đưa vợ con về TP.Biên Hòa và làm nghề buôn bán xe máy để phát triển kinh tế, còn đất ở quê nhà để lại cho mẹ của ông trồng trọt. Với phương châm chấp nhận lời ít nhưng đảm bảo uy tín, chất lượng nên chỉ sau một thời gian ngắn cửa hàng kinh doanh xe máy của ông rất phát triển, cho thu nhập khá.

Ông Thái Tam Sơn, Chủ tịch UBND xã Tân Bình (huyện Vĩnh Cửu) cho hay, ông Huỳnh Đức Huệ có công trong việc phát triển và giới thiệu đặc sản địa phương, làm nhiều người biết đến thương hiệu bưởi Tân Triều. Điều này đã góp phần nâng cao giá trị bưởi Tân Triều, giúp đời sống nông dân trong vùng khấm khá hơn, góp phần vào sự phát triển của xã Tân Bình, nhất là trong những năm tập trung xây dựng nông thôn mới vài năm trước đây.

Tuy nhiên, khi nhận thấy thị trường dần thu hẹp, cạnh tranh khó với các xe máy giá rẻ xuất xứ Trung Quốc đang ngày một nhiều hơn nên năm 1994 ông về quê trồng bưởi rồi giao cho người quen chăm sóc. Đến năm 1999, ông Năm Huệ chủ động bỏ cửa hàng kinh doanh xe máy, về cù lao Tân Triều ở hẳn để trồng bưởi. Tuy nhiên, khác với nhiều người, ông Năm Huệ không phải trồng bưởi để bán cho thương lái mà mục đích của ông là... làm du lịch.

Ông Năm Huệ chia sẻ: “Tính tôi thích lội ngược dòng nên người ta hay gọi tôi là Năm “gàn” bên cạnh tên Năm Huệ. Đầu những năm 1980, khi nhiều người rời thành phố về các miền nông thôn lập nghiệp, đi kinh tế mới, thì tôi lại ngược từ nông thôn về thành phố. Sau này, cuối những năm 90 khi nhiều người đổ về các thành phố lớn làm ăn, sinh sống thì tôi lại bỏ thành phố, ngược về quê nhà”.

Đánh một vòng từ nông thôn lên thành thị rồi lại quay về nơi chôn nhau cắt rốn, ông Năm Huệ đã lập nên khu du lịch làng bưởi đầu tiên ở Đồng Nai vào cuối năm 2001, thu hút đông đảo du khách đến vui chơi, giải trí. Để có được điều này, ông đã học hỏi không ngừng và không ngại khi tiếp nhận lời khen chê hay những gợi ý hướng đi mới.

* Xây dựng thương hiệu bưởi Tân Triều

Khi mới thành lập, Khu du lịch sinh thái Làng bưởi Tân Triều chỉ có vườn bưởi và vài cái chòi lá, quầy bếp. Từ 1,1 hécta đất trồng bưởi ban đầu, để có thêm diện tích trồng bưởi và làm chòi cho du khách vui chơi, gia đình ông mua thêm đất rồi nhập vào để mở rộng diện tích khu du lịch lên đến gần 2 hécta như ngày nay. Trung bình mỗi ngày cuối tuần khu du lịch thu hút cả ngàn du khách đến tham quan, vui chơi, giải trí.

Ông Huỳnh Đức Huệ (trái) hướng dẫn nhân viên chăm sóc vườn bưởi.
Ông Huỳnh Đức Huệ (trái) hướng dẫn nhân viên chăm sóc vườn bưởi.

Ban đầu, khách đến chủ yếu là người quen địa phương, từ TP.Biên Hòa lên chơi. Để thu hút thêm du khách và lan tỏa thương hiệu bưởi Tân Triều, ông Năm Huệ áp dụng trồng bưởi theo mô hình sạch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Ngoài ra, ông còn đầu tư phát triển các dịch vụ trong vườn bưởi như: mua ghe để khách chèo tham quan xung quanh khu du lịch, tạo hình trái bưởi khổng lồ cho du khách chụp hình; nhất là đầu tư mạnh cho ẩm thực với các món ăn dân dã được chế biến từ bưởi và rượu bưởi.

Đặc biệt, rượu bưởi là sản phẩm độc đáo do ông tự chế biến. Ông bỏ thời gian đi học hỏi cách làm rượu bưởi từ cách ủ rượu nho, rượu dâu. Mỗi mẻ ủ, ông mất khoảng 7 tháng, sau đó ông mời những người khách, người bạn đến nếm thử rồi đóng góp ý kiến. Sau nhiều mẻ rượu thất bại, đến năm 2004, ông mới có được mẻ rượu ngon như ý. Ông đăng ký thương hiệu Rượu bưởi Năm Huệ đựng trong bình gốm hình trái bưởi trông rất bắt mắt. Vào dịp cuối năm, mỗi tháng ông Năm Huệ sản xuất cả ngàn bình rượu bưởi mới đáp ứng được nhu cầu của thị trường.

Nhờ sự phát triển của Khu du lịch Làng bưởi Tân Triều nên ông Huỳnh Đức Huệ đã nhiều lần được tham gia cùng các đoàn của tỉnh đi xúc tiến thương mại khắp các tỉnh, thành trong và ngoài nước để quảng bá cho thương hiệu bưởi Tân Triều.  Những lần đó, ông gặp nhiều đối tác muốn ký kết làm ăn lâu dài về cung cấp quả bưởi, rượu bưởi nhưng ông đều có chọn lọc chứ không nhận hết. Lý giải điều này, ông cho rằng vườn bưởi có hạn, nếu “ôm” các hợp đồng này về, ông sẽ phải nhập thêm bưởi từ các nơi khác mới đủ cung. Tuy nhiên, làm vậy là trái với nguyên tắc đầu tiên do ông lập ra là dùng bưởi vườn nhà để đảm bảo chất lượng.

“Tôi từng làm nông, từng bị ép giá nên sau nhiều thăng trầm, tôi quyết định trồng bưởi để tự cung cấp cho khu du lịch, không nhập bưởi từ vườn khác về bán và tôi cũng không đặt nặng việc kinh doanh. Tôi xem khu du lịch này như một thú vui, một nơi tụ tập bạn bè và con cháu. Khách vào không cần mua vé mà uống một ly trà, một ly nước hay chỉ tham quan vườn bưởi cũng là điều rất đáng quý rồi” - ông Năm Huệ chia sẻ.

Minh Thành

Tin xem nhiều