Báo Đồng Nai điện tử
En

Vượt khó ở Đồi Rìu

07:01, 06/01/2018

Từ một người xa quê (huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) đi làm thuê, đến nay sau gần 30 năm sống ở ấp Đồi Rìu (xã Hàng Gòn, TX.Long Khánh), ông Nguyễn Văn Ơi đã tạo lập nhà cửa khang trang, có gần 2 hécta vườn sầu riêng, măng cụt…

Từ một người xa quê (huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) đi làm thuê, đến nay sau gần 30 năm sống ở ấp Đồi Rìu (xã Hàng Gòn, TX.Long Khánh), ông Nguyễn Văn Ơi đã tạo lập nhà cửa khang trang, có gần 2 hécta vườn sầu riêng, măng cụt…

Ông Nguyễn Văn Ơi cắt cỏ cho 2 con bò nuôi sau nhà ăn.
Ông Nguyễn Văn Ơi cắt cỏ cho 2 con bò nuôi sau nhà ăn.

Ông Nguyễn Văn Ơi cho hay: “Đa số dân ở đây sống trên đỉnh đồi hoặc lưng đồi, điện mới có vài năm, nước thì hiếm, tùy theo mùa mà nước giếng lúc có, lúc không; chật vật lắm mới có thể lập nghiệp được ở nơi này”.

* Hành trình bỏ ruộng lên đồi

Từ quốc lộ 56, men theo con đường nhựa dài gần 7km đi qua những con dốc và lưng đồi với 2 bên là rẫy điều, vườn cây ăn trái của các hộ dân, chúng tôi mới đến được nhà ông Ơi.

Trong quá trình làm nông ở Đồi Rìu, ông Nguyễn Văn Ơi đã 2 lần nhận được bằng khen của UBND tỉnh và Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn (vào năm 2013) vì có thành tích trồng điều giỏi. Hiện ông Ơi còn là đội viên Đội xung kích cựu chiến binh xã, thường xuyên đi tuần tra ban đêm và hỗ trợ lực lượng công an xã, dân quân xã những lúc cần thiết.

Theo lời ông Ơi kể, đến năm 2009 mới có đường nhựa chạy ngang qua nhà ông và trước năm 2014, các hộ dân ở khu vực ông ở còn phải chạy máy dầu để sử dụng các thiết bị điện. Mùa mưa không đi rẫy được, nhà này cách nhà kia bởi những vườn rẫy khá xa nên khung cảnh rất buồn, gia đình ông Ơi chỉ biết chạy máy phát điện hoặc dùng bình ắc-quy để xem tivi.

“Tôi quê ở miền Tây. Nhà có 7 anh chị em mà chỉ có 5 sào đất ruộng nên không đủ sống. Năm 1989, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, tôi không về quê mà đến ấp Đồi Rìu (trước đây thuộc huyện Xuân Lộc) làm thuê vì có nhà cô ruột ở đây. Cuối năm đó, tôi lấy vợ là dân địa phương. Mãi đến năm 1995, tôi mới mua được gần 2 hécta đất rẫy do gia đình vợ bán lại. Ngoài trồng điều, tôi còn đi làm nghề đào giếng thuê” - ông Ơi kể.

Nhiều người dân ở ấp Đồi Rìu cho biết nước là thứ quý giá ở vùng trồng trọt nhưng không phải nhà nào đào giếng cũng có nước. Vì vậy, trong hơn 3 năm đi đào giếng, có những cái giếng ông Ơi đào tận 30m mà vẫn không thấy nước. Do không có máy móc, chỉ dùng tay và cuốc, xẻng, cần trục kéo đất nên thợ đào giếng rất dễ gặp tình trạng thiếu không khí. Nhờ cẩn thận nên nhiều lần ông Ơi thoát khỏi tay tử thần khi vừa thấy chóng mặt là ông kêu người phía trên kéo lên khỏi giếng.

Đến năm 1999, khi hầu như nhà nào ở Đồi Rìu cũng có giếng và nhiều hộ chọn hình thức khoan giếng, ông Ơi bỏ nghề đào giếng, tập trung chăm lo rẫy gia đình. Sau 7 năm trồng trọt trên 2 hécta đất rẫy của gia đình với bao thăng trầm, từ những vụ điều bị cháy lá đến cà phê bị rớt giá, đến năm 2002 khi thu nhập trong gia đình đã ổn định, ông Ơi quyết định thuê thêm 5 hécta rẫy giáp đất nhà ông để trồng thêm cây điều.

Ông Ơi tâm sự người khác nhắc đến chuyện trồng trọt, thuê đất rẫy chỉ nhớ các mốc thời gian, còn với ông đó là cả một quá trình vừa làm vừa học hỏi, rút tỉa kinh nghiệm. Từ một thanh niên miền Tây Nam bộ thạo việc trồng lúa, đến đất Đồi Rìu lập nghiệp ông phải bắt đầu làm quen với các loại cây trồng, thổ nhưỡng ở vùng đất đỏ miền Đông Nam bộ.

“Vài năm nay, việc trồng trọt của gia đình tôi chỉ xoay quanh một số loại cây, như: điều, tiêu, sầu riêng, măng cụt… Để thạo việc, quen đất, quen người, tôi cũng phải trải qua nhiều lần thất bại, nhiều lần phải chặt gần hết vườn ấy chứ” - ông Ơi tâm sự.

* Vượt khó

Khu vực ông Ơi ở khá dốc nên trước khi có đường nhựa thì việc vận chuyển nông sản sau thu hoạch của người dân gặp rất nhiều khó khăn. Chưa kể, vườn rẫy ở đây hầu hết nằm trên lưng đồi, dốc khá cao nên thu hoạch xong mọi người đưa lên hiên nhà, đợi mối vào mua cũng là vấn đề nan giải, nhất là với các hộ ít có thanh niên. Gặp phải mùa mưa càng khó khăn hơn, các loại xe dù bọc dây xích, dây thừng mà không phải dân địa phương cầm lái cũng khó vào đây được để mà mua nông sản.

Ông Nguyễn Văn Ơi bơm nước giếng tưới cây.
Ông Nguyễn Văn Ơi bơm nước giếng tưới cây.

Ông Ơi nhớ lại, mỗi tháng riêng lượng dầu chạy máy phục vụ việc trồng trọt của nhà ông đến 90 lít, nếu tính luôn lượng dầu phục vụ thiết bị điện sinh hoạt là trên 100 lít. Dầu chủ yếu dùng để chạy máy bơm nước từ 5 cái giếng do ông đào để tưới cây trong vườn. Riêng với 5 hécta điều trồng trên đất thuê, do chịu hạn tốt nên ông Ơi không phải lo lắng việc thiếu nước, chủ yếu tập trung phòng bệnh, phòng cháy và thu hoạch đúng thời điểm.

“Tôi từng bỏ một phần diện tích điều để trồng cà phê, rồi lại bỏ cây cà phê quay lại trồng điều, rồi lại trồng cây ăn trái. Nhưng sau nhiều năm trồng - chặt, tôi nhận ra không nên sản xuất theo kiểu đốn cây này trồng cây kia, mà phải biết chăm sóc theo điều kiện thích hợp. Vì làm nông có năm bội thu, có năm thất thu, cái chính là không được nản chí. Mỗi năm, tôi thu về khoảng 200 triệu đồng sau khi trừ các khoản chi phí, nhưng cũng có năm huề vốn, có năm thất thu. Nếu tôi cũng nản và làm nông theo kiểu trồng - chặt chắc sẽ khó duy trì được 7 hécta rẫy như bây giờ” - ông Ơi chia sẻ.

Không chỉ khó khăn vì điện, đường đi khó khăn, khu vực ông Ơi ở còn gặp khó về nước tưới.

Ông Ơi kể, quanh chỗ ông ở có hộ khoan giếng trên 120m mà chưa thấy nước, có nhà chỉ đào vài chục mét gặp nước đầy. Riêng 5 cái giếng đào nhà ông, có một giếng cứ đến mùa mưa lại cạn, mà mùa khô lại đầy khiến ông cảm thấy rất khó hiểu. Việc trồng trọt phụ thuộc rất nhiều vào việc có giếng cung cấp nước đều hay không. Nhiều người từ nơi khác đến đây mua đất lập vườn làm nơi nghỉ ngơi dịp cuối tuần, nhưng vì khoan giếng không có nước nên họ ngưng sản xuất, cho các hộ lân cận thuê đất trồng trọt.

Ông Ơi nhớ lại, đầu những năm 1990 khi mới về đây ông đã thấy nhiều hộ dân ở dọc theo bờ suối trồng cà phê, trên dốc cao thì trồng điều, không có nhà nào ở trên dốc vì không có nước sinh hoạt. Về sau, suối cũng dần cạn, nước đã hiếm lại còn hiếm hơn. Nhưng với bản tính chịu khó, ông Ơi vẫn quyết tâm bám trụ với vùng đất đồi để trồng điều và các loại cây ăn trái. Dần dần, tình trạng thiếu nước được khắc phục nhờ có giếng nước, rồi điện được kéo về nên tiết kiệm được chi phí sản xuất, lợi nhuận tăng lên.

“Tôi nhớ ngôi nhà đầu tiên tôi dựng lên ở đây bằng vách tre. Đến năm 1999 thì tôi làm nhà tôn và đến năm 2009 tôi mới có nhà gạch khang trang đến nay. Nhớ lại những ngày mới về vùng đất lập nghiệp này, nếu không có sự quyết tâm, cần cù và chút ít may mắn, chắc là tôi khó bám trụ ở đây được” - ông Ơi bồi hồi nhớ lại.

Đăng Tùng

Tin xem nhiều