Báo Đồng Nai điện tử
En

Làm sao hôn được ánh nhìn…

11:02, 24/02/2017

Tôi đau bụng quanh rốn khoảng 3 tuần, phần do chủ quan, phần thiếu kiến thức y học nên tôi cứ uống thuốc đau dạ dày. Khổ nỗi mấy bà bán thuốc tây cũng chẳng tư vấn, cứ thuốc giảm đau mà bán. Mải lao vào công việc, đến lúc không chịu nổi tôi mới vào bệnh viện.

Tôi đau bụng quanh rốn khoảng 3 tuần, phần do chủ quan, phần thiếu kiến thức y học nên tôi cứ uống thuốc đau dạ dày. Khổ nỗi mấy bà bán thuốc tây cũng chẳng tư vấn, cứ thuốc giảm đau mà bán. Mải lao vào công việc, đến lúc không chịu nổi tôi mới vào bệnh viện. Trong phòng cấp cứu, khi đang cố gắng chống chọi với cơn đau, tôi gặp bác sĩ trẻ - khá trẻ, sau này tôi mới biết là bác sĩ Tuấn. Điều tôi nhớ là ánh mắt lo lắng của anh dành cho bệnh nhân khiến tôi tin tưởng.

Bác sĩ Ngô Đức Đễ, Trưởng khoa Ngoại phẫu thuật Bệnh viện đa khoa Đồng Nai hỏi thăm một bệnh nhân 100 tuổi được phẫu thuật thành công. Ảnh: N.Thư
Bác sĩ Ngô Đức Đễ, Trưởng khoa Ngoại phẫu thuật Bệnh viện đa khoa Đồng Nai hỏi thăm một bệnh nhân 100 tuổi được phẫu thuật thành công. Ảnh: N.Thư

Cũng may trước đó khi còn khỏe mạnh, tôi luôn nghe những “điều tiếng” về các bác sĩ, nhưng tôi không để tâm bởi tôi luôn có niềm tin về đội ngũ y bác sĩ. Đã chọn cái nghề có thể nói như là một cái “đạo” để thờ, lẽ nào chỉ vì vài cái phong bì nhỏ nhoi mà quên đi lời thề Hippocrates với những nội dung luôn đúng trong mọi thời đại: “Tôi sẽ chỉ dẫn mọi chế độ có lợi cho người bệnh tùy theo khả năng và sự phán đoán của tôi, tôi sẽ tránh mọi điều xấu và bất công. Dù vào bất cứ nhà nào, tôi cũng chỉ vì lợi ích của người bệnh, tránh mọi hành vi xấu xa, cố ý và đồi bại, nhất là tránh cám dỗ phụ nữ và thiếu niên tự do hay nô lệ...”.

Tôi ký giấy đồng ý để bác sĩ Tuấn đưa tôi vào phòng mổ cấp kỳ. Sau này người nhà kể lại, ban đầu nghĩ đây là ca mổ ruột thừa nội soi đơn giản, nhưng thực tế ca mổ kéo dài mấy tiếng đồng hồ vì đoạn ruột thừa của tôi đã thành “áp xe” (abcès) và phải mở ổ bụng. Quá lo lắng, vợ tôi gọi cho tất cả bác sĩ quen, nhưng ca mổ kết thúc tốt đẹp và khi tôi mở mắt, ánh nhìn đầu tiên tôi gặp là từ đôi mắt hiền lành của bác sĩ Trúc, một vị bác sĩ trẻ khác. Bác sĩ Trúc cũng là người đã thực hiện ca mổ sỏi thận cho vợ tôi trước đây. Lúc ấy, tôi đã từng muốn tặng anh món quà để cảm ơn, nhưng anh từ chối, chỉ nhận hoa...

Bác sĩ Vũ Công Tầm, Trưởng khoa Phẫu thuật gây mê - hồi sức Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai thăm một bệnh nhân sơ sinh sau khi được phẫu thuật thành công gan ngoài ổ bụng.
Bác sĩ Vũ Công Tầm, Trưởng khoa Phẫu thuật gây mê - hồi sức Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai thăm một bệnh nhân sơ sinh sau khi được phẫu thuật thành công gan ngoài ổ bụng.

Hôm sau khi xuống phòng chăm sóc đặc biệt, vị bác sĩ già xuất hiện. Ông đi nhanh, nói nhanh một cách nhỏ nhẹ, đầu luôn cúi xuống một cách khiêm nhường. Ông ân cần khám cho tôi một cách kỹ lưỡng. Ông nhìn và khe khẽ nói: “Phải chờ kết quả xét nghiệm vì khối áp xe của anh rất lạ…”. Câu nói nhanh như gió thoảng, dường như ông nói mà không muốn bệnh nhân nghe câu này. Câu nói làm vợ tôi hốt hoảng, còn tôi - tôi luôn tự tin về số phận của mình. Tôi đã trải qua làn ranh sinh tử của tuổi thơ dữ dội trên quê hương miền Trung máu lửa và đau buồn trong thời chiến; từng sống sót khi bom rơi, đạn nổ trên đầu, sống sót qua 7 ngày lênh đênh trên biển đói khát cùng đoàn lưu dân, mà mỗi ngày đều nhìn thấy những người đàn ông túm những người qua đời ném xuống biển. Từng lặng lẽ nhìn bầu trời xám xịt với đám mây mang gương mặt tử thần nhìn tôi cười đắc thắng khi những cơn sốt rét rừng quật ngã dưới chân núi Chứa Chan, nên tôi luôn bình thản bước vào đời như một chàng kiếm sĩ ngày xưa bình thản đi qua sinh tử kiều. Trong khi vợ tôi lo lắng, thì tôi âm thầm lên kế hoạch chờ đón tin xấu nhất về khối áp xe. Tôi nắm tay vợ và hài hước hỏi: “Em còn yêu anh không?” khiến cô ấy bật khóc nức nở, nhưng làm cho đôi mắt bồ câu của cô nữ điều dưỡng Nguyễn Thị Hoa mở tròn kinh ngạc khi chứng kiến sự hài hước của tôi với người “tào khang” gần ba chục năm qua, mà cả hai vầng trán và khóe mắt đã hằn sâu những đường cày của thời gian… Cô ấy - nữ điều dưỡng Nguyễn Thị Hoa - người có đôi mắt tròn xoe của chim câu, đôi mắt luôn khép lại theo từng cái nhăn mặt của tôi như muốn chia sẻ nỗi đau của người bệnh.

Một tuần trôi qua trong lo lắng khắc khoải, thì vào buổi chiều vị bác sĩ già - bác sĩ Ngô Đức Đễ xuất hiện. Đôi mắt ông ánh lên niềm vui, 2 tay nâng tờ kết quả xét nghiệm và nói như reo: “Chúc mừng nhà văn, anh chỉ bị viêm ruột thừa cấp tính…”. Đôi mắt, nụ cười của ông làm căn phòng bừng sáng, dù trước đó căn phòng này tràn ngập hoa do bạn bè gởi tặng nhưng vẫn chưa có sinh khí như khi ông mang lại. Ngày nào ông cũng khám cho tôi, nhưng từ khi nhìn thấy ánh mắt báo vui ấy tôi mới thấy hình ảnh ông thân thương như người anh ruột của mình vậy. Tôi không ngờ một bệnh nhân thoát khỏi hiểm nghèo lại làm cho vị bác sĩ có gần nửa thế kỷ trong nghề vui đến vậy!

Bác sĩ Bệnh viện đa khoa Đồng Nai tái khám cho một bệnh nhân bị đột quỵ đã tỉnh sau khi can thiệp mạch máu não thành công.
Bác sĩ Bệnh viện đa khoa Đồng Nai tái khám cho một bệnh nhân bị đột quỵ đã tỉnh sau khi can thiệp mạch máu não thành công.

Lúc này, tôi nhớ lại bài báo của nhà báo Phương Liễu của Báo Đồng Nai, từng được giải nhất của cuộc thi viết về thầy thuốc, mà nhân vật trong bài báo này chính là ông - người đã chỉ huy cứu công nhân bị cắt nửa thân người trong một ca mổ dài 12 giờ đồng hồ không ăn không uống. Vào Google mới biết đã có nhiều nhà báo viết về ông, trong đó tôi ấn tượng nhất là bài của nhà báo Kim Ngân của Báo Đồng Nai với đề từ: “Năm 2007, với ca phẫu thuật vỡ tim cho bệnh nhân Lê Thị Thúy Liêm tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, bác sĩ Ngô Đức Đễ - Trưởng khoa Ngoại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai - trở thành bác sĩ đầu tiên được Thủ tướng thưởng nóng. Gia đình gốc Huế của ông có đến 8 người công tác trong ngành y, còn lại hầu hết đều trong ngành sư phạm. Có lẽ điều này tạo cho ông tác phong giản dị, chân thực, làm nhiều nói ít và không ham danh vọng. Một người kiệm lời trong vóc dáng nông dân, với ông, y đức không phải là điều gì đó quá cao siêu, mà đôi khi, đó chỉ là cái nắm tay thăm hỏi tận tình của người thầy thuốc với bệnh nhân”.

Nhưng tất cả các bài báo cũng như tất cả tác giả chưa ai nhận ra đôi mắt ánh lên niềm vui của vị bác sĩ già, một ánh nhìn trìu mến. Từ đôi mắt của ông, trong căn phòng dưỡng bệnh, tôi nhớ lại đôi mắt lo lắng của bác sĩ Tuấn, đôi mắt hiền lành của bác sĩ Trúc, đôi mắt bồ câu chia sẻ cơn đau với tôi của điều dưỡng Nguyễn Thị Hoa. Tôi chợt nhớ đoạn văn trong Bãi hoang - tác phẩm độc nhất của R. Huguenin: “…Người ta có thể hôn lên một cái miệng, một đôi mắt, nhưng làm sao hôn được nụ cười, một ánh nhìn và nhất là biểu tượng của chúng, ánh sáng của chúng?...”.

Nguyễn Một

Tin xem nhiều