Báo Đồng Nai điện tử
En

Đam mê flycam

10:02, 20/02/2017

Bỏ tiền túi gần trăm triệu đồng sắm các thiết bị bay không người lái (thường gọi là drone, flycam đối với các thiết bị bay không người lái có tích hợp camera) chụp ảnh, quay clip về cảnh đẹp của TP.Biên Hòa từ trên cao,...

Bỏ tiền túi gần trăm triệu đồng sắm các thiết bị bay không người lái (thường gọi là drone, flycam đối với các thiết bị bay không người lái có tích hợp camera) chụp ảnh, quay clip về cảnh đẹp của TP.Biên Hòa từ trên cao, anh Trần Hữu Phi (ngụ phường Hòa Bình, TP.Biên Hòa) bảo anh làm tất cả đều vì đam mê và xuất phát từ ước mơ ngày nhỏ.

Flycam mà anh Phi đang sở hữu có thể bay ở độ cao trên 100m và xa dưới 5km, tùy điều kiện.
Flycam mà anh Phi đang sở hữu có thể bay ở độ cao trên 100m và xa dưới 5km, tùy điều kiện.

* Ước mơ từ cánh diều

Không phải là người đầu tiên ở TP.Biên Hòa chơi flycam, nhưng đầu tư gần trăm triệu đồng chỉ để thỏa mãn đam mê của bản thân là điều không phải ai cũng làm được.

Anh Phi tâm sự, vài năm trở lại đây thú chơi các thiết bị bay như drone và flycam mới nở rộ tại Việt Nam. Khoảng 5 năm trước, để sở hữu một cái flycam (drone) là điều không dễ vì các thiết bị này có giá rất cao và phải đặt mua từ nước ngoài. Hiện nay giá các thiết bị này đã hạ, nhưng vẫn không có nhiều người chơi vì vẫn còn khá đắt và nếu bị rớt từ trên cao xuống sẽ gần như hỏng hoàn toàn.

“Hồi nhỏ, tôi mơ được thấy cảnh từ trên trời nhìn xuống đất, từ những cánh diều quan sát khung cảnh phía dưới. Vài năm trước, tôi đã mua 1 camera hành trình gắn vào cánh diều và thả bay lên trời, nhưng hình ảnh tự động chụp 5 giây/hình chất lượng không cao do bị rung lắc. Tôi tìm tòi trên mạng và biết ở nước ngoài có bán những thiết bị bay không người lái có thể chụp ảnh dùng cho mục đích dân sự, nên tôi đặt mua thử. Theo hướng dẫn của thành viên các diễn đàn trên mạng về flycam, năm 2014 tôi đặt mua cái đầu tiên là một drone không tích hợp camera với giá 100USD để tập chơi” - anh Phi kể lại.

Anh Trần Hữu Phi (phải) cùng nhóm bạn dùng flycam quay clip về TP.Biên Hòa.
Anh Trần Hữu Phi (phải) cùng nhóm bạn dùng flycam quay clip về TP.Biên Hòa.

Đến nay, anh Trần Hữu Phi đã mua 3 drone không tích hợp camera và 3 flycam với số tiền trên 60 triệu đồng; nếu tính thêm linh kiện, máy ảnh thông thường, ống kính các loại… thì chi phí đội lên đến gần 100 triệu đồng. Tuy nhiên, tất cả những cái drone, flycam đều có số phận khá… hẩm hiu, bởi cái bị rớt bể nát, cái bay mất, cái thì bị hư camera…

Anh Phi cho hay, phải mất hơn 1 năm với việc “tiêu tùng” hết 3 cái drone không tích hợp camera, anh mới điều khiển thuần thục các thiết bị bay.

“Cái drone đầu tiên tôi mua 100 USD, cái thứ hai tôi mua linh kiện về lắp ráp mất hơn 3 triệu đồng…, đến cái tôi đang sử dụng mua hết 18 triệu đồng, chưa kể phụ kiện, pin. Với những drone không tích hợp camera, tôi mua loại thường khi bay chỉ có thể bay lên, xuống mà không thể đứng yên và tầm hoạt động chỉ khoảng 100m, nên cái thì bị rớt xuống đất, cái bay xa quá nên tự bay đi luôn. Đến khi chơi flycam, tôi đã thuần thục điều khiển các thiết bị bay, nhưng vẫn bị hư hỏng vì lý do đang bay tôi không để ý cành cây khiến nó bị rớt và bể nát. Đó là chưa nói đến việc thay thế các linh kiện bị hư khá “chua”, như cánh quạt khi gãy 1 cánh phải mua 1 bộ 4 cánh thì cửa hàng mới bán…” - anh Phi nói.

* Thỏa mãn đam mê và lan tỏa hình ảnh đẹp

Anh Trần Hữu Phi chia sẻ, niềm đam mê của anh khá tốn kém, anh lại không trải qua trường lớp về quay phim, chụp ảnh, nhưng với mục đích giới thiệu hình ảnh đẹp về TP.Biên Hòa đến với mọi người nên anh vẫn kiên trì theo đuổi, học hỏi từng ngày. “Ở một số cảnh đẹp, nếu không bị bảo vệ ngăn cấm quay clip bằng flycam, chắc chắn tôi sẽ còn cho ra đời nhiều góc hình đẹp hơn nữa” - anh Phi nói thêm.

Không chỉ chơi vì đam mê của bản thân, gần 1 năm qua anh Phi đã cùng hợp tác với nhóm facebook Người Đồng Nai để cho ra đời những clip về TP.Biên Hòa với góc quay đẹp từ trên cao. Trước khi hợp tác với nhóm, anh đã tự làm các clip, hình ảnh riêng. Khi chia sẻ với nhóm, anh được những người quản lý nhóm mời hợp tác để làm thêm nhiều hình ảnh, clip với mục đích lan tỏa hình ảnh đẹp về TP.Biên Hòa mà không đặt nặng vấn đề lợi nhuận.

“Tôi đang làm kỹ thuật viên sửa chữa điện thoại di động, công việc hàng ngày từ 8-11 giờ, làm cả 7 ngày trong tuần nên thời gian rảnh không nhiều. Thường ngày, tôi tranh thủ buổi sáng hoặc vài tiếng nghỉ buổi chiều để đem flycam ra chơi. Nhưng không phải thích bay chỗ nào là bay, thích chụp chỗ nào là chụp, nhiều lúc đem đến nơi có cảnh đẹp để chụp ảnh thì bị bảo vệ mời đi chỗ khác. Tầm hoạt động của một cái flycam tùy thuộc vào nhiều thứ, chỗ nào càng đông dân cư, có cột sóng truyền hình, viễn thông thì tầm hoạt động càng ngắn do sóng bị nhiễu. Ở nơi vắng vẻ, flycam có thể bay xa đến gần 5km. Có một lần, tôi đem flycam bay thử trên một ngọn đồi ở huyện Xuân Lộc, nhưng mới bay được gần 4km thì bị công an xã đến lập biên bản, đòi tịch thu máy nên chưa thử được xa” - anh Phi chia sẻ.

Tự ý thức được quy định cấm bay flycam ở chỗ đông người (rơi xuống sẽ ảnh hưởng người dân) và những nơi cấm chụp ảnh, khu quân sự nên anh Phi cũng chọn địa điểm rất kỹ trước khi đem flycam ra thử.

Anh cho hay, chơi flycam (drone) khá tốn kém nên những ngày đầu anh phải thuyết phục gia đình rất nhiều. Thấy anh đam mê và tự cân đối được các khoản thu chi nên gia đình đã đồng ý. Bằng việc tham gia nhóm facebook Người Đồng Nai, anh đã có thêm những người bạn tiếp lửa đam mê, chung tay làm ra những hình ảnh, clip đẹp về nơi anh đang sinh sống. Điều này đã khiến cho những khó khăn khi chơi flycam giảm đi phần nào.

Anh Phi vui vẻ chia sẻ, sống phải có đam mê để nuôi dưỡng tâm hồn, khi đam mê của mình có người chia sẻ sẽ giúp mình vượt qua khó khăn để theo đuổi. “Hiện tại, tôi cùng các bạn trong nhóm facebook Người Đồng Nai ấp ủ dự định làm thêm những clip hay về TP.Biên Hòa. Tháng 9-2016, khi được gặp chú Huỳnh Văn Tới, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, chú có gợi ý chúng tôi nên làm những clip theo chủ đề. Từ đó mỗi khi quay chúng tôi đều lên kịch bản rõ ràng. Vì làm phi lợi nhuận, không thu phí của bất kỳ ai và sẵn sàng chia sẻ clip gốc cho mọi người nên chúng tôi nhận được sự giúp đỡ của nhiều người. Như anh Trần Đăng Ninh, Giám đốc Trung tâm văn miếu Trấn Biên, hỗ trợ chúng tôi giấy tờ, chi phí di chuyển để có thể đi quay một số cảnh đẹp ở TP.Biên Hòa mà không bị bảo vệ nơi đó làm khó dễ, điều này đã tiếp sức cho tôi và nhóm tự tin hơn. Hiện nay, cái flycam của tôi đã bị hư camera nên tôi sẽ mua một cái khác (cái flycam thứ 4) để tiếp tục đam mê của bản thân” - anh Phi nói.

Đăng Tùng

Tin xem nhiều