Báo Đồng Nai điện tử
En

Sắc màu cây thuốc ngàn xưa

09:01, 08/01/2014

Được biết đến như một vị thuốc lâu đời, sâm Bố Chính hiện được nhiều người trồng trong vườn nhà để vừa làm thuốc, vừa ngắm hoa quanh năm.

Được biết đến như một vị thuốc lâu đời, sâm Bố Chính hiện được nhiều người trồng trong vườn nhà để vừa làm thuốc, vừa ngắm hoa quanh năm.

Sâm Bố Chính được dùng làm thuốc bổ khí, thông tiểu, hạ sốt. Cây cao khoảng 50-100cm, thân cỏ, sống dai, khi trưởng thành có thể mọc xen với nhiều loài cây cỏ thấp.

* Vị thuốc xưa

Mỗi khi rảnh rỗi hay được nghỉ lễ, anh Lê Hòa Khánh (bác sĩ Bệnh viện đa khoa khu vực Long Thành) lại cất công tìm những cây thuốc Nam mang về trồng quanh sân nhà. Đưa cho chúng tôi xem những hạt giống tròn nhỏ màu đen, anh Khánh nói: “Nhìn giống hạt tiêu, nhưng đây là giống sâm Bố Chính tôi mới xin được, đang định tranh thủ mấy ngày nghỉ tết mang về nhà trồng thử xem sao. Gia đình tôi sống ở TP.Hồ Chí Minh, không có nhiều chỗ để trồng cây kiểng, giống sâm này vừa bồi bổ sức khỏe, vừa ra hoa rất đẹp, nên tôi định đem về trồng, một công đôi việc mà…”. Anh Khánh cho biết thêm, cây sâm Bố Chính phân bố chủ yếu ở các tỉnh miền núi phía Bắc và một số tỉnh miền Trung.

Củ sâm Bố Chính được hơn một năm tuổi.
Củ sâm Bố Chính được hơn một năm tuổi.

Còn ông Nguyễn Văn Thịnh (65 tuổi, ngụ xã Bàu Hàm 2, huyện Thống Nhất) lại biết được giống cây này trong trường hợp rất ngẫu nhiên. “Lần đầu tiên tôi nhìn thấy cây sâm Bố Chính là trong một dịp đi thăm bạn ở Nghệ An. Lúc ấy, thấy trong vườn nhà bạn có loại cây lạ, hoa to màu đỏ rực nhìn rất bắt mắt. Sau khi biết nó là sâm, tôi thích quá nên xin hạt mang về trồng. Khi về đến nhà, tôi lên mạng tìm hiểu thì biết loại sâm này từng được Hải Thượng Lãn Ông dùng chữa bệnh ho, nên tôi càng thích hơn, vì tôi hay bị ho khi thời tiết thay đổi”.

Theo ông Thịnh, những người lớn tuổi như ông thường có xu hướng tìm về những bài thuốc dân gian, chứ không thích dùng thuốc tây. Do đó, không chỉ mình ông trồng cây sâm Bố Chính, mà những người bạn thân khi đến nhà ông chơi đều được tặng vài cây mang về trồng. “Giống sâm này dễ trồng lắm, cây lớn rồi ra hoa kết trái, trái lại bung hạt xuống đất, cứ vậy tha hồ mà nhân giống. Chỉ từ 2 cây nhỏ đem từ Nghệ An về, giờ tôi đã nhân giống được cả vườn rồi. Tuy chưa thu hoạch được củ sâm nào, nhưng có cả vườn hoa để ngắm là thích rồi…” - nói đoạn, ông Thịnh đưa chúng tôi đi xem những cây sâm được trồng trong chậu ở nhà ông.

Bà Ngô Thị Sáu (58 tuổi, ngụ xã Bàu Hàm 2) đã biết được công dụng của cây sâm Bố Chính từ rất lâu. Khi rời Hà Nội vào Đồng Nai sinh sống, bà đã đem theo hạt giống sâm Bố Chính để trồng ở đây. Trong khu vườn sau nhà trồng nhiều loại cây ăn trái, bà Sáu cũng không quên dành một khu đất để trồng sâm. Cẩn thận hơn, bà còn rào lại đề phòng bầy gà vào phá.

Đưa chúng tôi đi xem vườn cây thuốc của gia đình, bà Sáu cho biết: “Ngoài quê tôi, sâm Bố Chính nhiều lắm. Không biết ai đã phát hiện ra công dụng chữa bệnh của sâm, tôi chỉ nhớ nhà nào cũng trồng sâm để ngâm rượu, hay dùng lá nấu nước tắm cho trẻ con để trị bệnh ngoài da. Vào trong này không tìm được giống cây sâm Bố Chính, tôi lại phải nhờ người nhà ngoài quê gửi giống vào đây. Trong vườn phải có ít nhất vài loại cây làm thuốc đề phòng đau bệnh, chứ đâu phải lúc nào cũng chạy đi mua thuốc tây được. Người Việt cứ dùng thuốc Nam là hay nhất…”.

* Cây thuốc 2 trong 1

Hiện nay, khi sức khỏe được quan tâm hàng đầu thì nhiều gia đình có điều kiện đã tìm tòi những cây thuốc Nam để trồng trong sân vườn, hoặc cửa sổ trong nhà. “Trên truyền hình bây giờ quảng cáo nhân sâm Hàn Quốc quá trời, rồi báo chí cũng nói chuyện sâm giả, sâm thật, khiến tôi không biết đâu mà lần. Giờ cái gì mình tự tay trồng thì mình mới tin chắc vào chất lượng của nó. Hôm rồi, ông bạn từ Nghệ An vào chơi, cho tôi mấy củ sâm phơi khô, giờ chỉ còn một miếng thôi, đem pha trà uống với cậu cho vui” - nói rồi, ông Thịnh lấy một mảnh sâm khô nấu lên cùng nắm trà tươi hái ngay trong vườn để đãi khách.

Tưới sâm Bố Chính vào những buổi chiều mát.
Tưới sâm Bố Chính vào những buổi chiều mát.

Cây sâm Bố Chính rất dễ sống, nếu để hoang không chăm sóc vẫn có thể mọc thành bụi. Chúng không kén chọn loại đất, phân bón, không kén chọn thời tiết và kỹ thuật chăm sóc, nên nhiều người chọn giống sâm này để trồng làm cảnh.

Anh Nguyễn Khắc Luân (ngụ phường Quyết Thắng, TP.Biên Hòa) cho biết, anh đang trọ học ở TP.Hồ Chí Minh, nên muốn tìm một chậu cây nhỏ để chưng trong phòng trọ. Sau khi đã thử qua nhiều loại, như: xương rồng, sen đá anh lại bị cây sâm Bố Chính gây ấn tượng mạnh vì màu sắc nổi bật, sức sống mãnh liệt.

“Hoa sâm Bố Chính một bông hoa rụng xuống sẽ tạo ra những hạt giống tiếp tục gieo vào mặt đất mầm sống mới. Vì vậy, hoa sâm Bố Chính tượng trưng cho sức sống mãnh liệt” - ông Nguyễn Văn Thịnh cho biết.

Đưa cho chúng tôi xem những tấm ảnh chụp cây sâm Bố Chính được trồng trong phòng trọ của mình, anh Luân bộc bạch: “Xương rồng, sen đá thì quá nhiều người trồng, tôi lại không thích đua theo phong trào, nên quyết định trồng thử một giống cây mới, vừa đẹp lại dễ trồng. Một lần tình cờ được chủ vườn ươm ở tỉnh Bình Phước giới thiệu cây sâm Bố Chính dễ trồng, dễ nhân giống, hoa ra liên tục và rất đẹp, nên tôi trồng thử và mê luôn. Đôi lúc, thứ mình cần tìm lại đến từ những điều đơn giản, mộc mạc, không cần phải chạy theo số đông cho có phong trào. Giống như người đi xa thường nhớ về những hương vị nơi quê nhà, sau khi đã tìm kiếm những thứ xa hoa, đắt đỏ thì nhiều người mới chợt nhớ đến loài cây vừa có ích, vừa đẹp mắt đã có quanh mình từ rất nhiều năm nay”.

Còn anh Khánh thì bày tỏ, cây sâm Bố Chính không kén người trồng, không kén người chăm, là bài thuốc quý từ xa xưa, là vẻ đẹp dân dã chứ không phải là thứ cây cảnh được số đông trồng theo phong trào. Vì vậy, dù căn nhà anh ở diện tích hơi nhỏ, nhưng anh cũng dành một góc để đặt hơn mười chậu, vừa đem sức sống thiên nhiên vào nhà, vừa có sẵn thuốc khi cần đến. Không chỉ trồng trong nhà, anh còn đem hạt giống tặng cho những người bạn để có thể nhân giống cây thuốc này nhiều hơn nữa.

Đăng Tùng

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều