Báo Đồng Nai điện tử
En

Giữ lửa nghề

11:01, 05/01/2014

Ngoài nghề sản xuất gốm sứ, lu, sành, phường Bửu Hòa (TP.Biên Hòa) còn có nghề rèn nổi tiếng một thời. Từ năm 1980 trở về trước, dao, rựa và các công cụ sản xuất nông nghiệp của Bửu Hòa mang các thương hiệu: 3 chữ Sĩ, 3 chữ Thượng, 12 là những thứ không thể thiếu đối với việc khai hoang, phục hóa của nhà nông trong và ngoài tỉnh.

Ngoài nghề sản xuất gốm sứ, lu, sành, phường Bửu Hòa (TP.Biên Hòa) còn có nghề rèn nổi tiếng một thời. Từ năm 1980 trở về trước, dao, rựa và các công cụ sản xuất nông nghiệp của Bửu Hòa mang các thương hiệu: 3 chữ Sĩ, 3 chữ Thượng, 12 là những thứ không thể thiếu đối với việc khai hoang, phục hóa của nhà nông trong và ngoài tỉnh.

Các thợ rèn mình trần, “khoe” cơ thể lực lưỡng trước tiết xuân buổi sớm.
Các thợ rèn mình trần, “khoe” cơ thể lực lưỡng trước tiết xuân buổi sớm.

Giữ ngọn lửa nghề rèn của cha ông - thương hiệu lò rèn 12, 3 giờ sáng chàng kỹ sư điện công nghiệp Phạm Thanh Thế (29 tuổi) đã cùng cha (ông Phạm Văn Thời) thức dậy nâng chiếc búa tạ đập liên hồi lên những thanh thép đỏ để rèn những chiếc dao, rựa, cuốc sắc bén theo đặt hàng của dân trong vùng. Anh Thế bộc bạch, tuy có bằng kỹ sư nhưng kinh nghiệm tôi thép của anh chưa thể sánh bằng cha và các chú của anh.

* Yêu nghề hơn vợ con

3 giờ sáng, tiểu thương chợ Đồn (phường Bửu Hòa) vẫn chưa vội họp chợ. Trong khi đó, cha con anh Thế đã bắt đầu những nhịp búa quen thuộc của mình. Anh Thế tâm sự, là con trai duy nhất của ông Thời nên dù đã tốt nghiệp đại học và đi làm công ty, anh vẫn dành thời gian giúp cha duy trì nghề rèn. “Sau khi rèn xong số dao, rựa và đóng ký hiệu 12 vào sản phẩm, tôi mới tắm rửa và chuẩn bị đi làm. Những công việc còn lại, như: lấy nước thép, mài sắc, tra cán… thì cha tôi tiếp tục làm cho đến khi hoàn thiện sản phẩm mới giao cho khách” - anh Thế nói.

Ông Phạm Hoàng Sang cho biết, để tiếp tục nghề truyền thống của cha, hiện 5 trong số 7 anh em trai của ông vẫn tiếp tục duy trì nghề, gồm: 3 lò rèn ở Bửu Hòa, 1 lò rèn ở huyện Trảng Bom, 1 lò rèn ở huyện Long Thành và 1 lò rèn ở huyện Dĩ An (tỉnh Bình Dương). “Các con, cháu trong dòng họ Phạm, dù trong tay có bằng đại học vẫn giúp cha duy trì nghề theo lời dặn dò của ông nội chúng lúc mất” - ông Sang nói.

Ngoài đường gió xuân thổi mạnh, những người đi bỏ nước đá bắt đầu xuất hiện, dừng xe bỏ đá cho khách và nhìn vào bể rèn của cha con anh Thế thèm muốn hơi ấm. Trong khi đó, cha con anh Thế vẫn mình trần “khoe” cơ bắp giữa tiết xuân. Nheo đôi mắt trong cặp kính cận lấm tấm bụi than, ông Thời nói: “Vì yêu nghề nên cha con tôi ngày nào cũng đỏ lửa lò. Việc rèn dao, rựa hiện nay thu nhập không cao, lại thiếu người phụ giúp, nhưng tôi vẫn theo đuổi nghề cho đến khi tay cầm không vững chiếc kẹp sắt, bàn mài mới thôi”.

Cầm cây chổi hãm ngọn lửa không cho cháy bừng, ông Thời bắt đầu kể về nghề. Cha ông (ông Mười Hai) học nghề rèn từ một người thầy ở miền Trung. Lò rèn 12 của gia đình ông nổi tiếng từ trước năm 1975, cùng với các lò rèn khác, như: 3 chữ Sĩ, 3 chữ Thượng tại phường Bửu Hòa. “Sau khi cha mất, 7 anh em trai trong gia đình tôi đều tiếp tục duy trì nghề và mở lò rèn riêng. Dù làm ăn riêng, nhưng dao, rựa anh em tôi rèn ra đều dùng chung ký hiệu 12 để giữ chữ tín và truyền thống nghề của gia đình” - ông Thời tâm sự.

Rồi ông chỉ vào thanh sắt đỏ đang nung trong bếp nói với chúng tôi và anh Thế rằng, bài học đầu tiên về nghề rèn mà 7 anh em của ông được cha truyền thụ không phải bắt đầu từ những bí quyết tôi sắt, mà chính là giá trị của những thanh sắt vụn được vứt lăn lóc trong vườn, ngoài rẫy. “Tự dưng cha tôi cầm thanh sắt vứt ra đường, không cho ai nhặt vào, mà nói cứ để yên đó cho ông. Hai hôm sau, ông mới ra nhặt vào, rồi tự tay rèn ra cái dao thật sắc. Sau đó, ông mới kêu anh em tụi tôi lại mà dạy rằng, giá trị của thanh sắt là do đôi tay người thợ rèn biết cách tôi luyện nó thành những công cụ hữu ích. Đó cũng là lý do mà cha tôi bảo các con phải yêu nghề hơn yêu vợ con. Ông lý giải đơn giản, có yêu nghề mới sống được bằng nghề, từ đó mới có điều kiện kinh tế tốt để nuôi vợ, chăm con” - ông Thời thổ lộ.

* Dao, rựa trên công trình 500Kv

6 giờ sáng, bếp rèn của cha con anh Thế tạm ngưng lửa, trong khi ngọn lửa nơi bể rèn của cha con ông Phạm Hoàng Sang (em trai thứ chín của ông Thời, cách đó 100m) tiếp tục nung những thanh thép đỏ rực để sưởi ấm nghề. Ông Sang niềm nở bày tỏ, ông có hai con trai giúp ông duy trì nghề rèn. Anh Lâm thì theo nghiệp ông. Anh Hùng hiện là kỹ sư điện tử, bận đi làm, nên chỉ là tay búa phụ cho ông. “Năm 1980, khi công trình đường dây 500kV Bắc - Nam thực hiện ở địa bàn Đồng Nai và vùng lân cận, những người làm ở công trình đến lò rèn gia đình tôi đặt làm rựa nhiều lắm. Mỗi tháng, lò rèn nhà tôi cung cấp cho họ vài trăm cái và cái nào cũng đánh ký hiệu 12 bên cạnh số thứ tự để họ dễ quản lý” - ông Sang nói.

Ông Phạm Hoàng Sang bền bỉ với thương hiệu rèn 12.
Ông Phạm Hoàng Sang bền bỉ với thương hiệu rèn 12.

Theo ông Sang, thương hiệu rèn của gia đình ông không chỉ có mặt ở công trình đường dây 500kV Bắc - Nam để cho các kỹ sư, công nhân mở đường, mà nó có mặt ngay từ thời kỳ khẩn hoang của địa phương. “Thời đó, máy móc rất ít nên dao, rựa, cuốc, lưỡi cày… của gia đình tôi sản xuất ra rất có uy tín. Ngoài sản xuất theo đặt hàng của các nông dân, cha tôi còn rèn với số lượng nhiều để cung cấp cho các đầu mối bán lẻ. Để cho lưỡi cuốc, lưỡi cày, dao, rựa thêm sắc và bền, cha tôi rất kỹ tính trong việc lấy nước thép từng chiếc một. Vì vậy, những sản phẩm do cha tôi làm ra được nông dân trong vùng ưa chuộng, dù chỉ làm thủ công” - ông Sang cho biết. Rồi ông cầm những thanh sắt vụn đưa vào bếp. Chờ cho chúng bị ngọn lửa nung đỏ, ông mới đưa vào nước. Sau đó, ông đưa thanh thép đỏ vào đe đập nhẹ và giải thích: “Thép xấu chỉ cần gõ một búa là gãy ngay, còn thép tốt thì dai hơn. Vì vậy, để tìm ra được mẫu thép tốt, cha và các anh em của tôi phải đến các vựa phế liệu lớn để chọn tìm. Cái thời nhà nông đến các lò rèn chực chờ đến lượt đặt hàng cái cuốc, con dao, rựa… hiện không còn nữa. Vì máy móc giờ đã thay thế cuốc, cày và nghề rèn của anh em tôi đã mất đi rất nhiều khách hàng, dù chất lượng sản phẩm làm ra vẫn như trước.

Mặc cho các tiểu thương trong chợ Đồn đang kỳ kèo giá cả với khách, cha con ông Sang vẫn giữ thói quen của người thợ rèn lưng trần, mặc quần tà lỏn làm việc. Trò chuyện với chúng tôi nơi quán cà phê cóc, gần lò rèn của ông Sang, ông Nguyễn Việt Giàu, cán bộ phường Bửu Hòa, cho biết tại Bửu Hòa, hiện các lò rèn 3 chữ Sĩ, 3 chữ Tượng đã tắt bếp. Riêng lò rèn 12 thì vẫn còn 3 lò của con ông Mười Hai đỏ lửa. “Càng về tết, tiếng búa của họ càng đều nhịp. Âm thanh đó rất quen thuộc với chúng tôi mấy chục năm qua, khi mỗi sáng ngồi quán cà phê cóc nhâm nhi ly cà phê trước khi vào văn phòng làm việc” - ông Giàu chia sẻ.

Thành Nhân

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều