Báo Đồng Nai điện tử
En

Những tay chèo Bến Gỗ

09:01, 04/01/2014

Các đội ghe làng Bến Gỗ (xã An Hòa, TP.Biên Hòa) một thời làm mưa làm gió trên sông nước khi tranh tài với các đội ghe trong tỉnh, miền Đông và đất Sài Gòn.

Các đội ghe làng Bến Gỗ (xã An Hòa, TP.Biên Hòa) một thời làm mưa làm gió trên sông nước khi tranh tài với các đội ghe trong tỉnh, miền Đông và đất Sài Gòn. Theo thời gian, làng Bến Gỗ nay chỉ còn lại 5 đội ghe (xóm Chài, xóm Vườn, xóm Chùa Lầu, xóm Câu) nhưng sức mạnh mái chèo trên đường đua của thế hệ hậu duệ vẫn không kém mấy so với cha ông.

Những tay chèo có tuổi xóm Câu cùng thế hệ kế cận luyện tập tay chèo cho nhịp nhàng.
Những tay chèo có tuổi xóm Câu cùng thế hệ kế cận luyện tập tay chèo cho nhịp nhàng.

Là hậu duệ của đội ghe dòng họ Nguyễn ở xóm Câu (ấp 2), ông Nguyễn Văn Điệp (60 tuổi) vốn là một tay xà bát (cầm lái) thiện chiến một thời. Vì vậy, đôi tay ông Điệp hiện vẫn còn rắn rỏi điều khiển chiếc ghe đua trong quá trình tập dợt. “Xóm Câu tụi tui có 2 đội ghe. Đội ghe đua do ông Nguyễn Văn Tuấn phụ trách gồm những tay chèo có tuổi đời từ 25-40. Riêng đội ghe do ông Nguyễn Văn Tòng huấn luyện, gồm những tay chèo có độ tuổi dưới 20” - ông Điệp cho biết.

* Tình yêu sông nước

Sông Đồng Nai vốn tạo cho nên làng Bến Gỗ nhiều vàm, lạch. Ở tuổi lên 6-7, trẻ em ở đây đã tự do vùng vẫy trên mặt nước. Nông dân, tiểu thương thì giong ghe, xuồng đi khắp đó đây làm ăn, buôn bán. Theo những người cao niên ở Bến Gỗ, 3 năm một lần, người dân Bến Gỗ tổ chức lễ hội tại chùa Ông (gần chợ Bến Gỗ). Lễ hội kéo dài nhiều ngày với các hình thức diễn xướng dân gian độc đáo, như: hát bội, xô giàn, đua thuyền... với sự tham dự của đông đảo người dân trong và ngoài vùng.

Cụ Nguyễn Tiến (90 tuổi) cho biết, Bến Gỗ nổi tiếng về đua ghe từ đầu thế kỷ 19. Theo kinh nghiệm của các bậc tiền bối, một ghe đua tốt phải được làm từ loại gỗ tốt, dẻo nhẹ, dài 16m, rộng 1,6m; thân ghe dài, được chế tạo hao hao hình con thoi để khi nước chảy gió ngược vẫn không cản nổi thuyền. Để tạo thêm vẻ sắc sảo, tự tin cho ghe, mũi ghe kẻ hình mắt phượng, đuôi dài, ngươi tròn viền trắng. Các loại dầm như: dầm phách, dầm ngang cũng phải được đẽo sao cho không bị vênh, riêng chèo dọc phải bằng loại gỗ có độ dẻo lớn, sức uốn mạnh.

Vì đam mê phong trào đua ghe bàu, năm 2009, ông Nguyễn Văn Lẹ (đội ghe xóm Vườn) đã tự bỏ 50 triệu đồng tiền túi để mua ghe về luyện tập. Trong những năm đó, đội ghe đua của ông đã gặt hái được nhiều thành tích trong và ngoài tỉnh. Tuy nhiên, vì chuyện cơm - áo - gạo - tiền mà đội ghe của ông sau vài năm lặng tiếng, năm nay mới chịu tái xuất đường đua.

“Đội thuyền đua trước kia được tổ chức tới 24 người, gồm: 1 chỉ huy, 1 phách nhì đánh phèng chiêng cổ vũ, 1 múc nước, 1 xà bát đứng lái, 5 cặp giữa khoang, 5 cặp đốc hậu. Đội hình đua ghe phải gồm những tay chèo khỏe mạnh, cường tráng và giàu kinh nghiệm. Khi bơi phải đều tay, cầm dầm sao cho đứng. Tiếng hô của người đứng trước mũi cũng đóng vai trò quan trọng trong việc giữ nhịp chèo của cả đội, không để dầm nọ xọ dầm kia khiến sức cộng hưởng kém, tốc độ ghe sẽ chậm”- cụ Tiến chậm rãi kể.

Vốn là những người con của sông nước, ông Nguyễn Văn Điệp và các trai tráng trong xóm Câu thực sự ngưỡng mộ các bậc tiền bối về đua ghe, như: Nguyễn Văn Năm, Nguyễn Văn Xiển, Nguyễn Văn Hiển... Thời ấy, đội ghe của dòng họ ông không ít lần xuất quân đều đạt những thứ hạng cao ở Biên Hòa, Bình Dương và đất Sài Gòn. “Có lẽ do cha ông mình thời ấy chơi hết mình, không nặng nề chuyện cơm - áo - gạo - tiền nên khi vỗ mái chèo, đẩy mũi ghe xé nước cán đích rất hùng dũng. Tui thấy ông cha mình thời đó, chỉ cần hai mái chèo trước và sau là có thể đưa chiếc ghe bầu đầy ắp lúa, muối bơi ngược dòng nước chảy xiết. Chính vì vậy mà tay chèo của họ khỏe và dũng mãnh hơn lớp trẻ làm công nhân bây giờ” - ông Điệp bày tỏ.

* Đưa thuyền xuống đường đua

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Thành (62 tuổi, vốn là người chỉ huy giỏi của đội ghe bàu xóm Câu) bày tỏ, để phù hợp với sông nước miền Đông, hiện đội ghe bầu đua của làng Bến Gỗ chỉ tổ chức 16 người, gồm: chỉ huy (cầm lái), người tát nước và 7 đôi chèo. Qua thời gian, đua ghe ở  Đồng Nai và khu vực miền Đông đã có nhiều thay đổi cho phù hợp hơn với cuộc sống nên các đội ghe đua ở Bến Gỗ cũng thay đổi cho phù hợp chung. Đồng thời, những người tâm huyết với đua ghe truyền thống tại Bến Gỗ tiếp tục tập hợp các tay chèo giỏi trong xóm để luyện tập và chiêu mộ thêm nhiều tay chèo trẻ hơn để huấn luyện, bổ sung vào đội hình. “Ngoài đội ghe tuổi từ 25-40 ở trong xóm, hiện xóm Câu còn có đội ghe trẻ của huấn luyện viên Nguyễn Văn Tòng với tuổi đời dưới 20 đang tham gia thi đấu với các đội ghe chuyên nghiệp trong làng, TP.Biên Hòa và trong tỉnh tổ chức” - ông Thành khoe.

Đầu tháng Chạp, các đội ghe bắt đầu công việc tu sửa ghe để phóng thủy luyện tập.
Đầu tháng Chạp, các đội ghe bắt đầu công việc tu sửa ghe để phóng thủy luyện tập.

Trong cái lạnh se se đầu xuân, ông Nguyễn Văn Tuấn (huấn luyện viên đội ghe xóm Câu) cùng với các tay chèo có tuổi trong đội luyện lại nhịp chèo để chuẩn bị cuộc đua xuân với các đội ghe trong làng Bến Gỗ (xã An Hòa, vào mùng 4 Tết Giáp Ngọ). Ông Thành cho biết, đầu tháng Chạp là ông cùng với người cao niên yêu thích bộ môn đua ghe truyền thống này góp tiền lại sửa chữa ghe, lo hậu cần huấn luyện cho các tay chèo. Trước khi đưa ghe xuống nước (phóng thủy) luyện tập, các ông phải cúng cặp vịt theo nghi thức. Ghe đua sau khi tập luyện xong, được mang lên bờ bảo trì, trang trí lại cho đẹp (sơn thân, vẽ mắt...) để chờ ngày phóng thủy tranh tài.

Sau vài năm vắng bóng đường đua, ông Nguyễn Văn Lẹ (50 tuổi, đội ghe xóm Vườn, ấp 1) đã quy tụ được các tay chèo gấp rút luyện tập để đưa đội ghe của xóm tái xuất lại đường đua. Ông Lẹ cho hay, trước kia các tay chèo đều là những nông dân, ngư dân chính hiệu bám sông nước, ruộng đồng mưu sinh nên rất dễ tập hợp. Ngày nay thì khó tập hợp hơn vì họ bận đi làm ăn xa, làm công nhân tại các nhà máy, khu công nghiệp. Vì vậy, tay chèo của họ có phần cứng và yếu hơn trước rất nhiều. “Do đặc thù của nhịp sống nhưng tình yêu sông nước trong họ vẫn trỗi dậy mỗi khi được tụi tôi đứng ra tập hợp lại đội hình để luyện tập” - ông Lẹ thổ lộ.

Tâm huyết với phong trào đua ghe truyền thống ở làng Bến Gỗ, ông Nguyễn Kim Tòng (một tay chèo, chỉ huy giỏi) đã tự đứng ra gom tụ những thanh niên trẻ trong xóm thành lập đội ghe của riêng mình nhằm tranh tài với các đội ghe trong xã. Ông Tòng nói: “Sức trẻ của các em nếu được tập luyện thường xuyên thì tay chèo dũng mạnh không kém gì thế hệ cha anh trước kia”.

 

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Lâm Mẫn, cán bộ văn hóa - thông tin - thể thao xã An Hòa (TP.Biên Hòa) bày tỏ, trong 5 đội ghe của 4 xóm ở làng Bến Gỗ, năm nay chỉ có 3 đội ghe của xóm Vườn và xóm Câu phóng thủy luyện tập. Hai đội ghe ở xóm Chài, xóm Chùa Lầu tạm xin không tham gia vì lý do không tập hợp được đội hình và phương tiện luyện tập, thi đấu quá cũ kỹ. “Trong 9 ghe mà chúng tôi quản lý, hiện chỉ có 3 ghe là đưa vào thi đấu được, 2 ghe chỉ dành cho việc tập luyện. Trong 3 ghe thi đấu thì 2 chiếc đã có tuổi đời trên 10 năm. Chính vì vậy, nếu các đội đồng loạt đăng ký tham gia tranh tài thì chúng tôi cũng lúng túng do không biết lấy ghe ở đâu ra bố trí cho họ luyện tập, tranh tài” - ông Mẫn nói.

Nhìn các tay chèo, chỉ huy, huấn luyện viên có tuổi của đội ghe xóm Câu hì hục hè nhau đưa ghe xuống nước, sơn phết, dặm vá những phần gỗ đã mục nát nhưng tình yêu sông nước vẫn dạt dào trong tim. Chúng tôi đồng cảm với tâm trạng của cán bộ Mẫn dù xã An Hòa muốn đẩy mạnh phong trào đua ghe của làng Bến Gỗ nhưng “lực bất tòng tâm”. “Tụi tôi tham gia phong trào đua ghe vì muốn gìn giữ truyền thống cha ông, bồi dưỡng các thế hệ trẻ kế cận. Tuy vậy, nhìn ghe đua cũ kỹ, mục nát và lớp trẻ thì sợ sông nước, tụi tôi cũng buồn lắm chứ”- ông Điệp tỏ bày.

Đoàn Phú

 

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều