Báo Đồng Nai điện tử
En

Nghị lực lính Cụ Hồ

12:12, 28/12/2013

Để có thêm đất trống trồng hoa màu trong vườn, ông Phi hì hục dùng cuốc san phẳng những ụ mối to gần bằng cái chòi. "Thấy vườn lắm ụ mối, vợ chồng tôi hợp sức nhau san phẳng để kiếm tìm những vụ bắp, đậu bội thu" - ông Hoàng Ngọc Phi (ấp Cây Da, xã Suối Cao, huyện Xuân Lộc) kể lại cái thời ông mới vào ấp Cây Da vỡ đất làm rẫy.

Để có thêm đất trống trồng hoa màu trong vườn, ông Phi hì hục dùng cuốc san phẳng những ụ mối to gần bằng cái chòi. “Thấy vườn lắm ụ mối, vợ chồng tôi hợp sức nhau san phẳng để kiếm tìm những vụ bắp, đậu bội thu” - ông Hoàng Ngọc Phi (ấp Cây Da, xã Suối Cao, huyện Xuân Lộc) kể lại cái thời ông mới vào ấp Cây Da vỡ đất làm rẫy.

* Chăm chỉ xây ước mơ

Sau khi xuất ngũ, thương binh 4/4 Hoàng Ngọc Phi trở về quê Quảng Ngãi vui thú cấy cày cùng vợ con. Vốn là một nông dân tri điền, cựu chiến binh Phi bám chặt 8 sào ruộng khoán của hợp tác xã cấp cho vợ chồng ông để mưu sinh. Dù chịu khó cày cấy, vợ chồng ông vẫn lâm vào cảnh thiếu trước hụt sau bởi những mùa vụ thất bát. “Hết vụ lúa này đến vụ lúa khác, vợ chồng cứ quần quật làm, nhưng cuối vụ thiếu ăn vẫn hoàn thiếu ăn. Tôi nhìn 5 đứa con suy nghĩ mãi vẫn chưa có cách nào nuôi chúng đủ đầy hơn ngoài những vụ lúa. Năm 1995, khi vào Suối Cao thăm người anh cột chèo, nhìn thấy đất ở đây bạt ngàn với cà phê, tiêu, bắp, đậu xanh tốt, tôi thích lắm” - ông Phi kể lại.

Ông Hoàng Ngọc Phi bên những ụ mối vừa mới phát triển trong vườn.
Ông Hoàng Ngọc Phi bên những ụ mối vừa mới phát triển trong vườn.

Sau cả tuần thăm đất, thăm vườn của các nông dân xã Suối Cao, ông Phi nhìn họ bỏ sức không bằng mình làm ở quê, nhưng ai cũng khá, dư dả. Ông Phi liền mạnh dạn đặt vấn đề với anh cột chèo rằng ông muốn chuyển gia đình về đây sinh sống. Ông càng có thêm động lực di cư vào Suối Cao khi nghe người anh cột chèo báo tin có một người bán mảnh đất rộng 3,5 hécta với giá 2 cây vàng/hécta. “Điều đó càng hối thúc tôi nhanh chân quay về quê bàn tính với vợ. Được vợ đồng ý, tôi đã bán nhà, bán vườn ở quê lấy 8 cây vàng. Ngay hôm sau, tôi đón xe vào Suối Cao tậu ngay 3,5 hécta đất. Khi đã ổn định chuyện ở, một tháng sau tôi mới chuyển vợ con vào” - ông Phi tâm sự.

Dẫn chúng tôi tham quan một vòng trong vườn, ông Phi tiếp tục câu chuyện ngày đầu vào Nam lập nghiệp. Sau khi mua 3,5 hécta rẫy hết 7 cây vàng, ông kêu thợ dựng lên nếp nhà ván, đào cái giếng cho tiện bề sinh hoạt thì hết số vàng mang theo. Hơn 4 tháng ăn uống kham khổ, ông bắt đầu thu được vụ điều đầu tiên. Có tiền triệu trong tay, ông lập tức tỉa thưa điều, phá dần các ụ mối để tạo khoảng trống cho việc trồng xen bắp, đậu khi mùa mưa đến. “Buổi sáng tranh thủ dọn vườn, làm cỏ. Chiều đến, hoặc lúc trăng sáng, vợ chồng tôi rủ nhau ra vườn bổ từng nhát cuốc thật mạnh mẽ xuống lớp đất cứng nhằm phá những ụ mối to gần bằng cái chòi. Hết ụ mối lớn thì quay sang phá ụ nhỏ hơn để có thật nhiều khoảnh đất trống trồng hoa màu. Hoa màu trồng tỉa trên đất ụ mối xanh mơn mởn, phân thuốc chẳng tốn bao nhiêu nên vụ đó tôi thắng lớn” - ông Phi bồi hồi nhắc lại chuyện năm xưa.

* Tấm lòng người thương binh

Với kiểu làm ăn chân chất cố hữu của người dân xứ Quảng, vợ chồng ông Phi được các nông dân trong vùng khen là “giỏi nhịn bụng khi nhà thiếu thốn”. Đến khi dư dả, vợ chồng ông vẫn quen cung cách sinh hoạt cần kiệm, ăn chắc mặc bền. Bà Lê Thị Lượng (vợ ông Phi) nói: “Dù có dư dả, vợ chồng tôi vẫn chịu khó bỏ sức ra làm, không cần thuê mướn ai và cũng không đi làm thuê cho ai, cứ bám rẫy mình mà làm cho mình. Thấy người ta phá điều trồng cà phê, chồng tôi lúc đó cũng rất muốn làm theo. Nhưng suy tính lại, vợ chồng tôi quyết định không mạo hiểm chạy theo các cây trồng khác khi vốn liếng gia đình còn eo hẹp”.

Vợ chồng ông Hoàng Ngọc Phi hạnh phúc khi con cái trưởng thành, yên bề gia thất.
Vợ chồng ông Hoàng Ngọc Phi hạnh phúc khi con cái trưởng thành, yên bề gia thất.

Dù bản thân tiết kiệm, nhưng khi thấy xóm làng thiếu điện, ông Phi vẫn mạnh dạn bỏ trên 15 triệu đồng (thời điểm năm 2003) để kéo điện về sinh hoạt và chia sẻ dòng điện với các hộ nông dân lân cận. Có điện, ông bắt đầu khoan giếng sâu, đẩy mạnh chăn nuôi bò và trồng hoa màu nghịch vụ. “Để có đất trồng hoa màu, tôi mua đất về đổ cho rẫy vườn bằng phẳng, tạo lối thoát nước trong vườn. Tôi còn vận động bà con trong tổ tiến hành mở rộng đường giao thông vào nhà cho rộng rãi, thoáng đẹp. Đất Suối Cao đãi ngộ mình nên tôi cần chia sẻ với những người khó khăn” - ông Phi cởi mở tâm sự.

Chăm chỉ làm ăn, sống chan hòa tình cảm, ông Phi được Hội Cựu chiến binh (CCB) xã Suối Cao mời làm Chi hội trưởng Chi hội CCB ấp Cây Da, được chính quyền và ngân hàng tín nhiệm vận động làm tổ trưởng tổ vay vốn tín chấp của ấp. Thấy bà con vay vốn chưa có điều kiện trả lãi và gốc cho ngân hàng khi đến kỳ thanh toán nợ, ông Phi mạnh dạn đứng ra trả thay. “Khi Nhà nước tiến hành xã hội hóa giao thông, ông Phi lại hiến trên 120m2 đất và phá bỏ cây trồng để mở đường cho rộng. Bản thân ông còn tự nguyện đóng góp 15 triệu đồng và giúp đỡ 3 hộ nghèo mỗi hộ 1 triệu đồng để họ có đủ tiền đóng góp cùng tập thể làm đường. Bà con ấp Cây Da quý ông ở cách sống, cách làm, sự cần kiệm vốn có từ bản thân, chứ không bao giờ phô trương sự dư dả của mình” - bà Trần Thị Khứ, Phó chủ tịch Hội CCCB xã Suối Cao, nói.

Là đồng đội, hàng xóm của ông Hoàng Ngọc Phi, bà Trần Thị Khứ, Phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Suối Cao, đã nhiều lần đạt giải (nhì, khuyến khích) cuộc thi kể chuyện về tấm gương học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh qua câu chuyện về chính ông Phi. Bà Khứ nói: “Đối với ông Phi, một đồng lãng phí ông cũng quyết không tiêu. Nhưng với việc chung, hàng triệu đồng ông vẫn sẵn lòng đem ra giúp người. Đó cũng là cung cách người lính bộ đội Cụ Hồ mà tôi đã nhìn thấy ở ông Phi”.

Thấm thoát đã 17 năm ông Phi về Suối Cao lập nghiệp, các con của ông giờ đã yên bề gia thất và thành đạt. Riêng ông vẫn giữ cái chất nông dân ngày nào, tiếp tục chăm tỉa vườn điều, tập tành trồng xen kẽ thêm cây tiêu để bắt đầu giai đoạn đầu tư mới, theo cách riêng của ông.

Ông Phi nói: “Tính tôi không quen với kiểu làm giàu nhanh mà bất chấp rủi may, tôi phải làm bằng chính đôi tay, khả năng và đồng vốn của gia đình” - ông Phi thổ lộ, trong khi đôi bàn tay thô ráp của ông vẫn không ngừng chăm sóc những dây tiêu xanh mượt mới tròn 3 tuổi.

Ngồi bên ụ mối nhỏ mới được lũ mối tạo ra năm rồi, ông Phi không ngần ngại bày tỏ niềm vui với chúng tôi rằng, mỗi lần ông về thăm lại quê nhà, họ hàng thấy ông làm ăn khấm khá ai cũng mừng và động viên ông. “Họ hàng nói về tôi rất đúng. Nếu tôi cứ bám mấy sào ruộng ở quê thì thật khó mà ngóc đầu lên được. Tôi cảm ơn vùng đất Suối Cao đã hấp dẫn tôi qua từng mùa vụ truân chuyên, nhọc nhằn. Nhất là tôi luôn cám ơn lũ mối, khi chúng cho tôi chất đất màu mỡ, chỉ cần siêng năng vỡ ra là có được vụ mùa bội thu, dư dả” - ông Phi tâm sự khi chúng tôi chào ra về.

Đoàn Phú

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều