Báo Đồng Nai điện tử
En

Khóc, cười với cây dó bầu

11:10, 29/10/2012

Vốn bỏ ra ban đầu không nhiều, cách trồng đơn giản và vài năm sau thu lợi hàng tỷ đồng, đó là những thông tin mà nhiều người trồng dó bầu lấy trầm hương rỉ tai với nhau. Tuy vậy, những người kinh nghiệm trong nghề cho biết, trồng dó bầu tạo trầm làm giàu nhanh chóng, dễ dàng nhưng phải biết cách thì mới không phải ngậm ngùi tay trắng.

Mỗi ký trầm hương hàng tóc được anh Ngô Xuân Dần bán với giá 4 triệu đồng.
Mỗi ký trầm hương hàng tóc được anh Ngô Xuân Dần bán với giá 4 triệu đồng.

Vốn bỏ ra ban đầu không nhiều, cách trồng đơn giản và vài năm sau thu lợi hàng tỷ đồng, đó là những thông tin mà nhiều người trồng dó bầu lấy trầm hương rỉ tai với nhau. Tuy vậy, những người kinh nghiệm trong nghề cho biết, trồng dó bầu tạo trầm làm giàu nhanh chóng, dễ dàng nhưng phải biết cách thì mới không phải ngậm ngùi tay trắng.

Với mỗi ký lô trầm hương hàng tóc, mức thấp nhất trong quy chuẩn chất lượng trầm, giá bán là 4 triệu đồng. “Đầu ra thì khỏi lo, chỉ sợ không có hàng bán” - anh Ngô Xuân Dần, chủ một vườn ươm dó bầu tại ấp Trung Hưng, xã Xuân Trường (huyện Xuân Lộc) cho biết.

* Tạo lộc rừng

Anh Dần hiện là chủ một vườn ươm cây dó bầu có tiếng tại huyện Xuân Lộc. Cách đây 7 năm, anh đã mua 300 gốc dó bầu với giá 2,1 triệu đồng. Từ đó đến nay, nhiều lứa cây mới được trồng xen và mỗi năm số tiền anh thu được nhờ khai thác trầm từ dó bầu không dưới 1 tỷ đồng.

Lợi ích quá lớn, trong khi vốn bỏ ra cho mỗi cây giống cũng không cao hơn các loại tràm, bạch đàn là bao khiến người dân các nơi đổ xô đi mua giống. Nắm bắt được xu thế, anh Dần ươm cây giống đem bán. Cứ vào đầu mùa mưa, vườm ươm dó bầu của anh được khách đến mua sạch với giá 4 ngàn đồng/cây giống. Mỗi năm, trừ hết chi phí, anh cầm chắc 300 triệu đồng tiền lời.

Thế nhưng, thành công nhất của anh Dần không phải ở hai điều vừa nói trên, mà chính là việc anh đã chế tạo được chất tạo trầm dùng để cấy lên cây dó bầu. Anh cho biết: “Trồng cây dó bầu rất dễ, không khác gì trồng rừng. Chỉ khác một điều là cây dó có trầm thì lợi, không có trầm chỉ đem bán gỗ thường mà thôi”. Bí kíp riêng này giúp anh Dần có được hơn 20 hợp đồng kỹ thuật với các vườn dó bầu trong và ngoài huyện Xuân Lộc. Anh cho biết: “Chỉ cần cây dó bầu 3 năm tuổi là có thể cấy trầm. Sau 2 năm sẽ cho thu hoạch mỗi cây 1 triệu đồng”. Như vậy, với mỗi hécta dó bầu, trồng trung bình 2 ngàn cây, sau 5 năm anh sẽ thu được khoảng 2 tỷ đồng. Đây quả là con số nằm mơ nhiều người cũng không thể nào tin được.

“Mọi người cứ bảo, người nào trồng dó bầu là ăn cơm dưới đất, nói chuyện trên trời, nhưng thực tế thì như vậy. Chỉ những người ham và say với trầm hương thì mới hiểu được giá trị rất cao của loại cây này. Việt Nam là nước có chất lượng trầm tốt nhất trên thế giới. Khí hậu nước mình lại phù hợp với cây dó bầu, nếu phát triển được cây này thì ước mơ đổi đời của người nông dân là trong tầm tay” - anh Dần nói.

Để chứng minh cho điều mình nói, anh Dần cho hay, trong vòng 3 năm đầu trồng dó bầu, chỉ cần chăm sóc chúng như những cây thông thường (như cao su chẳng hạn), mỗi năm bỏ hai đợt phân để phát triển rễ, chắc cây là được. Lúc này, cây chưa có trầm nên cũng không sợ bị chặt trộm. Cuối năm thứ 3, cây dó được khoan lỗ và đổ chất tạo trầm vào. Lúc này, người chủ cử người tới canh giữ, chăm sóc cây là được. “Chỉ cần qua được năm thứ 4, dù cây có bị chết hay bị ngã, hư hỏng thì vẫn có lời, vì trầm đã được tạo trong thân cây” - anh Dần khẳng định.

Và tới khi thu hoạch, nếu cây 5 năm thì giá 1 triệu đồng, cây 6 năm thì 1,5 triệu đồng và càng lâu năm thì giá trị càng cao. Trong vườn của một khách hàng anh Dần nhận chăm sóc kỹ thuật từng có cây dó bầu trị giá trên 10 triệu đồng. Riêng phần vỏ trắng không có trầm hương vẫn bán được với giá 80 ngàn đồng/kg.

Một điểm đặc biệt là khi thu hoạch trầm hương, chỉ cần cưa cách mặt đất chừng 20cm thì sẽ có những chồi con khác mọc lên, không phải trồng lại như ban đầu. Tại nơi cưa gốc ấy, trầm tiếp tục được tạo ra. Và, “để vài chục năm thì kỳ nam không dám chắc, chứ hàng loại 2, loại 3 là chắc chắn có” - người chủ vườn này nói chắc nịch.

* Mấy ai dễ lấy trầm!

Kinh tế là vậy, nhưng vẫn có nhiều trường hợp đành chấp nhận phá bỏ vườn dó bầu đang vào tuổi thu hoạch. Bởi, cái khó của nghề dễ ai lường trước được.

Tại vườn dó bầu của bà Lê Thị Hằng (xã Xuân Trường), 2 hécta dó bầu đường kính đến 20cm đang "hấp hối". Cách đây 7 năm, bà đã thức thời mua cây giống về trồng và chăm sóc chu đáo. Cây càng to ra, hy vọng về cây vàng, cây bạc của bà càng nhiều. Tuy nhiên, thay vì thuê người có kỹ thuật và có chất tạo trầm về làm, chấp nhận chia 30% lợi nhuận, thì bà tự tìm mua hóa chất từ một số người quảng cáo về tạo trầm.

Cây dó bầu sẽ tóp lại và tạo trầm nếu được xử lý đúng.
Cây dó bầu sẽ tóp lại và tạo trầm nếu được xử lý đúng.

80 triệu đồng tiền mua chất tạo trầm được bà Hằng bơm vào thân cây. Cả năm trời đợi chờ nhưng trầm không thấy, chỉ thấy vườn cây 5 ngàn gốc dó bầu của bà bị suy kiệt. Hoảng hốt, bà tìm đến người trong nghề thì biết rằng mua phải loại hóa chất dỏm, giờ muốn cấy chất tạo trầm “xịn” cũng phải đợi một thời gian cho cây hồi sức mới làm được.

Nếu lên mạng internet, mọi người dễ dàng tìm được nơi bán chất xử lý tạo trầm với giá 200-400 ngàn đồng/lít. Tuy nhiên, phần lớn chất xử lý tạo trầm này đều là hàng giả. Đã từng có những vị học giả đăng đàn giới thiệu chất tạo trầm và bán được hàng tỷ đồng tiền thuốc này. Nhưng, những người trong nghề cho biết: “Nếu là chất tạo trầm đúng nghĩa thì chỉ 20 ngày là cho kết quả, chứ không phải 3 tháng hay cả năm như lời quảng cáo”.

Nhiều người cứ nghĩ rằng, cây dó bầu có trầm sẽ tích tụ bên trong và không có gì khác bên ngoài. Thế nhưng, chỉ cho chúng tôi những đường chạy dọc trên những thân cây dó bầu tóp lại thành 3-4 phần, anh Dần nói: “Chất tạo trầm sẽ khiến cây bị tóp lại, khi cào sơ phần vết khoan sẽ thấy được trầm kéo chỉ, chứ không phải đem chặt cây mới biết có hay không”.

Cây dó bầu tuy mạnh nhưng có hai thứ khiến nó rất dễ chết, đó là sâu ăn lá và nấm hồng. Nhiều nơi ở vùng Tây Nguyên, như: Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, hay tại huyện Tân Phú, đã có nhiều đại gia cũng quyết tâm theo trồng dó bầu tới cùng, nhưng đành chịu cảnh trắng tay. Đó là do ở đây có rất nhiều sâu ăn lá. Mùa đầu tiên cây dó bầu gượng được, nhưng những mùa sau, khi cây bị trụi lá thì bao nhiêu tiền bạc coi như dâng hết cho sâu. Ngoài ra, cây dó bầu không ưa đất thịt, trũng nên nhiều người đã phải ngậm ngùi chia tay với mộng trầm hương vì lý do rất ngộ này.

Nhiều người nói, đất Đồng Nai ít sâu ăn lá nên không sợ. Sâu thì ít thật, nhưng họ không biết nấm hồng cũng là kẻ thù nguy hiểm với cây dó bầu. Xử lý đất không tốt hoặc bón phân chuồng chưa qua xử lý, đất trồng màu, đất cũ… sẽ tạo điều kiện cho nấm hồng xâm nhập vào cây dó bầu. Khi biết cây bị bệnh thì khổ chủ cũng tự hiểu mình phải phá bỏ vườn cây giá trị cao này.

“Thật ra, cây dó bầu rất dễ trồng. Chỉ cần hiểu đúng về ưu và nhược điểm của nó và xử lý tạo trầm đúng cách nữa thì người trồng sẽ không phải lo lắng nhiều. Đây là một loại cây có giá trị kinh tế cao, nếu nhân rộng mô hình thì sẽ góp phần làm giàu cho nhiều gia đình” - anh Dần tâm sự.

Minh Đăng

 

 

 

 

Tin xem nhiều