Báo Đồng Nai điện tử
En

Mùa cau về…

11:10, 26/10/2012

Thói quen ăn cau trầu của người dân ngày một giảm, giá trị kinh tế đem lại từ cây cau không còn cao, nhưng những người trồng cau còn lại ở xã Hiệp Phước (huyện Nhơn Trạch) vẫn phấn khởi. Mùa cưới về lại báo hiệu một mùa cau mới. Vì trong các nghi lễ truyền thống của người Việt Nam, quả cau nhỏ vẫn giữ một vai trò rất quan trọng.

Thói quen ăn cau trầu của người dân ngày một giảm, giá trị kinh tế đem lại từ cây cau không còn cao, nhưng những người trồng cau còn lại ở xã Hiệp Phước (huyện Nhơn Trạch) vẫn phấn khởi. Mùa cưới về lại báo hiệu một mùa cau mới. Vì trong các nghi lễ truyền thống của người Việt Nam, quả cau nhỏ vẫn giữ một vai trò rất quan trọng.

Trồng cau là nghề truyền thống lâu đời của người dân Hiệp Phước. Những năm trước, trái cau tươi được mùa, được giá, nên bà con lại càng dốc sức trồng thêm. Vì vậy, cây cau như trở thành cây trồng chủ đạo chỉ sau cây lúa.

* Ngược xuôi với cau

Nhiều gia đình ở Hiệp Phước đã đầu tư trồng hàng trăm gốc cau với hy vọng sẽ cải thiện cuộc sống. Bà Nguyễn Thị Duyên (74 tuổi, ngụ ở ấp 1), một trong những người còn diện tích trồng cau lớn ở Hiệp Phước hiện nay, kể rằng: “Vườn của gia đình tôi nằm trên khoảnh đất trống, không bị cây cối che chắn, nền đất bao giờ cũng cao hơn những nơi khác nên không lo bị ngập nước. Bởi thế, cau trong vườn đậu trái to, xanh mướt, buồng nào buồng nấy trĩu trái. Ở đây, hầu như nhà nào cũng có vườn cau ở phía trước nhà”.

Những buồng cau trĩu trái giúp người trồng cau thêm hài lòng.
Những buồng cau trĩu trái giúp người trồng cau thêm hài lòng.

Năm nay đã 75 tuổi, nhưng bà Tô Thị Bon (ngụ ở ấp 1, xã Hiệp Phước) chẳng nhớ vườn cau nhà mình có từ bao giờ, mà bà chỉ biết cả cuộc đời bà vốn đã gắn chặt với nó. Lúc lên 10 tuổi, bà đã theo mẹ lặn lội khắp nơi mưu sinh với nghề bỏ mối cau cho các sạp lớn ở các chợ... Từ đó, cây cau, vườn trầu như cái nghiệp gắn suốt cuộc đời bà, cho đến khi gối mỏi, chân yếu không chạy chợ được nữa. Theo bà Bon, ngày trước mỗi nhà có vài trăm đến cả ngàn gốc cau, nhưng bây giờ chỉ độ mười mấy nhà trồng, số lượng cây giảm nhiều. “Trồng cau không phải dễ, không phải đất nào cũng trồng được. Theo các cụ thời xưa, đất ở đây là đất ba hèm (tức đất phèn chua), nên rất hợp với cây cau” - bà Bon tâm sự.

Về Hiệp Phước bây giờ, ngoại trừ một vài ấp, như: ấp 1, 4… còn giữ lại những vườn cau xanh tốt, đa số hộ dân thay thế cây cau bằng những cây trồng khác cho năng suất cao. Những nhà trọ ngày càng xuất hiện nhiều và đang dần trở thành nguồn thu nhập chính thay thế nguồn thu từ những vườn cau.

Vùng Phước Lai, Phước Kiểng ngày xưa nay đổi thành các ấp 4, 5 vốn nổi tiếng với trồng cau là thế, nhưng bây giờ cây cau cũng thưa hẳn. Anh Dương Hồng Mỹ (36 tuổi, ngụ ở ấp 4), con trai út trong gia đình có 7 anh chị em có truyền thống trồng cau, cho biết: “Hồi trước, mẹ tôi (bà Trần Thị Nhã, 69 tuổi) là một trong những người trồng cau nổi tiếng ở đây, vì trái cau bà trồng bao giờ cũng to, trái bầu, ăn thơm, có vị bùi và không nồng. Tuy nhiên, 5-6 năm trở lại đây, tục ăn cau trầu không còn thịnh hành đã ít nhiều ảnh hưởng đến nguồn thu của gia đình”.

Vậy là mẹ anh Mỹ quyết định bỏ dở vườn cau. Hàng ngày, họ đi thu mua cau của các hộ trong xã, sau đó đem bỏ mối cho các sạp lớn, nhỏ ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, rồi bắt ngược xe đưa cau lên các tỉnh Lâm Đồng, Gia Lai, Kon Tum… “Đến nay, tôi làm nghề này gần 5 năm rồi, tuổi già nhưng vẫn làm. Cả nhà đông người nên không thể dựa vào mấy sào lúa được. Đi buôn cũng là cách gắn bó với cây cau, mong muốn vực dậy những vườn cau cũ ở trong làng” - bà Nhã cho biết. Cứ thế, ngày này qua ngày khác, bà Nhã trở thành đầu mối đưa trái cau đi khắp nơi, ngược xuôi với từng chuyến xe khách. Còn anh Mỹ, sau bao năm hành nghề trèo hái cau, bây giờ quen việc ở các khu công nghiệp, qua rồi cái thời một buổi trèo cau, một buổi ôm cặp sách đến trường.

* Mùa cưới - mùa cau

Vào những ngày tháng 10 trở đi, khi mùa kết đôi của các bạn trẻ bắt đầu nhộn nhịp thì những người trồng cau ở Hiệp Phước cũng chuẩn bị vào vụ. Cây cau ra hoa kết trái quanh năm, nhưng từ đây cho đến Tết Nguyên đán mới là chính vụ. Cau được nhiều đầu mối tìm mua bởi vì mùa cưới đã về. Mà chẳng riêng gì đám cưới, hỏi, trong các nghi lễ truyền thống của người Việt Nam, quả cau nhỏ vẫn giữ vai trò rất quan trọng.

Bà Nguyễn Thị Chín vẫn cần mẫn với công việc của mình.
Bà Nguyễn Thị Chín vẫn cần mẫn với công việc của mình.

Năm nay, vườn cau của bà Hai Bún (65 tuổi, ngụ ở ấp 2) có phần thất thu so với mọi năm. Mưa nhiều, phấn hoa bị trôi hết nên tỷ lệ đậu trái rất ít. Nhưng với bà, dù được hay mất mùa thì cau vẫn được nhiều người tìm mua. Bây giờ kết trái, chắc chắn sẽ trúng dịp Tết, đó là sự mong chờ lớn nhất của người trồng. Bà cho biết thêm, trồng loại cây này không cần bỏ nhiều công chăm sóc, nhưng nó có thể sống khỏe, lại trổ bông quanh năm (2,5 tháng trổ một lần), thường sau 3-4 tháng sẽ cho thu hoạch và chất lượng trái to, nhỏ tùy vào mật độ cây trồng. “Cau trái bán quanh năm, nhưng vào mùa cưới rộ rất nhiều và không bao giờ lo thất giá. Ngày thường vài chục ngàn đồng/100 trái, bây giờ dễ chừng lên đến 80 ngàn đồng. Trồng cả năm chỉ mong đến lúc này thôi” - bà Hai Bún hồ hởi nói.

Nhìn mấy vườn cau còn sót lại rợp bóng mát, mọc vun vút hai bên đường dẫn vào các xóm nhỏ ở Hiệp Phước, ai nhìn cũng xuýt xoa. Cây già ngã xuống, đám cây con chen nhau mọc lên, đứng sừng sững chào đón những tia nắng ấm áp. Mỗi cây có thể sống từ vài chục đến cả trăm năm, vậy nên ở đây có nhiều cây cao chót vót, như cây sào chĩa thẳng lên bầu trời. Những người trồng cau lại càng mong chúng đậu trái đúng thời điểm. Bỏ sức chăm sóc suốt năm dài, chỉ mong chờ ngày thu hoạch, vì sau dịp lễ, tết, hay các đám hỏi, cưới, quả cau sẽ bị mất giá. Bà Nguyễn Thị Chín (ngụ ở ấp 5), một người trồng cau, tâm sự: “Vườn nhà tui có khoảng sào đất đều để dành trồng cau. Một nửa số cây đang bán trái, số còn lại đã ra bông, chắc bán kịp dịp tết. Giờ thấy đã vậy nhưng chưa là gì đâu so với những ngày giáp tết, những ngày đó mối lái từ khắp nơi đổ về, hỏi mua cau liên tục”.

Bà Chín cho biết thêm, mùa mưa là mùa thu hoạch cau, từ tháng 6 bắt đầu thu hoạch những buồng cau đầu tiên và công việc này kéo dài cho đến hết tháng chạp. Nói xong, bà nhẹ nhàng cắt buồng cau từ một thiên cau. Đếm trái cau vừa đủ rồi bà rửa sạch, lau từng trái, cột dây thun hướng mặt trái cau ra ngoài chờ thương lái, khách hàng đến lấy.

Thanh Hải

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều