Báo Đồng Nai điện tử
En

Con bê… xóa nghèo

08:10, 29/10/2012

Xã Tân Bình (huyện Vĩnh Cửu) hiện có 21 hộ thuộc diện nghèo (thu nhập dưới 650 ngàn đồng/người/tháng, theo chuẩn nghèo của tỉnh). Thế nhưng, theo bà Đỗ Kim Chi, Phó chủ tịch UBND, Trưởng ban chỉ đạo giảm nghèo xã Tân Bình, địa phương không xóa nghèo bằng con số, mà quyết tâm cùng người nghèo hướng đến ấm no, khát vọng tương lai.

 

Xã Tân Bình (huyện Vĩnh Cửu) hiện có 21 hộ thuộc diện nghèo (thu nhập dưới 650 ngàn đồng/người/tháng, theo chuẩn nghèo của tỉnh). Thế nhưng, theo bà Đỗ Kim Chi, Phó chủ tịch UBND, Trưởng ban chỉ đạo giảm nghèo xã Tân Bình, địa phương không xóa nghèo bằng con số, mà quyết tâm cùng người nghèo hướng đến ấm no, khát vọng tương lai.

* Thoát nghèo từ con bò “đoàn thể”

Từ ngày được địa phương hỗ trợ 5 triệu đồng (không hoàn lại), Hội Chữ thập đỏ hỗ trợ cho vay 3 triệu đồng (4 năm không lãi suất), Hội Liên hiệp Phụ nữ giải quyết cho vay 4 triệu đồng (nguồn vốn Vì phụ nữ nghèo)…, gia đình anh Mai Văn Tùng và chị Nguyễn Thị Mươi (ấp Bình Phước) đã tự tin dắt chú bê hơn 1 tuổi từ đàn bò của ông Ba Lê về nhà mình. Để cho chú bê háu ăn và vợ chồng không phí công chăm sóc, anh Tùng quyết định dắt thêm một chú bê khác (dưới hình thức nuôi rẻ: bỏ công chăm sóc rồi chia bò con với chủ bò) về nuôi chung. “Chỉ sau 2 năm, hai con bê lớn thành bò, tui đem bán thì sẽ có số tiền kha khá, đủ mua cặp bê mới và trả ngay số tiền vay gốc và lãi cho đoàn thể” - anh Tùng bày tỏ.

Hộ nghèo ở xã Tân Bình quyết tâm thoát nghèo từ nuôi bò.
Hộ nghèo ở xã Tân Bình quyết tâm thoát nghèo từ nuôi bò.

Trong lúc chờ bê lớn thành bò, anh Tùng và bé Thắm (con anh Tùng, học lớp 10) tranh thủ cắt từng bao cỏ lúc làm đồng, ngoài giờ học. Riêng chị Mươi, do bị bệnh tim nên phụ trách việc cho bò ăn, dọn chuồng. Chị Mươi thổ lộ, sau bao năm nuôi bò, đến bây giờ anh chị mới thật sự có được một con bò của riêng mình. Từ con bò này, anh chị có quyền mơ ước và dự tính tương lai cho bé Thắm, mua sắm vật dụng gia đình. “Ngoài căn nhà do địa phương xây tặng và 100m2 đất cha mẹ chồng cho, vợ chồng tui không có vật dụng gì đáng giá. Từ con bò được địa phương hỗ trợ nuôi ghép với bò nuôi rẻ, vợ chồng tui từng bước vượt được ngưỡng nghèo, tiến tới xóa nghèo bền vững” - chị Mươi nói.

Còn anh Đặng Văn Sang (ấp Tân Triều), từ ngày nhận tiền của Ủy ban MTTQ xã hỗ trợ nuôi bò theo chương trình xóa nghèo của địa phương, anh “ngâm” lại vì lý do: “Chỉ được hỗ trợ một cục 5 triệu đồng nên tui không đủ tiền mua con bê một tuần tuổi. Hơn nữa, lúc ấy tui lại bí tiền chăm lo cho con mọn và bò do Ủy ban MTTQ xã không được hỗ trợ thêm các nguồn khác như bò của Hội Chữ thập đỏ” - anh Sang bày tỏ.

Vậy là năm 2012, hộ anh Sang rớt lại danh sách vượt nghèo của xã Tân Bình. Chính vì vậy, MTTQ xã bị Đảng ủy xã Tân Bình phê bình, còn Hội Chữ thập đỏ xã thì nhanh chóng rút ra bài học kinh nghiệm. “Nhận thấy 5 triệu đồng Nhà nước hỗ trợ cho hộ nghèo nuôi bò rất khó khả thi nên Hội Chữ thập đỏ xã đề xuất với địa phương kiến nghị vấn đề này lên huyện. Sau đó được huyện chấp nhận, rót vốn cho Huyện hội và chỉ đạo Huyện hội phải rót nguồn vốn đó về xã. Từ đó, Hội Chữ thập đỏ xã Tân Bình có thêm 4 triệu đồng (cho vay không lãi suất trong vòng 4 năm) hỗ trợ cho hộ nghèo trong xã mua bò nuôi” - ông Bùi Ngọc Khen, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã nói.

Tháng rồi, anh Sang được đích thân Phó chủ tịch MTTQ xã Tân Bình Phan Hùng Dũng dẫn đi mua bò. Ngoài 5 triệu đồng vốn lúc đầu, anh được Mặt trận đề xuất hỗ trợ vay thêm 3 triệu đồng từ quỹ giảm nghèo của địa phương. Ông Lê Văn Lâm, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Tân Bình mạnh dạn nhận khuyết điểm từ cách làm, trong số 8 con bò địa phương hỗ trợ cho người nghèo nuôi trong chương trình xóa nghèo, 5 con bò mua từ nguồn hỗ trợ của Hội Chữ thập đỏ được đánh giá rất tốt, còn 3 con bò của Mặt trận hiện còn “kẹt” 2 con. Nếu 2 hộ này không nhanh chóng triển khai mua bò nuôi để thoát nghèo như hộ anh Sang (sau khi được hỗ trợ thêm) thì đơn vị sẽ thu hồi lại vốn, giao cho hộ khác triển khai chương trình.

* Không xóa nghèo qua con số

Ngoài giải pháp hỗ trợ vật nuôi (bò), xã Tân Bình còn triển khai các chương trình hỗ trợ vốn: học sinh sinh viên, giải quyết việc làm, vệ sinh môi trường, tín dụng cho người nghèo (trên 3,4 tỷ đồng); cấp bảo hiểm y tế, hỗ trợ gạo, tặng học bổng, xây dựng nhà tình thương, giới thiệu việc làm (trên 1 tỷ đồng/năm); tập huấn về công tác chuyển đổi cây trồng vật nuôi, giáo dục ý thức tự lực vượt nghèo…

Theo ông Lê Văn Lâm, công tác giảm nghèo là công tác lâu dài, đã được Đảng ủy địa phương ra nghị quyết chuyên đề và phân công cụ thể trách nhiệm, công việc cho từng tổ chức, đơn vị và nhận được sự đồng thuận rất cao từ người dân. Qua thực tế áp dụng từng mô hình, kiểm tra giải pháp xóa nghèo cho đối tượng, các tổ chức, đơn vị được giao nhiệm vụ thấy không phù hợp, hiệu quả thì sẽ mạnh dạn thay đổi phương thức hỗ trợ khác, miễn là hướng đến đích đối tượng thật sự được xóa nghèo. “Còn xét về nguyên nhân không hiệu quả, có rất nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan tác động, nhưng lỗi của mình là lớn nhất và phải chịu trách nhiệm trước cấp ủy. Làm công tác này, vì thành tích mà tự ái, rồi bỏ rơi người nghèo thì ngoài việc xem xét lại cách làm, cán bộ phải soi xét lại đạo đức, trách nhiệm trước cấp ủy, xã hội” - ông Lâm bộc bạch.

Với những hộ nghèo thuộc diện được trợ cấp thường xuyên như hộ bà Trần Thị Ba (90 tuổi), khả năng vượt nghèo là rất khó.
Với những hộ nghèo thuộc diện được trợ cấp thường xuyên như hộ bà Trần Thị Ba (90 tuổi), khả năng vượt nghèo là rất khó.

Bà Đỗ Kim Chi, Phó chủ tịch UBND, Trưởng ban chỉ đạo giảm nghèo xã Tân Bình cho biết, qua điều tra dân số và nhà ở (năm 2009), trong tổng số hơn 2.500 hộ dân của xã Tân Bình, 1/3 số hộ còn khó khăn (trong số này có 31 hộ thuộc diện nghèo, 14 hộ nghèo thuộc đối tượng trợ cấp thường xuyên). Qua thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2006-2010, xã có 77 hộ thoát khỏi diện nghèo (thu nhập trên 450 ngàn đồng/người/tháng) đạt 100% (không tính 11 hộ thuộc diện trợ cấp thường xuyên). Giai đoạn 2011-2015, với mức chuẩn thu nhập dưới 650 ngàn đồng/người/tháng, toàn xã còn 45 hộ thuộc diện nghèo (14 hộ thuộc diện trợ cấp thường xuyên). Đến tháng 10-2012, qua thực hiện các chương trình giảm nghèo, hiện còn 6/12 hộ nghèo (không kể 9 hộ trợ cấp thường xuyên).

“Đó chỉ là con số thống kê, báo cáo lên trên. Còn thực tế, chúng tôi luôn xem công tác giảm nghèo là nhiệm vụ thường xuyên, trọng tâm trong nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân trên địa bàn và quyết liệt triển khai nhiều giải pháp, chương trình đồng bộ nhằm thực hiện mục tiêu giảm nghèo cho từng giai đoạn cụ thể. Cốt lõi của công tác này là đối tượng thuộc diện hộ nghèo, hộ được trợ cấp thường xuyên thật sự tạo dựng được cuộc sống ấm no, thoát khỏi cơ hàn từ sự hỗ trợ của chính quyền và xã hội” - bà Chi nhấn mạnh.

Bí thư Đảng ủy xã Đoàn Văn Chiến cho hay, Đảng ủy ban hành nghị quyết chuyên đề về công tác giảm nghèo bởi đây là nhiệm vụ, mục tiêu, của chính quyền, tổ chức đoàn thể vì sự ấm no, tiến bộ của những người dân có mức thu nhập thấp hơn so với mức sống trung bình của cộng đồng. Mục tiêu giảm nghèo là chính sách nhân đạo của Đảng, Nhà nước, nên Đảng ủy xã Tân Bình luôn quán triệt chỉ đạo chính quyền kiểm tra, giám sát, đôn đốc, khơi gợi cách làm sáng tạo, mời gọi cộng đồng chung tay,… chứ không làm hình thức.

 

Đoàn Phú

 

 

Tin xem nhiều