Báo Đồng Nai điện tử
En

Thường xuyên kiểm tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn

09:02, 17/02/2021

Điều khiển phương tiện khi đã uống rượu, bia là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây ra tai nạn giao thông. Vậy nhưng, vẫn còn một bộ phận người dân chưa ý thức được hậu quả nghiêm trọng của hành vi này.

Điều khiển phương tiện khi đã uống rượu, bia là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây ra tai nạn giao thông. Vậy nhưng, vẫn còn một bộ phận người dân chưa ý thức được hậu quả nghiêm trọng của hành vi này.

Lực lượng Cảnh sát giao thông Công an TP.Biên Hòa lập biên bản với một trường hợp vi phạm nồng độ cồn. Ảnh: Thanh Hải
Lực lượng Cảnh sát giao thông Công an TP.Biên Hòa lập biên bản với một trường hợp vi phạm nồng độ cồn. Ảnh: Thanh Hải

Ngày 30-12-2019, Thủ tướng Chính phủ chính thức ký ban hành Nghị định 100 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt thay thế Nghị định số 46, có hiệu lực từ ngày 1-1-2020. Đáng lưu ý là nghị định đã tăng mạnh chế tài xử phạt đối với các hành vi vi phạm nồng độ cồn.

* Nhiều trường hợp không hợp tác

Nghị định 100 quy định, mức xử phạt cao nhất đối với người lái ô tô vi phạm từ 30-40 triệu đồng, tước quyền sử dụng bằng lái xe từ 22-24 tháng. Đối với người lái mô tô, xe máy, mức phạt cao nhất từ 6-8 triệu đồng, tước quyền sử dụng bằng lái xe từ 22-24 tháng. Riêng người điều khiển xe đạp, xe thô sơ sẽ bị phạt từ 400-600 ngàn đồng (trước đây chưa quy định xử phạt về nội dung này).

Tháng 10-2020, trong khi làm nhiệm vụ trên đường Đặng Văn Trơn, Công an TP.Biên Hòa phát hiện anh T. (ngụ P.Tân Biên, TP.Biên Hòa) điều khiển xe máy chở theo bạn có biểu hiện nghi vấn nên yêu cầu vào kiểm tra. Kết quả mức vi phạm nồng độ cồn của người này ở mức 0,285mg/lít khí thở. Tuy nhiên, anh T. bất hợp tác và không ký vào biên bản vi phạm.

Hơn 30 phút sau, tổ công tác đã thuyết phục và anh T. chấp hành quay lại làm việc. Theo biên bản tại hiện trường, anh vi phạm ở Điểm c, Khoản 7, Điều 6 của Nghị định 100. Do đó, ngoài mức phạt tiền 7 triệu đồng, tạm giữ phương tiện 6 ngày, anh T. còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe lên đến 23 tháng. Đây là mức phạt cao nhất về vi phạm nồng đồ cồn đối người điều khiển phương tiện là xe máy. Khi nghe mức phạt này quá cao, anh T. đã bỏ lại phương tiện, không chấp hành ký biên bản.

Một trường hợp khác là ông H. (ngụ P.Tam Phước, TP.Biên Hòa) cho hay, sau khi tan cuộc vui liên hoan công ty, ông chạy xe ra về thì bị cảnh sát giao thông phát hiện vi phạm và bị lập biên bản với mức phạt lên đến 8 triệu đồng. Bản thân làm công nhân lương không cao trong khi giá trị của chiếc xe máy đang đi cũng không bằng số tiền phạt phải đóng nên ông quyết định bỏ luôn xe.

Một cán bộ cảnh sát giao thông Công an TP.Biên Hòa cho biết, trong quá trình kiểm tra, xử lý đối với những trường hợp vi phạm về nồng độ cồn, lực lượng chức năng đã giải thích rõ ràng, cụ thể cho người vi phạm về những điều chỉnh trong Nghị định 100 cũng như tác hại và hậu quả nguy hiểm của việc sử dụng rượu, bia và điều khiển phương tiện tham gia giao thông để người dân rút kinh nghiệm và tránh tái phạm về sau.

Tuy nhiên, có không ít trường hợp không hợp tác, thậm chí chống đối lực lương chức năng. Đối với những trường hợp này, ngoài kết quả từ máy đo nồng độ cồn, lực lượng chức năng còn kết hợp ghi hình đưa vào làm căn cứ để xử phạt một cách khách quan và đúng pháp luật.

* Bỏ phương tiện, gây khó khăn trong xử lý

Theo Công an tỉnh, thực hiện Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 16-1-2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, trong năm 2020, các lực lượng chức năng phát hiện gần 5 ngàn trường hợp vi phạm về nồng độ cồn, phạt tiền trên 18 tỷ đồng và tước giấy phép lái xe đối với hơn 3 ngàn trường hợp. Trong tổng số gần 5 phương tiện vi phạm thì người điều khiển mô tô chiếm chủ yếu với 97% và xe ô tô là 3%. Đặc biệt, có gần 2 ngàn trường hợp bị xử phạt ở mức cao nhất là từ 0,4mg/l khí thở trở lên. Điều này cho thấy, dù bị phạt nặng, nhưng nhiều người vẫn uống nhiều rượu, bia trước khi tham gia giao thông.

Đại tá Lê Quang Nhân, Phó giám đốc Công an tỉnh cho biết, công tác kiểm tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn được Bộ Công an, Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo thực hiện nên đạt được nhiều kết quả tích cực. Công an tỉnh đã nêu cao tinh thần trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ, huy động lực lượng và sử dụng có hiệu quả các phương tiện kỹ thuật. Song việc xử lý vi phạm nồng độ cồn cũng có nhiều khó khăn.

Ý thức chấp hành quy định về giới hạn nồng độ cồn khi tham gia giao thông của người dân chưa thực sự tự giác. Một số trường hợp người vi phạm khi bị lực lượng chức năng dừng xe kiểm tra có thái độ không hợp tác, có trường hợp quá khích chống đối, lăng mạ cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ gây khó khăn cho công tác kiểm tra, xử lý. Ngoài ra, lực lượng làm công tác tuần tra, kiểm soát phương tiện phục vụ tuần tra, phát hiện vi phạm còn nhiều hạn chế do chỉ bố trí được ở một số tuyến, địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự an toàn giao thông.

Vì vậy, trong thời gian tới, Công an tỉnh sẽ tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung chỉ đạo của Bộ Công an, UBND tỉnh về kiểm soát, xử lý vi phạm nồng độ cồn; tiếp tục đưa công tác kiểm tra, xử phạt vi phạm nồng độ cồn trở thành nhiệm vụ thường xuyên trong công tác tuần tra, kiểm soát giao thông tại các đơn vị cảnh sát giao thông, cảnh sát trật tự góp phần nâng cao ý thức của người tham gia giao thông và phòng ngừa tai nạn giao thông.

Theo đánh giá của Công an tỉnh, mức vi phạm nồng độ cồn theo Nghị định 100 của Chính phủ rất cao nên trong số gần 5 ngàn trường hợp vi phạm của năm 2020 có gần 1 ngàn trường hợp không đến cơ quan công để tiếp nhận xử lý. Trong đó, đa phần là người lái mô tô, phương tiện tạm giữ có giá trị thấp hơn mức phạt, lực lượng công an phải mất nhiều thời gian xác minh, mời người vi phạm đến giải quyết nhưng hiệu quả không cao.

Thanh Hải

Tin xem nhiều