Báo Đồng Nai điện tử
En

Tăng cường đảm bảo an toàn giao thông đường sắt

09:03, 31/03/2019

Từ đầu năm 2019 đến nay, trên địa bàn tỉnh dù không xảy ra các vụ tai nạn giao thông (TNGT) đường sắt nghiêm trọng nhưng cũng xảy ra một số vụ việc, sự cố mất an toàn giao thông đường sắt đáng lo ngại.

Từ đầu năm 2019 đến nay, trên địa bàn tỉnh dù không xảy ra các vụ tai nạn giao thông (TNGT) đường sắt nghiêm trọng nhưng cũng xảy ra một số vụ việc, sự cố mất an toàn giao thông đường sắt đáng lo ngại.

Để đảm bảo an toàn và ngăn xâm phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt, Đồng Nai đã tiến hành lắp hàng rào tôn lượn sóng gần 12km. Trong ảnh: Tàu hỏa lưu thông qua địa bàn phường Tân Hiệp (TP.Biên Hòa), khu vực có tôn lượn sóng được lắp đặt hai bên. Ảnh: T.HẢI
Để đảm bảo an toàn và ngăn xâm phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt, Đồng Nai đã tiến hành lắp hàng rào tôn lượn sóng gần 12km. Trong ảnh: Tàu hỏa lưu thông qua địa bàn phường Tân Hiệp (TP.Biên Hòa), khu vực có tôn lượn sóng được lắp đặt hai bên. Ảnh: T.HẢI

Ông Trần Hữu Chiến, Giám đốc Công ty cổ phần đường sắt Sài Gòn cho biết, thời gian qua tuyến đường sắt qua Đồng Nai còn xảy ra sự cố tàu đang di chuyển thì bị trật đường ray. Sự việc đe dọa đến sự an toàn của hành khách, cũng như khiến hệ thống đường sắt bị ảnh hưởng, gián đoạn trong thời gian ngắn.

* Vẫn xảy ra sự cố mất an toàn

Cụ thể, rạng sáng 14-2, tàu khách TN7 kéo theo 13 toa lưu thông từ Ga Hà Nội vào Ga Sài Gòn khi đến km1694+500 (thuộc phường Tân Hiệp, TP.Biên Hòa) thì bị trật bánh. 2 toa bị chệch sang phải theo hướng tàu chạy cách ray 30cm. Sau đó, tàu tiếp tục trượt một đoạn dài nữa mới dừng hẳn.

3 tháng đầu năm 2019,  toàn tỉnh xảy ra 1 vụ tai nạn giao thông đường sắt làm 1người bị thương. So với cùng kỳ năm 2018, tăng 1 vụ, tăng 1 người bị thương.

Tại hiện trường, các thanh ray gãy thành nhiều khúc và việc khắc phục sự cố phải mất hơn 5 giờ mới xong. Ngành đường sắt đánh giá, sự việc trên là một trong những sự cố hiếm có bởi quá trình tàu TN7 di chuyển, đoạn ray bị gãy đã tạo ra một khoảng trống mà các toa tàu lướt qua không có ray với khoảng cách 3m.

Rất may, vị trí xảy ra sự cố gãy ray có địa hình nằm trên đường thẳng nếu là đường cong có thể dẫn đến nguy cơ cả đoàn tàu nghiêng đổ, hậu quả xảy ra sẽ rất nghiêm trọng. Qua điều tra, phía đường sắt xác định ngoài vấn đề thuộc về lỗi kỹ thuật thì một phần do các thanh ray tuổi thọ quá cao. Ngay sau đó, gần 3km đường ray đoạn từ phường Tân Hiệp đến phường Tân Tiến đã được thay mới hoàn toàn nhằm đảm bảo an toàn giao thông cũng như tốc độ tàu chạy theo quy định.

Tuyến đường sắt qua địa bàn Đồng Nai hiện có 32 vị trí có gác chắn, 15 vị trí có cần chắn cảnh báo tự động, 11 khu vực có cảnh giới an toàn giao thông. Tại các khu vực gác chắn đường ngang này, không khó để bắt gặp hình ảnh người tham gia giao thông cố tình phớt lờ báo hiệu để chui qua khi chưa thấy tàu đến, bất chấp sự nhắc nhở của nhân viên.

Đơn cử như vụ việc 2 nhân gác chắn nhanh chóng cứu sống cụ bà đi vào đường ray khi đoàn tàu đang tới vào sáng 12-2 cho thấy ẩn họa tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào nếu người dân coi thường các quy định về an toàn giao thông đường sắt.

* Quyết liệt xử lý vi phạm

Mới đây, Bộ Giao thông - vận tải đã có văn bản yêu cầu Cục Đường sắt Việt Nam phối hợp các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền các quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường sắt cho người dân. Đặc biệt là người dân sinh sống dọc hai bên đường sắt, khu vực đường ngang, lối đi tự mở có mật độ giao thông cao, thường xuyên xảy ra TNGT.

Bên cạnh đó, Bộ Giao thông - vận tải cũng chỉ đạo lực lượng thanh tra đường sắt phối hợp các cơ quan liên quan và công an điều tra, phân tích, xác minh nguyên nhân các vụ tai nạn và xử lý các trường hợp vi phạm trong lĩnh vực bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường sắt và có các giải pháp cụ thể đối với từng vị trí mất an toàn.

Theo Ban An toàn giao thông tỉnh, một trong những nguyên nhân trực tiếp khiến TNGT đường sắt gia tăng trong 3 tháng đầu năm 2019 đều xuất phát từ hành vi vi phạm của những người điều khiển phương tiện qua đường ngang. Trong đó, ý thức chấp hành pháp luật của một số bộ phận người tham gia giao thông còn kém, các vị trí giao cắt giữa đường sắt và đường bộ còn khá nhiều…

Để đảm bảo an toàn giao thông cũng như hạn chế xâm phạm, vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt, Đồng Nai đã làm hơn 5,75km lối đi tạm, hoàn thành lắp đặt 11,9km hàng rào tôn lượn sóng; tiếp tục tổ chức cảnh giới tại 11 vị trí, duy trì bảo vệ 52 vị trí đã rào xóa bỏ, lắp đặt gờ giảm tốc tại 24 đường ngang…

Tuy nhiên, thời gian qua vẫn còn tồn tại các công trình vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt chưa được giải tỏa dứt điểm (tập trung chủ yếu tại TP.Biên Hòa, các huyện Trảng Bom, Thống Nhất, Xuân Lộc…). Nguyên nhân một phần do chính quyền địa phương tại đây khi phát hiện công trình đang thi công không có biện pháp quyết liệt để ngăn chặn. Dù Ban An toàn giao thông tỉnh đã nhiều lần yêu cầu địa phương xử lý triệt để.

Giám đốc Sở Giao thông - vận tải, Phó trưởng ban thường trực Ban An toàn giao thông tỉnh Trịnh Tuấn Liêm cho biết, thời gian tới Ban An toàn giao thông tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với ngành đường sắt và các địa phương có tuyến đường sắt đi qua rà soát lại các lối đi tự mở và hành lang an toàn giao thông cần thiết lắp đặt hàng rào hộ lan; kiểm tra tình hình trật tự an toàn giao thông tại những lối đi tự mở đã được rào xóa bỏ.

“Các địa phương cần bổ sung đẩy đủ các trang thiết bị cần thiết cho nhân viên cảnh giới tại 11 vị trí đã được lập ra. Trong đó, yêu cầu, nhắc nhở các nhân viên cảnh giới phải luôn nâng cao tinh thần, trách nhiệm khi thực thi nhiệm vụ” - ông Liêm nhấn mạnh.

Thanh Hải

Tin xem nhiều