Báo Đồng Nai điện tử
En

Sự thật lịch sử và những suy diễn vô căn cứ

08:02, 08/02/2018

Trong những ngày qua, khắp nơi trên cả nước đã diễn ra các hoạt động kỷ niệm 50 năm Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Nhiều hội thảo khoa học đã khẳng định giá trị to lớn, ý nghĩa lịch sử quan trọng của sự kiện, mở ra bước ngoặt quan trọng có ý nghĩa chiến lược trong sự nghiệp chống Mỹ...

Trong những ngày qua, khắp nơi trên cả nước đã diễn ra các hoạt động kỷ niệm 50 năm Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Nhiều hội thảo khoa học đã khẳng định giá trị to lớn, ý nghĩa lịch sử quan trọng của sự kiện, mở ra bước ngoặt quan trọng có ý nghĩa chiến lược trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước của dân tộc, tiến lên giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Quân giải phóng truy kích địch trong trận tiến công ngày 2-1-1968 tại Tây Ninh.
Quân giải phóng truy kích địch trong trận tiến công ngày 2-1-1968 tại Tây Ninh.

Đợt Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 đã gây kinh hoàng cho cả nước Mỹ, là “cơn địa chấn” rung chuyển toàn bộ xã hội Hoa Kỳ. Từ đó, ở hầu hết các bang của Mỹ rộ lên những cuộc biểu tình chống chiến tranh, đặc biệt là của giới sinh viên, học sinh. Vào thời kỳ đó, nhiều người trong chính giới Mỹ đòi xét lại chính sách của Mỹ đối với cuộc chiến tại Việt Nam. Trong nội bộ các cố vấn thân cận của Tổng thống Mỹ gây ra sự chia rẽ gay gắt. Ngày 3-3-1968, Tổng thống Johnson  thông báo quyết định đơn phương ngừng ném bom miền Bắc từ vĩ tuyến 20 trở ra, chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán với ta tại Hội nghị Paris và tuyên bố không ra tranh cử Tổng thống nhiệm kỳ thứ 2…

* Những sự thật bị bưng bít

Nhằm che giấu bản chất phi nghĩa, liều lĩnh, bất chấp quy luật chiến tranh và nhân đạo, trong nhiều năm liền chính quyền Mỹ thông qua bộ máy truyền thông khổng lồ đã tìm cách định hướng dư luận rằng cuộc chiến tại Việt Nam chỉ ở quy mô một cuộc xung đột nhỏ. Chính quyền Sài Gòn đã ổn định tình hình dưới sự hỗ trợ của Mỹ. Những cựu binh, thương binh Mỹ trở về từ chiến trường hoàn toàn không có tiếng nói; những gì họ trải qua bị giấu kín trên các kênh thông tin đại chúng.

50 năm trước, vào đêm 30 rạng ngày 31-1-1968 (đêm giao thừa, sáng mùng 1 Tết Mậu Thân), quân và dân toàn miền Nam đồng loạt tiến công đánh ở 4 thành phố lớn, 37 thị xã, hàng trăm thị trấn, 4 bộ tư lệnh quân đoàn, hầu hết các bộ tư lệnh sư đoàn, 30 sân bay và gần 100 cơ sở hậu cần, kỹ thuật của Mỹ và chính quyền Sài Gòn. Trong đó, những trận đánh gây chấn động lớn trong giới cầm quyền Mỹ và có tiếng vang mạnh mẽ như đánh vào tòa Đại sứ Mỹ, Dinh Độc Lập, Bộ Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn, Đài phát thanh ở Sài Gòn và đặc biệt là 25 ngày đêm làm chủ TP.Huế...

Cơ quan tuyên truyền của quân đội Mỹ “quảng cáo” rằng cuộc chiến của Mỹ ở Việt Nam sẽ chỉ như một “cuộc dạo chơi trong rừng rậm nhiệt đới” hay “chuyến du lịch” để thuyết phục thanh niên thực hiện nghĩa vụ cầm súng “bảo vệ nước Mỹ” khỏi một Việt Nam nhỏ bé, lạc hậu ở cách nửa vòng trái đất. Nhưng những hình ảnh được chuyển tải trên các phương tiện thông tin đại chúng lại cho thấy từng đoàn “khách du lịch có vũ trang” của Mỹ “đón” Tết Mậu Thân trong chiến hào, trong những đống đổ nát, mương rãnh, rừng rậm, đầm lầy, xung quanh là đồng đội kiệt sức và hoảng sợ, người cố gắng băng bó, giữ chai truyền dịch cho người bị thương, người vội vã ăn khẩu phần dã chiến.

Lượng người theo dõi tình hình chiến sự nhiều đến mức tất cả các kênh truyền hình đều dành nhiều thời lượng nhất có thể, cập nhật bằng truyền hình trực tiếp với những thước phim màu rõ nét ghi lại cảnh mưa bom, lửa đạn. Các phóng viên chiến trường đầu đội mũ sắt, mình mang áo chống đạn lăn xả trên tiền tuyến. Sự ác liệt tại Việt Nam được lột tả rõ nét trước toàn thế giới. Người dân Mỹ bừng tỉnh trước cuộc chiến, vốn kinh hoàng hơn rất nhiều những thông tin bị che đậy bao lâu nay.

Hàng chục ngàn thanh niên đến tuổi tòng quân đã đốt thẻ quân dịch của mình trong các cuộc biểu tình phản đối cuộc chiến phi nghĩa. Các cựu binh, thương binh trở thành tâm điểm trên truyền thông với chủ đề trần trụi về cơn ác mộng mang tên Chiến tranh Việt Nam. Hàng loạt băng-rôn, biểu ngữ tràn ngập đường phố, như: “Johnson là tội phạm chiến tranh”, “Hãy chấm dứt hủy diệt Việt Nam!” hoặc “Con tôi đã chết tại Việt Nam! Để làm gì hỡi nước Mỹ?”.

Phóng viên người Mỹ Eddie Adams của hãng AP đã công bố bức ảnh nổi tiếng “Hành quyết tại Sài Gòn” về sự kiện Chuẩn tướng Nguyễn Ngọc Loan bắn vào đầu một “Việt cộng” trên đường phố Sài Gòn trong Tết Mậu Thân. Bức ảnh gây sốc cho toàn dân Mỹ nói riêng và nhân dân toàn thế giới nói chung. Hình ảnh tướng Loan bắn một người tay bị trói, không có vũ khí mà không cần xét hỏi đã được các nhóm phản chiến tại Mỹ đưa ra khai thác triệt để trên các phương tiện truyền thông. Đối với người Mỹ, bức ảnh này như một “cú thoi vào bụng” về tính phi nghĩa, vô nhân đạo của cuộc chiến. Kể từ đó, các cuộc biểu tình chống chiến tranh Việt Nam tại Mỹ trở nên rầm rộ hơn bao giờ hết.

* Những lời lẽ hằn học, suy diễn, kích động

Ấy vậy nhưng trong suốt 50 năm qua, xuất phát từ những thiên kiến chủ quan, sự cay cú vì thất bại của Mỹ và chính quyền Sài Gòn cũng như những nhận thức lệch lạc, phiến diện “nhìn cây mà không thấy rừng” của không ít học giả, văn sĩ, trí thức đòi xét lại lịch sử, những kẻ hằn học, bất mãn chế độ đã rêu rao, viết bài, chia sẻ cái gọi là “những sai lầm” về cuộc chiến tranh “nồi da xáo thịt”, cho rằng Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân là chủ quan, nóng vội, khinh địch của Trung ương Đảng Cộng sản khi thế và lực của Mỹ, chính quyền Sài Gòn và đồng minh đang ở thế “thượng phong”; rằng việc mở chủ trương chiến lược Tổng tiến công Xuân Mậu Thân là cách “nướng quân cộng sản vào lò thiêu”.

Những kẻ tung ra luận điệu này còn cho rằng Cuộc tiến công Xuân Mậu Thân bắt nguồn từ “sự độc đoán của một số cá nhân”, đồng thời lu loa, tung tin thất thiệt gây chia rẽ khi cho rằng “giữa lúc cuộc chiến nổ ra ở miền Nam, hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đang hy sinh ngoài mặt trận thì miền Bắc vẫn vui tết như thường”. Chúng còn cho rằng “trong nội bộ Hà Nội đang có sự chia sẽ sâu sắc giữa phe chủ chiến và chủ hòa, những người chủ hòa đã bị vô hiệu hóa bằng cách “đi chữa bệnh, nghỉ mát ở nước ngoài”, mất vai trò lãnh đạo. Thậm chí có ý kiến nhận định một cách mơ hồ rằng sự kiện Mậu Thân 1968, nếu chúng ta chỉ dừng lại ở lần tiến công đầu tiên thì còn gây cho địch yếu tố bất ngờ, nhưng sang giai đoạn 2, giai đoạn 3 thì địch đã củng cố sức mạnh, từ chỗ phản công bị động đã chuyển sang thế chủ động tiến công quân ta làm cho ta tổn thất quá lớn.

Đã có không ít những nhân sĩ, trí thức với cái nhìn thiên kiến, “ghép vào mồm” những người có trọng trách khi phân tích cho rằng: “Sức mạnh chiến tranh của quân Mỹ, quân đồng minh ở Nam Việt Nam và quân đội Sài Gòn đang trên đỉnh cao với hơn nửa triệu quân Mỹ và quân đồng minh, gần một triệu quân Sài Gòn với máy bay chuyển quân bay rợp trời, xe tăng dàn trận bò kín đất đang chủ động mở những cuộc hành quân lớn đánh vào vùng đất quân giải phóng kiểm soát. Lúc đối phương lực đang còn mạnh và thế đang lên mà dốc vốn vào tổng công kích trận cuối cùng chỉ cháy túi, kiệt vốn, tự sát”; rằng “đánh vào tất cả thành phố, thị xã, trung tâm hành chính đông dân là nhằm vào người dân, mang chết chóc đến dân lành vô tội và đội quân ở rừng đánh vào thành phố đã phải chịu tổn thất nặng nề”; rằng “hai bên tham chiến đã thỏa thuận ngừng chiến dịp Tết Nguyên đán sao không để người dân được bình yên ăn tết?”.

Ý nghĩa lịch sử và giá trị trường tồn

Sự kiện lịch sử Xuân Mậu Thân 50 năm  trước thu hút sự quan tâm chú ý đặc biệt của giới nghiên cứu, học thuật, các nhà khoa học, của các chính khách lẫn người dân trong nước. Những cuộc mít tinh trọng thể, hội thảo lớn, gặp mặt nhân chứng lịch sử, triển lãm sự kiện Xuân Mậu Thân… đã khẳng định bước ngoặt lịch sử cách mạng trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta, mở ra thời kỳ đấu tranh mới tiến lên giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất Tổ quốc.

Chiến công lừng lẫy của chiến dịch Mậu Thân 1968 và cả những hy sinh to lớn của đồng bào, cán bộ, chiến sĩ miền Nam đã đi vào lịch sử, tạo nên một tượng đài bất tử, để lại cho thế hệ hôm nay và mai sau những bài học vô giá. Nếu không có Mậu Thân 1968 sẽ không có đàm phán và đi đến ký Hiệp định Paris tháng 1-1973 và tiến tới kết thúc chiến tranh ngày 30-4-1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ khi Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu thân 1968 kết thúc, nhưng dư âm của sự kiện vẫn còn vang vọng mãi...

Chính Tâm

Tin xem nhiều