Thời gian gần đây, thị trường bán lẻ xăng, dầu có nhiều biến động trong bối cảnh nguồn cung xăng, dầu diễn biến phức tạp. Giá xăng tiếp tục giảm lần thứ 6 liên tiếp, nhưng giá các loại dầu lại tăng mạnh. Điều này khiến cho hoạt động sản xuất, tiêu dùng, vận tải… "hồi hộp" trước những diễn biến khó lường của tình hình cung ứng xăng, dầu.
Thời gian gần đây, thị trường bán lẻ xăng, dầu có nhiều biến động trong bối cảnh nguồn cung xăng, dầu diễn biến phức tạp. Giá xăng tiếp tục giảm lần thứ 6 liên tiếp, nhưng giá các loại dầu lại tăng mạnh. Điều này khiến cho hoạt động sản xuất, tiêu dùng, vận tải… “hồi hộp” trước những diễn biến khó lường của tình hình cung ứng xăng, dầu.
Người dân đổ xăng tại một cửa hàng bán lẻ xăng, dầu trên đường Nguyễn Ái Quốc (TP.Biên Hòa). Ảnh: Hải Hà |
* Nhiều biến động
Những ngày vừa qua, tình hình cung ứng xăng, dầu đang diễn ra phức tạp, nhất là ở khu vực phía Nam. Trên địa bàn Đồng Nai đã có trường hợp một số cửa hàng xăng, dầu treo bảng tạm hết xăng hoặc dầu, tạm ngưng phục vụ vì nguồn cung từ các đầu mối chưa nhập hàng về kịp.
Theo Cục Quản lý thị trường Đồng Nai, từ ngày 30-8 đến ngày 7-9, qua kiểm tra, giám sát trên địa bàn tỉnh, mỗi ngày đều có trường hợp các cửa hàng tạm hết xăng, dầu hay chỉ bán xăng hoặc dầu… do nguồn cung từ đầu mối chưa về kịp. Đơn cử, trong ngày 6-9, có 5 trạm xăng, dầu tạm hết xăng dầu; 4 trạm tạm hết xăng, còn dầu và 1 trạm chỉ bán dầu vì tạm hết xăng. Ngày 7-9, theo báo cáo, có 2 trạm tạm hết xăng dầu; 3 trạm tạm hết xăng, chỉ còn dầu. Các trường hợp này đều đã báo về đơn vị đầu mối cung ứng để có phương án đảm bảo nguồn cung xăng, dầu kịp thời.
Trước những diễn biến phức tạp của thị trường xăng, dầu, từ cuối tháng 8-2022, Cục Quản lý thị trường Đồng Nai đã yêu cầu các đội quản lý thị trường trong tỉnh tiếp tục tăng cường công tác quản lý địa bàn, giám sát chặt chẽ các đơn vị kinh doanh xăng, dầu theo các loại hình trên địa bàn tỉnh để kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi găm hàng, tạo khan hiếm nguồn cung xăng, dầu, đặc biệt là sẽ giám sát 24/24…
Mới đây, báo chí thông tin có 5 doanh nghiệp (DN) bị phạt hành chính và tạm tước giấy phép kinh doanh xuất, nhập khẩu theo quyết định của Thanh tra Bộ Công thương. Điều này được dư luận quan tâm, nhất là khi tình hình cung ứng xăng, dầu, nhất là ở khu vực phía Nam có nhiều diễn biến phức tạp.
Liên quan đến vấn đề này, theo Cổng thông tin điện tử của Bộ Công thương, việc tước giấy phép sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung xăng, dầu cho thị trường khu vực phía Nam (địa bàn hoạt động chính của 5 DN bị tước giấy phép nói trên), khi 5 DN này đang cung ứng trung bình cho thị trường khoảng 160 ngàn m3 xăng, dầu các loại/tháng (chiếm khoảng 10% nhu cầu thị trường nội địa). Vì vậy, theo Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải, Ban Cán sự Đảng Bộ Công thương đã tổ chức họp và đưa ra hướng xử lý trước mắt là phạt hành chính tiền để thực hiện đúng theo biên bản thanh tra đối với 5 DN nói trên. Còn hình thức tước giấy phép trong một thời hạn thì vẫn áp dụng, nhưng áp dụng trong một thời điểm phù hợp…
* Từng bước ổn định nguồn cung ứng
Theo Sở Công thương, tính đến cuối tháng 8-2022, nguồn cung tại các hệ thống phân phối xăng, dầu trên địa bàn tỉnh vào khoảng hơn 6,9 ngàn m3 xăng, dầu các loại; trong đó, lượng xăng dự trữ/cung cấp đạt gần 2,9 ngàn m3, dầu đạt trên 4 ngàn m3.
Xe bồn chở xăng, dầu từ đơn vị đầu mối đã đến tiếp nhiên liệu cho một cửa hàng xăng, dầu trên đường Võ Thị Sáu (TP.Biên Hòa). Ảnh: Hải Hà |
Các thương nhân xuất - nhập khẩu, thương nhân phân phối xăng dầu trên địa bàn tỉnh đều đang nỗ lực tìm kiếm nguồn hàng từ các nhà máy, thương nhân đầu mối… nhằm đảm bảo đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, sản xuất, kinh doanh của người dân trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, toàn tỉnh có 2 kho xăng dầu gồm: Kho xăng dầu Phước Khánh và Kho xăng dầu tuyến sau Long Bình Tân thuộc Công ty CP Thương mại dầu khí Đồng Tháp. Nguồn nhập hàng từ nhập khẩu, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất và Nghi Sơn với địa bàn cung ứng chính là khu vực Đông Nam bộ và TP.HCM.
Theo thông tin từ Tổng công ty Tín Nghĩa, hiện tại Công ty CP Xăng dầu Tín Nghĩa (công ty con của Tổng công ty Tín Nghĩa) vẫn đang hoạt động bình thường. Công ty có mạng lưới bán lẻ xăng, dầu với gần 50 cửa hàng trên khắp các huyện, thành phố của Đồng Nai và các tỉnh lân cận. Sản lượng cung cấp ra thị trường trung bình đạt trên 500 ngàn lít/ngày. Hệ thống các cửa hàng hiện vẫn hoạt động bình thường, đảm bảo đủ các mặt hàng xăng, dầu cung cấp cho người tiêu dùng.
Tương tự, đại diện Công ty Xăng dầu Đồng Nai cho biết, công ty vẫn đang chủ động đảm bảo lượng xăng, dầu cung ứng cho hệ thống phân phối gồm 36 cửa hàng trực thuộc và các đại lý, thương nhân nhượng quyền của công ty trên địa bàn.
Về cửa hàng bán lẻ xăng dầu, toàn tỉnh có 415 cửa hàng bán lẻ xăng, dầu đã được Sở Công thương cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện bán lẻ xăng, dầu. Nguồn cung xăng, dầu vẫn từ các thương nhân phân phối và 2 kho xăng, dầu cơ bản đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, sản xuất, kinh doanh của người dân trên địa bàn tỉnh.
Ông Phan Nhật Tân, Trạm trưởng các trạm xăng dầu khu vực 1 thuộc Công ty CP Xăng dầu Tín Nghĩa cho biết hiện nay tình hình cung ứng, bán lẻ xăng, dầu có nhiều diễn biến phức tạp. Trong bối cảnh đó, các cửa hàng mà đơn vị đang quản lý như: Trạm xăng dầu Tân Tiến, Trạm xăng dầu Cầu Mới (đường Nguyễn Ái Quốc, TP.Biên Hòa)… vẫn đang nỗ lực duy trì, đảm bảo nguồn cung xăng, dầu phục vụ nhu cầu của người dân.
Tương tự, Phó giám đốc HTX Gò Me Võ Thị Phương Thảo, phụ trách mảng kinh doanh xăng, dầu tại Cửa hàng Xăng dầu Gò Me (đường Võ Thị Sáu, TP.Biên Hòa) chia sẻ, từ đầu năm đến nay, tình hình kinh doanh xăng, dầu gặp nhiều khó khăn, nhiều khi giá nhập hàng về còn cao hơn giá bán ra. Tuy nhiên, cửa hàng cố gắng duy trì hoạt động, khắc phục khó khăn, thậm chí chập nhận bù lỗ để đảm bảo hoạt động kinh doanh. Cửa hàng cam kết không ghim hàng, đảm bảo cung ứng xăng, dầu cho người dân trong điều kiện, khả năng cho phép.
Giá dầu lần đầu cao hơn giá xăng Từ trước đến nay, giá bán lẻ dầu diesel, dầu hỏa thấp hơn giá xăng vốn là điều khá quen thuộc. Tuy nhiên, trong kỳ điều chỉnh giá mới nhất của Liên bộ Công thương - Tài chính vào đầu tháng 9-2022, lần đầu tiên trong những năm qua, giá bán lẻ các loại dầu diesel, dầu hỏa lại cao hơn giá các loại xăng. Cụ thể, mức giá bán lẻ tối đa đối với xăng E5 RON92 là 23.350 đồng/lít và xăng RON95 là 24.230 đồng/lít. Trong khi đó, giá dầu diesel hiện ở mức tối đa 25.180 đồng/lít, dầu hỏa ở mức 25.440 đồng/lít. Lý giải về điều này, tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8-2022, lãnh đạo Bộ Công thương cho biết, tại thị trường thế giới, từ đầu năm 2022 đến nay, do tình hình xung đột giữa Nga - Ukraine nên nguồn cung khí đốt cho thị trường châu Âu và Mỹ giảm, nhu cầu với diesel và dầu hỏa tăng để thay thế cho khí đốt, dẫn đến giá dầu tăng cao. Ở trong nước, trong cơ cấu giá xăng, dầu, các mức thuế, chi phí định mức rất khác nhau giữa 2 loại xăng và dầu. Do đó, giá bản lẻ xăng trong nước từ trước đến nay vẫn cao hơn dầu. Tuy nhiên, từ kỳ điều chỉnh giá ngày 5-9, do giá xăng và dầu thế giới có sự chênh lệch lớn khi giá dầu cao hơn rất nhiều, dẫn đến giá bán lẻ dầu trong nước lần đầu tiên vượt giá xăng. Việc giá dầu cao hơn giá xăng sẽ tác động tới nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh, trong đó ngành vận tải là một trong những ngành chịu ảnh hưởng trực tiếp. Giám đốc Công ty TNHH Vận tải đường bộ Phú Cường A (TP.Biên Hòa) Nguyễn Xuân Cử cho biết, hiện công ty có khoảng 70 xe tải, hầu hết các phương tiện vận tải của công ty đều “chạy dầu”. Do đó, việc giá dầu tăng mạnh như trong thời gian qua sẽ tác động trực tiếp tới hoạt động kinh doanh vận tải, nhất là trong bối cảnh tình hình cung ứng xăng, dầu có nhiều diễn biến phức tạp trong thời gian qua. Hải Hà |
Lam Phương