Cùng với vị thế trung tâm của khu vực và cả nước về giao thông, các lĩnh vực kinh tế, Đồng Nai còn có lợi thế về thiên nhiên với nhiều địa danh nổi tiếng trong và ngoài nước như: Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai (Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai, Vườn quốc gia Cát Tiên); cảnh đẹp về hồ, thác… cần được khai thác có hiệu quả.
Cùng với vị thế trung tâm của khu vực và cả nước về giao thông, các lĩnh vực kinh tế, Đồng Nai còn có lợi thế về thiên nhiên với nhiều địa danh nổi tiếng trong và ngoài nước như: Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai (Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai, Vườn quốc gia Cát Tiên); cảnh đẹp về hồ, thác… cần được khai thác có hiệu quả.
Khách du lịch đến từ TP.HCM trải nghiệm sản phẩm du lịch nông thôn tại xã Phú Điền, H.Tân Phú. Ảnh: V.Gia |
Để khai thác hết những giá trị tiềm năng du lịch, Đồng Nai đã và đang triển khai mục tiêu phát triển du lịch thành ngành kinh tế quan trọng với các nghị quyết, kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam nói chung và du lịch Đồng Nai nói riêng…
* Phát triển các sản phẩm du lịch địa phương
Theo một số doanh nghiệp du lịch, lữ hành trong và ngoài tỉnh, từ đầu năm đến nay, du lịch Đồng Nai đã có sự khởi sắc trở lại. Một số sản phẩm du lịch thu hút khách du lịch thời gian qua là các sản phẩm về du lịch sinh thái rừng, hồ; du lịch nông nghiệp, nông thôn…
Phân khúc du lịch lữ hành cũng trên đà hồi phục khá mạnh với các tour, tuyến du lịch đưa du khách nội tỉnh đi tham quan tại các điểm đến khu vực miền Bắc, Trung và vùng Tây Nam bộ cũng như một số tỉnh, thành lân cận.
Giám đốc Công ty TNHH Du lịch trải nghiệm Trị An Adventure (H.Trảng Bom) Thân Văn Linh cho biết, là đơn vị chuyên tổ chức các chuyến khám phá, trải nghiệm rừng, các vùng nông thôn, công ty của anh đang ngày càng thu hút khách bởi những sản phẩm được làm mới theo đúng nhu cầu, xu hướng du lịch hiện nay của khách hàng. Phần lớn khách hàng là những khách cũ hoặc được bạn bè giới thiệu.
Theo kế hoạch phát triển du lịch Đồng Nai, năm 2022, Đồng Nai phấn đấu đón được 1,8 triệu lượt khách, tăng 60% so với năm 2021; trong đó, khách nội địa đạt khoảng 1,73 triệu lượt, khách quốc tế khoảng 70 ngàn lượt. Doanh thu dịch vụ du lịch đạt 970 tỷ đồng, tăng 80% so với năm 2021. Thời gian lưu trú trung bình của khách đạt 1,43 ngày trở lên. Chi tiêu bình quân lượt khách đạt 540 ngàn đồng/ngày/người trở lên. |
Anh Linh cho biết, sau các chuyến đi, tham khảo ý kiến khách hàng đều nhận được những phản hồi tốt. Nhờ đó, lượng khách hàng của công ty anh Linh ngày càng ổn định và tăng dần. Để giữ chân du khách, anh Linh vẫn luôn hăng say tìm kiếm những điểm tham quan lý tưởng để phục vụ du khách của mình.
Ông Lee Jeong Man, Trưởng Văn phòng Đại diện tỉnh Gyeongnam (Hàn Quốc) tại TP.HCM, trong chuyến khảo sát các điểm du lịch nổi tiếng của Đồng Nai mới đây đã nhận định, Đồng Nai nằm gần TP.HCM, trong khi đó, lâu nay đa số khách du lịch Hàn Quốc đến TP,HCM chỉ tham quan những điểm du lịch tại TP.HCM, xa hơn nữa thì đến thành phố biển Vũng Tàu… mà ít ghé Đồng Nai.
Theo ông Lee Jeong Man, Đồng Nai có tiềm năng phát triển mạnh về du lịch không kém gì các tỉnh khác, nếu hiểu rõ và tận dụng được các thế mạnh du lịch Đồng Nai theo xu hướng và sở thích của khách du lịch Hàn Quốc, đồng thời có sự chuẩn bị tốt các tour du lịch thú vị thì ông Lee Jeong Man tin rằng Đồng Nai có thể thu hút nhiều du khách đến từ Hàn Quốc.
* Du lịch theo hướng chất lượng cao
Với mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, là lĩnh vực đột phá, ngành Du lịch Đồng Nai đang tận dụng các thế mạnh để huy động các nguồn lực để tạo bước đột phá phát triển du lịch theo hướng chất lượng cao, đẳng cấp, có trọng tâm, trọng điểm; đặc biệt là du lịch sinh thái để tạo thương hiệu cho du lịch Đồng Nai.
Để đạt được những kết quả như mục tiêu đề ra, Đồng Nai đang có nhiều chính sách mở cửa, mời gọi và ưu đãi các nhà đầu tư, doanh nghiệp du lịch, lữ hành đưa du khách đến Đồng Nai, đồng thời tạo mọi điều kiện để nâng cao chất lượng phục vụ của ngành Du lịch đối với các sản phẩm du lịch trên địa bàn tỉnh, nhất là chất lượng dịch vụ tại các khu, điểm khai thác, kinh doanh du lịch nông nghiệp, nông thôn…
Phó giám đốc Sở VH-TTDL Nguyễn Thị Mộng Bình cho biết, với tốc độ tăng cường kinh tế luôn đạt mức cao và ổn định, Đồng Nai có nhiều cơ hội phát triển du lịch hơn nữa khi sở hữu những ưu đãi từ thiên nhiên với các danh lam thắng cảnh nổi tiếng.
Bà Bình cho biết thêm: “Thực tế trước thời điểm xảy ra dịch bệnh Covid-19, du lịch Đồng Nai từng thu hút rất nhiều du khách trong và ngoài nước. Do đó, để ngành Du lịch hồi phục, Đồng Nai vẫn luôn xác định đây là nhiệm vụ quan trọng của tỉnh, phấn đấu mục tiêu đến năm 2025 phải đón được 4,2 triệu du khách và đến năm 2030, Đồng Nai đón khoảng 9 triệu lượt khách. Sở VH-TTDL sẽ phối hợp cùng các cơ quan chức năng hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp nào thực hiện triển khai các dự án đầu tư du lịch vào Đồng Nai”.
Ngọc Liên