Báo Đồng Nai điện tử
En

Đưa cây sachi về đất Đồng Nai

07:08, 02/08/2022

Sau chuyến đi tìm hiểu thực tế tại tỉnh Hòa Bình, chị Nguyễn Lê Huyền (ngụ xã Thanh Bình, H.Trảng Bom) quyết định đưa cây sachi về Đồng Nai trồng.

Sau chuyến đi tìm hiểu thực tế tại tỉnh Hòa Bình, chị Nguyễn Lê Huyền (ngụ xã Thanh Bình, H.Trảng Bom) quyết định đưa cây sachi về Đồng Nai trồng. Ban đầu, chị hợp tác với một công ty có trụ sở tại TP.Hà Nội để bán hạt sachi, nhưng rồi càng làm càng mê, chị Huyền thành lập cơ sở chế biến các sản phẩm: hạt rang sấy, trà túi lọc và đặc biệt là tinh dầu sachi.

Nông dân H.Trảng Bom trồng cây sachi
Nông dân H.Trảng Bom trồng cây sachi. Ảnh: H.Lộc

Hiện tại, chị Huyền hợp tác với nhiều nông dân trong và ngoài tỉnh mở rộng vùng nguyên liệu phục vụ cho chế biến.

* Nhiều thách thức với loài cây ngoại quốc

Chị Huyền là kỹ sư nông nghiệp, một lần xem truyền hình thấy giới thiệu về giá trị kinh tế, dinh dưỡng của cây sachi, chị quyết định cùng chồng ra miền Bắc tìm hiểu thực tế.

Năm 2017, chị Huyền ký hợp đồng với công ty chuyên cung cấp giống và thu mua hạt sachi có trụ sở tại TP.Hà Nội. Chị trồng thử nghiệm thành công rồi vận động thêm các hộ dân cùng trồng cây sachi bán hạt cho mình. 2 năm sau, diện tích cây sachi ở xã Thanh Bình đạt 5ha và Tổ hợp tác Sachi Thanh Bình được thành lập.

Thế nhưng, biến cố xảy ra, thời điểm hạt sachi thu hoạch rộ, chị Huyền liên lạc với công ty bán sản phẩm thì không được. “Không hiểu vì sản phẩm của mình ít quá hay có trục trặc vấn đề gì, tôi liên hệ nhiều lần không được. Thời điểm đó, hạt sachi tươi cũng chưa phổ biến nên ít ai mua” - chị Huyền nhớ lại.

Phó chủ tịch UBND H.Trảng Bom LÊ NGỌC TIÊN cho rằng, mô hình trồng và chế biến sachi là mô hình phát triển kinh tế mới. Năm 2022, huyện chọn mô hình này hỗ trợ làm hồ sơ được công nhận sản phẩm OCOP nhằm phát triển thương hiệu và tạo điều kiện thuận lợi về đầu ra. Qua đó, giúp giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho nông dân và từng bước đa dạng hóa cây trồng hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn.

Chị lên mạng tìm hiểu quy trình chế biến hạt sachi rồi đặt thợ làm máy tách hạt, máy rang sấy, đóng gói và mở xưởng chế biến sản phẩm ngay tại xã Thanh Bình. Sau vài lần thất bại, chị Huyền cũng có những mẻ sachi rang muối đầu tiên. Sản phẩm vừa nhen nhóm thì thách thức lại đến, đó là cây chuối già Nam Mỹ có giá trở lại, nhiều hộ bỏ sachi để trồng chuối. Chị một lần nữa đi vận động bà con trồng sachi. Lần này, chị hợp đồng trực tiếp với nông dân, chị cung ứng hạt giống, hướng dẫn kỹ thuật, đồng thời hợp tác với đơn vị cung ứng phân bón để nông dân có được sản phẩm đầu vào tốt. Chị bao tiêu đầu ra với giá tối thiểu 40 ngàn đồng/kg hạt sachi.

“Cây sachi thuộc loại dây leo, dễ trồng và dễ sống trong điều kiện không bị ngập nước. Có thể trồng xen canh cây trong vườn cây ăn quả. Khoảng 8 tháng cây cho thu hoạch, sang năm thứ 3 năng suất đạt khoảng 4 tấn/ha/năm và năm thứ 5 đạt 6 tấn/ha/năm. Cây ra hoa tạo quả quanh năm, chăm sóc tốt cây có thể cho thu hoạch trong khoảng 20 năm. So với cây chuối lúc giá tốt thì hiệu quả kinh tế không bằng, nhưng so với cây ăn quả và cây công nghiệp lâu năm thì hơn hẳn” - chị Huyền phân tích.

Sau nhiều khó khăn do doanh nghiệp từ chối thu mua hạt, người dân bỏ cây sachi, dịch bệnh tác động đến sản xuất và kinh doanh, giờ đây chị Huyền có một cơ sở chế biến, một công ty phân phối và hợp tác với nhiều nông dân ở H.Định Quán, H.Vĩnh Cửu và H.Đạ Tẻh (tỉnh Lâm Đồng) phát triển vùng nguyên liệu 25ha phục vụ cho chế biến sâu.

* Ưu tiên dòng dược phẩm sachi

Theo chị Huyền, từ khi theo loại cây này, vợ chồng chị tự thân vận động là chính. Chị là kỹ sư nông nghiệp nên phụ trách trồng cây, làm giống, thu hoạch và bảo quản. Chồng tốt nghiệp chuyên ngành công nghệ sinh học nên phụ trách các khâu nghiên cứu, thử nghiệm, kiểm định sản phẩm. Quá trình làm, 2 vợ chồng thường xuyên kết nối với các giảng viên, chuyên gia trong lĩnh vực chế biến nông sản để được hướng dẫn các bước.

Sachi là loại cây công nghiệp, dược liệu có nguồn gốc từ vùng Amazon. Loại cây này được đưa về Việt Nam trồng khảo nghiệm năm 2012 và đến năm 2019 được Bộ NN-PTNT công nhận là giống cây dược liệu mới tại Việt Nam. Cây sachi sử dụng được lá, rễ, hạt.

Thời điểm đưa sản phẩm hạt sachi ra thị trường tiêu thụ cũng là lúc dịch bệnh Covid-19 bùng phát, nhưng nhờ kênh bán hàng online và chuỗi cửa hàng tiện lợi 24 giờ có tín hiệu tích cực đã đem lại doanh thu và góp phần giải bài toán về vốn cho cơ sở.

Hiện ngoài hạt sachi rang sấy, chị Huyền còn tận dụng ngọn cây sachi làm rau ăn hằng ngày, lá trong quá trình tỉa cành làm trà túi lọc, ép hạt sachi tạo dầu. “Sachi được mệnh danh là “vua của các loại hạt” vì hàm lượng Omega 3-6-9 tự nhiên chưa loại hạt nào sánh bằng. Do đó, tương lai tôi sẽ chuyên sâu vào dòng sản phẩm dầu sachi. Tôi đã tìm hiểu, chai dầu sachi 250ml dành cho trẻ em được cái siêu thị nhập khẩu về bán ra giá 580 ngàn đồng, tôi tự ép giá thành chỉ khoảng 200-220 ngàn đồng” - chị Huyền chia sẻ.

Sản phẩm của Cơ sở Sản xuất sachi Thanh Bình (ảnh nhỏ)
Sản phẩm của Cơ sở Sản xuất sachi Thanh Bình

Kế hoạch trong năm 2022, chị Huyền sẽ hoàn thiện hồ sơ sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu 4 sao (OCOP - chương trình Mỗi xã một sản phẩm) với 2 sản phẩm hạt sachi rang sấy và dầu sachi để đưa sản phẩm đến các siêu thị lớn. Tiếp tục hợp tác với công ty chế biến nông sản để làm ra các sản phẩm sachi phủ chocolate, sachi phủ mát-cha. Từng bước mở rộng quy mô sản xuất, xây dựng vùng nguyên liệu và vận động người dân tham gia sản xuất, ký kết bao tiêu sản phẩm.

Chị Huyền cho biết, năm qua chị có một đối tác nước ngoài đặt hàng hạt sachi thô, một công ty dược phẩm trong nước đặt hàng dầu sachi để chế biến viên tinh dầu nhưng chị chưa nhận lời mà còn chờ vùng nguyên liệu. Tương lai chị muốn đẩy mạnh dòng sản phẩm dầu sachi vì sản phẩm rất tốt cho em bé, người lớn tuổi và người mắc bệnh tim mạch. Chị tiếp tục nghiên cứu, tận dụng thân và rễ cây sachi để chế biến nhiều loại thực phẩm, mỹ phẩm, dược phẩm khác nhau.

Hoàng Lộc

Tin xem nhiều