Báo Đồng Nai điện tử
En

Doanh nghiệp nhỏ và vừa lo khó phục hồi sau dịch

02:10, 02/10/2021

Phục hồi kinh tế sau thời gian chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 đang trở thành nhiệm vụ cấp bách. Cùng với các kế hoạch của cả nước và mỗi địa phương, các doanh nghiệp (DN) tùy từng mức độ khác nhau đang nỗ lực khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Phục hồi kinh tế sau thời gian chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 đang trở thành nhiệm vụ cấp bách. Cùng với các kế hoạch của cả nước và mỗi địa phương, các doanh nghiệp (DN) tùy từng mức độ khác nhau đang nỗ lực khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang rất mong nhận được sự hỗ trợ để phục hồi sản xuất (ảnh minh họa)
Các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang rất mong nhận được sự hỗ trợ để phục hồi sản xuất (ảnh minh họa)

Trong bối cảnh căng sức chống chịu thời gian dài trước đại dịch, các DN, nhất là DN nhỏ và vừa, lo lắng khó có thể sớm hồi phục như cũ.

* Cố gắng cầm cự để giữ khách hàng

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 căng thẳng, cộng đồng DN, đặc biệt là DN nhỏ và vừa, gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều DN phải ngừng hoạt động hoặc thu hẹp sản xuất, chi phí duy trì sản xuất tăng cao do thực hiện phòng, chống dịch như xét nghiệm 3 ngày/lần, lo ăn ở cho người lao động khi thực hiện “3 tại chỗ” tại nhà máy…, khiến nhiều đơn vị hoàn toàn không có lợi nhuận, thậm chí thua lỗ.

Tại Công ty TNHH MTV Tường Gia Thịnh Phát (TP.Biên Hòa), chuyên vận chuyển khách bằng xe chất lượng cao các tuyến Biên Hòa đi Vũng Tàu, sân bay Tân Sơn Nhất, các tỉnh Tây Nguyên và Phan Thiết…, hơn 1 năm nay hoạt động kinh doanh cầm chừng.

DN này thiên về vận chuyển khách du lịch và đưa đón khách đi sân bay, khi dịch bệnh bùng phát, nhu cầu đi du lịch và sân bay của người dân giảm sút. Bên cạnh đó, những đợt giãn cách xã hội hạn chế đi lại cũng khiến doanh thu của đơn vị sụt giảm nghiêm trọng.

Ông Hà Văn Thịnh, Giám đốc công ty chia sẻ: “Hàng chục đầu xe chở khách không hoạt động. Để có doanh thu và việc làm cho người lao động khi nhu cầu du lịch giảm do dịch bệnh, công ty đã mở rộng các hoạt động khác như dịch vụ taxi tải, đa dạng hóa vận chuyển hỗ trợ nhu cầu của người dân như: vận chuyển hàng hóa; chuyển nhà, phòng trọ, văn phòng, kho xưởng. Công ty cũng nhập những mặt hàng liên quan đến chống dịch như phục vụ “3 tại chỗ”, kit test nhanh SARS-CoV-2, đồ bảo hộ… Hoạt động cầm chừng để có thể giữ thương hiệu DN trước nguy cơ phá sản và chờ cơ hội hồi phục, nhưng vẫn rất khó khăn”.

Tương tự, một DN về lĩnh vực cơ khí, cung ứng cho ngành sản xuất, chế biến gỗ ở P.Trảng Dài (TP.Biên Hòa) cũng đang hoạt động cầm chừng. Chủ DN này tạm thời cho một số nhân viên sản xuất 3 ca nhưng đây là việc chẳng đặng đừng vì nếu không làm việc, không có hàng giao cho khách sẽ mất đơn hàng. Dù cho chi phí tăng cao, lợi nhuận thậm chí không có, DN vẫn phải hoạt động để giữ chân khách.

* Lo khó phục hồi sản xuất

Theo số liệu của Cục Thống kê Đồng Nai, đến giữa tháng 9-2021, trong khi số lượng DN thành lập mới trên địa bàn tỉnh là hơn 2,1 ngàn thì cũng có tới hơn 1,1 ngàn DN, chi nhánh đã giải thể, tạm ngưng kinh doanh hoặc đang chờ giải thể. Những con số thể hiện mức độ khó khăn rất lớn, đó là chưa kể nhiều DN tuy vẫn duy trì hoạt động nhưng thực sự đang khó nhiều bề.

Ông Trần Minh Dũng, Giám đốc Công ty TNHH MTV May mặc Nhật Long Anh cho biết, hoạt động của DN đã hẹp hết mức có thể. Nhiều tháng nay, khi hoạt động sản xuất coi như tạm ngưng, ông đã cùng nhiều anh em là chủ các DN nhỏ và vừa khác tham gia các đợt thiện nguyện, cứu trợ cho các hoàn cảnh khó khăn vì dịch bệnh. Công ty chuẩn bị cho việc tái sản xuất nhưng theo ông Dũng, trong ngắn hạn, nỗi lo lắng của ông cũng như các DN nhỏ và vừa khác là rất lớn.

Chủ một DN ngành kim khí trong Khu công nghiệp Biên Hòa 1 cho hay, khó khăn lớn là về vấn đề trả lãi suất ngân hàng do vốn đầu tư đều là nguồn vốn vay để phục vụ cho sản xuất. Việc nguồn nguyên liệu tăng cũng làm đội vốn đầu tư và giá thành sản phẩm cao, khách hàng không thể tiếp tục ký hợp đồng khiến cho doanh thu giảm rất nhiều. Bên cạnh đó, DN vẫn cam kết thực hiện việc chăm lo đời sống của người lao động thực hiện “3 tại chỗ”, ảnh hưởng đến quỹ lương và hỗ trợ cho người lao động khi hầu như không phát sinh lợi nhuận.

Khảo sát tại một số DN nhỏ và vừa khác cũng cho thấy, họ đang nỗ lực để phục hồi sản xuất nhưng đang rất cần sự hỗ trợ từ Nhà nước, các ngành chức năng. Theo đó, DN đang đối mặt với việc phải trả lãi suất vay tại ngân hàng theo định kỳ, ảnh hưởng đến tâm lý sản xuất. DN mong muốn được hỗ trợ miễn, giảm lãi suất vốn vay, giãn nợ, cơ cấu lại thời gian trả nợ nhiều hơn để có kế hoạch khôi phục sản xuất cho thời gian tới.

Một khó khăn nữa là việc cân đối đồng vốn trong giai đoạn này của nhiều DN khi thị phần bị giảm mạnh do các đối tác kinh doanh cũng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, doanh thu sụt giảm. Các DN cho hay, đối với họ, đồng vốn được ví như máu trong cơ thể và nếu tình trạng kéo dài và trầm trọng thì sẽ ảnh hưởng đến sức sống của DN. Nhiều DN mong muốn có thêm trợ lực từ nhiều phía, Nhà nước có thêm những giải pháp cấp thiết để hỗ trợ DN vượt khó phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Văn Gia

 

Tin xem nhiều